BIỆN PHÁP KHƠI DẬY ĐAM MÊ VÀ KHẢ NĂNG SÁNG TẠO TRONG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CỦA HỌC SINH – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội
BIỆN PHÁP KHƠI DẬY ĐAM MÊ VÀ KHẢ NĂNG SÁNG TẠO TRONG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CỦA HỌC SINH – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội
Trước đây, hoạt động nghiên cứu khoa học thường chỉ dành cho sinh viên bậc học đại học và cao đẳng. Việc khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu khoa học ở học sinh trung học bị “lãng quên”, hay “xem nhẹ”. Từ năm 2012, cuộc thi khoa học, kỹ thuật (KH, KT) cấp quốc gia dành cho học sinh trung học (THCS và THPT) được khởi xướng đã khuyến khích học sinh nghiên cứu, sáng tạo KH, KT và vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống, có tính ứng dụng cao, từng bước hình thành năng lực sáng tạo cho học sinh bậc trung học. Theo thống kê của Bộ GD và ĐT năm 2015, cả nước có gần năm triệu học sinh trung học là nguồn nhân lực tương lai của đất nước. Việc khơi dậy niềm đam mê học tập và nghiên cứu khoa học trong mỗi học sinh là cần thiết.
Là một ngôi trường đi đầu trong việc nắm bắt xu thế phát triển của xã hội cũng như giáo dục, ngay từ những ngày đầu thành lập, trường THPT, THCS Đào Duy Từ luôn chú trọng đến hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh. Nghiên cứu KH không chỉ được xem là hoạt động ngoại khóa mà là hoạt động thường xuyên của thầy và trò trong Nhà trường. Chính vì thế, HS Đào Duy Từ luôn chủ động, sáng tạo trong học tập và nghiên cứu khoa học,giành nhiều huy chương Vàng, Bạc trong các cuộc thi sáng chế, phát minh khoa học quốc tế được tổ chức hàng năm tại Rumani, Hàn Quốc, Đài Loan…
HS Đào Duy Từ giành huy chương trong các cuộc thi sáng chế KH-KT quốc tế
Vậy làm sao để khơi dậy đam mê và khả năng sáng tạo trong nghiên cứu khoa học của học sinh? Qua quá trình nghiên cứu, tìm hiểu kết hợp với thực tiễn giảng dạy, chúng tôi mạnh dạn đề xuất những biện pháp nhằm khơi dậy đam mê và khả năng sáng tạo khoa học của học sinh như sau:
Về phía giáo viên:
1/ Theo dự thảo của chương trình giáo dục phổ thông mới, NCKH là môn học tự chọn tùy ý (CT1) từ lớp 8 cho đến hết THPT. Như vậy, quỹ thời gian thực hiện hoạt động NCKH dành cho HS tại nhà trường đã được quy định cụ thể – đây nhiệm vụ phát triển và ươm mầm các “hạt giống tốt” dành cho hoạt động NCKH sau này trong tương lai của HS. Để thực hiện hoạt động NCKH tại nhà trường thì giáo viên tham gia hướng dẫn (GVHD) sẽ là nguồn giáo viên đang trực tiếp giảng dạy. Vậy trong hiện tại, mỗi giáo viên cần chủ động làm quen và đổi mới phương pháp dạy học theo hướng nghiên cứu và phát triển để giải quyết các vấn đề thực tiễn từ chính trong mỗi bài dạy/chủ đề dạy học.
– Giáo viên có thể hướng dẫn học sinh xây dựng kế hoạch tự học, tự nghiên cứu như sau: Giáo viên nêu mục đích, tầm quan trọng và các bước tiến hành xây dựng một kế hoạch tự học, tự nghiên cứu; Hướng dẫn học sinh lập kế hoạch theo từng bước; Kiểm tra kế hoạch của học sinh, bổ sung và nhận xét. Hướng dẫn học sinh tự đọc và tìm kiếm tài liệu. Quá trình đọc và thu thập tài liệu giúp người học phát hiện ra các vấn đề và đặt ra nhiều câu hỏi cần nghiên cứu. Điều này góp phần vào việc phát triển năng lực phát hiện vấn đề cho người học.
HS THCS Đào Duy Từ trao đổi đề tài
– Thường xuyên cho học sinh làm đề tài nhỏ. Đề tài nhỏ ở đây được hiểu như một dự án học tập đơn giản đó là dưới sự hướng dẫn của giáo viên, học sinh sẽ hoàn thành nhiệm vụ được giao như: sưu tầm tranh ảnh, mẫu vật, giải quyết các bài tập tình huống,… trong thời gian ngắn. Cho học sinh chuẩn bị một phần bài học rồi tập báo cáo trước lớp. Trong thực tế, có nhiều học sinh có khả năng phát hiện vấn đề, quan sát, tư duy… rất tốt nhưng lại không đủ tự tin nhất là khi đứng trước đám đông. Tuy nhiên, để trở thành một nhà khoa học thì việc phải báo cáo các công trình trước nhiều người là điều bắt buộc. Vì thế, việc thường xuyên cho các em tập báo cáo trước lớp để rèn luyện kĩ năng diễn đạt, kĩ năng giải quyết vấn đề và sự tự tin là hết sức cần thiết.
– Xây dựng và sử dụng hệ thống bài tập phát triển tư duy sáng tạo. Tư duy sáng tạo là nhân tố không thể thiếu và có tầm quan trọng đặc biệt, vừa là yếu tố cấu thành vừa là nhân tố thúc đẩy sự hình thành và phát triển năng lực NCKH của học sinh. Nên việc xây dựng và sử dụng hệ thống bài tập phát triển tư duy sáng tạo cho học sinh là một việc làm rất cần thiết. Khi giải một bài tập, học sinh được rèn luyện các thao tác tư duy như phân tích, tổng hợp, so sánh, diễn dịch, qui nạp.
HS Đào Duy Từ trong một giờ thực hành khoa học
– Tăng cường sử dụng các phương pháp dạy học có khả năng giúp học sinh phát triển năng lực NCKH. Trong dạy học hóa học có nhiều phương pháp dạy học mỗi phương pháp đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng. Tuy nhiên, để phát triển năng lực NCKH cho học sinh ngoài sử dụng các phương pháp dạy học truyền thống (thuyết trình, đàm thoại,…) giáo viên cần tích cực sử dụng các phương pháp dạy học tiên tiến như: phương pháp nghiên cứu, phương pháp nêu vấn đề, phương pháp bàn tay nặn bột, phương pháp dạy học dự án, phương pháp dạy học tình huống…
– Chủ động liên hệ với các đơn vị có liên quan để tổ chức học tập trải nghiệm, học sinh được trải nghiệm thực sự:
VD: lớp 8T THCS Đào Duy Từ: GV và BPH kết hợp để các con được trải nghiệm, trực tiếp làm các thí nghiệm hóa học…kết quả 100% học sinh đều hứng thú với hoạt động này.
– Những đề tài NCKH bắt nguồn từ thực tiễn. Do đó, khi hoàn thành đề tài, có nghĩa là sản phẩm của NCKH cần được ứng dụng rộng rãi trong nhà trường cũng như trong đời sống.
Về phía nhà trường và gia đình
Nhà trường cần định hướng rõ cho phụ huynh và HS, mục đích của NCKH tại nhà trường là hoạt động ươm mầm cho tương lai, hình thành và phát triển cho học sinh tố chất và năng lực của người làm công tác nghiên cứu sau này và những lợi ích mà chỉ trải qua thực hiện dự án khoa học thì các em mới có cơ hội được tiếp cận, được rèn luyện trong thực tiễn, được trải nghiệm trong nhiều cung bậc khó khăn khác nhau. Đây là môi trường để các em cọ sát các em sẽ trưởng thành hơn, vững vàng hơn trong tương lai.
HS Nguyễn Lê Hoàng 8T trong giờ thực hành nghiên cứu KH
Trong quá trình thực hiện NCKH có thể gặp trở ngại về phân bố thời gian. Trong thực tế, chính mỗi học sinh và gia đình HS chịu áp lực rất lớn trong việc phân chia quỹ thời gia cho việc học chương trình chính khóa, học thêm tại nhà trường, học thêm ngoài nhà trường, áp lực của thi cử, các em đang cận kề với những chuỗi ngày ôn luyện để vượt qua các kì thi. Do đó, các em đôi khi có phần e ngại khi phải chia sẻ quỹ thời gian của mình cho một hoạt động khác mặc dù rất hấp dẫn nhưng cũng chứa nhiều rủi ro, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi mà quy chế thi đại học, cao đẳng đang có những sự thay đổi mới trong khi đó tâm lí của các em chưa vững chắc để có thể đối diện và cân bằng giữa hoạt động học tập và hoạt động NCKH. Đây là lý do giữa nhà trường và gia đình phải thường xuyên có sự liên hệ, động viên kịp thời và tạo điều kiện tốt nhất để học sinh tham gia NCKH. Bên cạnh đó, nhà trường và gia đình cần hỗ trợ về ngân sách để học sinh có thể thực hiện NCKH.