Tản văn của Nguyễn Lê Hoàng (8T): MỘT CỘNG MỘT BẰNG MỘT – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

Tản văn của Nguyễn Lê Hoàng (8T): MỘT CỘNG MỘT BẰNG MỘT – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

ITIT
Tháng tư 16, 2019 - 18:13
Tháng tư 15, 2024 - 12:25
 0  27
Tản văn của Nguyễn Lê Hoàng (8T): MỘT CỘNG MỘT BẰNG MỘT – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

HS Nguyễn Lê Hoàng – lớp 8T – THCS Đào Duy Từ

“Một cộng một bằng một”

Đúng; trong Toán học, đây là một điều sai lầm, một sựphi logic tới kì lạ, nực cười. Nhưng, nếu xét theonhững phương diện khác như văn học, đời sống… thì có lẽ điều đó chưa hẳn đã sai. Nói cách khác,về nhiều mặt, những yếu tố nhỏ sẽ tích tụ lại, tạo thành một khối vững chắc, to lớn. Đó là sự đoàn kết, là tinh thần gắn bó, sẻ chia được cha ông ta gây dựng từ bao đời nay, và sẽ còn được tiếp nối trong tương lai.

Sự đoàn kết đó là gì? Nó được biểu hiện ra sao? Sự đoàn kết chính là việc nhiều cá nhân, con người cùng quy tụ, cùng bàn bạc, cùng hành động để đạt được một mục đích nhất định, bất kể giới tính, tuổi tác, địa vị hay những mối quan hệ từ trước. Những kết quả đạt được sẽ là công sức của tất cả mọi người trong nhóm, tất cả sẽ cùng hưởng thụ. Tinh thần đoàn kết là một truyền thống quý báu từ ngàn đười nay, cần được lưu giữ, phát huy, đặc biệt trong thời kì đổi mới và hội nhập ngày nay.

Tinh thần đoàn kết chắc chắn đem lại cho chúng ta nhiều lợi ích, mặt tích cực, điều hay, cái đáng học tập. Trước hết, đó là cách minh chứng và ủng hộ cho một chân lí không bao giờ sai: “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Chỉ cần đoàn kết, khó khăn mấy ta cũng vượt qua, đạt tới thành quả. Ngoài ra, qua tình đoàn kết, con người cũng biết, hiểu nhau hơn, cảm thông cho nhau nhiều hơn, bù đắp lại những khuyết điểm của người khác. Một xã hội đầy ắp tinh thần tương thân tương ái như vậy sẽ tuyệt vời biết bao! Việc giữ gìn tinh thần đoàn kết cũng là cách giữ gìn truyền thống cha ông xưa, là cách báo hiếu với tổ tiên. Hiểu theo cách khác, đoàn kết chính là một bản sắc dân tộc ai cũng nên tôn trọng và làm theo. Như vậy, thật không sai khi Bác Hồ nói với các đồng chí cán bộ rằng “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”.

Có lẽ minh chứng cụ thể nhất cho tinh thần đoàn kết nằm chính trong sử sách nước ta: đó là tất cả những cuộc đấu tranh giành độc lập, hòa bình của một đất nước hào hùng, oanh liệt. Các cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Lý Bí, Lê Lợi, những cuộc khác chiến chống quân Tống, Nguyên, thực dân Pháp… đều là thành quả của sự tập hợp binh tướng, quân đội, nhân dân… nổi dậy bằng vũ trang cùng những mưu lược đầy táo bạo, hiệu quả. Thí dụ như ba lần nhà Trần đánh quân Mông-Nguyên. Cả ba lần, nhà Trần đều sử dụng kế “Vườn không nhà trống”, di dời hết dân tới khu vực khác, để lại kinh đô trống vắng. Ba lần giặc tràn vào nước đều thấy cảnh Thăng Long trống không, đều bị bỏ đói tới chết vì thiếu lương thực chiến đấu dài lâu, đều bị quân dân ta đánh đuổi, truy kích trên đường về nước. Một ví dụ khác chính là hai cuộc kháng chiến trường kì của ta chống lại thực dân Pháp và đế quốc Mĩ – hai “ông lớn”, cường quốc mạnh của thế giới lúc bấy giờ. Bằng những chiến lược tấn công, tinh thần đồng lòng nổi dậy, lòng căm thù giặc luôn sục sôi của nhân dân, ta đã thng vẻ vang với số lượng quân ít ỏi, vũ khí thô sơ, khiến cả thế giới phải ngả mũ thán phục trước một đất nước nhỏ bé mà vô cùng kiên cường.

Việc đoàn kết ngày nay thể hiện qua muôn vàn những khía cạnh trong cuộc sống: thiên nhiên, trường học, xã hội, đất nước… Hãy nhìn vào tập tính kiếm mồi của loài kiến. Chúng luôn đi theo hàng dài, tạo thành những vệt ngang dọc chi chít trên tường, dưới đất. Cách kiếm thức ăn này không chỉ giúp chúng tìm thức ăn nhanh hơn mà việc vận chuyển mồi về tổ cũng dễ dàng hơn nhiều. trong trường học, tình đoàn kết giữa các bạn học sinh trong cùng một lớp là điều hữu ích, cần thiết. Một chi đội đoàn kết là một chi đội vững mạnh, giành được nhiều giải thưởng, sự tin tưởng từ các thầy cô giáo; những thành tựu đạt được nhờ công sức của cả một tập thể lớp là những thành tựu đáng tự hào nhất của thời đi học. Tình đoàn kết ấy thể hiện qua những hoạt động nhóm trong lớp học, những cử chỉ thân thiết với nhau qua từng giờ ra chơi, những ngày tập luyện vất vả chuẩn bị cho văn nghệ nhà trường… Trong xã hội, giữa thời kì đổi mới, việc tất cả nhân dân cùng đoàn kết, xây dựng đất nước cường thịnh, phồn vinh là điều quan trọng. Nhờ tinh thần đoàn kết ấy, ta đã từng bước đi lên, sánh vai với các cường quốc năm châu, khiến Donald Trump – vị tổng thống thứ 44 của Mĩ – sau chuyến đi tới Việt Nam để bàn bạc với Triều Tiên cũng phải trầm trồ khen ngợi rằng “Việt Nam đang phát triển với một tốc độ ít nơi nào có trên thế giới”.

Ngược lại, nếu không có tình đoàn kết, những điều gì sẽ xảy ra? Ta đã thấy một bộ phận xã hội không biết cộng tác với nhau, và ta cũng đã thấy những mặt tiêu cực, kém hiệu quả của nó so với việc làm theo nhóm. “Hai cái đầu sẽ hơn một”, làm việc theo đơn lẻ sẽ tạo ra sự kém hiệu quả trong hoạt động, công việc… Ngoài ra, cách nghĩ “thân ai nấy lo” là cách nghĩ lạc hậu, sai trái; vì “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”. Thật đáng cười cho những ai nghĩ rằng một mình bản thân có thể làm được tất cả; hoặc họ chỉ đang làm những việc nhẹ, không đáng kể, hoặc họ không biết gì về chân lí thực sự của cuộc sống: “Đoàn kết là sức mạnh”.

Như vậy, không có gì kì lạ khi “Một cộng một bằng một”, khi nhiều cá nhân đoàn kết lại sẽ tạo ra một sức mạnh to lớn. tinh thần này là đức tính đáng noi theo; ai cũng nên học tập bằng cách tiếp xúc với mọi người, làm việc theo nhóm, cùng xây dựng và thực hiện những mục tiêu chung để cùng đạt được và hưởng thụ. Tôi tin chắc rằng, thế hệ học sinh – mầm non tương là đất nước – ngày nay, với tinh thần cùng hợp sức, hợp trí sẽ làm vẻ vang nước nhà, theo đúng những mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

NGUYỄN LÊ HOÀNG

Lớp 8T – THCS Đào Duy Từ