BỘ TRƯỞNG PHÙNG XUÂN NHẠ: THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MỚI LÀ BỎ CÁCH DẠY 'THẦY ĐỌC, TRÒ CHÉP' - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội
BỘ TRƯỞNG PHÙNG XUÂN NHẠ: THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MỚI LÀ BỎ CÁCH DẠY 'THẦY ĐỌCĐỌC, TRÒ CHÉP' - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới là tạo một bước ngoặt trong giáo dục: đi từ nền giáo dục nặng nhồi nhét kiến thức, thầy đọc trò chép, chuyển sang phát triển phẩm chất và năng lực, chú trọng dạy người và kỹ năng sống của học sinh.
Ngày 28/9, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cùng các đại biểu Quốc hội khóa XIV, tỉnh Bình Định đã tiếp xúc cử tri phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định).
Tại buổi tiếp xúc, cử tri kiến nghị một số vấn đề liên quan đến sách giáo khoa mới; dạy kỹ năng sống tại các cơ sở giáo dục; chuẩn bị đội ngũ giáo viên được thực hiện như thế nào; miễn thu học phí bậc học mầm non và THCS có thực hiện được không.
Cử tri cũng đặt câu hỏi cho người đứng ngành giáo dục Việt Nam, sau những tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 xảy ra tại một số địa phương thì Bộ có tiếp tục triển khai kỳ thi 2 trong 1 này nữa không.
Trả lời về việc này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nói rằng: “Thi trắc nghiệm khách quan, mỗi thí sinh một đề nên gian lận khi làm bài rất hạn chế, nhưng khâu chấm thì xảy ra gian lận một số điểm thi. Kỳ thi THPT quốc gia rất quan trọng, phải duy trì để đảm bảo chất lượng. Vì vậy, năm tới chúng ta vẫn duy trì phương thức thi như thế, nhưng có một vài điều chỉnh cho phù hợp”.
Đánh giá về kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng kỳ thi năm 2018 cơ bản là ổn định. Song còn bộc lộ những sai phạm nghiêm tại một số tỉnh – đây là điểm trừ rất lớn. Các địa phương còn lại, kỳ thi đều diễn ra nhẹ nhàng, giảm áp lực rất nhiều nên được phụ huynh, thí sinh và các trường đại học ủng hộ phương thức này.
Trong khi đó, trả lời về Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: “Chương trình giáo dục phổ thông mới chú trọng đến kỹ năng sống và dạy làm người, phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Bên cạnh đó, Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ phát huy tính sáng tạo của thầy cô giáo và phát huy tính chủ động của học sinh. Do vậy, không phải thầy cô nào cũng đáp ứng được yêu cầu này và không phải phụ huynh nào cũng thấu hiểu và ủng hộ.
“Hiện nay, kiến thức, kỹ năng nhiều cái mới cho nên phụ huynh phàn nàn là không thể dạy con được. Tuy nhiên, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới là tạo một bước ngoặt trong giáo dục: đi từ nền giáo dục nặng nhồi nhét kiến thức, thầy đọc trò chép, chuyển sang phát triển phẩm chất và năng lực, chú trọng dạy người và kỹ năng sống của học sinh”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay.
Nói về tiêu chí về chuẩn đội ngũ giáo viên, hiệu trưởng phổ thông, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói rằng: Bộ đã chỉ đạo xây dựng Chương trình và Bộ đã ký ban hành Thông tư số 14/2018/TT-BGDĐT ngày 20/7/2018 quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở Giáo dục phổ thông và Thông tư số 20/2018/TT- BGDĐT ngày 22/8/2018 quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông.
Bộ trưởng cho biết thêm: “Bộ GD-ĐT đã và đang cấu trúc lại các trường sư phạm, tránh đào tạo giáo viên mỗi trường mỗi kiểu, đảm bảo chuẩn giảng viên sư phạm, đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo chương trình giáo dục phổ thông mới”.
Doãn Công