5 CHIẾN THUẬT GIẢNG DẠY ĐỐI VỚI LỚP ĐÔNG HỌC SINH

ITIT
Tháng một 15, 2019 - 08:36
Tháng tư 22, 2024 - 10:27
 0  13
5 CHIẾN THUẬT GIẢNG DẠY ĐỐI VỚI LỚP ĐÔNG HỌC SINH

Làm sao để giảng dạy trong các lớp có quá đông học sinh

Mặc dù các lớp học với đông học sinh có thể khiến việc quản lý lớp học và kỷ luật trở nên khó khăn, nhưng bạn cũng có những lợi thế để thực hiện nhiều hoạt động thú vị mà các lớp học quy mô nhỏ không làm được.

Tùy thuộc vào lớp học mà bạn được phân công giảng dạy, có khi bạn phải làm việc cùng lúc với 30 – 40 học sinh. Có những nơi, giáo viên phải dạy trong một lớp học với khoảng 50 – 70 học sinh và chỉ có một trợ giảng. Đây thực sự là một khó khăn, thách thức lớn. Dưới đây là một số chiến lược bạn có thể sử dụng trong các giai đoạn khác nhau của bài học để khuyến khích học sinh tham gia, tận dụng tối đa thời gian dành cho học sinh.

  1. Luôn có các hoạt động khởi động bắt đầu giờ học

Lập kế hoạch cho các hoạt động khuyến khích học sinh tích cực, chủ động trả lời, làm việc theo nhóm hoặc tham gia vào bài học. Điều quan trọng nhất là khiến học sinh phải tư duy và làm việc. Nếu đó là một lớp học kém, học sinh đặc biệt chậm chạp, hãy lên kế hoạch để học sinh rời khỏi ghế và di chuyển xung quanh lớp học. Các hoạt động với nhịp độ nhanh sẽ tăng thời gian làm việc của học sinh  và thu hút nhiều học sinh hơn.

  1. Hướng dẫn đi kèm với nhiệm vụ

Lời hướng dẫn của bạn không nên là thời gian để học sinh thụ động đón nhận thông tin. Đây là thời gian để cung cấp cho học sinh những thông tin cần thiết giúp cho việc hoàn thành các hoạt động sau này trong lớp. Hãy cùng lúc giúp học sinh khai thác thông tin như các chỉ dẫn, từ khóa, hoặc yêu cầu học sinh nhắc lại những gì chúng đã học, cũng đôi lúc bạn cần gọi một học sinh trả lời câu hỏi… Cách làm này sẽ giúp học sinh duy trì được sự tập trung đồng thời là sự chuẩn bị sẵn sàng cho bài học.

  1. Hoạt động thực hành trên quy mô toàn lớp học

Hoạt động thực hành đầu tiên nên được thực hiện trên quy mô toàn lớp học để học sinh có ý tưởng chung nhất về mục tiêu của hoạt động, những đồ dung học tập cần chuẩn bị và nghe giáo viên hướng dẫn một cách trực quan, chính xác. Các hoạt động thực hành sau đó có thể được thực hiện cá nhân, theo cặp hoặc theo nhóm. Một thách thức đối với giáo viên là việc kiểm soát quá trình làm việc độc lập của học sinh. Giáo viên không thể phân thân để hỗ trợ tất cả các nhóm. Vì vậy hãy đi bộ quanh lớp học trong suốt thời gian học sinh thực hành để đảm bảo rằng học sinh đang tham gia vào hoạt động, trả lời các câu hỏi và sửa chữa những sai lầm mà giáo viên đã chỉ ra. Sau khi học sinh hoàn thành nhiệm vụ cũng là lúc giáo viên bắt đầu các hoạt động kiểm tra mức độ nhận thức, như gọi những học sinh ít phát biểu, học sinh trầm, nhút nhát… Thông thường, những học sinh này thường không cảm thấy tự tin về câu trả lời và cần có thêm trợ giúp từ phía giáo viên.

  1. Giai đoạn tạo sản phẩm: Khuyến khích làm việc theo cặp đôi và làm việc theo nhóm

Làm việc theo cặp và nhóm rất tốt cho các hoạt động vận dụng, tạo sản phẩm (trừ khi giáo viên muốn học sinh thực hiện các hoạt động viết, trong trường hợp đó, có thể cho học sinh làm việc cá nhân). Điều quan trọng là khi học sinh làm việc với nhau chúng có thể tương tác, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, trong khi giáo viên phải hỗ trợ với các nhóm khác. Cũng giống như với các hoạt động thực hành ở trên, hãy để học sinh trình bày sản phẩm trước lớp. Điều này mang đến cho giáo viên cơ hội đưa ra phản hồi cá nhân và cho phép học sinh nhận ra chúng đã làm tốt và không tốt ở những điểm nào. Giáo viên cần khuyến khích học sinh đặt câu hỏi về bất cứ điều gì chúng không chắc chắn. Thông thường học sinh cảm thấy ngại khi đặt câu hỏi nhưng bằng cách tạo ra một môi trường học tập cởi mở, thân thiện và mang tính xây dựng, bạn sẽ đi một chặng đường dài để giúp học sinh cảm thấy thoải mái.

  1. Hoạt động củng cố hấp dẫn, thú vị

Hoạt động củng cố cuối giờ cũng giống như hoạt động khởi động. Nó cần phải hấp dẫn học sinh, tiến hành với nhịp độ nhanh để giúp giáo viên kết thúc lớp học trong không khí tích cực và giúp học sinh ôn lại được những điều chúng đã học. Ở đây bạn nên gọi những học sinh chưa lên tiếng trong suốt phần còn lại của bài học để xem chúng có theo dõi không. Đây là thời gian lí tưởng để đánh giá phương pháp học sinh tư duy và làm việc và kiểm chứng lại mục tiêu bài học vào đầu giờ.

Mặc dù các lớp học với đông học sinh có thể khiến việc quản lý lớp học và kỷ luật trở nên khó khăn, nhưng bạn cũng có những lợi thế để thực hiện nhiều hoạt động thú vị mà các lớp học quy mô nhỏ không làm được.

Bạn đã áp dụng những chiến thuật nào khi dạy học các lớp học có đông học sinh? Kinh nghiệm của bạn là gì, hãy chia sẻ cùng chúng tôi trong phần bình luận bên dưới!

ANDREI ZAKHAREUSKI

Táo Giáo Dục dịch