CUỐI TUẦN ĐỌC SÁCH CÙNG CON – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

CUỐI TUẦN ĐỌC SÁCH CÙNG CON – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

ITIT
Tháng 8 26, 2017 - 22:16
Tháng tư 14, 2024 - 16:11
 0  17
CUỐI TUẦN ĐỌC SÁCH CÙNG CON – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

Tại sao lại thế?Những câu hỏi lớn của các bạn nhỏ, tác giả Charlotte Grossetête, người dịch Lại Thu Hiền và Khang Anh, NXB Kim Đồng 2012, giá bìa 98.000 đồng

Nhà văn chủ nhân giải Nobel văn chương 2006 Orhan Pamuk có lần nói, đại ý, nhà văn là người phải luôn giữ được khả năng nhìn đời qua con mắt trẻ thơ.

1.Có thể nói thêm mà không ngại sai rằng người lớn, bất cứ ai, làm bất cứ ngành nghề nào, mà giữ được khả năng nhìn đời bằng con mắt hiếu kỳ vô hạn của trẻ con thì sẽ bớt thiệt thòi. Bất cứ ai từng làm bố làm mẹ, hoặc tiếp xúc nhiều với trẻ con, chẳng chóng thì chầy đều mệt nhoài trước khả năng đặt câu hỏi bất tận của chúng.

Một vài người hiếm hoi còn duy trì được khả năng này thì trở thành… Newton hay những tên tuổi tầm cỡ khác!Người lớn thì khác, càng lớn năng lực đặt câu hỏi của chúng ta càng phai nhạt, càng có khuynh hướng chấp nhận sự vật như chúng vốn có. Chúng ta lười nhác, chúng ta ngại ngùng, chúng ta có trăm ngàn lý do để đè nén những câu hỏi lại. Chúng ta nhìn mây bay mà chẳng mấy khi hỏi tại sao nó lại bay được; chúng ta chớp mắt mà chẳng buồn thắc mắc nếu không chớp mắt thì chuyện gì xảy ra.

Làm thế nào để trả lời những câu hỏi đại loại như trước khi ra đời thì con ở đâu, hay tại sao bạn Bông lại được ăn đám cưới ba mẹ bạn ấy mà con thì không, hay trước trước nhất thì ai sinh ra con người một cách vừa đơn giản dễ hiểu, vừa không tránh né sự thật lại vừa dí dỏm? May thay, có vài cuốn sách có thể đáp ứng nhu cầu đó, chẳng hạn cuốn Tại sao lại thế? – Những câu hỏi lớn của các bạn nhỏ của tác giả người Pháp Charlotte Grossetête.

Đây là một ví dụ: “Làm thế nào để “tạo ra” một em bé? Đầu tiên, bố sẽ gửi vào bụng mẹ một hạt giống bé xíu. Khi tới nơi, hạt giống của bố sẽ gặp hạt giống của mẹ, sự kết hợp ấy tạo thành một quả trứng nhỏ cứ lớn dần, lớn dần lên… rồi trở thành một em bé!”.

Cuốn sách được chia thành bốn nhóm chủ đề: Tớ! gồm những câu hỏi xoay quanh bản thân bé; Gia đình tớ gồm những thắc mắc về bố mẹ, anh chị em; Cuộc sống là thế đấy là phần của những thắc mắc đa dạng về cuộc sống, tình cảm yêu, ghét, xấu, tốt, đau khổ, bất công; và phần cuối cùng Thế giới quay, quay với những câu hỏi về Trái đất và các hành tinh, môi trường, chiến tranh…

Cuốn sách không ghi lứa tuổi nhưng chủ đề, cách viết và minh họa phù hợp cho các bé từ 5-8 tuổi. Các bé có thể đọc một mình, nhưng lý tưởng hơn là ba mẹ đọc cùng con, mỗi ngày một vài câu, hoặc các ông bố bà mẹ có thể tham khảo sách này mỗi khi bị con cái dồn vào thế bí.

Dĩ nhiên, không có câu trả lời cho tất cả các câu hỏi của các bé trên đời, nhưng các ông bố bà mẹ có thể nương theo cách trả lời các câu hỏi khác trong sách để tự nghĩ ra cách trả lời con.

Cuốn sách được trình bày nhẹ nhàng với những minh họa màu duyên dáng, thậm chí có thể còn là những gợi ý thú vị về tạo hình và màu sắc với các bé thích vẽ.

Dokéo– Bách khoa thư thế hệ mới, nhiều tác giả, nhiều người dịch, NXB Kim Đồng 2013, giá bìa 330.000 đồng

2. Cũng là sách dành cho thiếu nhi, cùng do NXB Kim Đồng ấn hành, nếuTại sao lại thế?– Những câu hỏi lớn của các bạn nhỏ nhẹ nhàng và dí dỏm, thì Dokéo – Bách khoa thư thế hệ mới tưng bừng, rộn rã và đầy màu sắc. Nếu cuốn đầu gợi ra những chân trời háo hức thì cuốn sách thứ hai này mở hẳn ra một bầu trời với vô vàn tinh tú.

DokéoBách khoa thư thế hệ mới do NXB Editions Nathan của Pháp biên soạn là một cuốn sách đầy đặn từ hình thức đến nội dung. Với hơn 400 trang in khổ lớn, hàng nghìn tranh ảnh minh họa, cuốn sách phủ qua bảy lĩnh vực: động thực vật, khoa học Trái đất, cơ thể người, khoa học và kỹ thuật, lịch sử, thế giới ngày nay và nghệ thuật, giải trí, thể thao.

Cụm từ “thế hệ mới” có thể hiểu theo hai cách: dành cho thế hệ mới, thế hệ trẻ em sinh ra từ những năm 2000, mà cũng có thể có nghĩa đây là một cuốn bách khoa được biên soạn theo một cách mới với những thông tin mới.

Được biên soạn năm 2011, dịch và in tại Việt Nam năm 2013, cuốn sách chuyên chở một lượng tranh, ảnh khổng lồ. Trên mỗi trang sách đều có vài chục tranh, ảnh kèm những thông tin súc tích, và do vậy mà tranh hay ảnh vượt lên tính chất minh họa thông thường. Mỗi bức tranh, tấm ảnh tự nó đã kể một câu chuyện…

Hiển nhiên, một bộ bách khoa toàn thư, cho dù dành cho trẻ em và cho dù có rất nhiều tranh ảnh, không phải là sách đọc một lần. Có thể giúp trẻ “lục lọi” cuốn sách theo nhiều cách, chẳng hạn dùng mục lục ở đầu sách để tìm các chủ đề liên quan, dùng bảng tra cứu theo vần ở cuối sách để tìm mục quan tâm, hoặc dùng những trang đố vui để vừa chơi vừa học.

Hoặc thử áp dụng cách tôi đã làm với cu con lớp 1 của mình: khêu gợi óc tò mò. Tôi để sách trên chiếc bàn thấp, mở sẵn một trang bất kỳ. Anh chàng thấy hình bèn sà vào xem một hồi và bắt đầu hỏi. Khi đó tôi mới đọc và giải thích thêm cho con nghe. Hai cha con có hôm cùng tìm hiểu về khủng long, hôm thì cùng nhau thưởng thức mười hai kỳ công của Hec-quyn trong thần thoại Hi Lạp.

Dokéodành cho trẻ từ 9 tuổi, tuy vậy trẻ từ 6 tuổi có thể đã đọc được một số phần với sự giúp sức của người lớn. Mà ngay cả người lớn cũng có thể đọc được khối thông tin thú vị từ đây, rất tiện cho việc “chém gió” vỉa hè hay đi thi các cuộc thi kiến thức phổ thông trên truyền hình!

Bách khoa thư lịch sử Kingfisher, nhiều tác giả, Nguyễn Đức Tĩnh và Ngô Minh Châu dịch, Nhã Nam và NXB Từ Điển Bách Khoa 2009, giá bìa 350.000 đồng

3. Cũng được biên soạn công phu, tỉ mỉ và sử dụng nhiều tranh ảnh kích thích thị giác nhưDokéonhưng đi sâu vào một lĩnh vực là bộBách khoa thư lịch sử Kingfisherdo Nhã Nam và NXB Từ Điển Bách Khoa ấn hành. Chính vì đi sâu hơn nên đây không hẳn là cuốn sách chỉ dành cho trẻ em, mặc dù học sinh từ độ tuổi đầu cấp II có thể bắt đầu đọc được. Đây là cuốn sách dành cho bất cứ ai quan tâm đến lịch sử.

Bách khoa thư lịch sử Kingfisherthật sự là một cuốn cẩm nang toàn diện về lịch sử. Tất cả những sự kiện trọng đại trong lịch sử loài người từ thời thượng cổ đến thời hiện đại đều được tóm gọn trong cuốn sách. Ở mỗi thời đại, mỗi khu vực địa lý, cuốn sách làm nổi bật lên những chân dung tiêu biểu, những mốc thời gian chính, điểm qua kiến trúc, nghệ thuật và công nghệ của thời đại và khu vực đó

Độc giả sẽ không ngừng kinh ngạc về những gì mà loài người đã làm được, cũng như không tránh khỏi cảm giác bản thân ta nhỏ nhoi thế nào trước bề dày lịch sử đồ sộ của con người. Làm thế nào mà từ năm 2500 trước Công nguyên người Ai Cập cổ đại đã xây dựng nên những kim tự tháp vĩ đại còn lại cho đến mãi ngày nay? Các đế quốc hình thành, trỗi dậy rồi suy tàn như thế nào, các cuộc chiến tranh nối tiếp nhau ra sao, những gì đã góp phần định hình lịch sử?

Câu trả lời nằm giữa trang sách chờ đợi các độc giả trẻ, cả những độc giả không còn trẻ nữa, khám phá.

Về lý do tồn tại của sách giấy trước sách điện tử, nhà văn Anh Julian Barnes viết: “Sách phải trở thành một cái gì đó khiến người ta khao khát hơn, thèm muốn hơn: không phải là hàng xa xỉ nhưng phải được thiết kế đẹp, hấp dẫn, làm cho ta muốn cầm nó lên, giữ chúng, nghĩ về việc đọc đi đọc lại chúng, và nhiều năm về sau nhớ lại rằng đây chính là ấn bản mà ta lần đầu tiên chạm mặt những gì chứa đựng bên trong”.

Những cuốn sách nhưTại sao lại thế?, DokéohayBách khoa thư lịch sử Kingfisherchính là những cuốn sách như thế: khiến người ta khao khát. Và không nghi ngờ gì, đây là những món quà tuyệt vời của các bậc cha mẹ dành cho con cái, của bất cứ người lớn nào dành cho trẻ em hoặc giữa các bậc cha mẹ với nhau.

Quan trọng hơn cả, đây là những cuốn sách mà cách đọc hay nhất là cha mẹ đọc cùng con. Chẳng phải đọc sách cùng nhau là một cảnh tượng đẹp hơn nhiều so với cảnh “mẹ ngồi cạo lông chân/bố ngồi xem chưởng bộ” (*) còn con thì chúi đầu vào iPad hay sao?

(*) Lời thơ của Thụ Nho trong cuốn sách tranhMột ngày của bố.