CON YÊU SỚM, CHA MẸ NÊN LÀM GÌ? - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

CON YÊU SỚM, CHA MẸ NÊN LÀM GÌ? - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

ITIT
Tháng một 16, 2018 - 22:14
Tháng tư 14, 2024 - 20:49
 0  13
CON YÊU SỚM, CHA MẸ NÊN LÀM GÌ? - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

Con yêu sớm khi đang ngồi trên ghế nhà trường luôn là vấn đề khiến nhiều bậc phụ huynh đau đầu, chưa có lời giải. Những chia sẻ sau đây sẽ giúp phụ huynh gỡ rối trong chuyện này.

Tạo môi trường yêu thương, sẻ chia trong gia đình

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Thanh (Văn phòng tâm lý Nguyễn Ngọc Thanh), ai cũng có nhu cầu yêu và được yêu thương, một đứa trẻ cũng vậy. Nhưng thực trạng chung trong các gia đình là khi con càng lớn, bố mẹ ít tạo tình cảm hay dành những cử chỉ, lời nói yêu thương cho trẻ hơn. Dần dần, điều này tạo ra khoảng cách về thế hệ, cha mẹ không thể hiện tình cảm với con nhiều nữa, không lắng nghe con và cũng không khuyến khích con thể hiện tình cảm với mình.

Đối với trẻ, khi không được đáp ứng nhu cầu yêu thương nơi bố mẹ, con sẽ tìm tới những người khác, đầu tiên là bạn bè cùng giới rồi đến khác giới.

Ngoài yếu tố về nhu cầu tình cảm, ông Thanh nhận định sự bùng nổ của công nghệ thông tin, các thông tin trên phim ảnh, mạng xã hội cũng là nguyên nhân khiến những đứa trẻ bị lây lan tâm lí yêu sớm và chúng học hỏi nhau. Bố mẹ không thể quản lý nguồn thông tin trẻ tiếp cận hằng ngày vì thế hãy dạy cho trẻ cách tiếp cận như thế nào là phù hợp.

Điều quan trọng nhất là tạo cho trẻ môi trường giàu tình yêu thương ở gia đình để trẻ cảm thấy rằng thay vì nói chuyện, tán ngẫu với một chàng trai, về nói chuyện với bố còn thích hơn hay đàn đúm với bạn bè không tuyệt vời bằng về ăn tối với gia đình.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Thanh cũng chỉ ra rằng, rất nhiều gia đình đã duy trì nếp sống tình cảm cho con ngay từ nhỏ, mọi người thường xuyên trò chuyện, tâm sự với nhau, cùng nhau ăn tối, đi chơi, bố mẹ vỗ về, thể hiện sự yêu thương con thì con cũng sẽ ít tìm đến người khác.

Gạt bỏ tâm lý “Tôi là bố mẹ”

Cách để có thể giáo dục trẻ dễ dàng nhất chính là bố mẹ thường xuyên sẻ chia và đồng hành cùng con mỗi ngày. Bố mẹ cần lưu ý tạo môi trường, điều kiện để con chia sẻ. Ví dụ, trẻ lớp 5 về nói với mẹ: “Mẹ ơi, hôm nay có một bạn trong lớp khoác vai con và hay nhìn con cười, con thích lắm mẹ ạ”. Nếu mẹ nói: “Mới tí tuổi, mày vớ vẩn vừa thôi”, đứa trẻ sẽ im lặng và thấy khó hiểu. Lần sau, con kể chuyện, mẹ tiếp tục hành xử tương tự sẽ khiến trẻ không bao giờ chia sẻ nữa.

Tương tự, một ngày đẹp trời, đứa trẻ chạy lại ôm mẹ và nói: “Con yêu mẹ lắm”, đáp lại mẹ quát: “Tránh ra, người mẹ đang bẩn lắm”. Nói với bố: “Bố ơi, con yêu bố”. Bố lại nói: “Mày định xin cái gì à?”. Như thế, đứa trẻ sẽ không bao giờ muốn chia sẻ hay thể hiện tình cảm nữa.

Từ những vì dụ trên, ông Thanh nhấn mạnh: “Phụ huynh phải tuân thủ một số điều khi dạy con như lắng nghe, tôn trọng, bí mật và không được phán xét. Thông qua việc lắng nghe ấy sẽ kiểm soát đứa trẻ, làm bạn để đồng hành với con”.

Với các trường hợp trẻ đã yêu sớm, bố mẹ không nên cấm mà cần nắm bắt tình hình, thường xuyên trò chuyện với trẻ để biết chúng đã đi đến đâu. Bố mẹ hãy bắt đầu ngay việc tạo sự yêu thương, sẻ chia để kéo trẻ lại bên mình và để con san sẻ tình cảm, thời gian thay vì lúc nào cũng chỉ có người yêu.

Dựa trên sự chia sẻ, bố mẹ khéo léo giáo dục cho chúng về kĩ năng và những kiến thức cần thiết. Ví dụ, trẻ kể, hôm nay là ngày Valentine, bạn ấy đã tặng con một bó hoa và hôn vào má. Bố mẹ vui vẻ đùa hỏi thêm, ngoài hôn con thì còn làm gì nữa không, đó cũng là một cách để khai thác. Sau khi khai thác xong, bố mẹ sẽ nhẹ nhàng chỉ bảo con lớn rồi, việc thể hiện tình cảm bằng một cái ôm hay thơm vào má là hết sức bình thường. Tuy nhiên, hơn thế nữa thì con cần phải chú ý. Bố mẹ cũng có thể giáo dục con bằng cách thường xuyên kể chuyện yêu sớm của con một bác họ hàng nào đó và tác hại như thế nào.

“Sẽ có rất nhiều cách để đồng hành với con nhưng quan trọng nhất là bố mẹ tạo được cảm giác bố mẹ là người bạn thân nhất và tin tưởng nhất. Bố mẹ hãy phá bỏ hết tâm lí, tôi là bố mẹ đi mà hãy là một người bạn thân thiết nhất của con”, chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Thanh chia sẻ.

Tuệ Nhi