ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SGK GIÁO DỤC PHỔ THÔNG TỪ NĂM 2018 – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội
ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SGK GIÁO DỤC PHỔ THÔNG TỪ NĂM 2018 – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội
Dự kiến đổi mới chương trình sách giáo khoa từ năm 2018
Dự kiến thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới trên phạm vi toàn quốc theo cả ba cấp học, bắt đầu ở lớp 1, lớp 6 và lớp 10 từ năm học 2018-2019; đến năm học 2020-2021 (đối với cấp Trung học phổ thông), năm học 2021-2022 (đối với cấp Trung học cơ sở) và năm học 2022-2023 (đối với cấp Tiểu học).
Sáng 14-4, phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc. Đây là phiên họp kéo dài tới 10 ngày với nhiều nội dung quan trọng. Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban đã nghe báo cáo về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015.
Bắt đầu thực hiện từ năm 2018
Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển trình bày đã trình bày Tờ trình của Chính phủ về vấn đề này. Bản báo cáo nhận định: “Giáo dục phổ thông Việt Nam nói chung và chương trình giáo dục phổ thông nói riêng cần được đổi mới một cách căn bản, toàn diện ở tất cả những vấn đề lớn, cốt lõi để nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực và thực hiện các yêu cầu mà Nghị quyết của Đảng đã nêu. Đổi mới chương trình, sách giáo khoa là một công việc trọng đại, cần huy động trí tuệ của nhiều cá nhân và tập thể; đầu tư nhiều nguồn lực; cần có sự đồng tình, thống nhất phối hợp của nhiều cơ quan, ban ngành và các tổ chức xã hội”.
Theo đó, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (thay thế Nghị quyết số 40/2000/QH10 ngày 09 tháng 12 năm 2000 của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông).
“Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông phải khắc phục những hạn chế của chương trình, sách giáo khoa hiện hành; giáo dục học sinh phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi học sinh; đảm bảo hài hòa giữa “dạy chữ”, “dạy người” và định hướng nghề nghiệp”, ông Hiển nhấn mạnh. Nội dung giáo dục phổ thông phải tiếp cận trình độ giáo dục phổ thông ở các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới, cân đối giữa dạy kiến thức với giáo dục đạo đức, lối sống, lịch sử, văn hóa dân tộc cũng như định hướng nghề nghiệp…
Phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục cũng sẽ được đổi mới mạnh mẽ theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học; tập trung dạy cách học và tự học, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo…
Đáng lưu ý, toàn quốc thống nhất một chương trình giáo dục phổ thông quốc gia. Các nhà trường phổ thông xây dựng chương trình giáo dục nhà trường dựa trên chương trình giáo dục phổ thông quốc gia. Chương trình giáo dục phổ thông quốc gia quy định mục tiêu, chuẩn đầu ra, nội dung giáo dục bắt buộc; đồng thời hướng dẫn các nội dung giáo dục mở rộng (cùng với thời lượng) để các nhà trường vận dụng xây dựng chương trình giáo dục phù hợp với điều kiện của mình.
Với việc công khai các yêu cầu, tiêu chí đánh giá sách giáo khoa để làm căn cứ cho việc biên soạn, thẩm định, phê duyệt và sử dụng sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn đủ một bộ sách giáo khoa, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn các bộ sách giáo khoa hoặc các cuốn sách giáo khoa khác. Tất cả sách giáo khoa phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, phê duyệt trước khi sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
Nếu được thống nhất triển khai, sẽ lần lượt thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới trên phạm vi toàn quốc theo cả ba cấp học, bắt đầu ở lớp 1, lớp 6 và lớp 10 từ năm học 2018-2019; đến năm học 2020-2021 (đối với cấp Trung học phổ thông), năm học 2021-2022 (đối với cấp Trung học cơ sở) và năm học 2022-2023 (đối với cấp Tiểu học) đều thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới ở lớp cuối của mỗi cấp học.
Chú trọng đội ngũ giáo viên và quản lý giáo dục
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTNTN&NĐ), ông Đào Trọng Thi cho biết, qua thẩm tra sơ bộ đề án do Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất, Thường trực Ủy ban của Quốc hội cơ bản tán thành với các nội dung nêu trong dự thảo Nghị quyết và đề nghị nhấn mạnh yêu cầu và định hướng đổi mới đối với 4 vấn đề: mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông (sau đây gọi tắt là chương trình) sau năm 2015; cấu trúc, nội dung giáo dục; phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục; kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.
Về chủ trương một chương trình thống nhất, trên cơ sở kết quả khảo sát thực tiễn tại các địa phương, Thường trực Ủy ban nhận thấy Nhà nước cần xây dựng một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất, bao gồm phần bắt buộc đối với học sinh toàn quốc và phần bổ sung do địa phương và cơ sở giáo dục lựa chọn, đồng thời dành thời lượng hợp lý cho giáo dục lịch sử, văn hóa của mỗi địa phương, vùng miền.
“Tuy vậy, cần hướng dẫn và giao trách nhiệm cho các địa phương và cơ sở giáo dục tổ chức biên soạn và phát hành tài liệu về phần bổ sung và về nội dung giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương, vùng miền”, ông Đào Trọng Thi lưu ý.
Về đa dạng hóa sách giáo khoa phổ thông, Thường trực Ủy ban nhất trí với chủ trương có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học. Để thực hiện chủ trương này, cần có bộ chương trình chuẩn đủ chi tiết với những chuẩn kiến thức, kỹ năng cụ thể và những phẩm chất cần thiết khác; đồng thời cần ban hành bộ tiêu chí đánh giá sách giáo khoa.
Đáng lưu ý, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, trường lớp là hai yếu tố cơ bản cùng với chương trình, sách giáo khoa cấu thành chất lượng giáo dục. Trong khi đó, theo cơ quan thẩm tra, việc phát triển đội ngũ giáo viên phổ thông chưa được quan tâm đúng mức, công tác bồi dưỡng, đào tạo lại giáo viên chưa được thực hiện một cách cơ bản, chưa đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình, sách giáo khoa hiện hành. Điều kiện cơ sở vật chất ở đa số các cơ sở giáo dục phổ thông hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu giáo dục toàn diện. Việc xây dựng và nâng cấp trường lớp, trang thiết bị học tập đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, chủ yếu do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm đầu tư, ngân sách địa phương không đủ đáp ứng yêu cầu, rất cần có sự hỗ trợ của ngân sách trung ương… Do đó, để thực hiện thành công Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015 cần bổ sung thêm hai nhiệm vụ (có thể xây dựng thành các Đề án riêng): Bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên và chuẩn hóa cơ sở vật chất trường lớp.
– Theo kenhtuyensinh.vn –