Cảm nhận của HS Lê Hoàng (8T): 'ĐI THẬT XA ĐỂ TRỞ VỀ' - TRỞ VỀ CÙNG NHỮNG TRẢI NGHIỆM ĐÁNG NHỚ SAU CHUYẾN THAM QUAN BẢN LÁC - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

Cảm nhận của HS Lê Hoàng (8T): 'ĐI THẬT XA ĐỂ TRỞ VỀ' - TRỞ VỀ CÙNG NHỮNG TRẢI NGHIỆM ĐÁNG NHỚ SAU CHUYẾN THAM QUAN BẢN LÁC - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

ITIT
Tháng 11 9, 2018 - 15:28
Tháng tư 28, 2024 - 13:29
 0  12
Cảm nhận của HS Lê Hoàng (8T): 'ĐI THẬT XA ĐỂ TRỞ VỀ' - TRỞ VỀ CÙNG NHỮNG TRẢI NGHIỆM ĐÁNG NHỚ SAU CHUYẾN THAM QUAN BẢN LÁC - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

Năm nào, trường THCS Đào Duy Từ của chúng tôi cũng tổ chức cho học sinh đi tham quan, trải nghiệm ở những nơi khác nhau quanh khu vực miền Bắc. Năm lớp Sáu, chúng tôi được đến tham quan vùng đất cố đô Ninh Bình. Đến thăm cố đô và khu rừng Cúc Phương nổi tiếng, chúng tôi còn được gặp gỡ và giao lưu với những thương binh, liệt sĩ tại trung tâm điều dưỡng thương binh Nho Quan để có thể trực tiếp cảm nhận những nỗi đau chiến tranh mà cha ông phải chịu đựng từ đó khắc sâu hơn bài họcUống nước nhớ nguồnvà biết trân trọng hơn giá trị của cuộc sống hoà bình hiện tại. Lên lớp bảy, Nhà trường lại đưa chúng tôi tới huyện Mộc Châu của tỉnh Sơn La với những kỉ niệm không phai cùng các em học sinh gặp khó khăn, mồ côi của trường Tiểu học Vân Hồ để chúng tôi biết rằng mình thật may mắn khi được sinh ra và lớn lên trong vòng tay bao bọc của gia đình. Năm nay, chúng tôi đã tới một bản làng đậm nét văn hoá của xứ Hoà Bình: Bản Lác. Và tôi đã tranh thủ ghi lại được rất nhiều khoảnh khắc ấn tượng khi tới nơi đây.

Bản Lác thanh bình, yên ả

Thực chất, tôi, và có lẽ là hơn nửa số học sinh của trường tham gia chuyến đi này, đã tới thăm Bản Lác ít nhất một lần. Thế nhưng, chúng tôi vẫn đi, đi để tạo ra những kỉ niệm vui khó phai trong lòng mỗi người học trò khi nhớ về mái trường cấp hai thân thương. Đi để một lần nữa trải nghiệm những nét văn hoá độc đáo của vùng đất Tây Bắc, để cảm nhận sâu hơn những câu thơ mà tôi từng được nghe “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi” , để thấy yêu hơn quê hương, đất nước mình. Và trên hết, đi để gắn kết tình bạn, tình thầy trò, tình cảm với mái trường.

Chiều trước ngày khởi hành, khi tôi chuẩn bị hành lý lên đường, lòng tôi lại thấy thật hân hoan, thật háo hức biết bao, như một đứa trẻ còn thơ ngây cứ nghe thấy được ba mẹ cho đi ra công viên chơi là hai mắt bừng sáng lên vậy.

Bốn giờ sáng tinh mơ, tôi vội vàng thức dậy, sắp xếp đồ đạc cẩn thận, mặc quần áo, chuẩn bị mọi đồ đạc lên đường. Đi thôi, đi để nhớ, để nhung, để thương, để ao ước được đi mãi!

Gần sáu giờ, đoàn xe chúng tôi bắt đầu chuyển bánh. Từng dãy núi xanh trập trùng trên nẻo đường, từng quang cảnh hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc mở ra trước mắt tôi vừa lạ vừa thư thái. Sau bốn tiếng đi xe và hai trạm dừng nghỉ ngơi, chúng tôi có mặt tại Bản Lác.

Chúng tôi hào hứng trên xe

Lần trước tôi tới đây cùng gia đình, kỉ niệm duy nhất tôi nhớ được là phóng xe đạp vi vu qua những con ngách nhỏ trong bản. Vì vậy, có thể coi lần đi này là một trải nghiệm hoàn toàn mới lạ. Nơi đây nằm giữa một thung lũng nên khá bằng phẳng, thuận tiện cho sinh hoạt. Xung quanh bản, đi quanh chỉ chủ yếu là nhà sàn, chỉ có một trường học mẫu giáo và một khách sạn tầm ba sao. Có thể thấy, không chỉ giữ gìn những nét văn hoá riêng biệt của người Thái, người Mường, Bản Lác đã tiếp nhận những công nghệ, sản phẩm hiện đại hơn để phát triển thành bản du lịch năng động.

Một nhà sàn ở đây thường có một phòng rộng đủ cho năm chục người ngủ, một gian hàng bán các loại sản phẩm thổ cẩm như: khăn quàng cổ, thú bông, váy, áo và một số món đồ hiện đại…, một khu tắm giặt và có thể có góc dựng xe đạp cho thuê hoặc xe điện chở. Một số nhà sàn cho thuê những bộ trang phục dân tộc rất đẹp: áo, váy sặc sỡ những dải màu xanh, đỏ, vàng… rất tao nhã và thu hút. Ngoài ra còn có những đao thật bằng sắt, những nỏ cung gỗ, những cồng, những chiêng, những vật dụng hết sức đời thường với người dân tộc xưa.

Ở đây, du khách sẽ thấy được sự nồng nhiệt, hiếu khách của dân bản. Người ở đây hệt như người Kinh mình ở Hà Nội: nói rất tự nhiên và trôi chảy, tính tình dễ mến, dễ gần, hợp với quảng bá du lịch. Tôi còn thấy một quán trà sữa hiện đại ngay cạnh nhà sàn tôi ở, nhiều xe điện đi lại đến chật ních cả con ngõ, xe máy chạy nườm nượp (đương nhiên với tốc độ đủ chậm). Tôi thật sự thích điều đó. Sự hoà hợp này đem lại cảm giác thân thuộc cho tôi: chính tôi đôi lúc còn không ý thức được mình đang ở Bản Lác.

Các bạn HS nữ duyên dáng trong bộ trang phục truyền thống của người Mường

Ngoài những món ăn chúng tôi thường được thưởng thức trên thành thị, nơi đây có những thức quà ngon của chính người dân địa phương làm nên. Ngay nhà sàn tôi bán những xiên thịt lợn rừng nướng. Chúng tôi được thử món ăn này vào buổi ăn cơm trưa, tối.

Có lẽ, vui nhất cần kể đến hai lần chúng tôi ra sân chơi trong bản để tổ chức thi kéo co và đốt lửa trại. Chiều hôm ấy, nhà trường phân các lớp thành các nhóm kéo, tổng cộng có bảy nhóm. Các đội kéo với nhau để lần lượt giành quyền vào các vòng trong. Trận chung kết là giữa lớp tôi và lớp cùng khối bên cạnh. Kết quả, lớp chúng tôi giành giải nhất sau bao cố gắng, mệt nhọc của mọi người. Đó thật sự là một cuộc vui.

Trận thi đấu kéo co gay cấn

Nếu kéo co đã vui, tối cùng hôm – khi chúng tôi thắp lên ngọn lửa trại ấm áp – còn vui hơn. Sau các tiết mục mở màn, ngọn đuốc sáng được đưa vào đống củi được đặt sẵn. Không gian như ấm lên, khiến tim tôi hơi rung lên. Buổi hôm đó, cả trường được nhảy nhót, ăn uống, hay theo một cách gọi của giới trẻ là “quẩy” rất náo nhiệt. Một điểm hay trong việc đốt lửa trại tôi nhận ra là sự gắn kết của mọi người với nhau rất bền chặt. Việc tổ chức hoạt động khiến chúng tôi dễ hoà đồng với mọi người, tăng tình thân ái thầy trò.

Đêm lửa trại sôi động

Điệu múa sạp truyền thống

Sáng hôm sau đó là một ngày chủ nhật yên ả ở bản. Ngày hôm đó, chúng tôi coi như tự do khám phá, tham quan những khu phố, những cánh đồng bạt ngàn, khu chợ gần bản. Qua một con ngõ của làng, tôi cùng mấy đứa bạn đi ra một cánh đồng đã gặt, xanh mơn mởn cây ven đường. Ở đây, phải công nhận là thời tiết khác hẳn Hà Nội: trong lành, thoáng đãng, dễ thở, đem lại bao cảm giác khoan khoái tưởng như đã mất đi mãi. Tôi thật sự thích những cảnh có cả cánh đồng lúa rộng bạt ngàn mênh mông hoà cùng những con núi nhấp nhô của rừng Tây Bắc. Những cảnh này gợi lên cảm xúc rằng Việt Nam ta vô cùng đẹp đẽ, huyền bí, say đắm lòng người. Sau cùng, chúng tôi lại quay về bản để nghỉ ngơi.

Buổi sáng tại Bản Lác

Chuyến đi này không có gì to tát, không có gì tốn quá nhiều tiền của, nhưng vẫn rất ý nghĩa đối với mỗi chúng tôi – những cô cậu học sinh trường Đào Duy Từ. Chuyến đi ngoài mục đích trải nghiệm còn có một lợi ích khác là giúp chúng tôi thư giãn sau bài kiểm tra định kì vừa qua. Ngồi trên xe khách trở về Hà Nội, nhìn những cung đường vút qua trong mắt, tôi vẫn nghĩ về nơi nhà sàn lớp chúng tôi ở cùng với bao bộ trang phục người Thái, bao tiếng hò reo ầm cả khu phố, bao người dân bản địa đôn hậu, hiền từ, chất phác. Đây chắc chắn là một kỉ niệm không thể nào phai trong tôi: bạn bè vui vẻ, khung cảnh nên thơ. Nhớ lắm, yêu quý lắm Bản Lác ơi!

Cảm ơn thầy cô, cảm ơn ngôi trường THCS Đào Duy Từ yêu dấu đã đem đến thật nhiều những kỉ niệm tươi đẹp tuổi học trò cho chúng con.

Nguyễn Lê Hoàng

HS lớp 8T – THCS Đào Duy Từ