Học tập trải nghiệm tại trường Đào Duy Từ: VỀ QUÊ CỤ NGUYỄN KHUYẾN HỌC VĂN - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

Học tập trải nghiệm tại trường Đào Duy Từ: VỀ QUÊ CỤ NGUYỄN KHUYẾN HỌC VĂN - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

ITIT
Tháng 11 12, 2017 - 21:59
Tháng tư 20, 2024 - 15:36
 0  19
Học tập trải nghiệm tại trường Đào Duy Từ: VỀ QUÊ CỤ NGUYỄN KHUYẾN HỌC VĂN - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

Tạm rời xa không gian trường lớp quy phạm, thầy trò trường Đào Duy Từ, Hà Nội lên đường về làng Vị Hạ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, học thơ văn Nguyễn Khuyến.

Trời thu dịu mát, không gian lớp học mở, “giáo viên” là cụ Nguyễn Thanh Tùng – hậu duệ đời thứ năm của Nguyễn Khuyến đã góp phần tạo nên một buổi học ngoại khoá giàu cảm xúc cho học trò.

Giáo viên – học sinh trường Đào Duy Từ, Hà Nội tham gia học tập trải nghiệm tại nhà thờ cụ Nguyễn Khuyến

Cụ Nguyễn Thanh Tùng – hậu duệ đời thứ 5 của Nguyễn Khuyến

Bài học được bắt đầu bằng câu chuyện về ba chữ “môn tử môn” trên cổng vào.“Môn tử môn”có nghĩa là cửa ra vào của học trò. Đây là một lời răn dạy nghiêm khắc về đạo làm trò: “trước khi vào nhà thầy cho dù là quan lớn hay thứ dân đều phải đúng lễ nghĩa, xuống ngựa, xuống xe đi bộ vào viếng thầy. Học trò ngày nay đừng quên đạo nghĩa này”.

Cổng vào nhà cụ Nguyễn Khuyến

Cứ thế từ tên gọi Nguyễn Khuyến đến tên hiệu Quế Sơn, từ giai thoại đến sự thật, từ cuộc đời đến thơ văn Nguyễn Khuyến đều được cụ Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ. Những thông tin liên quan đến bài “Thu điếu”trong chương trình Ngữ văn 11 được học trò đặc biệt quan tâm.

Học sinh chăm chú học bài

Tại sao trước cửa nhà Nguyễn Khuyến có cái ao và cái lạch? Bởi“cụ mệnh hoả nên cụ trấn trạch ở cửa nhà hai thuỷ một hoả, cân bằng âm dương. Chơi chữ nên “cái lạch” là bút lông, “ao thu” là nghiên mực. Có bút có mực quyết tâm học thành tài”. Từ cái ao trước nhà đến hình ảnh ao thu trong “Thu điếu” là cách nói ẩn ý của Nguyễn Khuyến.

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Một chiếc cần câu bé tẻo teo”

“Ao” mệnh thuỷ tức là “nước”. Chữ nôm là “nước” chuyển sang quốc ngữ là “Tổ quốc”. “Thu điếu” là điếu văn khóc cho chính cụ, khóc cho dân tộc, khóc cho quê hương, đất nước đang lầm than “lạnh lẽo”.

“Tựa gối ôm cần lâu chẳng được

Cá đâu đớp động dưới chân bèo”

“Tựa gối ôm cần” không phải tư thế của người đi câu. Nguyễn Khuyến đang xin lệnh trời đất cùng dân tộc hợp lực chống giặc ngoại xâm. Người quân tử nay còn vắng bóng,“Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”nhưng ở đâu đó các sĩ phu yêu nước Việt Nam bắt đầu nổi dậy (…)

Bài giảng” của cụ Tùng không “mô phạm”theo hướng đề – thực – luận – kết hay cảnh thu – tình thu nhưng chính cách nói nhiệt huyết cùng những câu chuyện sâu sắc giúp học trò có thêm gợi dẫn để “giải mã” nội dung tư tưởng bài “Thu điếu”.

Hơn nữa, được trò chuyện cùng hậu duệ đời thứ năm của Nguyễn Khuyến có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp học sinh tìm cho mình cảm xúc văn chương chân thật, lâu bền.

Học sinh hào hứng phát biểu trong buổi học ngoại khoá

Hiện nay, khi học trò tiếp nhận những tác phẩm văn học trung đại trong chương trình THPT-THCS thường gặp khó khăn do độ vênh về thời đại – văn hoá – ngôn ngữ.

Thật không đơn giản để học sinh cảm nhận được giá trị thơ văn của những tác phẩm, tác giả cách xa một vài thế kỉ.

Những buổi học ngoại khoá trải nghiệm theo cách làm của trường Đào Duy Từ, Hà Nội là một gợi ý thiết thực cho việc đổi mới phương pháp dạy học bộ môn Ngữ văn.

Bài viết được đăng trên trang dantri.vn:

http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/hoc-sinh-ha-noi-ve-tan-que-nha-tho-nguyen-khuyen-de-hoc-van-20171031072709253.htm

Thu Hằng