Lá thư mà tổng thống Mỹ Abraham Lincoln gửi thầy hiệu trưởng ngôi trường nơi con trai ông theo học 200 năm trước gặp nhiều nghi vấn, rằng lá thư không phải của Lincoln vì không nằm trong tập hợp các tác phẩm của ông. Sở dĩ nhiều người tin rằng đây là lá thư của Tổng thống bởi vì cuối lá thư có đề tên tác giả là Lincoln.
Dù thế lá thư này vẫn thường được đọc vang lên tại lễ khai giảng ở các trường nói tiếng Anh, nhiều giáo viên và phụ huynh xem lá thư này là chuẩn mực nhằm giáo dục cho học sinh và con em mình.
Sau đây là nội dung lá thư theo bản dịch của Nguyễn Tất Thịnh:
“Gửi thầy hiệu trưởng nhân ngày đưa con đến trường”
“Thưa Thầy, Con tôi sẽ phải học tất cả những điều này – rằng không phải luôn có sự công bằng và tất cả mọi người đều chân thật. Nhưng xin Thầy hãy dạy cho cháu biết : cứ mỗi kẻ vô lại ta gặp trên đường phố thì ở đâu đó sẽ có một con người chính trực – Cứ mỗi chính trị gia ích kỉ ta sẽ có một nhà lãnh đạo tận tâm – Cứ mỗi kẻ ghét bỏ ta thì sẽ có một người ta có thể kết thành bạn.
Bài học này sẽ mất nhiều thời gian, tôi biết, nhưng xin Thầy hãy dạy cho cháu : mỗi đồng đô la kiếm được do công sức của mình quý hơn nhiều 5 đô la nhặt được trên hè phố – Xin hãy dạy cháu rằng có thể bán cơ bắp và trí tuệ với giá cao nhất nhưng không cho phép ai ra giá mua trái tim và tâm hồn mình.
Xin Thầy dạy cho cháu biết thà bị điểm kém vẫn hơn là gian lận trong thi cử, biết chấp nhận thất bại và cách tận hưởng niềm vui chiến thắng – Xin hãy dạy cháu biết mỉm cười ngay cả khi buồn bã, rằng không có xấu hổ nào trong những giọt nước mắt – Xin dạy cháu tránh xa sự đố kị và hung hăng, đó là những điều làm người ta dễ bị đánh bại nhất – Hãy dạy cháu biết cách đối xử dịu dàng với những người hòa nhã và cứng rắn với những kẻ thô bạo – Biết chế giếu những kẻ yếm thế và cẩn trọng trước những sự ngọt ngào đầy cạm bẫy – Xin hãy dạy cho cháu có sức mạnh ngoảnh mặt làm ngơ trước đám đông đang gào thét và không chạy theo thời thế, nhưng đứng thẳng người bảo vệ những gì cháu cho là đúng và đi đến cùng con đường của mình.
Xin Thầy giúp cháu nhìn thấy được sự kì diệu của sách, nhưng cũng cho cháu có đủ thời gian để lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn, kì diệu của cuộc sống: đàn chim tung cánh trên bầu trời, những dòng suối trong vắt trên thảo nguyên và những buổi bình minh rực rỡ – Xin Thầy hãy đối xử dịu dàng với cháu nhưng đừng vuốt ve nuông chiều cháu, bởi chỉ có sự thử thách của lửa mới tôi luyện nên con người bản lĩnh.
Xin Thầy hãy giúp cháu có niềm tin chính đáng vào bản thân dù tất cả mọi người xung quanh đều cho rằng ý kiến của cháu là sai lầm – Dạy cho cháu biết cách lắng nghe tất cả mọi người nhưng cũng biết cách sàng lọc qua tấm lưới của chân lí để đón nhận được những điều tốt đẹp – Xin giúp cháu có được sự dũng cảm để không dung thứ sự sai trái và bền chí để là người dũng cảm – Xin dạy cho cháu biết rằng phải luôn có niềm tin tuyệt đối vào bản thân nhờ thế cháu mới có niềm tin tuyệt đối vào Nhân loại.
Đó là yêu cầu quá lớn, nhưng xin Thầy hãy cố gắng, và như thế con trai tôi quả thật là cậu bé Hạnh phúc.”
Trần Hưng