THẢO LUẬN: ĐỀ THI CHỌN HSG VĂN Ở BẮC GIANG GÂY TRANH CÃI - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

THẢO LUẬN: ĐỀ THI CHỌN HSG VĂN Ở BẮC GIANG GÂY TRANH CÃI - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

ITIT
Tháng 9 19, 2017 - 20:19
Tháng tư 14, 2024 - 19:52
 0  488
THẢO LUẬN: ĐỀ THI CHỌN HSG VĂN Ở BẮC GIANG GÂY TRANH CÃI - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

Đề văn khác lạ này được đưa ra thảo luận trên một diễn đàn học văn và thu hút hàng nghìn bình luận của các thầy cô và học sinh.

Theo thông tin trên đề, đây là đề thi để chọn đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia năm 2018 môn Ngữ văn của Sở GD-ĐT Bắc Giang.

Bài thi vừa được tổ chức vào ngày 17/9 với thời lượng 180 phút cho 2 câu hỏi.

Câu 1 (8 điểm) là câu hỏi khá lạ và khiến nhiều người bối rối.

Đề bài yêu cầu: “Hãy viết bài văn nghị luận trình bày quan điểm của anh/chị về vấn đề được gợi ý từ bức ảnh trên”. Phía trên yêu cầu này là một bức ảnh vẽ một chiếc thuyền giấy có chằng buộc phía dưới một bóng điện sáng.

Chia sẻ vớiVietnamnet, một lãnh đạo Sở GD-ĐT Bắc Giang cho biết, đề thi tuyển chọn đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn năm nay được giao cho Trường THPT Chuyên Bắc Giang phụ trách ra đề và tổ chức.

Liên hệ với trường này, cô giáo Phạm Thị Thanh Bình – tổ trưởng tổ Ngữ văn, cũng là một trong những thành viên của tổ ra đề – cho biết đây đúng là đề thi để tuyển chọn ra đội tuyển đi thi học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn của tỉnh Bắc Giang.

Cô Bình cho biết, đây là “dạng đề mở” – mở ở cả việc để cho học sinh lựa chọn nội dung bàn luận và mở cả ở việc lựa chọn phạm vi tư liệu, dẫn chứng trong đời sống, trong văn học, và nhiều lĩnh vực khác để đưa vào bài viết của mình.

“Mong muốn và mục đích của những người ra đề là muốn học sinh có khả năng quan sát, phân tích, kết nối chi tiết để tìm ra vấn đề có giá trị nhất, gắn với đời sống thực tiễn xã hội để bàn luận”.

Cô Bình chia sẻ, khi quyết định ra đề bài này, tổ ra đề cũng đã lường trước được việc sẽ gây khó khăn cho người chấm.

Mặc dù, trong đáp án của đề thi cũng có đề xuất một số hướng giải quyết đề bài, tuy nhiên“chúng tôi xác định nếu đã là đề mở thì đáp án cũng phải mở. Chúng tôi đã trao đổi với các giáo viên chấm bài rằng, khi có những ý tưởng hoàn toàn mới, không hề trùng khớp với đáp án nhưng nếu học sinh lập luận logic chặt chẽ, có dẫn chứng thỏa đáng thì vẫn chấp nhận câu trả lời của các em. Mục đích hướng đến của chúng tôi là học sinh có khả năng tư duy, lập luận vấn đề, có khả năng liên tưởng một hình ảnh với thực tiễn xã hội”.

Được biết, kỳ thi này có 25 em tham gia và sẽ chọn ra 10 em vào đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn năm nay của tỉnh Bắc Giang.

Ngay sau khi đề thi được đăng tải, có không ít thầy cô trong nghề ngạc nhiên, ủng hộ lẫn phản đối về sự “cách tân” này.

Các ý kiến phản đối cho rằng, đề thi đã lạm dụng “kênh hình ảnh” không cần thiết. Có người so sánh đề thi như trò chơi “đuổi hình bắt chữ”.

Trao đổi vớiVietNamNet, một giảng viên sư phạm cho hay: “Vì photocopy nên dữ liệu gốc bị tẩy sạch, rất khó cho học sinh và cả những người có chuyên môn bàn luận. Về nguyên tắc, khi bàn về một tác phẩm hội họa hay nhiếp ảnh, người ta phải được xem bản gốc. Ý tưởng trong tranh hay ảnh chụp không phải như trong văn chương, nó toát ra từ bố cục, đường nét, màu sắc”.

Cô Hoàng Vân, giáo viên văn một trường chuyên nhìn nhận: “Tôi cũng chưa hiểu hết dụng ý của người ra đề. Đề mở khác với đề mơ hồ. Nếu đưa ra một bức tranh có tính khơi gợi thì sẽ có giá trị văn chương”.

Còn ở phía người đọc, nhiều giả thuyết khác nhau cũng được đưa ra cho bức ảnh.

Trong số gần 1.000 lượt bình luận có những ý tưởng khá phong phú.

Bạn La Bá Hiền lập luận:

“Theo mình nghĩ, bức hình này là mô phỏng cho thực trạng xã hội hiện nay. Con thuyền phía trên đại diện cho sản phẩm được tạo ra cho mọi người sử dụng (con thuyền tương đương với sự di chuyển), bóng đèn đại diện cho sự sáng tạo, nghiên cứu, những nhà sản xuất. Hằng ngày, chúng ta đã sử dụng những công cụ rất hữu dụng được tạo ra như: xe máy, laptop, TV, máy bay, máy cày, máy xay… nhưng chúng ta đâu biết rằng để có được những thứ đó thì phải cần một quá trình miệt mài, chăm chỉ của những chất xám sáng tạo. Một sản phẩm tạo ra, cung cầu luôn song song, nhưng chúng ta liệu có quan tâm “cung” là ai?”, “cung” như thế nào?” hay chỉ bỏ tiền ra mua một sản phẩm, lên mạng nghe một bài nhạc du dương mà không biết tác giả là ai? Bóng đèn – những người sáng tạo thầm lặng ấy, nếu không có họ thì xã hội này không phát triển, đó là sự ràng buộc nhất định (sợi dây buộc chặt giữa chiếc thuyền và bóng đèn). Muốn xã hội phát triển thì phải cần sự sáng tạo, nhưng để sáng tạo này phát huy một cách tốt nhất thì chúng ta phải quan tâm họ, phải biết được những gì họ đang làm và đang cống hiến”.

Nhìn ở một góc độ khác, bạn Nguyễn Đức Cường cho rằng thông điệp của bức ảnh này như sau:

“Con người ai cũng có ưu nhược điểm, khả năng tiềm ẩn, óc sáng tạo, tài năng… Khi chúng ta cứ sống mãi ở mức an toàn, cứ bám mãi vào cái phao, không dám liều lĩnh, không dám đối mặt với thử thách thì mãi mãi chúng ta sẽ không bao giờ thấy được bản lĩnh, khả năng tiềm ẩn, ánh sáng của bản thân. Ánh sáng đó sẽ mãi lấp dưới cái bóng an phận của ta và chẳng thể nào sáng lên được”.

Trong khi đó, bạn Nguyễn Hoàng Tuấn Kiệt thì cho rằng, thật ra chúng ta đang bị đánh lạc hướng bởi sự chìm nổi của thuyền và bóng đèn.

Tuấn Kiệt cho rằng đó không phải là ý nghĩa mà tác giả gửi gắm:

“Các bạc còn nhớ nguyên lý tảng băng trôi không? Thật ra chúng ta có thể xem bóng đèn là sáng tạo, trí thông minh bản năng, bẩm sinh của con người. Còn con thuyền giấy thể hiện cho giáo dục, sự học hỏi, trau dồi. Bóng đèn thì nằm dưới mặt nước, không xác định được phương hướng dù có nổi cũng chỉ nổi lờ đờ một cách vô định hướng. Con thuyền là phần nổi có thể định hướng, có thể đón gió, có thể đi đến nơi mình muốn. Nhưng ngược lại bóng đèn không bao giờ ướt, còn thuyền giấy thì dễ ướt và rách, vì vậy cần kết hợp cả hai để có thể vừa không bị sóng gió dập vùi, vừa có thể đi đến đích”.

“Nghĩa rộng của bức ảnh này là: trí thông minh, sự sáng tạo, cố gắng, nỗ lực của con người như là phần chìm, như ngọc chưa mài, sẽ không thể phát huy tác dụng, thể hiện được năng lực, mà cần phải học tập, nghiên cứu trau dồi, gọt giũa thì mới thành công”.

Bạn Đỗ Bảo Ngọc lại cho rằng “Cộng sinh, bù trừ, nâng đỡ nhau tồn tại và phát triển. Đó rất có thể là thông điệp của bức tranh trên”.

Ngọc phân tích: “Chiếc thuyền làm bằng giấy rất mỏng manh, có thể bị chìm, bị quật ngã trước sóng biển khơi. Chiếc đèn nằm dưới như để định vị, cân bằng, bảo vệ chiếc thuyền trong thời gian dài hơn nữa. Chiếc đèn vẫn có thể nổi khi không có thuyền nhưng lênh đênh, vô định. Con thuyền như kim chỉ nam giúp chiếc đèn có thể bám trụ lại, tìm được phương hướng và đích đến của mình. Sợi dây chính là thứ ràng buộc chúng lại với nhau, để hai vật tưởng chừng không liên quan lại trở thành có mối quan hệ mật thiết, cộng sinh, giúp đỡ, bảo vệ nhau cùng tồn tại.

Cũng giống như vậy, chiếc thuyền như con người, bóng đèn là tri thức. Mặt nước là giới hạn, còn sợi dây là mối liên kết. Con người sẽ mau chóng bị chết, bị lãng quên, bị tan theo dòng đời nếu không có tri thức. Tương tự vậy, tri thức còn đó nhưng cũng không thể được khai phá, khai sáng nếu không có bàn tay và khối óc con người. Và chỉ có con người mới có thể đặt tri thức nhân loại ở vị trí phù hợp, phục vụ đời sống và nhu cầu. Mặt nước chính là giới hạn để con người và tri thức cân bằng ở đúng vị trí của mình. Khối óc, trí tuệ con người luôn phải đặt bên trên để chiếm lĩnh khoa học, thắp sáng bóng đèn. Chúng được liên kết với nhau bằng sợi dây có thể hiểu là nghị lực, ý chí, quyết tâm.”

Bạn Vương Toàn Thắng lập luận: “Bóng đèn trong đề có vẻ đang chìm, nhưng thực tế là do bóng đền tuy được làm từ những vật liệu có tỷ trọng nặng hơn nước (thủy tinh, kim loại,…) nhưng do kết cấu bóng chân không nên có thể tích chiếm chỗ lớn làm cho tổng khối lượng của cả khối vật thể nhỏ hơn so với khối lượng nước với thể tích tương ứng, điều này giải thích sự nổi của bóng đèn theo định luật Archimedes, điều này có thể và đã được chứng minh bằng thực nghiệm. Từ đó ta nhận thấy ẩn ý của đề bài nói tới là sự phi logic trong sáng tạo nghệ thuật nói chung và ra đề học sinh giỏi văn nói riêng”.

Bạn Lê Thế Bảo thậm chí còn nảy ra tứ thơ để giải nghĩa bức ảnh trong đề Văn:

“Thuyền giấy và bóng đèn”

Mong manh và dễ vỡ

Cuộc đời là thuyền giấy

Ánh sáng là niềm tin

Mặt nước vẫn lặng im

Hay đại dương huyền ảo

Sẵn sàng cơn giông bão

Vùi dập ánh sáng kia

Mặc dù không nguồn sáng

Le lói giữa mênh mông

Chắc đó là ý chí

Thắp sáng cả tương lai

Mặc cho nhiều chông gai

Đời ta… ta tiến bước…

Tổng hợp

Còn ý kiến của bạn thế nào? Có thể chia sẻ vào ô bình luận dưới đây.