ĐỀ THI THỬ MÔN VĂN VÀO 10 (SỐ 6) - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội
ĐỀ THI THỬ VÀO 10 MÔN VĂN (SỐ 6) - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội
Phần I (6 điểm)
Trong tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa”, nhà văn Nguyễn Thành Long viết:
“… Trong cái lặng im của Sa Pa, dưới những dinh thự cũ kĩ của Sa Pa, Sa Pa mà chỉ nghe tên, người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước…”
(Theo Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2013)
- Xác định và gọi tên thành phần biệt lập trong câu văn trên.
- Câu văn là suy nghĩ của nhân vật nào? Cho biết vai trò của nhân vật đó trong tác phẩm?
- “Những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước” được nói đến là ai? Nêu nhận xét của em về cách đặt tên các nhân vật trong truyện của tác giả. Vì sao nhà văn lại đặt tên nhân vật như vậy?
- Trong tác phẩm, những con người ở Sa Pa đã thể hiện tình yêu nước bằng cách lặng lẽ “làm việc và lo nghĩ” cho đất nước. Theo em, trong xã hội hiện nay, thế hệ trẻ Việt Nam cần làm gì để phát huy truyền thống yêu nước?
Hãy trình bày suy nghĩ của em về vấn đề đó trong một đoạn văn 2/3 trang giấy thi.
Phần II (4 điểm): Đọc kĩ phần văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
“Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ
Ôi kỳ lạ và thiêng liêng – bếp lửa!”
( “Bếp lửa” – Bằng Việt )
- Em hiểu như thế nào về cụm từ “biết mấy nắng mưa” trong câu thơ đầu đoạn? Hãy tìm một câu thành ngữ có chứa hai từ “nắng”, “mưa” và giải thích ngắn gọn ý nghĩa câu thành ngữ em vừa tìm được.
- Hãy kể tên bài thơ khác viết về tình cảm gia đình trong chương trình Ngữ văn lớp 9.
- Viết đoạnvăn diễn dịch (12-15 câu) trình bày cảm nhận của em về hình ảnh người bà được thể hiện trong đoạn thơ trên. Trong đoạn văn có sử dụng câu ghép và câu có thành phần cảm thán. (Gạch chân câu ghép, thành phần cảm thán và chú thích rõ)