Cách nhận biết các biện pháp tu từ cho học sinh THCS cấp 2
Các biện pháp tu từ là một phần kiến thức trọng tâm cần chú ý nhất khi ôn tập môn Ngữ Văn lớp 6, 7, 8, 9. Chính vì vậy, để ghi nhớ kiến thức tổng hợp nhằm ghi điểm ở dạng bài này, các bạn học sinh cần ôn luyện và nắm chắc những nội dung kiến thức tổng hợp thật kỹ. Nội dung dưới đây sẽ tổng hợp các biện pháp tu từ và tác dụng của chúng. Hy vọng qua bài viết các bạn sẽ hiểu rõ và nắm chắc phần kiến thức này nhé!
1. Biện pháp tu từ là gì?
Biện pháp tu từ là việc dùng ngôn ngữ theo cách đặc biệt trong các câu từ hay đoạn văn bản ở một ngữ cảnh nào đó nhất định giúp cho việc biểu đạt ngôn ngữ trở nên lôi cuốn, hấp dẫn hơn. Các biện pháp tu từ bao gồm những phương pháp như đảo ngữ, điệp ngữ, so sánh,... nhằm thu hút sự chú ý của độc giả, giúp tác giả giao tiếp ý tưởng một cách rõ ràng và hiệu quả hơn.
2. Tác dụng của các biện pháp tu từ
Tác dụng các biện pháp tu từ trong tiếng Việt giúp tạo ra sự đa dạng và phong phú trong cách sử dụng ngôn ngữ. Khi sử dụng các biện pháp tu từ này, người viết có thể thể hiện ý nghĩa và tầm quan trọng của từng từ, câu, đoạn văn một cách rõ ràng và sâu sắc hơn.
Ngoài ra, biện pháp tu từ còn giúp tác giả tạo ra sự thú vị, hấp dẫn và cuốn hút độc giả. Việc sử dụng biện pháp tu từ đúng cách cũng giúp tác giả tránh được sự nhàm chán và lặp lại trong cách sử dụng ngôn ngữ.
Việc thể hiện ngôn ngữ một cách đặc biệt của biện pháp tu từ còn giúp đọc giả dễ dàng liên tưởng về một hình ảnh, một câu chuyện hay cảm nhận được chính cảm xúc của nhân vật hơn.
Bên cạnh đó, trong các văn bản nghệ thuật hầu hết tác giả đều kết hợp nhiều biện pháp tu từ cùng một lúc để khiến người đọc luôn ngẫm nghĩ, hoà mình vào tác phẩm đó.
Các học sinh biết vận dụng biện pháp tu từ vào bài tập làm văn của mình sẽ giúp các bạn giành số điểm cao hơn bởi nó rất cần thiết và quan trọng trong một bài viết.
3. Bảng tổng hợp các biện pháp tu từ
Trong tiếng Việt, có 2 loại biện pháp tu từ chính, bao gồm biện pháp tu từ từ vựng và biện pháp tu từ cú pháp. Chi tiết từng loại được liệt kê dưới bảng tổng hợp dưới đây:
TỔNG HỢP CÁC BIỆN PHÁP TU TỪ 6, 7, 8, 9 | ||
---|---|---|
Biện pháp tu từ từ vựng |
So sánh |
|
Nhân hoá | ||
Ẩn Dụ | ||
Hoán Dụ | ||
Điệp ngữ | ||
Chơi Chữ | ||
Nói Quá | ||
Liệt kê | ||
Nói giảm, Nói tránh | ||
Biện pháp tu từ cú pháp | Phép đối | |
Đảo ngữ | ||
Câu hỏi tu từ |
4. Các biện pháp tu từ thường gặp lớp 6, 7, 8, 9
Dưới đây là khái niệm, tác dụng và dấu hiệu nhận biết của các biện pháp tu từ được sử dụng nhiều nhất trong chương trình Ngữ Văn lớp 6, 7, 8, 9:
4.1 Các biện pháp tu từ từ vựng
4.1.1 So sánh
So sánh là biện pháp được sử dụng khi muốn đối chiếu một cách tương đồng sự vật, hiện tượng này với sự vật, hiện tượng khác nhằm làm tăng sức gợi hình, gợi cảm, giúp người đọc, người nghe dễ dàng mường tượng một cách rõ ràng hơn sự việc đang được nhắc đến.
Có 2 kiểu so sánh cơ bản:
- So sánh ngang bằng: là đối chiếu các sự vật, sự việc có điểm tương đồng với nhau giúp người đọc dễ hình dung sự vật, sự việc ấy một cách cụ thể hơn.
- So sánh không ngang bằng: là so sánh các sự vật hay hiện tượng có sự chênh lệch, không ngang bằng để nhấn mạnh sự vật hay hiện tượng mà người viết muốn làm nổi bật nó.
Dấu hiệu nhận biết của biện pháp so sánh thường gặp nhất là có các từ này trong câu: nom như, như, như là, trông như, giống như, tốt như, kém hơn, kém, không bằng, chẳng bằng…
Ví dụ:
- So sánh ngang bằng: “Cô giáo như mẹ hiền”
- So sánh không ngang bằng:
“Con đi đánh giặc mười năm
Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi.” - (Bầm ơi - Tô Hoài)
4.1.2 Nhân hoá
Nhân hoá là biện pháp dùng để tả hoặc gọi những sự vật, sự việc, hiện tượng bằng những từ ngữ vốn dùng để miêu tả ngoại hình hoặc cảm xúc khi tả con người; làm cho thế giới loài vật trở nên thân thiết với con người, chúng có sức sống tiềm tàng mãnh liệt.
Có ba kiểu nhân hóa thường gặp:
- Dùng câu từ gọi con người để gọi vật
Ví dụ: “Cậu Vàng trở thành người bạn duy nhất của lão Hạc tội nghiệp”. - (Lão Hạc- Nam Cao)
- Dùng những từ ngữ chỉ hành động, tính chất vốn dùng cho con người để chỉ hành động, tính chất của vật
Ví dụ:
“Gió nhớ bạn quá
Nên gõ cửa hoài
Đẩy sóng dâng cao
Thổi căng buồm lớn” - (Bạn của gió - Ngân Hà)
- Trò chuyện, xưng hô với các sự vật giống như con người
Ví dụ: “Sông ơi! Sông đừng đi ngược dòng nhé!” - (Ý Chí - Quang Lâm)
4.1.3 Ẩn dụ
Ẩn dụ là biện pháp tu từ gọi sự vật, sự việc này bằng tên gọi của một sự vật, sự việc khác có điểm giống nhau. Điểm tương đồng và sự vật, hiện tượng ấy giúp tác giả làm nổi bật điều muốn diễn đạt, tăng sức biểu cảm cho câu văn.
Có 4 kiểu ẩn dụ chính:
- Ẩn dụ hình thức - giống nhau về hình thức
Ví dụ:
“Về thăm quê Bác làng Sen,
Có hàng râm bụt thắp lên lửa hồng” - (Nguyễn Đức Mậu)
- Ẩn dụ cách thức - giống nhau về cách thức
Ví dụ: “Có công mài sắt, có ngày nên kim” - (Ca dao)
- Ẩn dụ phẩm chất - giống nhau về phẩm chất
Ví dụ:
“Thuyền về có nhớ bến chăng
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền”
- Ẩn dụ biến đổi cảm giác: biến cảm giác này thành cảm giác khác, đọc giả sẽ cảm nhận điều ấy bằng những giác quan khác
Ví dụ:
“Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.” - (Mùa xuân nho nhỏ - Thanh Hải)
4.1.4 Hoán dụ
Hoán dụ là gọi tên một sự vật, sự việc này bằng tên của một sự vật , sự việc nào khác có quan hệ gắn bó mật thiết, gần gũi với nó nhằm tăng sức hấp dẫn trong diễn đạt ý
Có 4 kiểu hoán dụ thường hay gặp nhất:
- Lấy một bộ phận để gọi cái bao quát, toàn bộ
Ví dụ: “Bàn tay ta làm nên tất cả
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”
(Bàn tay đại diện cho sự lao động của con người)
- Lấy một vật chứa đựng để chỉ một vật bị chứa
Ví dụ: Cả khán đài đang vỗ tay cho những nghệ sĩ biểu diễn
- Lấy một dấu hiệu nhận diện của một sự vật để chỉ sự vật đó
Ví dụ:
“Chúng vội giết anh, sợ ánh ngày
Anh ngã xuống, trời vừa hửng sáng.” - (Đất nở hoa - Huy Cận)
(Từ “ngã xuống” giúp liên tưởng đến sự ra đi do chiến tranh. Như vậy, giữa “ngã xuống và “sự ra đi” có mối quan hệ gần gũi của dấu hiệu của sự vật và sự vật mang dấu hiệu.)
- Lấy cái chi tiết để gọi cái khó hiểu, trừu tượng
Ví dụ:
“Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”
(“Một” chỉ sự đơn chiếc, một mình, “Ba” chỉ sự đoàn kết, đồng lòng. Giữa một - đơn chiếc và ba - đồng lòng thể hiện được mối quan hệ giữa cái cụ thể - trừu tượng)
4.1.5 Điệp ngữ
Biện pháp điệp ngữ hay điệp từ là việc sử dụng từ hay câu lặp đi lặp lại nhiều lần nhằm mục đích nhấn mạnh, làm nổi bật nội dung, khơi gợi cảm xúc… cho đoạn văn, tác phẩm.
Có một số dạng điệp ngữ thường gặp:
- Điệp cách quãng
- Điệp ngữ nối tiếp
- Điệp ngữ vòng tròn
Ví dụ:
“Này con gà mái mơ
Khắp mình hoa đốm trắng
Này con gà mái vàng
Lóng óng như màu nắng”
4.1.6 Chơi chữ
Biện pháp tu từ chơi chữ là cách lợi dụng những đặc sắc về âm điệu, ngữ nghĩa để tạo hình thái hài hước, vui vẻ hoặc châm biếm một cách dí dỏm… khiến người đọc thấy hấp dẫn, thú vị với câu văn.
Ví dụ:
“Có tài mà cậy chi tài,
Chữ tài liền với chữ tai một vần” - (Truyện Kiều – Nguyễn Du)
4.1.7 Nói Quá
Đây là biện pháp sử dụng các từ ngữ, câu văn phóng đại quy mô, tính chất của một sự vật, hiện tượng để nhấn mạnh mức độ nhằm gây ấn tượng, tăng cảm xúc.
Ví dụ: “Tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu”
4.1.8 Liệt kê
Liệt kê là biện pháp sử dụng các từ hoặc cụm từ được sắp xếp, liên tiếp nhau nhằm truyền đạt ý tưởng, cảm xúc được đầy đủ, rõ ràng đến người đọc và người nghe.
Có 4 kiểu liệt kê thường được sử dụng:
- Liệt kê theo từng cặp: với kiểu này mỗi cặp từ được dùng sẽ liên kết với nhau bằng các từ: và, với, cùng, cũng như, hay, hoặc… để phân biết với các cặp từ khác.
- Liệt kê không theo từng cặp: các cụm từ được ngăn cách nhau bằng dấu phẩy dấu chấm phẩy hay dấu chấm với điều kiện các cặp từ đều mô tả chung một sự vật hay hiện tượng nào đó nhất định.
- Liệt kê tăng tiến: là liệt kê theo quy tắc từ nhỏ đến lớn
- Liệt kê không tăng tiến: nghĩa là quy tắc từ thấp đến cao không quan trọng, chỉ cần mang đầy đủ ý nghĩa để người đọc có thể hiểu toàn bộ ý mà tác giả muốn truyền đạt
Ví dụ: Thông tin cá nhân bao gồm: Họ tên, Tuổi, Giới tính, Địa chỉ nhà, Số điện thoại…
4.1.9 Nói giảm, nói tránh
Đây là biện pháp tu từ mà các câu từ được diễn đạt một cách uyển chuyển, khéo léo để tránh gây cảm giác quá nặng nề, đau buồn, tránh bị thô tục, phản cảm, bất lịch sự.
Ví dụ: Bác trút hơi thở cuối cùng vào ngày 2/9/1969
Cách nhận biết các biện pháp tu từ từ vựng
4.2 Các biện pháp tu từ cú pháp
4.2.1 Phép đối
Ở biện pháp này là thể hiện những hoạt động, tính cách đối lập nhau cùng được xuất hiện trong một ngữ cảnh, để làm bật lên đối tượng được nhắc đến.
Ví dụ: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”
4.2.2 Đảo ngữ
Là biện pháp được sử dụng để thay đổi vị trí của các thành phần câu nhằm tăng tính thú vị và sự phong phú, sinh động cho văn phong, tránh sự nhàm chán.
Ví dụ:
Thứ tự thông thường: Tóc bà bạc phơ
Đảo ngữ: Mái tóc bạc phơ của bà
4.2.3 Câu hỏi tu từ
Đây là dạng câu hỏi mà không cần câu trả lời, nó nhằm mục đích hướng người đọc vào nội dung đã được định sẵn nhằm khơi gợi sự tưởng tượng của người đọc, làm cho bài văn trở nên phong phú, hấp dẫn, đầy sức biểu cảm.
Ví dụ: Việc quan trọng thế này làm sao mình có thể tự ý quyết định được?
5. Bài tập về các biện pháp tu từ lớp 6,7,8,9
5.1 Bài tập dành cho lớp 6
1. Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 5 câu) miêu tả về một cảnh đẹp mà bạn đã thấy, sử dụng các biện pháp tu từ so sánh, nhân hoá, liệt kê để tăng tính hấp dẫn cho bài viết?
2. Tìm những biện pháp tu từ đã được sử dụng trong bài thơ Tre Việt nam của tác giả Nguyễn Duy?
3. Tìm và xác định các câu sau đã sử dụng biện pháp tu từ nào trong đoạn trích “Cây dừa” của tác giả Trần Đăng Khoa?
Hướng dẫn giải:
- "Cây dừa xanh tỏa nhiều tàu
Dang tay đón gió, gật đầu gọi trăng"
Việc sử dụng một cách khéo léo biện pháp nhân hoá, tác giả đã ví cây dừa như một người bạn hiếu khách với những động tác “dang tay”, “gật đầu”.
- "Thân dừa bạc phếch tháng năm
Quả dừa – đàn lợn con nằm trên cao"
Mặc dù thân dừa đã bị dấu ấn của thời gian nhuộm màu “bạc phếch” nhưng vẫn phát triển lớn mạnh, sum suê, cùng với biện pháp so sánh những quả dừa như “đàn lợn con” rất thú vị và độc đáo.
=> Tác giả đã áp dụng thành công 2 biện pháp tu từ so sánh và nhân hoá trong đoạn thơ trên, tạo ra một thành công lớn cho tác phẩm.
5.2 Bài tập dành cho lớp 7
1. Viết một đoạn văn 7 - 10 dòng tả cảnh bãi biển vào một buổi sáng, sử dụng ít nhất 5 biện pháp tu từ để tăng tính hấp dẫn cho bài viết.
2. Tìm và xác định những biện pháp tu từ đã được sử dụng trong bài thơ “Cảnh khuya” của Hồ Chí Minh?
"Tiếng suối trong như tiếng hát xa,
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa.
Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ,
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà."
Hướng dẫn giải
- Điệp ngữ: lồng, chưa ngủ
=> Tác dụng: “lồng” tạo vẻ đẹp huyền ảo, bí ẩn của cảnh vật về đêm và đây cũng là sự hỗ trợ nhấn mạnh cho nỗi lo của một vị lãnh tụ vĩ đại lúc nào cũng canh cánh một nỗi lo nước nhà đến khuya vẫn “chưa ngủ”
- Sử dụng biện pháp so sánh: tiếng suối trong - tiếng hát, cảnh khuya - tranh vẽ
+ So sánh tiếng suối chảy trong veo veo, róc rách với tiếng hát ngọt ngào trong đêm dài tĩnh lặng được gần gũi hơn, và cũng là mong ước con dân được cất tiếng hát mừng ngày độc lập.
+ So sánh cảnh khuya như một bức tranh vẽ qua cái nhìn của nhà thơ như vẻ đẹp tâm hồn của Người.
3. Nêu 5 câu ca dao, tục ngữ có sử dụng biện pháp tu từ?
Hướng dẫn giải
- Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra (So sánh)
- Ăn to nói lớn (Nói quá)
- Quýt làm cam chịu (Nhân hoá)
- Áo nâu cùng với áo xanh
Nông thôn cùng với thành thị đứng lên (Hoán dụ)
- Lạ gì bỉ sắc tư phong
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen (Ẩn dụ)
5.3 Bài tập dành cho lớp 8
1. Viết một đoạn văn miêu tả cảnh hoàng hôn, sử dụng biện pháp liệt kê để thêm các từ như "đỏ rực", "tím thanh", "vàng óng" để tạo ra một hình ảnh sống động về cảnh hoàng hôn?
2. Tìm và xác định những biện pháp tu từ đã được sử dụng trong bài “Mùa xuân chín” của tác giả Hàn Mặc Tử?
Hướng dẫn giải
- " Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Khách xa gặp lúc mùa xuân chín"
=> Sử dụng biện pháp ẩn dụ
- "Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang"
=> Sử dụng biện pháp nhân hoá
- "Trong làn nắng ửng: khói mơ tan,
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang"
=> Biện pháp đảo ngữ
- "Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi…"
=> Biện pháp hoán dụ
- “Chị ấy, năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?"
=> Câu hỏi tu từ
3. Nêu những bài thơ có sử dụng biện pháp tu từ đã học ở Học kì 1?
5.4 Bài tập dành cho lớp 9
1. Viết một đoạn văn khoảng 15 - 20 dòng so sánh giữa cuộc sống thành phố và cuộc sống ở vùng nông thôn, sử dụng ít nhất 7 biện pháp tu từ để tạo ra những hình ảnh sống động cho đoạn văn?
2. Trong bài thơ Việt Bắc tác giả Tố Hữu đã sử dụng những biện pháp tu từ nào? Nêu tác dụng của nó?
Hướng dẫn giải
- Điêp từ “nhớ”: thể hiện nỗi nhớ da diết, đong đầy
- Hoán dụ “áo chàm”: đây là truyền thống của người Việt Bắc, thể tình cảm dân quân gắn bó và tình cảm ấy mãi không thể quên được
- So sánh:
+ Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu” : lấy hình ảnh thiên nhiên thể hiện tình cảm
+ “Đêm đêm rầm rập như là đất rung”: gợi lại những ngày tháng đấu tranh, những chú bộ đội hành quân trong đêm
- Liệt kê:
- “Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.
Nhớ từng rừng nứa bờ tre
Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy.”
=> diễn tả cảnh đẹp ở Việt Bắc với những người dân Việt Bắc hết lòng vì bộ đội, ấm áp tình dân quân vì hòa bình độc lập mai sau
- “Tin vui chiến thắng trăm miền
Hoà Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về
Vui từ Đồng Tháp, An Khê
Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.”
=> Tin vui chiến thắng vang dội khắp nơi, thể hiện niềm vui tổ quốc, niềm tự hào dân tộc
5.5 Bài tập nâng cao
1. Tìm các biện pháp tu từ trong 2 đoạn trích “Chị em Thuý Kiều” và “Bếp lửa” sau đó nêu tác dụng của nó?
“Kiều càng sắc sảo mặn mà,
So bề tài sắc lại là phần hơn:
Làn thu thủy nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh.
Một hai nghiêng nước nghiêng thành,
Sắc đành đòi một tài đành họa hai.” - (Chị em Thuý Kiều - Nguyễn Du)
" Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói
Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi
Bố đi đánh xe, khô rạc ngựa gầy
Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu
Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay!" - (Bếp lửa - Bằng Việt)
6. Phân biệt biện pháp tu từ ẩn dụ và hoán dụ
Bởi sự tương đồng giữa 2 biện pháp ẩn dụ và hoán dụ nên dễ gây ra sự nhầm lẫn khi sử dụng, dưới đây là điểm khác biệt giữa 2 biện pháp:
- Ẩn dụ: là phương pháp sử dụng từ ngữ để diễn tả một hành động, sự vật hoặc sự việc một cách ẩn ý, không được diễn giải một cách trực tiếp nhằm tạo ra sự liên hệ về mặt cảm xúc hoặc ý nghĩa sâu xa mà người đọc phải tìm hiểu, suy đoán nhằm hiểu được mục đích của câu từ được nhắc đến.
- Hoán dụ: là sử dụng từ ngữ để thay thế một từ hay cụm từ này bằng một từ hay cụm từ khác có cùng ý nghĩa. Nó giúp tránh sự lặp lại và làm cho văn bản không bị nhàm chán.
7. Phân biệt biện pháp tu từ nói quá và nói khoác
Biện pháp tu từ nói quá và nói khoác đều là các biện pháp thường được sử dụng để nhấn mạnh hoặc thể hiện cảm xúc của tác giả. Tuy nhiên, hai biện pháp này có điểm khác biệt sau:
- Biện pháp tu từ nói quá là cách diễn đạt một sự việc hoặc tình huống được nói phóng đại hơn nhiều lần so với thực tế.
- Nói khoác là một dạng của biện pháp tu từ nói quá, tuy nhiên nó được sử dụng để mô tả một sự việc hoặc một hành động bằng cách sử dụng những từ ngữ hoặc cụm từ nhằm nhấn mạnh của câu nói đó, thường mang ý khoe khoang, khoác lác.
Ví dụ: " Anh ta chạy nhanh đến mức vượt qua cả tốc độ ánh sáng".