HƯỚNG DẪN HỌC SINH LỚP 6 CÁCH LÀM BÀI VĂN TỰ SỰ ĐẠT ĐIỂM CAO - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

HƯỚNG DẪN HỌC SINH LỚP 6 CÁCH LÀM BÀI VĂN TỰ SỰ ĐẠT ĐIỂM CAO - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

ITIT
Tháng bảy 1, 2019 - 22:53
Tháng tư 23, 2024 - 11:54
 0  35
HƯỚNG DẪN HỌC SINH LỚP 6 CÁCH LÀM BÀI VĂN TỰ SỰ ĐẠT ĐIỂM CAO - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

Bí từ, viết lặp ý, không biết cách triển khai ý, nhầm lẫn với văn miêu tả khi làm bài văn tự sự,… là những vấn đề thường gặp ở học sinh mới lên lớp 6.

Mở đầu phần kiến thức tập làm văn của lớp 6, học sinh sẽ tiếp tục được học phần kiến thức về văn tự sự. Tuy nhiên, khác với văn tự sự đã học ở lớp 5, văn tự sự ở lớp 6 sẽ có những yêu cầu cao hơn như nhập vai nhân vật, thay đổi ngôi kể; kể chuyện mình chứng kiến, tham gia; kể chuyện sáng tạo (tưởng tượng).

Để giúp học sinh làm tốt kiểu bài này,các em triển khai bài viết theo 4 bước sau:

Bước 1: Đọc và phân tích đề

Thầy Nguyễn Phi Hùng cho biết: “Nhiều học sinh than phiền rằng bài viết của các con có nhân vật, có các sự kiện nối tiếp nhau một cách logic, có một chủ đề thống nhất và giàu ý nghĩa nhưng tại sao thầy cô lại phê là bài viết lan man, không đúng trọng tâm yêu cầu của đề bài đưa ra. Lý do là bởi các em chưa đọc kỹ đề, chưa có thao tác phân tích đề một cách kỹ càng và chính xác.“.

Muốn bài viết không bị lan man, lạc đề, trước hết học sinh cần tìm hiểu và phân tích đề một cách chi tiết trước khi bắt tay vào viết bài. Hãy dành 2-3 phút để đọc kĩ đề và gạch chân những từ ngữ quan trọng trong đề bài, qua đóxác định được bài viết thuộc kiểu bài gì, cần viết về nội dung gì, yêu cầu về hình thức và phương pháp thể hiện ra sao.

Học sinh có thể luyện tập với một số đề bài sau để nắm chắc các thao tác phân tích đề:

– Đề 1: Kể lại một câu chuyện mà em thích bằng lời văn của em.

– Đề 2: Tường thuật lại buổi lễ khai giảng đầu tiên của em ở trường THCS.

– Đề 3: Kỉ niệm ngày ấu thơ mà em nhớ nhất.

Bước 2: Tìm ý

Đây là thao tác quan trọng mà nhiều học sinh bỏ qua trong quá trình làm bài. Việc tìm ý trước khi viết sẽ giúp các em không bị lặp ý, thiếu ý cũng như tránh viết lan man không đúng trọng tâm đề bài yêu cầu. Học sinh cần bám sát chủ đề của bài viết để triển khai phát triển ý sao cho thống nhất với chủ đề đó.

Ví dụ:Áp dụng với đề bài: “Kể lại một câu chuyện mà em thích bằng lời văn của em“.

– Xác định câu chuyện mà em thích nhất, ấn tượng nhất là câu chuyện nào?

– Nhân vật chính của câu chuyện là ai, có sự kiện nào nổi bật?

Bước 3: Lập dàn ý

Sau khi vạch các ý chính cần triển khai, học sinh cần sắp xếp các tuyến nhân vật, sự kiện đó theo một trình tự hợp logic và lập dàn ý chi tiết cho bài viết. Dàn ý cần trả lời được các câu hỏi:

– Bài viết sẽ mở đầu như thế nào?

– Thân bài kể chuyện theo trình tự thời gian, không gian hay trình tự tâm lý nhân vật,…

– Kết bài theo kết thúc của câu chuyện hay nêu suy nghĩ, cảm xúc, bài học của bản thân.

Bước 4: Viết bài

Dựa vào dàn ý chi tiết, các em có thể bắt tay vào viết bài và phát triển ý thành một bài văn hoàn chỉnh với đầy đủ cấu trúc 3 phần: Mở bài, Thân bài, Kết luận. Đừng quên đọc lại và kiểm tra xem bài viết có mắc lỗi chính tả, lỗi diễn đạt, lỗi dùng từ đặt câu hay thiếu ý không để kịp thời sửa và bổ sung.

Lưu ý thêm, đối với dạng bài văn tự sự lớp 6, đề bài nhiều khi có tính chất “đánh lừa” học sinh. Không phải lúc nào đề bài cũng yêu cầu rõ ràng: Em hãy kể lại câu chuyện hoặc kể lại một sự việc nào đó mà có thể thay bằng những cụm từ như tường thuật lại, tường trình lại. Học sinh chú ý để nhận dạng được kiểu bài này và tự tin dành điểm cao trong năm học tới.

Bên cạnh phần kiến thức tập làm văn, các con lớp 6 còn phải làm quen với nhiều kiến thức mới gồm đơn vị kiến thức tiếng Việt và đọc – hiểu văn bản. Việc học tốt môn Ngữ văn 6 cũng sẽ là nền tảng vững chắc giúp học sinh dễ dàng chinh phục môn học này ở cả bậc THCS và THPT.