CHA MẸ LÀM GÌ ĐỂ GIÚP CON TRỞ NÊN XUẤT SẮC? – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội
CHA MẸ LÀM GÌ ĐỂ GIÚP CON TRỞ NÊN XUẤT SẮC? – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội
Để xây dựng chiến lược học tập đúng đắn, cha mẹ cần đánh giá chính xác con mình, chỉ đầu tư vào năng lực chính, không nên cho học tràn lan.
Chuyên gia marketing Phạm Xuân Hương chia sẻ chi tiết bước đầu tiên trong trong xây dựng chiến lược học tập là phân tích bối cảnh, gồm cả con và bố mẹ.
Có người thầy vẽ một đường thẳng trên mặt đất, và yêu cầu học trò “Con hãy làm cho đường vẽ này ngắn lại, mà không bôi xóa gì nó”. Học trò tìm mãi không ra lời giải. Lúc này, người thầy mới vẽ một đường thẳng khác song song bên cạnh, dài hơn đường thẳng cũ.
Câu chuyện này nói lên một triết lý, để vượt lên, ta chỉ có thể làm cho đường thẳng của mình dài hơn, làm bản thân trở nên xuất sắc hơn. Để giúp con trở nên vượt trội, cần hiểu bé thấu đáo.
Tôi có khá nhiều bạn bè và đồng nghiệp, khi đề cập việc học của con thường nói: “Con em tự xin được học bổng thì mới cho du học, chứ em không có khả năng”. Bố mẹ không đánh giá chính xác về con, không hiểu biết tường tận cuộc đua giành học bổng, nhưng lại kỳ vọng cao. Đó là sự bất xứng và bất công cho con.
Chúng ta nuôi con, hãy kỳ công nhiều, nhưng đừng kỳ vọng. Kỳ công càng nhiều càng tốt, nhưng kỳ vọng càng nhiều càng áp lực cho con. Nếu có kỳ vọng, xin hãy nén giữ trong lòng. Đừng mang kỳ vọng đè nặng lên con. Một đứa trẻ mang nhiều gánh nặng từ sự kỳ vọng của gia đình là trẻ không may mắn.
Để đánh giá chính xác về con, cha mẹ cần tìm hiểu nhiều khía cạnh: Tố chất thông minh, thiên hướng học thuật, tính cách và năng khiếu.
Tố chất thông minh
Con càng thông minh thì bạn hoàn toàn có thể đặt mục tiêu cao, xứng tầm. Ngược lại, con có năng lực vừa phải thì cha mẹ càng phải nỗ lực. Thông minh, hay còn gọi là năng lực tư duy, do yếu tố di truyền nhưng có thể cải thiện.
Để giúp con tăng cường tư duy, bạn nên tìm đọc cuốn Tâm lý học thành công, nói về hai loại tư duy: cố định và phát triển. Người có tư duy phát triển về lâu dài sẽ thành công hơn.
Thiên hướng học thuật
Nếu con giỏi học thuật, bạn có thể hướng con vào các ngành khoa học, nghiên cứu, luật sư. Nếu con chỉ học khá, nhưng lanh lẹ, tháo vát, nên hướng con học ngành thương mại, kinh doanh, dịch vụ. Cụ thể hơn, cần quan sát con thích học hoặc học tốt môn nào, từ đó bạn tìm hiểu thêm về các ngành liên quan.
Tính cách
Tính cách rất quan trọng trong việc định hướng việc làm, ước lượng sự thành công của con. Hãy tìm hiểu về DISC để làm trắc nghiệm đánh giá tính cách cho con. Ngoài ra, bạn cần tìm hiểu con hướng nội hay hướng ngoại. Biết con có tính cách gì sẽ giúp con chọn được môn học, ngành học và công việc phù hợp.
Con trai thứ hai của tôi không học tốt các môn khoa học nên tôi chỉ khuyên “ít nhất hãy học tốt tiếng Anh”. Điểm mạnh của con lại là tính nết chan hòa, nhã nhặn và được nhiều người yêu quý. Tôi hướng con đến ngành học Hostapility (ngành lữ hành, nhà hàng, khách sạn) của trường Vatel (Pháp).
Đúng như tôi dự đoán, con học rất tốt, thầy cô rất khen. Ngay từ khi đang học, con đã nhận được lời mời làm việc từ các tập đoàn khách sạn nước ngoài.
Năng khiếu
Bạn cần đánh giá về năng khiếu của con thật kỹ. Khi con tỏ ra có năng khiếu vượt trội thì mới nên đầu tư, không nên cho học tràn lan, càng không nên ép học những thứ con không thích. Tôi thấy nhiều con không thích học piano, nhưng các mẹ bắt phải học. Ép bé miệt mài khổ luyện một thứ không thích khiến bé bị phân tán nguồn lực, thời gian và công sức.
Trường hợp con trai đầu của tôi, cũng được học piano từ nhỏ. Con được cô giáo cho đi biểu diễn mỗi cuối tuần ở khách sạn Majestic. Khi con lên cấp 2, phần vì con muốn mua đàn đắt tiền mà mẹ không cho (tôi không đầu tư vào những thứ nằm ngoài mục tiêu), phần con cũng bớt thích, nên bỏ học. Giờ đây, khi ở tuổi 26, lúc Melbourn bị lockdown vì Covid-19, con bắt đầu chơi đàn piano trở lại. Học và chơi đàn piano, nếu không phải là tài năng xuất chúng thì cần đầu tư nghiêm túc. Nếu học để biết thì chúng ta có thể học bất cứ lúc nào, đừng cố nhét vào quỹ thời gian hạn hẹp của con.
Việc học ngoại ngữ 2, 3 là trào lưu gần đây. Cho bé học nhiều ngoại ngữ làm gì khi mà Tiếng Anh, vốn là nhân tố quyết định, thì chưa đâu vào đâu? Chỉ nên học ngoại ngữ 2 khi con đã giỏi tiếng Anh (đạt IELTS 8.0) hoặc gia đình có mục tiêu, chiến lược rõ ràng cho việc học ngoại ngữ 2 (tiếng Đức, Pháp, Italy, Nhật…) để đi du học.
Phân tích về bố mẹ
Ngài William H. Gates Sr, cha của Bill Gates, nhiều năm trước đã viết cuốn sách “Bill Gates đã được nuôi dưỡng như thế nào?”. Trong đó, thay vì nói về đứa trẻ (là Bill Gates), ông lại nói về bản thân. Phần lớn cuốn sách, ông chia sẻ quan điểm, sự nghiệp và thế giới quan của chính ông.
“Bố mẹ là người như thế nào, đứa trẻ sẽ là người như thế đó”, Gates cha đã nhấn mạnh trong cuốn sách của mình.
Thật vậy, cha mẹ có vai trò quá lớn, lớn hơn của trường lớp, thầy cô, sách vở, tiền bạc… hay bất cứ thứ gì trong việc nuôi dạy con thành công. Bố mẹ có 3 nguồn lực chính: Tài chính, thời gian và sự hiểu biết. Trong đó, sự hiểu biết có vai trò quan trọng hơn tất thảy.
Kiến thức của bố mẹ
Kiến thức và hiểu biết của bố mẹ càng rộng, càng đa chiều, càng sâu sắc, thì tỷ lệ con thành công càng cao. Muốn con giỏi, bạn cũng cần học hỏi mỗi ngày. Bố mẹ cần học từ nhiều nguồn, nhiều cách, để có thể đồng hành với con, để hiểu về những thứ mà con đang học. Nếu bạn không làm được thì đừng mong ước hoặc kỳ vọng gì nhiều ở con.
Thời gian của bố mẹ
Ngoài làm việc kiếm tiền, khoảng thời gian còn lại tôi dành cho con, trò chuyện, tâm sự với con, đọc sách cùng con. Tôi bám sát việc học hành ở trường của con rất chặt chẽ. Con học như thế nào, thầy cô dạy ra sao, con thích học môn nào, gặp khó khăn môn nào, tôi đều biết.
Tôi tranh thủ lúc làm việc nhà để nghe tất cả đoạn ghi âm con học luyện nói, để đánh giá sự tiến bộ hoặc thiếu sót của con, sự nghiêm túc và tận tâm của thầy. Tôi tương tác với thầy cô rất thường xuyên, gần như sau mỗi buổi học, tôi đều nhắn tin trao đổi. Có lần thầy dạy luyện nói của con tôi nhắn: “Thời gian tôi dành để nhắn tin cho chị còn nhiều hơn thời gian tôi dạy con chị”.
Cuối cùng, tôi dành khá lớn thời gian còn lại để suy nghĩ về con, về mục tiêu và kế hoạch học hành của con. Tôi không ngừng tự đặt câu hỏi xoay quanh con và việc học của con, cho đến khi tìm được một đáp án hài lòng.
Ông xã còn tận tụy với con hơn tôi nhiều. Lúc con còn nhỏ, để rèn luyện tinh thần tập trung cho con, anh luôn ngồi im lặng cạnh bên khi con học. Anh tìm kiếm tất cả tài liệu, sách vở, file nghe, trang web, trung tâm, thầy cô… cho con. Anh giao bài và hướng dẫn con làm, rồi chấm theo đáp án. Anh kiểm tra bài vở cho con mỗi ngày. Tất cả kỳ thi Cambridge và Toefl Challenge đều do anh phụ trách.
Các câu chuyện của chúng tôi luôn quy về con. Chúng tôi thảo luận nhiều, tranh luận và có cả tranh cãi. Cả hai đều có vai trò của từng người, tôi là người nhìn về tương lai, vạch ra mục tiêu, chiến lược. Ông xã đưa ra kế hoạch cụ thể, đồng thời thực thi và giám sát.
Thời gian bạn dành cho con chất lượng bao nhiêu thì khả năng con thành công cao bấy nhiêu. Thời gian của con có hạn nên khi bạn dành thời gian chất lượng cho con, con đã tăng lợi thế hơn gấp nhiều lần.
Nguồn tài chính gia đình
Năng lực kiếm tiền mỗi người mỗi khác, tôi chỉ xin lưu ý vài điều quan trọng. Để đầu tư cho việc học, cần có tiền ở mức độ nhất định. Nhưng không phải càng nhiều tiền con học càng giỏi.
Làm ra tiền đã khó, giữ tiền lại càng khó hơn. Hãy biết cách giữ tiền cho con. Nhà tôi luôn có sổ tiết kiệm dành riêng cho việc du học đại học của các con (phòng khi con thích học một ngành, hoặc tại một nước mà không có học bổng, hoặc rất ít). Tôi nhất định không dùng khoản tiền đó vào bất cứ việc gì khác.
Có nhiều người cho con học trường quốc tế từ nhỏ, nhưng lại không để dành chút ngân sách nào cho con du học mà lại mong chờ học bổng. Đây thực sự là chiến lược sai lầm.
Ở các cấp thấp nên chọn trường vừa phải, vừa sức với gia đình. Bạn chỉ nên đầu tư cho những việc quan trọng mà trường chưa làm tốt (học tiếng Anh nâng cao, học kỹ năng, học môn chuyên mà bé có đam mê). Đặc biệt, khi vào cấp 3 và đại học, bạn cần nguồn tiền rất lớn.
Việc xin học bổng 100% là rất khó, trừ khi con rất xuất sắc. Mục tiêu học bổng 50-70% sẽ khả thi hơn. Lúc đó, số tiền ít nhất 2 tỷ đồng (học phí 12 năm ở trường quốc tế) có thể giúp con rất nhiều trong việc bước chân vào một trường hàng đầu của Mỹ và cũng là hàng đầu thế giới.
Phạm Xuân Hương