NHỮNG KỸ NĂNG “BỎ TÚI” KHI LÀM BÀI THI MÔN NGỮ VĂN VÀO LỚP 10 ĐẠT ĐIỂM CAO – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội
NHỮNG KỸ NĂNG “BỎ TÚI” KHI LÀM BÀI THI MÔN NGỮ VĂN VÀO LỚP 10 ĐẠT ĐIỂM CAO – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội
Hiện tại chính là giai đoạn quan trọng để các thí sinh tăng tốc cho kì thi tuyển sinh lớp 10. Bên cạnh trang bị kiến thức vững chắc, thí sinh cần “bỏ túi” một số lưu ý để tránh “mất điểm oan”.
Phương pháp ôn tập và kĩ năng làm bài thi đạt điểm cao
“Có nhiều học sinh lầm tưởng rằng viết văn là “chém gió” hay chỉ cần học thuộc, khi làm bài thi thì viết càng dài càng tốt, kiểu gì cũng trúng nên sinh ra tâm lí nước đến chân mới nhảy.
Tuy nhiên, đối với môn Ngữ văn, thí sinh cần áp dụng tư duy làm Văn như làm Toán, trình bày khoa học, viết đủ ý, đúng trọng tâm đề bài, tránh tình trạng phân tích suy diễn.
Để làm được điều này, các em cần tăng cường luyện viết và rèn luyện kỹ năng diễn đạt.”. Ởgiai đoạn gần kề ngày thi, thí sinh cần có phương pháp ghi nhớ nhanh kiến thức cơ bản theo đặc trưng thể loại và theo chuyên đề/ chủ đề.
Cụ thể, đối với thơ, học sinh cần nắm rõ hoàn cảnh sáng tác, mạch cảm xúc, bố cục và hình ảnh bài thơ cùng các biện pháp nghệ thuật mà tác giả thể hiện,…
Đối với thể loại truyện, cần nắm được hoàn cảnh sáng tác, ngôi kể, tình huống, nhân vật, chi tiết nghệ thuật,…
Thí sinh nên gom các tác phẩm cùng thể loại để ôn tập theo chuyên đề (như truyện thơ Nôm, thơ hiện đại, truyện ngắn,… …) hoặc gộp các vấn đề để ôn theo chủ đề (như tình cảm gia đình, tình yêu quê hương…).
Về kĩ năng viết đoạn văn nghị luận văn học, thí sinh cần xác định rõ kiểu đoạn văn là quy nạp, diễn dịch hay tổng-phân-hợp, sau đó xác định câu chủ đề của đoạn văn từ việc khai thác tối đa vấn đề nghị luận được nêu ở đề bài, và triển khai dàn ý ra nháp trước khi viết.
Lưu ý rằng khi phân tích nên đi từ nghệ thuật đến nội dung, từ tổng hợp khái quát đến đi sâu chi tiết. Đặc biệt, cần lưu ý đến các đặc trưng thể loại.
Về kĩ năng viết đoạn văn nghị luận xã hội, ngoài việc xác định câu chủ đề cho đoạn văn và lập dàn ý triển khai, thí sinh cần lưu ý trả lời được các câu hỏi sau để diễn đạt mạch lạc, đủ ý:
– Vấn đề xã hội cần nghị luận là gì?
– Vấn đề đó được biểu hiện như thế nào?
– Tại sao lại cần có vấn đề đó? (Hoặc tại sao vấn đề đó lại xảy ra?)
– Ý nghĩa, vai trò của vấn đề nghị luận đối với cá nhân và cộng đồng là gì?
Ngoài ra, các em cần đưa ra các dẫn chứng và liên hệ thực tế để thể hiện vốn hiểu biết xã hội. Các thí sinh nên chọn những dẫn chứng mới, tiêu biểu, mang tính thời sự thay vì những dẫn chứng quá cũ kĩ , lặp lại quá nhiều gây nhàm chán.
Cùng với việc trang bị nền tảng kiến thức vững chắc và rèn luyện kĩ năng làm bài thi để đạt điểm cao, sĩ tử cần giữ tâm lí thoải mái, tránh căng thẳng, lo lắng quá mức, gây ảnh hưởng tới quá trình làm bài thi, dẫn đến kết quả thi không như mong muốn.
Những lỗi sai dẫn đến “mất điểm oan”
Những lỗi sai phổ biến mà không ít các thí sinh mắc phải dẫn đến “mất điểm oan” thường nằm ở phần trình bày và do “hổng” kiến thức nền tảng.
Việc “hổng” kiến thức có thể dẫn đến một số hệ lụy khi làm bài thi như sai kiến thức tác giả, tác phẩm, trả lời lan man không đúng trọng tâm, nhầm lẫn, mơ hồ giữa các khối kiến thức, không phân biệt được các thuật ngữ Tiếng Việt, Tập làm văn…
Khi làm bài thi, các em cần trình bày bài thi một cách khoa học, chữ viết rõ ràng, ghi rõ câu, phần trả lời trong bài làm. Nếu đã viết xong và muốn bổ sung thêm ý thì ghi bổ sung xuống bên dưới, ghi rõ là bổ sung cho câu nào, phần nào.
Lưu ý, các em không được sử dụng bút xóa để tẩy xóa, không viết bằng bút chì hay bút đỏ, không viết tràn ra phần rọc phách hay viết sát mép giấy thi. Khi trích dẫn nguyên văn câu thơ, câu văn hay trích dẫn tên tác phẩm thì phải dùng dấu ngoặc kép.
“Dù đề bài là nêu cảm nhận, suy nghĩ hay phân tích, thì khi làm bài, các em vẫn phải bắt đầu từ việc phân tích. Tuyệt đối không tự suy diễn mà phải đọc kĩ đề bài, xác định đúng nội dung, chủ đề văn bản, xem đề bài hỏi bao nhiêu vấn đề, từ đó lấy cơ sở để hoàn thành bài thi, trả lời đúng trọng tâm, không bỏ sót ý.”, cô Trang nhấn mạnh.
Khi viết bài các em không nên viết chi chít các ý vào nhau mà cần tách ra thành các đoạn văn, đồng thời, cũng cần chú ý việc liên kết các câu, đoạn văn để phục vụ chủ đề chung của bài. Ngoài ra, cần tránh việc sử dụng những từ ngữ sáo rỗng, không phù hợp sắc thái nghĩa, mơ hồ, khó hiểu hoặc dùng văn nói khi viết.
Để biết thêm thông tin tuyển sinh trường THCS Đào Duy Từ quý vị phụ huynh liên hệ theo số điện thoại:
Điện thoại văn phòng THCS Đào Duy Từ: (024)35545231
Thông tin tuyển sinh xem tại:Tuyển sinh
Link đăng kí tuyển sinh Online:ĐĂNG KÍ TUYỂN SINH
Thông tin giới thiệu về nhà trường xem tại:THCS ĐÀO DUY TỪ