CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MỚI CÓ GÌ ĐẶC BIỆT? - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MỚI CÓ GÌ ĐẶC BIỆT? - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

ITIT
Tháng 9 17, 2018 - 07:04
Tháng tư 20, 2024 - 16:46
 0  45
CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MỚI CÓ GÌ ĐẶC BIỆT? - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới chỉ ra điểm khác biệt giữa Chương trình giáo dục phổ thông mới với chương trình giáo dục hiện hành.

Phát biểu tại buổi họp báo công bố Chương trình giáo dục phổ thông mới vào chiều nay (27/12), GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên cho biết, để thực hiện mục tiêu đổi mới, Chương trình vừa phải kế thừa và phát triển những ưu điểm của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, vừa phải khắc phục những hạn chế, bất cập.

Cụ thể, nếu Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành được xây dựng theo định hướng nội dung, nặng về truyền thụ kiến thức, chưa chú trọng giúp học sinh vận dụng kiến thức học được vào thực tiễn.

Theo mô hình này, kiến thức vừa là “chất liệu” - “đầu vào” vừa là “kết quả” -  “đầu ra” của quá trình giáo dục. Vì vậy, học sinh phải học và ghi nhớ rất nhiều nhưng khả năng vận dụng vào đời sống rất hạn chế.

Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực được kỳ vọng.

Theo cách tiếp cận này, kiến thức được dạy học không nhằm mục đích tự thân. Nói cách khác, giáo dục không phải để truyền thụ kiến thức mà nhằm giúp học sinh hoàn thành các công việc, giải quyết các vấn đề trong học tập và đời sống nhờ vận dụng hiệu quả và sáng tạo những kiến thức đã học. Quan điểm này được thể hiện nhất quán ở nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục.

GS Thuyết cho rằng, chương trình giáo dục phổ thông hiện hành có nội dung giáo dục gần như đồng nhất cho tất cả học sinh; việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh, ngay cả ở cấp THPT chưa được xác định rõ ràng.

Chương trình giáo dục phổ thông mới phân biệt rõ hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).

Trong giai đoạn giáo dục cơ bản, chương trình thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp, thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lí số môn học; đồng thời thiết kế một số môn học theo các chủ đề, tạo điều kiện cho học sinh lựa chọn những chủ đề phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân.

Trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, bên cạnh một số môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh được lựa chọn những môn học và chuyên đề học tập phù hợp với sở thích, năng lực và định hướng nghề nghiệp của mình.

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, điểm khác biệt nữa, trong Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành là sự kết nối giữa chương trình các cấp học trong một môn học và giữa chương trình các môn học chưa chặt chẽ; một số nội dung giáo dục bị trùng lặp, chồng chéo hoặc chưa thật sự cần thiết đối với học sinh phổ thông.

Còn Chương trình giáo dục phổ thông mới chú ý hơn đến tính kết nối giữa chương trình của các lớp học, cấp học trong từng môn học và giữa chương trình của các môn học trong từng lớp học, cấp học. Việc xây dựng chương trình tổng thể, lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam, đặt cơ sở cho sự kết nối này.

“Chương trình hiện hành thiếu tính mở nên hạn chế khả năng chủ động và sáng tạo của địa phương, nhà trường, cũng như của tác giả sách giáo khoa và giáo viên.

Chương trình mới bảo đảm định hướng thống nhất những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc. Đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục, triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của cơ sở giáo dục, góp phần bảo đảm kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình, chính quyền và xã hội.

NHẬT TÂM