NĂNG LỰC, PHẨM CHẤT CỦA NGƯỜI GIÁO VIÊN THỂ KỈ XXI – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

NĂNG LỰC, PHẨM CHẤT CỦA NGƯỜI GIÁO VIÊN THỂ KỈ XXI – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

ITIT
Tháng 11 26, 2018 - 17:29
Tháng tư 13, 2024 - 22:42
 0  86
NĂNG LỰC, PHẨM CHẤT CỦA NGƯỜI GIÁO VIÊN THỂ KỈ XXI – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

Cách đây 400 năm, J.A.Cômen xki đã gọi người giáo viên là người “ chuyển giao ngọn đuốc của nền văn minh”, “ sợi dây chuyền giữa các thế hệ” và coi chức vụ mà xã hội trao cho người giáo viên là chức vụ quang vinh mà dưới ánh mặt trời này không có chức vụ nào ưu việt cho bằng. Nhiều lời ca ngợi và nhiều danh hiệu cao quý được trao cho người giáo viên: “ Người kỹ sư tâm hồn”; “viên kim cương của nhân loại”, “ người gieo hạt giống vàng của chân lý”, “ nhà kiến trúc mẫu người tương lai của đất nước”…

Thời buổi nào cũng vậy, người thầy không chỉ mẫu mực về phẩm chất đạo đức, dồi dào về tâm huyết mà còn phải đầu tư nhiều thời gian, tốn nhiều công sức, không ngừng học tập, nghiên cứu để tự nâng mình lên thì mới đủ tầm đứng trên bục giảng. Đặc biệt, trong thế kỉ mới, phẩm chất và năng lực của người thầy là rất quan trọng trên con đường kiến tạo tương lai cho thế hệ mai sau.

Một tiết học ngoại khóa về nghệ thuật Thư pháp tại trường THCS Đào Duy Từ

Thế kỷ XXI là thời đại của tri thức và khoa học công nghệ, làn sóng hội nhập và phát triển luôn vận hành như một con thoi không suốt, cuộc cách mạng 4.0 đặt ra nhiều thách thức với ngành giáo dục. Nếu nhà giáo chỉ cung cấp, truyền dạy thông tin tri thức của các bộ môn khoa học thì ngày nay, người máy và các thiết bị thông minh sẽ làm tốt hơn các nhà giáo. Nhưng người máy và thiết bị thông minh không thể thay thế thầy giáo, cô giáo trong các trường học vì thầy giáo, cô giáo còn có nhiệm vụ giúp học sinh phát triển phẩm chất, năng lực. Học sinh không chỉ học để có điểm cao, thi đỗ mà phải có phẩm chất và năng lực của người công dân thế kỷ 21. Công việc dạy học của các nhà giáo ngày nay khác trước nhiều. Mọi kiến thức, hiểu biết của học sinh không chỉ được hình thành qua sách vở, qua in-tơ-nét mà phải được bổ sung qua các hoạt động trải nghiệm, biết học hỏi lẫn nhau, biết vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống. Thông qua giờ dạy trên lớp và hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường, nhà giáo giúp học sinh biết tự học một cách sáng tạo. Nhà giáo phải thật sự là nhà giáo dục, nhà sư phạm.

Bên cạnh những phẩm chất, năng lực truyền thống gói gọn trong 3 chữ “T” quen thuộc vẫn được xã hội thường xuyên nhắc đến: “Tâm – Tầm –Tài” thì người giáo viên thế kỉ XXI cần hình thành những phẩm chất năng lực mới phù hợp với thời đại.

Thứ nhất, người GV không chỉ còn đóng vai trò là người truyền đạt tri thức mà phải là người tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn, gợi mở, cố vấn, trọng tài cho các hoạt động tìm tòi, khám phá, sáng tạo của HS, giúp HS tự lực chiếm lĩnh tri thức của nhân loại, dân tộc, hình thành kĩ năng và các phẩm chất chính trị, đạo đức.

Trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển nhanh, tạo ra sự chuyển dịch về định hướng giá trị, GV phải là nhà giáo dục có năng lực phát triển ở HS về cảm xúc, hành vi, thái độ, đảm bảo người học làm chủ được việc học và biết ứng dụng hợp lý tri thức học được vào cuộc sống của bản thân, gia đình, cộng đồng.

Học tiếng Anh với người nước ngoài tại trường THCS Đào Duy Từ

Thứ hai, GV phải là một công dân gương mẫu, có ý thức trách nhiệm xã hội, hăng hái tham gia vào sự phát triển của cộng đồng. GV là người đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành bầu không khí dân chủ, thiết lập các quan hệ xã hội công bằng, tốt đẹp, … trong lớp học, trong nhà trường, từ đó góp phần vào việc xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Thứ ba, GV phải có lòng yêu mến, tôn trọng và có khả năng tương tác với HS. GV phải hiểu được sự khác nhau giữa các học sinh trong cách chúng tiếp cận với học hành, đồng thời tạo ra được những cơ hội giảng dạy khác nhau cho phù hợp với các đối tượng học sinh khác nhau.

Thứ tư, GV phải có năng lực đổi mới PPDH, chuyển từ kiểu dạy học tập trung vào vai trò của GV và hoạt động dạy sang kiểu dạy tập trung vào vai trò của HS và hoạt động học; từ cách dạy thông báo – giải thích sang cách dạy hoạt động tìm tòi, khám phá. Trong năng lực đổi mới PPDH, GV phải có khả năng cập nhật và nghiên cứu, vận dụng những PPDH mới, tích cực; biết phối hợp các PPDH truyền thống, hiện đại để nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy học.

Thứ năm, GV phải có năng lực tự học, tự nghiên cứu, tự bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, không ngừng cập nhật tri thức khoa học và chuyên ngành hiện đại. Thế giới đang ở trong quá trình của cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại với những tác động sâu sắc đến toàn bộ các mặt kinh tế và đời sống xã hội. Khối lượng tri thức nhân loại như một dòng thác khổng lồ đang cuồn cuộn chảy trên xa lộ thông tin.

Những kiến thức nhà trường chuyển giao chỉ là những cơ sở ban đầu cho một quá trình tự học, tự bồi dưỡng. Học là công việc suốt đời của bất kì ai. Đối với người đi dạy, điều đó lại càng quan trọng hơn. Ngày nay, với sự phát triển nhanh chóng của máy vi tính và công nghệ thông tin, cơ hội tiếp cận tri thức của mỗi người đều bình đẳng với nhau.

Điểm khác nhau cơ bản là khả năng tiếp cận, phát hiện và giải quyết vấn đề. Những kĩ năng đó một phần được bồi dưỡng tiếp tục nhờ vào quá trình tự học sau khi ra trường. Tuy nhiên, tự học không phải là một năng lực có sẵn. Những kĩ năng tự học cần phải được hình thành và bồi dưỡng trong suốt quá trình học tập ở các cấp học, bậc học và quá trình công tác thực tiễn. Trong tương lai, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc học có thể được phân tán theo từng cá nhân ở các địa điểm khác nhau, không nhất thiết người học phải giáp mặt thầy trực tiếp. Nội dung dạy học ở thể được chuyển tải trên tất cả các phương tiện công nghệ thông tin. Người học có thể tiếp cận thông tin ở bất kì mọi nơi, mọi lúc. Khi ấy, kĩ năng tự học càng trở nên quan trọng.

Tiết học Lập trình tại trường THCS Đào Duy Từ

Thứ sáu, GV phải có trình độ tin học và có khả năng sử dụng các phần mềm dạy học cũng như biết cách khai thác mạng Internet phục vụ cho công việc giảng dạy của mình. Trong thời đại công nghệ hiện nay, việc học của học sinh cũng đã có nhiều thay đổi. Thói quen học thuộc một cách thụ động nhường chỗ cho việc tự tìm tòi, khám phá.

Những băn khoăn học sinh gặp phải khi các em tiếp xúc với các nguồn thông tin khác nhau khiến cho các em tìm cách giải đáp. Việc học và chơi ngày càng được gắn với máy vi tính nhiều hơn, thu hút các em nhiều hơn vào sự tìm tòi, khám phá. GV không thể bằng lòng với những thông tin có sẵn trên các trang sách giáo khoa và tài liệu tham khảo. Internet là nguồn thông tin không thể thiếu của những người làm nghề dạy học.

Khai thác thông tin từ Internet phải trở thành thói quen không thể từ bỏ được của mỗi GV. Rõ ràng, kĩ năng làm việc với máy tính trở thành kĩ năng tối thiểu của tất cả mọi người, trong đó có cả GV. Phải để cho máy vi tính và việc sử dụng nó trong tự học và dạy học trở thành nhu cầu thiết yếu, thói quen văn hoá đối với mỗi GV.

Thứ bảy, GV phải có kĩ năng hợp tác. Một trong 4 trụ cột của giáo dục thế kỉ XXI do UNESCO đề xướng là “học để cùng chung sống”. Trên tầm vĩ mô, thế giới ngày càng thu hẹp khoảng cách không gian nhờ vào công nghệ thông tin, nhiều giá trị nhân bản phổ biến đã đã trở thành nét chung của các dân tộc.

Thế giới đòi hỏi sự liên kết toàn cầu trong nhiều lĩnh vực. Khó có thể chấp nhận một quốc gia hay một cá nhân nào trong thời đại ngày nay đứng ngoài quỹ đạo của việc bảo vệ môi trường, chống khủng bố… Trong phạm vi cụ thể, sự hợp tác tạo nên nhiều thành tựu quan trọng đối với mỗi cá nhân. Kĩ năng hợp tác, do đó, cần được bồi dưỡng ở từng GV để đến lượt mình, chính họ sẽ truyền dạy cho HS của mình cách hợp tác trong học tập và cuộc sống.

Hoạt động thảo luận nhóm trong tiết học Toán tại trường THCS Đào Duy Từ

Thứ tám, GV phải có năng lực giải quyết vấn đề. Cuộc sống của con người, suy đến cùng, là một chuỗi liên tục giải quyết vấn đề. Càng giải quyết tốt các vấn đề bao nhiêu, chất lượng cuộc sống của con người càng có nhiều cơ hội được nâng cao bấy nhiêu. Không nên xem nhà trường như một “ốc đảo” mà nên xem nhà trường chính là cuộc sống.

Các vấn đề thực tế cuộc sống được phản ánh vào nhà trường dưới một lăng kính đủ để cho người học tiếp cận theo cách phù hợp với lứa tuổi của mình. Giải quyết các vấn đề trong các bài học ở nhà trường cũng nên xem như giải quyết các vấn đề của cuộc sống. Có như vậy HS mới khỏi bỡ ngỡ khi bước vào đời sống thực tế phong phú. Để làm được điều đó, chính GV là những người phải có khả năng giải quyết vấn đề tốt.