LỜI DẶN CỦA THẦY CÔ TỚI HỌC SINH LỚP 9 TRƯỚC GIỜ THI VÀO 10 – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

LỜI DẶN CỦA THẦY CÔ TỚI HỌC SINH LỚP 9 TRƯỚC GIỜ THI VÀO 10 – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

ITIT
Tháng Hai 22, 2023 - 11:03
Tháng tư 15, 2024 - 03:22
 0  397
LỜI DẶN CỦA THẦY CÔ TỚI HỌC SINH LỚP 9 TRƯỚC GIỜ THI VÀO 10 – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

Trong tháng 6, học sinh lớp 9 trên cả nước đã và đang bước vào “cuộc đua” vào lớp 10 đầy căng thẳng. Thời điểm này, điều mà rất nhiều phụ huynh và các bạn học sinh quan tâm là làm thế nào để có được kết quả thi tốt nhất. Cùng lắng nghe chia sẻ từ những giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm trong luyện và chấm thi vào lớp 10 để tự tin bứt phá và chinh phục trường THPT mơ ước.

Môn Tiếng Anh: Tuyệt đối không được bỏ sót câu nào

Thầy Nguyễn Trung Nguyên – giáo viên môn Tiếng Anh tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho biết, phạm vi kiến thức cần ôn tập của các môn khá rộng, yêu cầu học sinh có nền tảng kiến thức vững chắc và toàn diện. Do vậy, học sinh cần dành thời gian, lên lịch trình để ôn lại toàn bộ kiến thức đã học, tuyệt đối không được ôn tủ.

Đối với các môn trắc nghiệm như Tiếng Anh, nguyên tắc đầu tiên các em cần lưu ý là không được bỏ sót câu nào. Để quá trình làm bài thi diễn ra suôn sẻ nhất, các em nên phân bổ thời gian như sau: dành 2/3 thời gian làm những câu chắc chắn đúng, sau đó dành 1/3 thời gian còn lại để làm những câu không chắc chắn.

Đặc trưng của môn Tiếng Anh là học sinh cần trau dồi cả về từ vựng và ngữ pháp. Trong đề thi, từ vựng là nội dung quan trọng nhất, chiếm 80% số điểm, 20% thuộc về ngữ pháp. Học sinh nên tận dụng thời gian ôn thi để làm đề và tổng hợp vốn từ vựng đã có. Khi nhận đề thi, học sinh cần phân chia thời gian làm bài hợp lí. Lưu ý để tối ưu thời gian làm bài đó là ưu tiên giải quyết phần viết lại câu và đọc hiểu trước khi làm các phần khác.

Học sinh thường mắc những sai lầm trong khoảng thời gian gần sát ngày thi như luyện đề quá sức, học quá chuyên sâu vào ngữ pháp và cố gắng nhồi nhét kiến thức,… Điều này dẫn đến áp lực tâm lý, mệt mỏi cho học sinh. Thay vào đó, 1-2 ngày trước khi thi, các em nên để đầu óc thư gian, nghỉ ngơi vì thời điểm này sẽ rất khó để tiếp thu thêm kiến thức mới. Hãy giữ tâm lý thoải mái để có thể bước vào kì thi chính thức một cách tự tin nhất. Khi đi thi, các em nên chuẩn bị sẵn đồng hồ tính giờ, và quan trọng nhất là tinh thần và sức khỏe thật tốt.

Môn Toán: Câu dễ làm trước, câu khó làm sau

Với hơn 15 năm kinh nghiệm luyện và chấm thi môn Toán vào 10, thầy Hồng Trí Quang – giáo viên môn Toán tại Hệ thống Giáo dục Hocmai tư vấn: “Trước ngày thi khoảng 5-7 ngày, các em cần tạo được điểm rơi phong độ để đảm bảo đạt được kết quả cao nhất trong ngày thi chính thức”. Để tạo ra điểm rơi phong độ này, các em cần điều chỉnh nhịp sinh học của cơ thể sao cho phù hợp với nhịp sinh học của ngày thi. Tuyệt đối không ngủ ngày, cày đêm và nên điều chỉnh thời gian biểu phù hợp với lịch thi của từng môn.

Thời gian này, chúng ta sẽ không “tham” làm những bài quá khó, điều này sẽ làm cơ thể mệt mỏi và não bộ bị kiệt sức. Dẫn đến việc làm bài dưới khả năng trong kì thi chính thức.

Vào ngày thi chính thức, các em cần chuẩn chị đầy đủ giấy tờ, dụng cụ cần sử dụng trong quá trình làm bài. Khi làm bài thi, việc đầu tiên là các em cần đọc kĩ toàn bộ đề thi

Sau đó làm bài theo đúng nguyên tắc: Dễ làm trước, khó làm sau. Làm câu nào xong câu đấy. Mỗi khi làm xong mỗi một ý, các em cần kiểm tra kết quả ngay để tránh sai lầm và ảnh hưởng đến kết quả trong những câu tiếp theo. Cần tuyệt đối tránh các sai lầm như quên điều kiện, quên kết luận, quên đơn vị, chép sai đề, tính sai, vẽ hình sai, vẽ hình thiếu,… Đây chính là những lỗi thường gặp khiến học sinh “mất điểm oan” trong bài thi môn Toán vào lớp 10.

Môn Ngữ văn: Đọc kĩ đề và phân chia thời gian làm bài hợp lý

“Thành công trong môn Ngữ văn không chỉ nằm ở 120 phút làm bài, mà là cả quá trình nỗ lực ôn luyện và tích lũy kiến thức của các em.” – Thầy Nguyễn Phi Hùng – giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống giáo dục Hocmai chia sẻ.

Ở giai đoạn này, các em nên dành thời gian xem kĩ lại các văn bản trong sách giáo khoa (SGK). Các em có thể dành thời gian luyện thêm 1 khối lượng đề vừa phải, chủ yếu là để rèn thêm phản xạ, tư duy khi làm bài, luyện kĩ năng trình bày và làm quen với tâm lý phòng thi.

Trong quá trình làm bài thi chính thức, các em cũng cần có chiến thuật làm bài thi hợp lý. Đầu tiên, phải dành thời gian gian cho việc đọc và phân tích kĩ đề để xác định đúng yêu cầu đặt ra trong đề bài.

Khi thi phải phân chia thời gian làm bài hợp lý đối với từng câu, dành nhiều thời gian hơn với những câu có trọng số điểm lớn, hết thời gian là phải cân đối để chuyển ngay sang câu khác, tránh làm “lố” giờ. Trong đề thi, phần làm văn luôn chiếm trọng số điểm cao nhất nên cần sự đầu tư công phu hơn cả.

Sau khi làm xong, hãy dành thời gian ít nhất 5 phút cuối giờ để soát lại bài, bởi trong quá trình làm bài, rất có thể chúng ta mải mê viết theo mạch cảm xúc dẫn đến viết thiếu ý, viết sai, thậm chí là có lỗi chính, lỗi trình bày. Đây là khoảng thời gian quan trọng giúp các em sửa những lỗi không đáng có trong bài, hạn chế việc bị trừ điểm và tối ưu hóa điểm số của bài thi.

Hy vọng với những tư vấn trên đây, học sinh sẽ có thêm tự tin để hoàn thành tốt nhất bài thi tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới. Chỉ còn 1 bước nữa để các em chạm tay vào ngôi trường THPT mơ ước, hãy thật bình tĩnh, tự tin để chinh phục kỳ thi với điểm số cao nhất nhé.

Để biết thêm thông tin chi tiết về trường THCS Đào Duy Từ quý vị phụ huynh liên hệ theo số điện thoạivăn phòng THCS Đào Duy Từ: (024)35545231

Thông tin tuyển sinh xem tại:Tuyển sinh

Link đăng kí tuyển sinh Online:ĐĂNG KÍ TUYỂN SINH

Thông tin giới thiệu về nhà trường xem tại:THCS ĐÀO DUY TỪ