Đoạn văn nghị luận xã hội ôn thi vào lớp 10 (phần 1)

ITIT
Tháng một 6, 2023 - 14:54
Tháng 5 22, 2024 - 13:30
 0  319
Đoạn văn nghị luận xã hội ôn thi vào lớp 10 (phần 1)

 1. Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về Nói lời hay, làm việc tốt

Trong xã hội hiện đại này, một công dân tốt không chỉ đơn thuần là học sâu biết rộng, mà phải đem đến lợi ích cho cộng đồng qua lời nói và hành động. Nói lời hay, làm việc tốt như một lời thông điệp muốn hướng con người. Đó là việc nói những lời lẽ tốt đẹp, tâm hướng thiện, sẵn sàng đồng cảm, chia sẻ, thấu hiểu và giúp đỡ người khác khi người ta gặp khó khăn. Sở dĩ con người khác với con vật ở chỗ con người biết sử dụng lời nói làm phương tiện giao tiếp và và dùng hành động để thực hiện suy nghĩ, mong muốn của mình. Đây là một nền tảng lớn lao để hoàn thiện mỗi con người. Nói chuyện và hành động là hai khía cạnh quan trọng của việc tương tác với mọi người xung quanh. Việc nói lời hay, ý đẹp có thể giúp xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, tạo niềm tin và sự tôn trọng với xã hội. Nhưng nếu chỉ nói mà không làm thì điều này chỉ là lời nói trống rỗng và khó tin. Làm việc tốt đòi hỏi chúng ta phải thực hiện hành động đúng với những gì đã nói và đưa ra một bằng chứng cụ thể. Làm việc tốt cũng là một cách thay đổi cuộc sống của chính mình và thay đổi cuộc sống của người khác theo hướng tích cực. Mặc dù cách chúng ta nửa vòng Trái Đất, nhưng chắc hẳn mọi người sẽ biết tới Bill Gates – tỷ phú của thế giới. Ông đã dùng 95% khối tài sản của mình để sẻ chia, giúp đỡ những người gặp phải khó khăn, bất hạnh trên toàn thế giới. Nhưng cũng thật đáng buồn thay khi trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau của người khác, chỉ biết đến bản thân mình,… những người này đáng bị xã hội thẳng thắn lên án, chỉ trích. Mỗi người đều cần phải tạo nên cho mình một sự kết hợp hài hòa giữa nề nếp, nhận thức và hành động. Có như vậy, đất nước mới có thể phát triển và sánh vai với các cường quốc năm châu.

 2. Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về Phát triển bản thân

Lê – nin đã nói: “Chiến thắng chính mình là chiến thắng vẻ vang nhất” . Chiến thắng chính mình là việc hoàn thiện bản thân mình theo chiều hướng tích cực hơn, biết khắc phục khuyết điểm cũng như phát triển những ưu điểm. Biết phấn đấu để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình sẽ đem lại cho ta nhiều cơ hội trong đời sống, bồi đắp cho ta nhiều phẩm chất tốt đẹp hơn, giúp con người trưởng thành,.. Vậy làm sao để chúng ta có thể trở thành một “tôi” tốt hơn so với ngày hôm qua? Điều đầu tiên ta cần làm thấu hiểu được bản thân mình. Đôi khi ta xoay vần trong sự mông lung, “Đứng núi này trông núi nọ”. Bạn không thể làm được gì nếu không biết mong muốn, điểm mạnh, điểm yếu, quan điểm… của mình là gì. Ngoài ra, những suy nghĩ như “Tôi hoàn toàn thất bại”, “Tôi sẽ không bao giờ được như cậu ấy” cũng khiến bạn đánh mất giá trị và phương hướng của bản thân. Trong trường hợp đó, hiểu biết về bản thân là chìa khóa để nâng cao lòng tự tôn của bạn, trở thành kim chỉ nam điều chỉnh cảm xúc và hoạch định hướng đi cho cuộc sống của ta. Việc thấu hiểu bản thân sẽ truyền cho bạn niềm hăng say sáng tạo, tìm được những người đồng đội cùng chí hướng. Phiên bản tốt nhất của bạn sẽ xuất hiện khi bạn “mạo hiểm” thấu hiểu, tìm kiếm và khám phá chính mình. Hãy ước mơ và làm những gì có thể để biến những ước mơ đó thành hiện thực!

 

3. Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về Nghị lực sống

Người xưa có câu “Lửa thử vàng gian nan thử sức” để khuyên nhủ con người cần có nghị lực để vượt qua thử thách của cuộc đời. Quả thực vậy, nghị lực sống có ý nghĩa vô cùng to lớn trong cuộc sống. Nghị lực sống chính là ý chí luôn biết vươn lên trong cuộc sống, kiên trì không ngại khó khăn để theo đuổi mục tiêu. Nó thể hiện ở việc ta quyết tâm theo đuổi mục tiêu, không buồn bã trước gian nan, biết tận dụng lợi thế của bản thân,...Nghị lực sống đem lại cho con người rất nhiều lợi ích, giá trị lớn lao. Có nghị lực sống, ta có được bản lĩnh phi thường, không nao núng khi đối mặt với chông gai. Bên cạnh đó, không có con đường nào trải đầy hoa hồng, muốn thành công ắt phải nếm trải cay đắng. Khi đó, nghị lực sống sẽ tiếp thêm cho ta sức mạnh, giúp ta giữ vững mục tiêu đã đề ra. Không những vậy, nghị lực sống ấy còn bồi đắp cho con người những kỹ năng khác như sự khiêm tốn, lòng dũng cảm,… Người có nghị lực sống sẽ luôn biết tin vào chính bản thân mình, luôn mạnh mẽ, chủ động , không ỷ lại vào sự giúp đỡ từ người khác hoặc than thân trách phận. Họ sẽ nhận được sự yêu mến, tin tưởng từ những người xung quanh và trở thành những công dân tốt cho xã hội. Những tấm gương về nghị lực sống không hề thiếu trong. Pelé được sinh ra ở một làng nhỏ tại Brazil. Do gia đình khó khăn, ông phải chơi bóng bằng chân trần với quả bóng được bện từ những miếng vải vụn. Ông kiên trì luyện tập hằng ngày và trở thành huyền thoại bóng đá thế giới. Bên cạnh những tấm gương tốt, có những người hễ cứ thấy khó khăn là bỏ cuộc, nản chí, không muốn vượt qua. Những con người như vậy thật đáng phê phán, ắt hẳn sẽ chuốc lấy thất bại. Để có thể rèn luyện nghị lực sống, ta cần rèn luyện nó từ những viêc nhỏ nhặt trong đời sống. Tự mình làm lấy việc của mình, hoàn thành những công việc hằng ngày, tìm tòi học hỏi những kiến thức mới, không bỏ cuộc khi khó khăn,.. chính là chìa khóa để hình thành nghị lực sống. Nghị lực sống là một chìa khóa vô cùng quan trọng của mỗi con người. Nó sẽ quyết định thành công sẽ đến với bạn hay không. Là học sinh, em sẽ học tập và rèn luyện phẩm chất này thật tốt để trở thành công dân tốt trong tương lai.

 

4. Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về Lòng tự trọng

Người xưa thường nói: "Đói cho sạch rách cho thơm", "Chết đứng còn hơn sống quỳ" để giáo dục con người về phải giữ gìn phẩm giá trong bất kì hoàn cảnh nào. Điều ấy quả thực rất đúng đắn bởi tự trọng là phẩm chất cao đẹp mà mỗi người cần có. Vậy tự trọng là gì? Suy cho cùng, tự trọng chính là ý thức được giá trị bản thân, biết đề cao phẩm giá của mình. Tự trọng được biểu hiện ở rất nhiều khía cạnh trong đời sống như sống có kỷ luật, tự giác hoàn thành những công việc của mình mà không cần người khác nhắc nhở, thẳng thắn thừa nhận khuyết điểm và ưu điểm của bản thân, không làm những việc trái với lương tâm,... Tự trọng mang lại rất nhiều giá trị thiết thực cho mỗi con người. Có lòng tự trọng, con người có được kim chỉ nam giúp ta đi đúng hướng, trung thành với mục tiêu đã đề ra. Tự trọng giúp con người đứng vững trước những thử thách chông gai, không sợ đánh mất bản thân khi đối mặt với cám dỗ. Không chỉ vậy, tự trọng còn giúp con người hoàn thiện bản thân, biết cách nhìn nhận và đánh giá bản thân một cách đúng đắn. Nhờ có tự trọng mà chúng ta được bồi đắp thêm nhiều phẩm chất như: dũng cảm, trung thực, chăm chỉ,... Bên cạnh đó, lòng tự trọng còn khiến ta biết cách sống chủ động, dựa vào chính sức lực của mình. Từ đó, con người đạt được thành công bởi những giá trị sống được tạo ra là năng lực của bản thân luôn vững bền hơn những điều trông chờ từ người khác. Người có lòng tự trọng cũng là người biết tôn trọng người khác, nhờ vậy mà nhận được sự tin tưởng, yêu mến từ mọi người và trở thành công dân tốt cho xã hội. Câu chuyện về Trần Bình Trọng với câu nói: “Ta thà làm ma nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc” chính là một ví dụ cho lòng tự trọng. Hiện nay, vẫn có những kẻ sống ỷ lại, sẵn sàng bán rẻ lương tâm, dễ bị thao túng bởi vật chất nên rất đáng lên án. Lòng tự trọng là một đức tính quý báu. Mỗi người hãy trau dồi đức tính ấy ngay trong đời sống hằng ngày.

Còn tiếp =>