GỢI Ý VIẾT THƯ QUỐC TẾ UPU LẦN THỨ 49 (NĂM 2020) - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

GỢI Ý VIẾT THƯ QUỐC TẾ UPU LẦN THỨ 49 (NĂM 2020) - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

ITIT
Tháng tư 25, 2020 - 10:29
Tháng tư 17, 2024 - 10:17
 0  52
GỢI Ý VIẾT THƯ QUỐC TẾ UPU LẦN THỨ 49 (NĂM 2020) - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

Hãy cùng tham khảo những bài mẫu viết thư UPU lần thứ 49 năm 2020 “Thông điệp gửi một người lớn về thế giới”

Năm nay, Cuộc thi viết thư UPU lần thứ 49 năm 2020 có đề bài khá thú vị, đó là: “Em hãy viết thông điệp gửi một người lớn về thế giới chúng ta đang sống” (Tiếng Anh: Write a message to an adult about the world we live in). Với đề bài năm nay, dự báo sẽ có không ít bức thư hay về thế giới và góc nhìn trong thời đại của công nghệ, đồng thời vẫn bám sát vào những mối quan tâm chính của xã hội.

Với đề bài năm nay, dự báo sẽ có không ít bức thư hay về thế giới và góc nhìn trong thời đại của Internet, của xu hướng thông minh hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Để hỗ trợ các bạn học sinh thực hiện bài làm của mình tốt nhất, dưới đây sẽ là phần điểm lại một số hướng dẫn cơ bản của cuộc thi.

Theo ban tổ chức, cuộc thi viết thư UPU dành cho tất cả học sinh Việt Nam dưới 15 tuổi (tính đến 31/12/2019). Bài thi phải là sản phẩm sáng tạo của cá nhân người viết được trình bày dưới dạng một bức thư viết dưới dạng văn xuôi (chưa đăng báo hoặc in sách), dài không quá 800 từ.

Các bài dự thi viết bằng tiếng nước ngoài phải có bản dịch tiếng Việt gửi kèm. Ban Giám khảo chấm bản tiếng Việt. Trong đó, bài viết rõ ràng, sạch sẽ, viết tay trên một mặt giấy (bài đánh vi tính hoặc photocopy là không hợp lệ).

Dưới đây là một vài gợi ý để về một đề tài viết UPU năm 2020 để các bạn học sinh có thể tham khảo:

Bài số 1

Thư gửi nhà lãnh đạo của các quốc gia

Có lẽ, chúng ta đều đang nhìn thấy, số lượng người tị nạn buộc phải chạy trốn khỏi các cuộc chiến tranh, xung đột và bức hại trên thế giới đang tăng lên nhanh chóng nhất là tại các quốc gia như: Syria, Iraq và Afghanistan.

Người ta ước tính rằng khoảng một nửa trong số 19,5 triệu người tị nạn đã xác nhận trên toàn cầu là trẻ em và thanh thiếu niên. Đây là những nạn nhân dễ bị tổn thương nhất trong các cuộc xung đột.

Theo tính toán, những cuộc xung đột đã biến Syria thành một trong những nơi nguy hiểm nhất cho trẻ em: Syria có dân số 21,9 triệu người, trong đó hơn 9 triệu là dưới 18 tuổi. Hơn 4,29 triệu trẻ em ở Syria ở trong tình trạng nghèo đói, nay đây mai đó hay bị mắc kẹt giữa làn đạn.

Tất nhiên, số phận của những đứa trẻ này sẽ chẳng ai có thể nói trước được. Nhất là khi có khoảng một triệu trẻ em tại đất nước này vẫn đang sống tại các khu vực mà nhân viên cứu trợ không thể đến thường xuyên, do đó không có được những hỗ trợ thiết yếu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống của chúng.

Khi chúng ta đang hưởng một cuộc sống chất lượng, ngủ trên đệm êm, chăn ấm, có một nền giáo dục chất lượng thì tại đất nước Syria hàng triệu người phải sống trong cảnh khổ sở không được hỗ trợ đủ, bị cảm cúm, mắc bệnh dịch, đói khát.

Chúng ta dường như đang quá thờ ơ với số phận của đồng loại và không ai cảm thấy đau xót khi chứng kiến cuộc sống khốn khổ của những người tị nạn mà nhất là trẻ em.

Cho đến khi trên mạng xã hội tràn lan hình ảnh em bé Syria như một thiên thần chết trên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ cũng vì di cư, bức ảnh ấy đã khiến chúng ta phải suy nghĩ lại những gì thế giới đang diễn ra.

Đây là sức lay động từ một cái chết và là cách người ta làm dịu lại nỗi đau. Nhưng dù thế nào đi nữa thì một sự thật vẫn luôn hiện hữu. Một cuộc đời đã chấm dứt. Nhưng dù sao thì cậu bé đó cũng là người may mắn vì sau khi chết vẫn còn được nhiều người biết đến, được an ủi. Còn hàng nghìn, thậm chí hàng triệu cái chết khác không một ai biết đến, thậm chí chết còn không được an táng.

Đó là hàng nghìn người di cư đã bỏ mạng khi vượt Địa Trung Hải, hàng nghìn đứa trẻ đã chết vì đói, vì rét, vì bệnh tật, hàng trăm người đã chếtvì khủng bố. Có những người biết là sẽ chết khi phải vượt biển di cư nhưng không làm khác được, vì sự sống họ buộc phải di cư, phải vượt biển.

Hay theo thông tin trên báo chí, phần lớn những thanh thiếu niên độc hành tới châu Âu là các em trai, nhưng trong hành trình đi từ Rome tới Abruzzo vẫn có nhiều bé gái người Nigeria cũng đang đơn độc tại Ý.

Những vấn đề liên quan tới phụ nữ Nigeria bị bán sang làm gái điếm ở đây đã có từ lâu. Nhưng với việc các tàu thuyền chở di dân vượt Địa Trung Hải nhiều hơn, số phụ nữ người Nigeria bị bắt làm công việc này tại Ýcũng ngày càng tăng, đặc biệt là số bé gái vị thành niên.

Các em gái này bị lừa rằng khi tới châu Âu sẽ làm thợ làm tóc hay chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên khi bị đưa tới Libya, bọn buôn người sẽ nhốt các em lại một thời gian và lạm dụng tình dục trước khi đẩy các em tới Ý.Trong đêm khuya khoắt, các bé gái vẫn vật vờ kiếm khách, những gương mặt trẻ một cách đau lòng, ngay cả dưới lớp trang điểm rất đậm…

Một thế giới tươi đẹp, một thế giới hòa bình phải là thế giới không có chiến tranh, không có xung đột, không có di cư. Ở đó, trẻ em là người được yêu thương, chăm sóc, bảo vệ và hưởng những gì tốt đẹp nhất của Trái Đất này chứ không phải những đứa trẻ vừa sinh ra đang mang kiếp “di cư, tị nạn”. Càng không phải những đứa trẻ ngày ngày chạy theo cha mẹ để tránh khỏi những cuộc chiến tranh, xung đột và sinh mạng chúng có thể bị tước đoạt bất cứ khi nào.

Tôi viết lá thư này với mong muốn những nhà lãnh đạo trên thế giới hãy cùng chung tay giúp đỡ những đứa trẻ tị nạn thông qua các tổ chức thế giới và cùng phản đối những cuộc xung đột, chiến tranh vô nghĩa vì lợi ích của những con người ích kỷ.

Ký tên

Hoàng Gia Phú

Bài số 2

Thư gửi những người lớn!

Ở đâu ta cũng dễ dàng nhận thấy dấu hiệu của sự ô nhiễm môi trường: Từ những biến đổi của khí hậu khiến thời tiết trở nên khắc nghiệt bất thường, những cơn mưa axit phá hủy các công trình kiến trúc có giá trị, gây tổn thương hệ sinh thái, đến sự suy giảm tầng ôzôn khiến tăng cường bức xạ tia cực tím lớn gây ra sự xuất hiện hàng loạt các làng ung thư, bệnh dịch….

Chúng ta đang phải đối mặt với 3 vấn đề phổ biến. Đó là sự nóng lên của Trái Đất, sự ô nhiễm môi trường.

Thông qua những con số biết nói sau đây, phần nào mỗi con người có thể thấy được phần nào hậu quả của sự ô nhiễm:

1.000.000 chim biển, 100.000 thú biển bị chết do bị vướng hay bị nghẹt thở bởi các loại rác plastic.

30-50% lượng CO2 thải ra từ quá trình đốt các nhiên liệu hóa thạch bị đại dương hấp thụ, việc thay đổi nhiệt độ sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ CO2 của các phiêu sinh thực vật và sau đó làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái.

Một trong những nguyên nhân gây ra vấn đề ô nhiễm chính công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường trong xã hội còn hạn chế, dẫn đến chưa phát huy được ý thức tự giác, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng trong việc tham gia gìn giữ và bảo vệ môi trường.

Đó là chưa kể, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế; phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác kiểm tra chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn. Do đó, trong nhiều trường hợp, đoàn kiểm tra không thể phát hiện được những thủ đoạn tinh vi của doanh nghiệp thải các chất gây ô nhiễm ra môi trường.

Tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề đang đe dọa rất lớn tới sự sống còn của thế giới. Vì thế, để giải quyết các thách thức môi trường toàn cầu, cần có những giải pháp tổng hợp.

Có thể thấy rằng ô nhiễm không khí đang đặt ra những bài toán khó cho tất cả các nước. Mỗi quốc gia bằng những cách khác nhau đang nỗ lực hành động với các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia cũng bắt đầu tập trung đầu tư vào khai thác năng lượng sạch, tuy nhiên nó chưa thực sự cải thiện được tình hình môi trường hiện nay.

Cháu rất hi vọng mỗi chúng ta – những người lớn hãy chung tay để có thể góp phần giải quyết tốt vấn đề ô nhiễm môi trường để hướng tới một thế giới xanh không còn sự ô nhiễm.

Ký tên

Nguyễn Nhật Minh

Hoàng Thanh

Bài số 3

Thư gửi những người lớn!

Có lẽ mọi người đều biết, chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918) đã gây ra những thảm họa hết sức nặng nề đối với nhân loại: Khoảng 1,5 tỉ người bị lôi cuốn vào vòng khói lửa, 10 triệu người chết, trên 20 triệu người bị thương, nền kinh tế châu Âu bị kiệt quệ.

Nhiều thành phố, làng mạc, đường phố, nhà máy bị phá hủy. Chi phí cho chiến tranh lên tới 85 tỉ đô la. Các nước châu Âu trở thành con nợ của Mĩ.

Còn cuộc chiến tranh thế giới thứ hai: Thời gian ở Hiroshima (Nhật Bản) ngừng trôi khi quả bom “Little Boy” phát nổ.

“Little Boy” đã phá hủy hai phần ba diện tích Hiroshima và trong chớp mắt giết chết 80.000 người, biến cả thành phố thành một biển chết.

Ba ngày sau, quân đội Mỹ tiếp tục thả “Fat Man” xuống thành phố Nagasaki, cướp đi 40.000 nhân mạng. Hàng chục nghìn người khác cũng đã chết vì các căn bệnh trực tiếp hoặc gián tiếp do phóng xạ gây ra cho đến ngày nay.

Chiến tranh hạt nhân và thảm họa môi trường khôn lường

Chiến tranh thế giới thứ hai là cuộc chiến tranh lớn nhất, khốc liệt nhất và tàn phá nặng nề nhất trong lịch sử loài người : 60 triệu người chết, 90 triệu người bị tàn tật, thiệt hại về vật chất gấp 10 lần so với Chiến tranh thế giới thứ nhất, bằng tất cả các cuộc chiến tranh trong 1000 năm trước đó cộng lại. Chiến tranh kết thúc đã dẫn đến những biến đổi căn bản của tình hình thế giới.

Thảm họa ở Hiroshima và Nagasaki vẽ ra viễn cảnh về ngày tận diệt của loài người khi đại chiến thế giới lần ba xảy ra trong tương lai. Nếu thế chiến thứ 3 xảy ra bằng chiến tranh hạt nhân, nó sẽ mở ra cánh cổng địa ngục cho loài người.

Khác với chiến tranh thông thường, chiến tranh hạt nhân có mức độ và phạm vi phá hủy lớn hơn nhiều. Theo dự đoán, những vụ nổ hạt nhân làm tăng một lượng lớn mây phóng xạ, ngăn ánh sáng mặt trời tiếp xúc bề mặt Trái Đất và khiến quá trình giảm nhiệt toàn cầu diễn ra. Bầu trời sẽ bị bao trùm bởi khói, bụi và trở nên u ám. Cây cối vì vậy không thể sống được, dẫn đến lượng oxy giảm đi nhanh chóng, sự sống cũng lụi tàn.

Sự lo lắng về thế chiến thứ 3 sẽ hủy diệt Trái Đất là hoàn toàn có cơ sở, bởi lẽ, tính tới thời điểm hiện tại, 9 quốc gia tuyên bố sở hữu vũ khí hạt nhân là Mỹ, Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên.

Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, Nga và Mỹ một mặt cắt giảm kho vũ khí hạt nhân, mặt khác tìm mọi cách để hiện đại hóa chúng. Washington thậm chí còn công bố kế hoạch trị giá 348 tỷ USD nhằm duy trì và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân trong giai đoạn 2015-2024.

Theo Ploughshares Fund, một tổ chức chống vũ khí hạt nhân, tính đến năm 2016, Nga sở hữu 7.000 đầu đạn hạt nhân, Mỹ còn 6.800. Số đầu đạn của hai nước chiếm 93% kho hạt nhân toàn cầu.

Ấn Độ và Pakistan đã công khai sở hữu vũ khí hạt nhân và nhiều lần tiến hành thử nghiệm trong những năm qua. New Delhi nắm trong tay hơn 100 đầu đạn hạt nhân và khoảng 500 kg plutonium, đồng thời theo đuổi kế hoạch hiện đại hóa kho tên lửa hạt nhân nhằm đề phòng Trung Quốc. Bên kia biên giới, “người hàng xóm” Pakistan cũng sở hữu số lượng đầu đạn tương đương và không giấu tham vọng mở rộng kho vũ khí.

Tính đến tháng 7/2017, Bình Nhưỡng đã tiến hành 5 vụ thử hạt nhân và bắn hàng chục tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế và lệnh trừng phạt từ Liên Hợp Quốc.

Vòng đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên hay P5 +1 xoay quanh chương trình hạt nhân của Iran dù bế tắc hay đã đạt được thỏa thuận, đều khiến không ít quốc gia “đứng ngồi không yên”.

Ông Andrey Ivanov, chuyên gia Viện Nghiên cứu Quốc tế MGIMO của Nga từng nhận định rằng “sở hữu vũ khí hạt nhân là sự đảm bảo duy nhất cho tính toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của các quốc gia”.

Nếu ý tưởng của vị chuyên gia Nga được nhiều quốc gia hưởng ứng, nhân loại sẽ bị đặt vào nghịch lý đau đớn và nực cười: Thứ vũ khí được xem là “bùa hộ mệnh” của một dân tộc lại mang sức mạnh có thể hủy diệt cả Trái Đất.

Lịch sử của trái đất sẽ kết thúc đau đớn nếu chiến tranh hạt nhân xảy ra. Vì vậy, ngay từ bây giờ bạn hãy hành động ngay, ngăn chặn mọi âm mưu chế tạo người máy chiến tranh. Vì hòa bình, vì nhân loại, vì trái đất 2000 năm nữa “hãy nói không với chiến tranh”. Chỉ có hòa bình, hợp tác thì mới tồn tại và phát triển, ngược lại nếu cứ đối đầu, gây chiến thì sẽ hủy diệt hết mọi thứ mà thôi.

Cháu viết lá thư này là muốn nhắn nhủ: Mỗi chúng ta hãy nhớ rằng“Hãy nói không với chiến tranh”, hãy từ bỏ chiến tranh, từ bỏ tham vọng bá chủ … có như thế lịch sử trái đất sẽ sang trang mới với nền hòa bình, thịnh vượng bền lâu.

Ký tên

Minh Đức

Hoàng Thanh

Bài số 4

Thư gửi những người lớn!

Hiện nay, trước tình trạng dịch bệnh do Virus corona tăng nhanh và diễn biến phức tạp. Chúng ta cần có những hiểu biết rõ ràng đề phòng chống dịch bệnh và ngăn chặn kịp thời sự gia tăng ngày một nhiều của đại dịch.

Chúng ta phải nắm kỹ được nguồn gốc cũng như các dấu hiệu của bệnh và cách phòng chống để đối phó với đại dịch này.

Virus corona (nCoV) là một loại virus đường hô hấp mới gây bệnh viêm đường hô hấp cấp ở người và cho thấy có sự lây lan từ người sang người.

Virus corona giống như MERS và SAR, tất cả đều có nguồn gốc từ vật chủ từ loài dơi. Virus corona là một họ virus lớn, phổ biến ở nhiều loài động vật khác nhau bao gồm lạc đà, mèo và dơi.

Virus này ban đầu xuất hiện từ nguồn động vật nhưng có khả năng lây lan từ người sang người. Điều quan trọng cần lưu ý là sự lây lan từ người sang người có thể xảy ra liên tục. Ở người, virus lây từ người này sang người kia thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh. Tùy thuộc vào mức độ lây lan của chủng virus, việc ho, hắt hơi hay bắt tay có thể khiến người xung quanh bị phơi nhiễm.

Virus cũng có thể bị lây từ việc ai đó chạm tay vào một vật mà người bệnh chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi, mắt họ. Những người chăm sóc bệnh nhân cũng có thể bị phơi nhiễm virus khi xử lý các chất thải của người bệnh.

Như vậy “Có 2 con đường lây lan của loại nCoV (corona) này: Con đường thứ nhất là tiếp xúc trực tiếp với giọt bắn. Con đường thứ hai là đụng chạm, sờ tay vào các chất trong vùng hầu họng của người bệnh, sau đó đưa lên mặt, vùng mũi miệng”

Vậy triệu chứng khi mắc bệnh do virus này như thế nào? Hãy chú ý sốt, ho và khó thở. Các triệu chứng này có thể xuất hiện từ 2 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc nguồn bệnh. Tới khi khởi phát, nCoV có thể diễn biến đến viêm phổi nặng, suy hô hấp tiến triển và tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch.

Do đó để phòng chống dịch bệnh, chúng ta nên chú ý một số điều như sau:

  • Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
  • Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi.
  • Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
  • Hạn chế tiếp xúc gần với các trang trại nuôi động vật hoặc động vật hoang dã.

Cháu hi vọng chúng ta có những hiểu biết về dịch bệnh này để không chỉ giúp bản thân mà còncùng cả cộng đồng chung tay chống lại đại dịch do Virus corona gây ra cho nhân loại.

Một lần nữa cháu rất hi vọng mỗi chúng ta – những người lớn hãy chung tay tự bảo vệ sức khỏe vì một một thế giới không có dịch bệnh.

Ký tên

Trần Yến

Để biết thêm thông tin tuyển sinh trường THCS Đào Duy Từ quý vị phụ huynh liên hệ theo số điện thoại:

Điện thoại văn phòng THCS Đào Duy Từ: (024)35545231 ĐTDĐ: 0936 113 833

Thông tin tuyển sinh xem tại:Tuyển sinh

Link đăng kí tuyển sinh Online:ĐĂNG KÍ TUYỂN SINH