GIÚP TRẺ ĐỐI DIỆN VỚI THỬ THÁCH HOẶC CẢM XÚC TỒI TỆ – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

GIÚP TRẺ ĐỐI DIỆN VỚI THỬ THÁCH HOẶC CẢM XÚC TỒI TỆ – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

ITIT
Tháng một 25, 2021 - 23:19
Tháng 9 26, 2024 - 10:25
 0  24
GIÚP TRẺ ĐỐI DIỆN VỚI THỬ THÁCH HOẶC CẢM XÚC TỒI TỆ – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

Ảnh: Caitlin-Marie Miner

Thay vì để sự bi quan kéo dài, Karren M.Allen, bà mẹ Mỹ, nghĩ ra cách dạy trẻ hồi phục và học hỏi từ những gì đã xảy ra, bắt đầu bằng ba chữ “Mọi chuyện ổn”.

Karren M.Allen là mẹ của bé trai 9 tuổi, đồng thời là nhà huấn luyện tư duy ở Mỹ. Karren tin rằng việc trẻ được dạy suy nghĩ theo cách nào sẽ tác động rất lớn đến thái độ của chúng với việc học, xây dựng tiềm năng phát triển trong tương lai. Cô giới thiệu một số cách đơn giản để giúp trẻ khám phá tiềm năng khi gặp thử thách hoặc những cảm xúc tồi tệ.

Hình dung thành công

Trẻ có thể choáng ngợp khi tiếp xúc với điều mới mẻ, dù cho là môn thể thao hoặc một bài học. Con trai tôi đã né tránh việc học xe đạp trong gần hai năm vì trong tâm trí con việc này quá khó.

Tôi đã giúp con nâng cao sự tự tin bằng cách lấy một mảnh giấy, vẽ chữ X ở cột bên trái. Dưới chữ X này, tôi viết những việc cậu bé không thể làm, gồm cả việc buộc dây giày, viết tên mình và đọc sách. Sau đó, tôi hỏi con liệu có thể làm những điều đó bây giờ hay không. Khi con nói “có” cho mỗi kỹ năng, tôi sẽ vé hình mặt cười ở bên phải của tờ giấy, đối diện với việc con đồng ý thực hiện lại.

Sau đó, tôi chỉ vào khoảng trống giữa chữ X và mặt cười, hỏi “Con đã làm gì ở đây?”. Cậu bé trả lời một cách rụt rè “Con không biết, con đoán là mình cố thử”. Khi tôi hỏi tiếp “Vậy là con đã luyện tập?” và cậu bé đáp “Có”. Với mỗi kỹ năng mà cậu bé học thành công, tôi sẽ nối chữ X và mặt cười bằng một đường thẳng để minh họa hành trình làm việc hướng tới mục tiêu.

Bài tập trực quan này giúp trẻ em nỗ lực, việc luyện tập lặp đi lặp lại có thể dẫn đến kết quả tích cực thế nào. Nhưng quan trọng hơn, nó giúp trẻ có thời gian để nghĩ về nhiệm vụ, kỹ năng khó khăn mà mình chưa làm được, từ đó xây dựng sự tự tin để thử lại.

Chuẩn bị cho sai lầm

Mặc dù việc phạm sai lầm là “rất con người”, nhưng nó được nhìn nhận dưới góc độ tiêu cực. Đã đến lúc bình thường hóa rằng những tai nạn, thất bại có thể đóng vai trò quan trọng trong việc học hỏi. Thay vì để sự bi quan kéo dài, tôi nghĩ ra một cách hiệu quả để dạy trẻ hồi phục và học hỏi từ những gì đã xảy ra, bắt đầu bằng ba chữ “Mọi chuyện ổn”.

Ba từ nhẹ nhàng này có thể giúp khuếch tán mọi cảm xúc tiêu cực có thể nảy sinh để tìm ra hướng giải quyết tích cực. Tôi muốn giúp con mình rũ bỏ mọi xấu hổ để có thể suy nghĩ sáng suốt, học hỏi mọi kinh nghiệm dù tốt hay xấu.

Chẳng hạn, trẻ em làm rơi ly khi đang cố gắng rửa bát hoặc phải làm lại bài tập về nhà, chúng ta nên sử dụng những rủi ro đó như cơ hội để trẻ phát triển, tránh lặp lại việc đó. Một điều cần lưu ý là bạn nên gợi ý để trẻ chủ động chọn cách giải quyết, chẳng hạn nên rửa sạch bọt trên ly rồi mới cầm vào để tránh bị trơn, chứ không nên áp đặt suy nghĩ của mình. Việc này còn giúp trẻ rèn khả năng giải quyết vấn đề trong tương lai.

Nghỉ ngơi trong ba bước

Không chỉ người lớn, trẻ em cũng cần được nghỉ ngơi sau thời gian hoạt động mệt mỏi, học tập căng thẳng. Tôi thường để con trai thư giãn theo trình tự các bước sau. Thứ nhất, chuyển vị trí. Chuyển động về mặt chất giúp chúng ta thay đổi về không gian, giúp não bộ cảm nhận năng lượng tích cực. Khi bước ra khỏi nơi tạo áp lực, tâm trí chúng ta sẽ chuyển sang hướng khác ít bế tắc hơn.

Thứ hai, giải phóng năng lượng. Bạn cần tìm cách giúp trẻ giải phóng những suy nghĩ tiêu cực, mệt mỏi trong người bằng các hoạt động lành mạnh như chạy bộ, viết nhật ký, nói chuyện với bạn bè hoặc thậm chí khóc.

Cuối cùng, bạn cần để trẻ nghỉ ngơi bằng cách để chúng nằm trên giường 15-30 phút. Nếu có thể chợp mắt, việc này có tác dụng nhiều hơn. Khi hoàn thành cả ba bước, chắc chắn tinh thần của trẻ sẽ lạc quan và thoải mái hơn, sẵn sàng thử lại hoặc tiếp tục việc mình đang làm dở trước đó.

Kết hợp việc học với những gì trẻ yêu thích

Nếu con bạn sợ học toán nhưng lại đam mê thể thao, hãy tìm cách kết hợp chúng bằng những bài toán như “Những chú hổ đã ghi ba bàn thắng trong mỗi trận trong tổng bốn trận, vậy chúng đã ghi được bao nhiêu bàn cùng nhau?”. Trong những buổi học thực hành, hãy cân nhắc với những món đồ trẻ yêu thích và tận dụng tối đa để trải nghiệm học tập thú vị và gần gũi với chúng hơn. Đôi khi, việc bật một bài hát trẻ yêu thích cũng giúp việc học tập không còn đáng sợ.

Thanh Hằng (Theo Parents)