TỔNG QUAN CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN 7 HKI VÀ PHƯƠNG PHÁP HỌC TỐT NGAY TỪ ĐẦU NĂM HỌC – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

TỔNG QUAN CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN 7 HKI VÀ PHƯƠNG PHÁP HỌC TỐT NGAY TỪ ĐẦU NĂM HỌC – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

ITIT
Tháng 9 14, 2020 - 19:28
Tháng tư 23, 2024 - 11:52
 0  148
TỔNG QUAN CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN 7 HKI VÀ PHƯƠNG PHÁP HỌC TỐT NGAY TỪ ĐẦU NĂM HỌC – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

“Tổng quan chương trình giống như một tấm bản đồ để ta đi khám phá một vùng đất hoàn toàn mới. Khi có bản đồ trong tay, ta sẽ không bị lạc hướng, không lo lắng sợ hãi mà sẽ chinh phục hành trình nhanh hơn. Tương tự, khi học sinh nắm chắc được tổng quan kiến thức, có hình dung chung về chương trình và lộ trình mình sẽ học, chắc chắn sẽ tự tin chiếm lĩnh và nắm trọn kiến thức.”

Hệ thống kiến thức chương trình Ngữ văn 7 học kì I

Tiếng Việt

Kiến thức về từ

Đầu tiên, học sinh được học về từ phân loại theo cấu tạo: từ ghép – từ láy. Kiến thức này có sự kế thừa và nâng cao so với những kiến thức học sinh đã được học ở các lớp dưới, thậm chí tên gọi các tiểu loại cũng khác.
Ở lớp 5, từ ghép được chia thành từ ghép tổng hợp và từ ghép phân loại, còn từ láy được chia thành 4-5 dạng láy nhỏ căn cứ theo bộ phận được láy lại. Lên lớp 7, học sinh được tiếp cận hai khái niệm mới là từ ghép đẳng lập và từ ghép chính phụ, còn từ láy gộp thành hai dạng: láy bộ phận và láy toàn thể.

Về từ loại, Ngữ văn 7 học kì I nhắc lại hai từ loại quen thuộc là đại từ và quan hệ từ. Tuy nhiên, kiến thức sẽ rộng và sâu hơn rất nhiều so với chương trình Tiếng Việt ở Tiểu học.
Bên cạnh từ loại, học sinh sẽ được tìm hiểu về từ Hán Việt (nguồn gốc, ý nghĩa, cách sử dụng…)

Tiếp đó là các hiện tượng liên quan đến âm và nghĩa của từ. Cụ thể học sinh được học bốn hiện tượng: từ nhiều nghĩa – từ đồng âm, từ trái nghĩa – từ đồng nghĩa. Phần kiến thức này rất dễ nhầm lẫn, học sinh cần lưu ý để không bị mất điểm trong bài kiểm tra.

Một kiến thức Tiếng Việt quan trọng đó là thành ngữ. Học sinh cần nắm được bản chất và những câu thành ngữ quen thuộc được sử dụng trong lời ăn tiếng nói hằng ngày.

Và cuối cùng là các biện pháp tu từ: điệp ngữ, chơi chữ. Các bạn cần nắm được định nghĩa, bản chất, phát hiện và phân tích tác dụng của các biện pháp tu từ trong từng ngữ cảnh.

Kiến thức về văn bản

Đó là kiến thức về các đặc điểm của văn bản: bố cục, mạch lạc, liên kết. Từ việc hiểu đặc điểm của văn bản, học sinh sẽ viết được những văn bản có bố cục rõ ràng, trình bày mạch lạc và có sự liên kết với nhau.

Ngoài ra, kiến thức về quá trình tạo lập văn bản cũng rất quan trọng ở học kỳ này các bạn cần nắm chắc.

Văn bản

Mở đầu cho phần văn bản Ngữ văn 7, học sinh được học về văn nhật dụng phản ánh những vấn đề bức thiết của cuộc sống hằng ngày: vai trò của nhà trường với mỗi người trong Cổng trường mở ra (Lý Lan), cách ứng xử của con cái với cha mẹ trong Mẹ tôi (Ét-môn-đô đơ A-mi-xi), phương pháp giáo dục con, quyền trẻ em trong Cuộc chia tay của những con búp bê (Khánh Hoài)…

Đi qua phần văn nhật dụng, học sinh được học về ca dao với bốn chủ đề: những câu hát về tình cảm gia đình, những câu hát về tình yêu đất nước và con người Việt Nam, ca dao than thân và ca dao châm biếm hài hước.

Hoàn thành phần ca dao của văn học dân gian, học sinh sẽ được học nhóm thơ trung đại. Số lượng văn bản nhiều, nội dung phong phú, thể thơ đa dạng, ngôn ngữ trung đại đa phần là chữ Hán. Do đó đòi hỏi học sinh cần có sự nỗ lực rất lớn trong việc nắm bắt và hiểu nội dung tư tưởng của bài thơ cùng phương thức diễn tả tình cảm của các nhà thơ thời kỳ trung đại.

Từ những bài thơ nói về tình yêu nước thiết tha như Sông núi nước Nam (tương truyền của Lý Thường Kiệt), Phò giá về kinh (Trần Quang Khải) cho đến những bài thơ về thân phận của người phụ nữ bất hạnh trong xã hội xưa như Bánh trôi nước (Hồ Xuân Hương), về tình bạn như Bạn đến chơi nhà (Nguyễn Khuyến), vẻ đẹp của khung cảnh quê hương đất nước như Qua Đèo Ngang (Bà Huyện Thanh Quan)… tất cả gợi lên rất nhiều điều thú vị về nếp sống, tâm tư tình cảm của thế hệ cha ông nói riêng cũng như vẻ đẹp tâm hồn của nhân dân ta nói chung, và đặc điểm của thơ ca thời kì trung đại.

Tiếp sau phần thơ trung đại, học sinh được học về thơ hiện đại với các bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở chiến khu Việt Bắc như Cảnh khuya, Rằm tháng giêng, những bài thơ sáng tác trong thời kỳ chống Mỹ như tình bà cháu bình dị thiết tha gắn liền với tình yêu tổ quốc: Tiếng gà trưa (Xuân Quỳnh)…

Thể loại thơ hiện đại khép lại, các bạn sẽ học về tùy bút. Đây đều là những tùy bút hay, xúc động về tình yêu dành cho quê hương đất nước: Mùa xuân của tôi (Vũ Bằng) nói về mùa xuân của Hà Nội, của xứ Bắc trong nỗi nhớ niềm thương của một người con xa quê, Sài Gòn tôi yêu (Minh Hương) nói về đất và người vùng Nam Bộ, một thứ quà thanh nhã và hết sức bình dị của làng quê xứ Bắc: Một thức quà của lúa non – cốm (Thạch Lam)…

Tập làm văn

Trong học kỳ I, học sinh được học về dạng văn biểu cảm. Đây không phải là dạng văn mới và xa lạ vì học sinh đã được làm quen ở Tiểu học, nhưng đến lớp 7 các bạn mới được học chính thức. Có một số dạng đề tập làm văn biểu cảm trong Ngữ văn 7 như:

  • Biểu cảm về một loài cây/loài hoa
  • Biểu cảm về đồ vật/con vật
  • Biểu cảm về người thân yêu
  • Biểu cảm về tác phẩm văn học

Trên đây những đơn vị kiến thức trọng tâm trong học kỳ I môn Ngữ văn lớp 7. Nắm chắc được phần tổng quan này, học sinh sẽ có hình dung chung về chương trình và lộ trình mình sắp học, từ đó có kế hoạch học tập phù hợp, hiệu quả. Học sinh hãy tham khảo ngay những tư vấn của thầy Hùng để khởi động hiệu quả môn Ngữ văn đầu năm học mới!

Phương pháp học tốt Ngữ văn 7 ngay từ đầu năm học

Phương pháp chung

  • Phần Tiếng Việt: Nắm chắc khái niệm; thường xuyên thực hành trong quá trình nói và viết.
  • Phần Văn bản: Chuẩn bị bài ở nhà; tập trung nghe giảng; ghi chép đầy đủ ý chính và quan trọng; về nhà ôn luyện lại kiến thức.
  • Phần Tập làm văn: Chú ý quan sát, nghiền ngẫm về những hiện tượng xung quanh; luyện viết nhiều đoạn văn, bài văn.

    Phương pháp cụ thể để học tốt Ngữ văn 7 học kỳ I

Ngoài những phương pháp chung để học tốt môn Ngữ văn, thầy cô tư vấn những lưu ý chính để học tốt Ngữ văn 7 học kỳ I.

Ở chương trình Ngữ văn 7, học sinh sẽ học khối lượng văn bản khá nhiều, đặc biệt là các tác phẩm văn học trung đại. Muốn học tốt các tác phẩm trung đại, các bạn cần trang bị kiến thức về lịch sử văn hóa đầy đủ dày dặn để tiếp thu được những đặc sắc độc đáo của các văn bản thời kỳ trung đại.

Một phần quan trọng trong Ngữ văn 7 học kỳ I đó là viết bài văn biểu cảm. Thầy cô lưu ý hai điều để học sinh học tốt:

Thứ nhất, cần phân biệt rõ văn biểu cảm với văn miêu tả và văn tự sự. Biểu cảm nặng về bộc lộ cảm xúc. Các yếu tố miêu tả và tự sự có xuất hiện trong bài văn biểu cảm, tuy nhiên chỉ là thao tác phụ nhằm khơi gợi cảm xúc. Ngoài ra, học sinh cần xây dựng dàn ý riêng cho từng dạng đề văn biểu cảm, để gặp các đề cụ thể thì vẫn tự tin làm tốt.

Thứ hai, để làm tốt văn biểu cảm, yếu tố quan trọng quyết định là phải rung động với đối tượng mà chúng ta cần biểu cảm. Khi biểu cảm về loài cây, học sinh cần dành thời gian quan sát và để tâm vào loài cây đó, lắng nghe xúc động rung cảm trong trái tim mình khi nhớ về những kỷ niệm, ấn tượng về loài cây ấy. Khi biểu cảm về tác phẩm văn học, lắng nghe khi đọc tác phẩm mình có xúc động không, tác phẩm để lại trong mình ấn tượng gì suy nghĩ gì.

Chúng ta cần có rung động mới có thể truyền cảm xúc đến người đọc, người nghe. Một bài văn dù hay đến mấy nhưng viết với một trái tim lạnh không cảm xúc thì rất khó để khiến người đọc người nghe xúc động. Một bài văn biểu cảm hay là bài văn giàu cảm xúc, chân thành và hơn nữa là tình cảm sâu sắc và mãnh liệt. Ý văn tỏa ra từ trái tim và thể hiện ở câu chữ.