CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MỚI SẼ ÁP DỤNG TỪ NĂM 2020 – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội
CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MỚI SẼ ÁP DỤNG TỪ NĂM 2020 – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội
Chiều 27/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức họp báo công bố chương trìnhgiáo dục phổ thông mới. Chương trình được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).
Nội dung giáo dục cấp tiểu học gồm 11 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Toán; Tiếng Việt; Đạo đức; Ngoại ngữ 1 (lớp 3, lớp 4, lớp 5); Tự nhiên và Xã hội (lớp 1, 2, 3); Lịch sử và Địa lý (lớp 4 và 5); Khoa học (lớp 4, 5); Tin học và Công nghệ (lớp 3,4,5); Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật); Hoạt động trải nghiệm; và hai môn học tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 1 (lớp 1, 2). Thời lượng giáo dục 2 buổi/ngày, mỗi buổi không quá 7 tiết, mỗi tiết không quá 35 phút.
Nội dung giáo dục THCS gồm 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc là Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục công dân; Lịch sử và Địa lý; Khoa học tự nhiên; Công nghệ; Tin học; Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật); Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương. Hai môn tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 2. Thời lượng giáo dục 1 buổi/ngày, mỗi buổi không quá 5 tiết, mỗi tiết học 45 phút.
Nội dung giáo dục THPT gồm 7 môn học và hoạt động bắt buộc gồm Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương. Hai môn học tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.
Cấp THPT có năm môn học lựa chọn từ ba nhóm môn học (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn): Nhóm khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Nhóm khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Nhóm môn công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật). Thời lượng giáo dục một buổi/ngày, mỗi buổi không quá 5 tiết, mỗi tiết 45 phút.
Chương trình giáo dục phổ thông mới đã đáp ứng nhiệm vụ nêu tại Nghị quyết số 29-NQ/TW là “Xây dựng và chuẩn hóa nội dung giáo dục phổ thông theo hướng hiện đại, tinh gọn, bảo đảm chất lượng, tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên; giảm số môn học bắt buộc; tăng môn học, chủ đề và hoạt động giáo dục tự chọn”.
Thực hiện mục tiêu “phân luồng mạnh sau trung học cơ sở; trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng”, nội dung giáo dục được xây dựng theo hướng tích hợp ở các cấp học dưới và phân hóa theo định hướng nghề nghiệp ở cấp học trên để tạo thuận lợi cho việc tổ chức hoạt động dạy học gắn với thực tiễn, qua đó phát triển năng lực học sinh.
Lộ trình áp dụng chương trình phổ thông mới
Theo Bộ GD&ĐT, chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2022 với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 với lớp 3, 7 và 10; năm học 2023-2024 với lớp 4, 8, 11; năm học 2024-2025 với lớp 5, 9 và 12.
Về vấn đề triển khai giáo viên, những giáo viên tốt nhất được lựa chọn phù hợp với chương trình, để triển khai từ đầu cấp. Đồng thời, bộ rà soát, quy hoạch lại hệ thống sư phạm, bổ sung kịp thời. Chương trình mới có xu hướng giảm tải nên không lo thiếu giáo viên.
Trước đó, trênVietnamnet,GS Thuyết tiết lộ, tổng số tiền dành cho đổi mới chương trình giáo dục phổ thông ước tính khoảng 144 tỷ đồng và chỉ bằng 180m đường Kim Liên – Ô Chợ Dừa, bằng 600m đường cao tốc Bắc Nam.
Toàn bộ nguồn kinh phí này được vay từ Ngân hàng thế giới (WB), trong một dự án tổng thể về đổi mới giáo dục phổ thông trị giá 80 triệu USD.
Trước đó, quá trình thực nghiệm chương trình mới được tổ chức trong một tháng tại 6 tỉnh, thành phố thuộc 6 vùng kinh tế – xã hội của cả nước. Tại mỗi địa phương sẽ có 3 trường tiểu học, 3 trường THCS và 3 trường THPT đại diện cho các vùng thuận lợi và khó khăn.
Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới trước đây được thực hiện theo Nghị quyết 88 của Quốc hội,chương trình giáo dục mới năm nay theo Nghị quyết 51.
Theo Nghị quyết 51: “Thời gian bắt đầu triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, đảm bảo tuần tự trong từng cấp học, chậm nhất từ năm học 2020-2021 đối với lớp đầu cấp của cấp tiểu học, từ năm học 2021-2022 đối với lớp đầu cấp của cấp trung học cơ sở và từ năm học 2022-2023 đối với lớp đầu cấp của cấp trung học phổ thông”.
Tháng9/2018 vừa qua, Bộ GD-ĐT quyết định sẽlùi thời gian thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoađối với lớp 1 từ năm học 2020-2021 thay vì 2019-2020 như dự kiến.
Nguồn: VTC News