Ôn thi vào 10 môn Văn: 4 DẠNG ĐỀ NGHỊ LUẬN THƯỜNG GẶP TRONG ĐỀ THI NGỮ VĂN VÀO LỚP 10 – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

Ôn thi vào 10 môn Văn: 4 DẠNG ĐỀ NGHỊ LUẬN THƯỜNG GẶP TRONG ĐỀ THI NGỮ VĂN VÀO LỚP 10 – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

ITIT
Tháng 3 1, 2023 - 18:59
Tháng tư 21, 2024 - 17:01
 0  451
Ôn thi vào 10 môn Văn: 4 DẠNG ĐỀ NGHỊ LUẬN THƯỜNG GẶP TRONG ĐỀ THI NGỮ VĂN VÀO LỚP 10 – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

Nghị luận về tác phẩm truyện là trình bày nhận xét, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của truyện.

Bài nghị luận về tác phẩm truyện cần có bố cục mạch lạc, rõ ràng, có lời văn rung động, thể hiện cảm xúc chân thành của người viết. Dạng bài này thường xuất hiện trong cấu trúc đề thi vào 10 môn Ngữ văn và thường chiếm từ 3 – 5 điểm.

Với hơn 10 năm kinh nghiệm dạy và chấm thi, cô Nguyễn Thị Thu Trang, sẽ hướng dẫn học sinh kỹ năng giải quyết 4 dạng đề nghị luận về truyện thường gặp trong đề thi.

Dạng 1: Phân tích hoặc nêu cảm nghĩ về nhân vật trong tác phẩm truyện

Đây là kiểu bài phổ biến nhất trong dạng đề nghị luận về tác phẩm truyện, do vậy học sinh cần đặc biệt lưu ý trong quá trình ôn thi. Với kiểu bài này học sinh nên triển khai theo ba bước cụ thể sau đây:

Phần mở bài: Giới thiệu tác phẩm và nhân vật cần nghị luận.

Phần thân bài: Học sinh cần làm nổi bật các vấn đề trọng tâm thông qua các bước sau:

Bước 1: Xác định các yếu tố khắc họa lên một nhân vật: Hoàn cảnh xuất thân, phẩm chất, tính cách, công việc.

Bước 2: Phân tích các lời nói, hành động của nhân vật thông qua các tình huống để khái quát lên phẩm chất của nhân vật.

Bước 3: Nghệ thuật xây dựng nhân vật.

Phần kết bài: Khái quát ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm thể hiện qua nhân vật.

Ví dụ: Từ những hiểu biết về truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long, em hãy viết bài văn phân tích vẻ đẹp nhân vật anh thanh niên.

Mở bài: Giới thiệu tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa” của nhà văn Nguyễn Thành Long và anh thanh niên là nhân vật trung tâm của tác phẩm.

Thân bài: Làm nổi bật nhân vật anh thanh niên thông qua các bước cụ thể sau:

Bước 1: Giới thiệu nhân vật anh thanh niên 27 tuổi, làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu trên đỉnh Yên Sơn cao 2600 mét, anh sống một mình trên đó quanh năm chỉ có mây mù bao phủ.

Bước 2: Nhân vật anh thanh niên được đặt trong tình huống là cuộc gặp gỡ với ông họa sĩ và cô kỹ sư, trong cuộc trò chuyện ngắn ngủi chỉ 20 phút, các nét tính cách và phẩm chất của nhân vật này được bộc lộ rõ.

Đó là một người yêu nghề, say mê công việc, có ý thức trách nhiệm với công việc, giản dị, hiếu khách và có lí tưởng sống cao đẹp. Ở phần này học sinh cần phải có các dẫn chứng lấy từ trong tác phẩm để đưa vào trong bài viết của mình.

Bước 3: Nhận xét về nghệ thuật xây dựng nhân vật anh thanh niên; các chi tiết, hình ảnh, biện pháp nghệ thuật đặc sắc.

Kết bài: Khái quát những phẩm chất, tính cách của anh thanh niên, ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm thể hiện qua nhân vật.

Dạng 2: Phân tích tình huống truyện

Với dạng này điều quan trọng nhất là học sinh phải xác định được tình huống truyện, sau đó cần phân tích tác dụng của tình huống truyện trong việc khắc họa nhân vật và chủ đề tác phẩm.

Bên cạnh đó học sinh cần lưu ý để tránh mắc phải những lỗi sai như phân tích vụn vặt, sa vào kể chuyện dài dòng, lan man mà không đúng trọng tâm đề bài.

Dạng 3: Phân tích một giá trị nội dung trong tác phẩm truyện

Đây là dạng bài thường gặp trong đề thi vào 10 môn Ngữ văn, để giải quyết dạng bài này học sinh cần thực hiện theo các bước dưới đây:

Bước 1: Xác định giá trị nội dung của tác phẩm truyện.

Bước 2: Triển khai giá trị nội dung thành các luận điểm trong bài để phân tích rõ ràng, cụ thể từng khía cạnh.

Bước 3: Tìm dẫn chứng, chi tiết trong tác phẩm để minh chứng cho các luận điểm trên.

Ví dụ: Trong truyện ngắn “Làng”, nhà văn Kim Lân đã miêu tả tâm trạng của nhân vật ông Hai về tình yêu làng: “Ông lại muốn về làng, lại muốn được cùng anh em đào đường đắp ụ, xẻ hào, khuân đá… Chao ôi! Ông lão nhớ làng, nhớ cái làng quá”. (“Làng” – Kim Lân, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018)

Từ nội dung đoạn trích trên và hiểu biết của em về truyện ngắn “Làng”, em hãy viết một bài văn làm nổi bật tình yêu làng, yêu nước và niềm tin với Cách mạng của nhân vật ông Hai.

Để giải quyết yêu cầu của đề bài trên, học sinh sẽ triển khai thông qua các tình huống truyện. Cụ thể:

Ông Hai nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc: Diễn biến tâm trạng của ông Hai là sững sờ, bàng hoàng, đau đớn, tủi hổ. Đấu tranh nội tâm dữ dội trước băn khoăn quay về làng hay ở lại nơi tản cư, cuối cùng nhân vật rơi vào trạng thái bế tắc. Qua đây nhà văn đã thể hiện tình yêu làng, yêu nước sâu sắc của nhân vật.

Tâm trạng ông Hai khi tin làng theo giặc được cải chính: Vui sướng đến vỡ òa, phấn khởi, vui vẻ trở lại, qua đây cho thấy niềm tin của ông đối với cách mạng và tình yêu làng, yêu nước đến thiết tha.

Dạng 4: Phân tích một giá trị nghệ thuật trong tác phẩm truyện

Giá trị nghệ thuật trong tác phẩm truyện gồm giọng điệu, nghệ thuật xây dựng nhân vật, nghệ thuật kể chuyện… Để giải quyết dạng bài này học sinh cần triển khai thành ba bước sau đây:

Bước 1: Xác định giá trị nghệ thuật của tác phẩm.

Bước 2: Triển khai giá trị nghệ thuật thành các luận điểm.

Bước 3: Tìm dẫn chứng trong tác phẩm để minh chứng cho các luận điểm trên.

Đây là kiểu bài được đánh giá là tương đối khó trong các dạng bài nghị luận về tác phẩm truyện, do vậy trong quá trình ôn tập học sinh cần nắm vững kiến thức của tác phẩm, đặc biệt là các kiến thức liên quan đến giá trị nghệ thuật của tác phẩm đó.

Ví dụ: Phân tích nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật Phương Định trong lần phá bom ở cuối truyện “Những ngôi sao xa xôi” (Lê Minh Khuê).

Ngoài ra cô Nguyễn Thị Thu Trang đặc biệt lưu ý, đối với dạng bài nghị luận về tác phẩm truyện học sinh cần ôn tập theo đặc trưng thể loại, tập trung vào các yếu tố quan trọng của tác phẩm truyện như chủ đề, nhân vật, ngôi kể, tình huống truyện, chi tiết nghệ thuật….

Bên cạnh đó học sinh cần lập dàn ý trước khi viết để đảm bảo đủ ý, đúng trọng tâm đề bài, tránh tình trạng phân tích theo kiểu suy diễn không đúng với ý nghĩa, giá trị của tác phẩm.

Để biết thêm thông tin tuyển sinh trường THCS Đào Duy Từ quý vị phụ huynh liên hệ theo số điện thoại:

Điện thoại văn phòng THCS Đào Duy Từ: (024)35545231

Thông tin tuyển sinh xem tại:Tuyển sinh

Link đăng kí tuyển sinh Online:ĐĂNG KÍ TUYỂN SINH

Thông tin giới thiệu về nhà trường xem tại:THCS ĐÀO DUY TỪ