Ôn thi vào 10 môn Văn: NẮM CHẮC 7 DẠNG CÂU HỎI ĐỌC HIỂU NÀY ĐỂ ĐẠT ĐIỂM CAO MÔN NGỮ VĂN – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

Ôn thi vào 10 môn Văn: NẮM CHẮC 7 DẠNG CÂU HỎI ĐỌC HIỂU NÀY ĐỂ ĐẠT ĐIỂM CAO MÔN NGỮ VĂN – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

ITIT
Tháng Hai 22, 2023 - 11:13
Tháng tư 21, 2024 - 17:33
 0  350
Ôn thi vào 10 môn Văn: NẮM CHẮC 7 DẠNG CÂU HỎI ĐỌC HIỂU NÀY ĐỂ ĐẠT ĐIỂM CAO MÔN NGỮ VĂN – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

Nêu nội dung chính/ chủ đề của văn bản, xác định phương thức biểu đạt, xác định và nêu tác dụng của biện pháp tu từ… là những dạng câu hỏi thường xuyên xuất hiện trong bài đọc hiểu văn bản môn Ngữ văn vào lớp 10.

Trong bài thi môn Ngữ văn vào lớp 10, các câu hỏi đọc hiểu văn bản thường xuyên xuất hiện ở vị trí đầu đề thi, chiếm trọng số 2-3 điểm. Vì vậy, học sinh cần trả lời ngắn gọn, chính xác, đúng trọng tâm yêu cầu của đề thi. Đặc biệt, để làm tốt các kiểu bài này, học sinh cần nhận biết được các dạng câu hỏi có trong bài đọc hiểu văn bản và có các kỹ năng cần thiết để trả lời các câu hỏi này.

Dạng 1: Nêu nội dung chính/ chủ đề văn bản

Trong câu hỏi tìm nội dung chính/ chủ đề văn bản đòi hỏi học sinh phải xác định được nhanh nội dung đoạn văn nhắc tới là gì. Do đó, để làm tốt câu hỏi này, học sinh hãy xác định nhanh câu chủ đề của đoạn văn ở vị trí đầu hoặc cuối đoạn văn.

Đối với các văn bản nghệ thuật ví dụ như thơ, truyện thì học sinh hãy chú ý đến các từ ngữ, hình ảnh xuất hiện xuyên suốt ở trong nội dung của văn bản đó. Vì đó là những từ ngữ, hình ảnh tập trung thể hiện chủ đề của tác phẩm.

Với những văn bản mà có nhiều đoạn văn, mỗi đoạn văn lại thể hiện một chủ đề khá độc lập thì học sinh cần phải đặt các đoạn văn cạnh nhau và suy nghĩ xem các chủ đề độc lập đó có liên quan gì với nhau không. Khi đó, học sinh sẽ nhìn thấy một nội dung xuyên suốt tác phẩm và tìm ra được chủ đề chỉnh của tác phẩm.

Dạng 2: Xác định phương thức biểu đạt của văn bản

Trong đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10, các phương thức biểu đạt thường xuyên xuất hiện là tự sự, miêu tả, nghị luận, biểu cảm và thuyết minh. Để biết được phương thức biểu đạt chính của văn bản thì học sinh cần xác định nội dung chính của văn bản để tìm ra mục đích tạo lập văn bản.

Thầy Hùng nhấn mạnh:“Khi đề yêu cầu xác định phương thức biểu đạt chính thì chỉ cần tìm một phương thức biểu đạt nhưng khi đề hỏi xác định phương thức biểu đạt thì học sinh cần phải tìm ra các phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn văn bản đó”.

Dạng 3: Xác định và nêu tác dụng biện pháp tu từ

Trong câu hỏi xác định biện pháp tu từ, học sinh cần phải làm 2 việc đó là gọi tên các biện pháp tu từ được sử dụng và chỉ ra các từ ngữ, hình ảnh thể hiện biện pháp tu từ đó.

Sau đó, học sinh cần đặc biệt lưu ý nêu tác dụng cụ thể của biện pháp tu từ với đoạn văn, đoạn thơ đó.

Thầy Hùng nhấn mạnh, có khá nhiều học sinh sau khi xác định biện pháp tu từ thường quên không nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó dẫn đến mất một nửa số điểm trong câu hỏi này một cách đáng tiếc. Do đó, học sinh luôn phải chú ý làm hết các yêu cầu mà đề bài đưa ra để ghi trọn điếm số trong từng câu hỏi.

Dạng 4: Giải thích ý nghĩa của từ ngữ, hình ảnh, lời nhận định, quan điểm

Khi giải thích các từ ngữ, hình ảnh, chi tiết thì học sinh cần lưu ý dựa vào nội dung văn bản để giải thích, áp dụng đúng vào văn cảnh đề bài ra để trình bày đầy đủ các nét nghĩa thì các bạn học sinh sẽ dễ được điểm tối đa.

Dạng 5: Xác định các phép liên kết câu

Theo thầy Hùng, trong tiếng Việt thường có 2 kiểu liên kết là liên kết về nội dung và liên kết về hình thức. Trong đó, liên kết hình thức là kiểu liên kết mà thầy cô thường xuyên yêu cầu học sinh phải làm vì nó được thể hiện ngay ở trong câu, từ. Vậy nên, học sinh có thể dễ dàng xác định được thông qua việc quan sát trong văn bản.

Dạng 6: Xác định các thành phần câu, các kiểu câu

Muốn xác định được các thành phần câu chính xác thì học sinh cần phải nhớ được khái niệm của các thành phần câu. Còn đối với việc xác định các kiểu câu thì có thể phân chia dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau. Trong đó, khó nhất là việc phân biệt câu rút gọn và câu đặc biệt. Tuy nhiên, thầy Hùng lưu ý học sinh phân biệt 2 kiểu câu này theo mẹo sau:

  • Câu rút gọn là câu lược bỏ đi các thành phần nòng cốt như chủ ngữ, vị ngữ nhưng căn cứ theo ngữ cảnh thì vẫn có thể khôi phục lại được cấu trúc đầy đủ của câu rút ngọn.
  • Còn câu đặc biệt thì không mang cấu trúc của câu có chủ ngữ và vị ngữ, bên cạnh đó kiểu câu này sẽ không thể khôi phục lại câu dạng có đủ cả chủ ngữ và vị ngữ.

Dạng 7: Câu hỏi liên hệ

Đây là dạng câu hỏi thường xuất hiện trong câu hỏi cuối cùng của bài đọc hiểu văn bản. Câu hỏi sẽ có 3 dạng bài chủ yếu.

Dạng đầu tiên là yêu cầu học sinh viết đoạn văn ngắn từ 4-6 dòng để trình bày hoặc nêu ý kiến đồng ý hay không đồng ý, đúng hay sai về một vấn đề.

Dạng thứ hai là học sinh phải nêu thông điệp hoặc bài học có ý nghĩa từ văn bản đối với bản thân.

Cuối cùng là dạng bài nêu giải pháp cho vấn đề được đề cấp tới văn bản. Trong dạng câu hỏi này đòi hỏi học sinh phải liên hệ thực tế và để làm tốt câu hỏi này thì học sinh phải có kiến thức xã hội, kiến thức thực tế.

Trên đây là những gợi ý và hướng dẫn của thầy Hùng để giúp học sinh làm tốt các câu hỏi đọc hiểu và ghi trọn điểm số dạng bài này. Bên cạnh dạng câu hỏi đọc hiểu thì học sinh cũng cần tập trung ôn tập các dạng bài khác như nghị luận xã hội, nghị luận văn học… để có thể đạt được điểm số tốt nhất trong kỳ thi vào 10. Đặc biệt, đây là thời điểm quan trọng để các bạn học sinh tăng tốc luyện đề, ôn thi cho kỳ thi quan trọng sắp tới này.

Để biết thêm thông tin chi tiết về trường THCS Đào Duy Từ quý vị phụ huynh liên hệ theo số điện thoạivăn phòng THCS Đào Duy Từ: (024)35545231

Thông tin tuyển sinh xem tại:Tuyển sinh

Link đăng kí tuyển sinh Online:ĐĂNG KÍ TUYỂN SINH

Thông tin giới thiệu về nhà trường xem tại:THCS ĐÀO DUY TỪ