9 HOẠT ĐỘNG NHÓM THÚ VỊ LÔI CUỐN SỰ THAM GIA CỦA HỌC SINH – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

9 HOẠT ĐỘNG NHÓM THÚ VỊ LÔI CUỐN SỰ THAM GIA CỦA HỌC SINH – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

ITIT
Tháng 11 15, 2020 - 20:37
Tháng tư 13, 2024 - 16:06
 0  165
9 HOẠT ĐỘNG NHÓM THÚ VỊ LÔI CUỐN SỰ THAM GIA CỦA HỌC SINH – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

Sự thiếu tương tác giữa học sinh với học sinh, học sinh với giáo viên trong lớp học khiến học sinh cảm thấy nhàm chán và mất động lực học tập. Chính vì thế, các giáo viên hiệu quả luôn tạo ra những hoạt động nhóm thú vị để tạo nên sự hứng thú và lôi cuốn sự tham gia tích cực của học sinh trong lớp học.

Dưới đây là 9 hoạt động nhóm thú vị giáo viên có thể tổ chức cho học sinh

  1. Nhiệm vụ đóng kịch

Các vở kịch khiến học sinh không còn cảm giác nhàm chán. Chúng phải hợp tác, giao tiếp, lên ý tưởng và cùng biểu diễn. Hoạt động đóng kịch cũng khiến học sinh có những trải nghiệm mới về các nội dung học tập. Vậy tại sao bạn không mang hoạt động này đến với lớp học?

Cho dù bạn đang giảng dạy môn vật lý, kinh doanh hay văn học, đều có những cách để có thể biến các nội dung trong môn học thành một vở kịch.

Trước hết, hãy chia học sinh thành các nhóm nhỏ. Sau đó, yêu cầu chúng cùng nhau xây dựng kịch bản dựa trên chủ đề đã học và thể hiện kịch bản đó bằng hành động.

Ví dụ, nếu bạn đã cùng học sinh thảo luận về hệ mặt trời, hãy yêu cầu học sinh đóng vai thành các hành tinh và tạo ra một câu chuyện xung quanh các nhân vật đó. Học sinh có thể nghĩ ra các nhân vật với những tích cách đặc trưng như “Mặt trời luôn nóng giận”, “Mặt trăng trầm tĩnh” và “Trái đất hạnh phúc”…

Tương tự, nếu bạn dạy môn Văn, hãy yêu cầu học sinh thể hiện một câu chuyện hoặc một tác phẩm văn học thành một vở kịch.

Đóng kịch thực sự là một hoạt động nhóm thú vị đối với tất cả học sinh khi chúng được tham gia bằng tất cả các giác quan, từ đó việc ghi nhớ nội dung bài học trở nên dễ dàng hơn.

  1. Xây tháp

Hoạt động này khá hiệu quả trong việc dạy học sinh cách giao tiếp và tôn trọng cũng như sự cạnh tranh lành mạnh.

Giáo viên sẽ chia học sinh thành các nhóm với số lượng thành viên bằng nhau. Các nhóm sẽ cùng nhau xây dựng một tòa tháp bằng giấy. Nhóm nào xây được tòa tháp cao nhất sẽ giành được phần thưởng. Trong quá trình hoạt động, giáo viên yêu cầu học sinh nói nhỏ, kiểm soát tiếng ồn để không làm gián đoạn các nhóm khác và lớp khác.

Hoạt động nhóm này sẽ thúc đẩy sự sáng tạo ở học sinh và cho phép chúng đối mặt với khó khăn chung và sử dụng trí tuệ tập thể để giải quyết vấn đề.

  1. Thử thách câu đố

Bạn có thể biến các nội dung trong bài học thành câu đố và tạo các câu đố vui, yêu cầu học sinh làm việc nhóm để giải.

Giáo viên có thể tạo 5 đến 10 câu đố và chia mỗi câu đố thành 10 gợi ý, các gợi ý này được viết trên các mảnh giấy. Sau đó, giáo viên trộn tất cả các gợi ý trong một chiếc hộp và cho phép học sinh chọn ngẫu nhiên các gợi ý.

Sau đó, mỗi học sinh phải tìm kiếm những gợi ý của các bạn để tìm ra tất cả các manh mối có liên quan đến nhau.

Bằng cách này, học sinh sẽ phải làm việc và tìm kiếm để xây dựng nhóm của riêng mình.

Khi tất cả học sinh đã tạo được nhóm, các em có thể giải câu đố của mình bằng cách tìm ra ý nghĩa đằng sau mỗi manh mối.

Hoạt động khiến cho học sinh có cảm giác như trò chơi truy tìm kho báu và có sự bí ẩn. Nó thu hút tất cả học sinh tham gia trong hoạt động nhóm.

  1. Vấn đề của bạn là gì?

Học sinh thường hay kêu ca, phàn nàn về nhiệm vụ học tập và những yêu cầu khắt khe của giáo viên.

Bạn có thể sử dụng đặc điểm này để tạo nên các hoạt động nhóm thú vị mang tên: “Vấn đề của bạn là gì?”

Giáo viên sẽ hỏi học sinh, “Vấn đề của bạn liên quan đến …….?”. Sau đó, học sinh nói vấn đề của mình liên quan đến bài tập hoặc một điều gì đó.

Bây giờ, học sinh bên cạnh phải đưa ra giải pháp cho vấn đề của bạn mình. Sau đó, học sinh này tiếp tục đưa ra vấn đề của bản thân. Chu kỳ tiếp tục diễn ra cho đến khi tất cả các học sinh đều nhận được câu trả lời.

Hoạt động này tạo ra tư duy phản biện, khả năng giải quyết vấn đề và khả năng đánh giá quan điểm của người khác.

  1. Tìm ra sai lầm

Một hoạt động khác mà mọi học sinh đều thích là tìm ra những sai lầm trong những gì giáo viên nói. Giáo viên sẽ cố tình mắc lỗi và cho phép học sinh cùng tìm ra những lỗi đó.

Trước khi bắt đầu buổi học giáo viên sẽ nó rằng, học sinh sẽ làm việc theo nhóm và có nhiệm vụ nhận ra lỗi sai của giáo viên.

Ví dụ, bạn có thể thay đổi “Chiến tranh thế giới thứ nhất” bằng “Chiến tranh thế giới thứ II”, hoặc đưa ra thông tin sai về năm tháng diễn ra sự kiện, thay đổi tên của các hành tinh hay các đại lượng trong một bài toán…

Hoạt động này là một cách thú vị để ôn tập củng cố kiến thức cũng như thúc đẩy học sinh tương tác, làm việc nhóm để chỉ ra những điểm sai lầm và chỉnh sửa.

  1. Phân chia nhiệm vụ

Nếu một học sinh phải làm toàn bộ bài tập, dường như đó sẽ là một gánh nặng, tại sao bạn không đưa ra phương khác?

Hãy chia bài tập thành các phần, giao cho các học sinh trong nhóm và cùng tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh.

Đối với hoạt động này, bạn sẽ phải chia học sinh thành các nhóm. Sau đó, chia bài tập thành các phần và gắn nó với nhiệm vụ của từng thành viên trong nhóm. Mỗi nhóm phải làm việc tập thể để giải quyết vấn đề được giao.

Sau khi hoàn thành xong, học sinh sẽ trình bày sản phẩm của nhóm. Giáo viên sẽ không chỉ đánh giá chất lượng của sản phẩm mà còn đánh giá sự phối hợp nhịp nhàng giữa các thành viên trong nhóm.

Giáo viên có thể sử dụng phương pháp này cho các bài tập trong môn tin học, viết tiểu luận, sáng tác các poster và các nhiệm vụ học tập khác,…

  1. Phản hồi mang tính xây dựng

Việc góp ý, nhận xét và phản hồi mang tính xây dựng là một hoạt động khá hiệu quả trong quá trình dạy học.

Giáo viên sẽ lớp học thành các nhóm và mỗi nhóm sẽ phải đánh giá một bài viết, một giả thuyết, một câu hỏi, hoặc bất kỳ sản phẩm học tập nào mà giáo viên cung cấp.

Sau một khoảng thời gian nhất định, mỗi nhóm trình bày ý tưởng và suy nghĩ của mình. Tất cả các nhóm khác có thể ghi chú lại, bao gồm cả việc nêu ra những sai lầm trong ý tưởng đã trình bày và đồng thời đưa ra giải pháp.

Bài tập này sẽ giúp học sinh phát triển tư duy phản biện và giải quyết vấn đề. Học sinh cũng sẽ học cách nhận ra sai lầm của bạn mình và đưa ra các phản hồi mang tính xây dựng.

  1. Câu trả lời ngắn gọn

Đây là một trò chơi hợp tác mà bạn có thể chơi với học sinh trong lớp học. Trong trò chơi này, giáo viên cung cấp một số lượng từ/thuật ngữ giới hạn cho mỗi học sinh. Ví dụ, bạn có thể yêu cầu mỗi học sinh chỉ được nói tối đa 20 từ.

Chia học sinh thành các nhóm từ 3 đến 4. Sau đó, giáo viên đặt câu hỏi và học sinh phải trả lời.

Học sinh trong nhóm thảo luận về câu trả lời cùng với nha và phải điều chỉnh, cắt gọt để câu trả lời chỉ được có 20 từ.

Bằng cách này, học sinh sẽ hợp tác, tập trung trong việc đưa ra câu trả lời, đếm số lượng từ và điều chỉnh để có câu trả lời tốt nhất.

  1. Trò chơi đoán thuật ngữ

Chia học sinh thành 2 nhóm, xếp thành hai hàng dọc, hướng lên bảng. Một thành viên của nhóm số 1, bước lên phía trước. Một thành viên của nhóm 2 sẽ bốc một từ khóa bất kì từ chiếc hộp do giáo viên chuẩn bị. Học sinh của nhóm 2 sẽ nói thầm vào tai của bạn nhóm 1 một từ hoặc cụm từ liên quan đến bài học.

Học sinh nhóm 1 phải giải thích bằng hành động (mà không nói bất cứ điều gì) để các thành viên còn lại nhóm phải đoán đúng cụm từ hoặc từ đó.

Mỗi lần đoán đúng sẽ được tính 1 điểm.

Cứ lần lượt như vậy cho đến khi, các thành viên trong nhóm đều được giải thích thuật ngữ cho các bạn của mình.

Giáo viên cũng có thể làm cho nó thú vị hơn bằng cách trộn các từ trong nhiều bài học hoặc nhiều chủ đề với nhau. Điều này sẽ khiến học sinh khó đoán và dễ bị nhầm lẫn hơn.

Trên đây là một số hoạt động nhóm dành cho học sinh trong lớp học, nó chắc chắn sẽ khiến giờ học trở nên hấp dẫn, thú vị và lôi cuốn sự tham gia của học sinh nhiều hơn. Trong quá trình áp dụng, các thầy cô cũng có thể điều chỉnh để hoạt động phù hợp hơn với không gian lớp học và đối tượng học sinh của mình.

Các thầy cô có thể tham khảo thêm các hoạt động dạy học thú vị trong bộ tài liệu:

1. HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC – Ý TƯỞNG VÀ CÔNG CỤ

2. HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC – LÝ THUYẾT ĐẾN CÁC BƯỚC THỰC HIỆN

Táo Giáo Dục