Chia sẻ của chuyên gia tâm lý trường Đào Duy Từ: VÌ SAO CHA MẸ CẦN ĐẶC BIỆT LƯU Ý VỀ TÂM SINH LÝ LỨA TUỔI VỊ THÀNH NIÊN? – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

Chia sẻ của chuyên gia tâm lý trường Đào Duy Từ: VÌ SAO CHA MẸ CẦN ĐẶC BIỆT LƯU Ý VỀ TÂM SINH LÝ LỨA TUỔI VỊ THÀNH NIÊN? – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

ITIT
Có thể 10, 2019 - 14:38
Tháng tư 16, 2024 - 14:23
 0  11
Chia sẻ của chuyên gia tâm lý trường Đào Duy Từ: VÌ SAO CHA MẸ CẦN ĐẶC BIỆT LƯU Ý VỀ TÂM SINH LÝ LỨA TUỔI VỊ THÀNH NIÊN? – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

Tuổi vị thành niên là lứa tuổi có rất nhiều những thay đổi đột ngột về mặt tâm sinh lý. Chính vì vậy mà các bậc làm cha làm mẹ cần phải trang bị cho mình những kiến thức bổ ích về vấn đề này để kịp thời phát hiện những thay đổi của con mình, hiểu chúng nhiều hơn và từ đó có thể tìm ra được cách thức giáo dục con cái cho phù hợp.

Lứa tuổi vị thành niên là lứa tuổi từ 10 đến 19 tuổi (theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới WHO) và được chia ra thành 3 giai đoạn:

– Vị thành niên sớm là từ 10 đến 13 tuổi

– Vị thành niên giữa là từ 14 đến 16 tuổi

– Vị thành niên muộn là từ 17 đến 19 tuổi

Vậy tâm sinh lý lứa tuổi vị thành niên có những đặc điểm gì nổi bật bạn hãy cùng 1tach.com tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé.

1. Những thay đổi về mặt sinh lý ở lứa tuổi vị thành niên

Tâm sinh lý giai đoạn vị thành niên có những sự thay đổi vượt bậc, đặc biệt là về mặt sinh lý, đây là sự thay đổi rất dễ nhận thấy nhất và bất cứ ai cũng có thể nhận biết được vì đó là sự khác biệt của các bộ phận cơ thể con người.

Điển hình đó là sự phát triển mạnh mẽ về chiều cao, cân nặng. Đây cũng là lý do vì sao những người không may sinh ra có thân hình thấp bé, nhẹ cân lại hy vọng đến tuổi dậy thì sẽ thay đổi trở nên cao lớn.

Bên cạnh đó lúc này thì thể hình cơ bắp phát triển mạnh mẽ, cơ quan sinh dục dần dần hoàn thiện, các tuyến nội tiết đã bắt đầu hoạt động. Ở trẻ gái đã có kinh nguyệt và trẻ trai đã có phóng tinh không chủ định, có khả năng sinh hoạt tình dục và sinh con. Những đặc điểm này dễ nhận thấy nhất đó là vào giai đoạn dậy thì.

Ở lứa tuổi dậy thì sinh lý ở trẻ nữ có những đặc điểm nổi bật như: vú và núm vú phát triển, có quầng vú, mọc lông sinh dục như lông mu, lông nách. Tử cung, âm đạo, buồng trứng phát triển to ra, xương hông nở ra, phát triển chiều cao nhanh chóng, xuất hiện kinh nguyệt. Các tuyến bã hoạt động mạnh, xuất hiện mụn trứng cá.

Đối với trẻ nam thì tinh hoàn và dương vật to lên, da tinh hoàn sẫm màu lại. Thanh quản mở rộng, vỡ tiếng, yết hầu lộ ra. Tăng trưởng nhanh chóng về chiều cao, phát triển xương, cơ bắp, vai ngực, cánh tay. Xuất hiện lông mu, ria mép. Có hiện tượng xuất tinh thường gọi là mộng tinh. Các tuyến bã hoạt động mạnh và bắt đầu xuất hiện mụn trứng cá.

2. Những thay đổi về mặt tâm lý ở tuổi vị thành niên

BẮT ĐẦU XUẤT HIỆN TÍNH ĐỘC LẬP

Đến lứa tuổi vị thành niên, trẻ bắt đầu có xu hướng thể hiện tính độc lập, muốn thể hiện mình, tự mình tách ra khỏi sự bao bọc của cha mẹ. Trẻ sẽ không còn thích sự theo dõi của bạn về những hoạt động của trẻ hằng ngày, trẻ sẽ cảm thấy khó chịu khi bạn xen vào những việc làm riêng tư của nó.

Đến giai đoạn này bạn các bậc làm cha mẹ sẽ nhận thấy rằng đứa con của mình không còn ngoan ngoãn nghe lời của họ một cách răm rắp như xưa nữa mà những mâu thuẫn dần dần xuất hiện. Thậm chí mâu thuẫn này càng trở nên căng thẳng, quyết liệt hơn ở những gia đình có cha mẹ bảo thủ luôn muốn kiểm soát con cái theo ý mình.

Đây là một điều hết sức dễ hiểu vì ở giai đoạn này, trẻ luôn muốn thể hiện cái “tôi” của mình. Đây là một biểu hiện tâm lý rất đáng quan tâm các bậc cha mẹ cần phải hết sức chú ý. Phải kiên trì, mềm mỏng tìm hiểu thật kỹ nhu cầu và mong muốn của con em mình để từ đó tìm cách giáo dục con cho phù hợp.

Thực tế có rất nhiều gia đình luôn suy nghĩ rằng chỉ muốn tốt cho con nên áp đặt con cái tất cả mọi chuyện và không bao giờ lắng nghe ý kiến của con mình. Luôn tìm cách kiểm soát trẻ ở mọi việc làm, hành động. Điều này chẳng những không giúp ích được cho trẻ mà càng làm cho mâu thuẫn giữa con cái và cha mẹ càng thêm căng thẳng hơn.

Ở lứa tuổi này trẻ không còn thích những sinh hoạt gia đình mang tính kiểm soát mà chuyển dần sang những sinh hoạt bạn bè thể hiện tính độc lập, cá tính riêng của mình. Do vậy thời gian này cha mẹ sẽ nhận thấy trẻ không còn hứng thú với việc trò chuyện, tâm sự với gia đình mà thay vào đó là hay đi ra ngoài, thích tụ tập với bạn bè hoặc ở phòng riêng một mình. Hiểu được điều này thì bạn sẽ không còn cảm thấy bỡ ngỡ với những biểu hiện của con mình nữa.

CHUẨN BỊ CHO SỰ TRƯỞNG THÀNH

Đây là giai đoạn bắt đầu cho sự trưởng thành của trẻ. Chính vì vậy trẻ luôn cố gắng để có thể khẳng định mình là một người đã lớn, trẻ bắt chước những hành động, lời nói hay phong cách ăn mặc của một người trưởng thành nào đó mà trẻ ngưỡng mộ. Đồng thời trẻ cũng mong muốn mọi người xung quanh đối xử với mình như một người trưởng thành thật sự. Chính vì vậy các bậc cha mẹ không nên mãi cho con em của mình là những đứa trẻ con mà bước vào giai đoạn này hãy để trẻ thể hiện bản lĩnh của mình và tôn trọng những cái tôi cá nhân của trẻ.

Không những vậy, một số trẻ cũng đã có những suy nghĩ về tương lai như học tập, sự nghiệp. Tuy nhiên trẻ sẽ rất ít khi chia sẻ với bố mẹ mà sẽ tâm sự với bạn bè cùng trang lứa.

NHỮNG THAY ĐỔI VỀ MẶT TÌNH CẢM

Sự trưởng thành về mặt thể chất sẽ cho thấy sự khác biệt rõ ràng về giới tính ở trẻ nam và trẻ nữ trong độ tuổi vị thành niên. Những thay đổi này rất dễ nhận ra nên bản thân trẻ cũng nhận thức được sự khác biệt về mình và những bạn bè xung quanh. Bắt đầu có những suy nghĩ so sánh, quan tâm hơn đến vẻ đẹp bên ngoài cũng như những thay đổi ở những bộ phận khác nhau trên cơ thể.

Chính sự thay đổi về mặt sinh lý này đã làm tiền đề dẫn đến sự thay đổi về mặt tâm lý, trẻ bắt đầu nhận thức giới tính và biết rung động, xao xuyến với bạn khác giới. Những cảm xúc này của trẻ đến bất chợt, tự nhiên, trẻ bắt đầu có khái niệm tình yêu, biết cách thể hiện tình cảm với người mà mình thích. Tuy nhiên nhiều lúc trẻ cũng sẽ không phân biệt được đâu là tình yêu, đâu là tình bạn. Đặc biệt với những trẻ nữ thường rất hay mơ mộng về chuyện tình cảm, chính vì vậy mà khi đổ vỡ trong tình yêu rất dễ dẫn đến sự chán nản, ảnh hưởng đến việc học tập và cuộc sống.

Tuy nhiên không phải vì vậy mà các bật cha mẹ lại quan tâm con bằng cách cấm đoán, ngăn cản tình cảm của tuổi học trò. Điều này không chỉ gây ra những ảnh hưởng tâm lý nặng nề cho trẻ mà thậm chí còn nhận lại sự phản kháng mạnh mẽ thiếu suy nghĩ của con em rồi để lại những hậu quả đáng tiếc. Thực chất đây là những rung động đầu đời hết sức trong sáng và cũng là sự phát triển tự nhiên của cảm xúc con người khi trưởng thành, có ghét, có yêu. Chính vì vậy trong lúc này bố mẹ sẽ trở thành người bạn tâm tình, định hướng, giáo dục giới tính cho trẻ để trẻ có được một tình yêu chân chính, đúng nghĩa mà lại không ảnh hưởng đến việc học tập của mình.

NHỮNG BƯỚC TIẾN VỀ MẶT TRÍ TUỆ

Có thể nói đến giai đoạn này, trí tuệ của trẻ vị thành niên có những bước tiến vượt bậc. Điều này có được là do sự thừa hưởng liên tục từ những thu thập và tích lũy các kiến thức nhà trường, xã hội đến thay đổi suy nghĩ, trẻ vị thành niên thường thích lập luận, suy diễn, nhìn sự việc theo quan điểm lý tưởng hóa. Giai đoạn phát triển đặc biệt này chịu ảnh hưởng rất nhiều từ điều kiện văn hóa, giáo dục, kinh tế của môi trường gia đình và xã hội. Và đây cũng chính là giai đoạn phát triển mang đến sự lo ngại cho các bậc cha mẹ, gia đình và xã hội.

Tuổi vị thành niên ở mỗi nền văn hóa khác nhau sẽ có những đặc điểm riêng biệt nhưng nói chung còn bộc lộ tính phụ thuộc, khủng hoảng về nhân cách và hoang mang về tâm lý. Các em muốn khám phá mình “tôi là ai?”. Về mặt cơ thể thì lứa tuổi này đã có sự trưởng thành nhưng trẻ vẫn cần được giúp đỡ, giáo dục đúng cách để phát triển đúng hướng, trở thành những con người có ích cho xã hội.

3. Cha mẹ cần làm gì để có thể giúp đỡ trẻ vị thành niên phát triển toàn diện về mặt tâm sinh lý

Chính những thay đổi bất ngờ về tâm sinh lý ở lứa tuổi vị thành niên như vậy nên các bậc cha mẹ cần phải hết sức lưu ý, quan tâm sâu sắc và điều quan trọng hơn hết là biết mình cần phải làm gì để có thể giúp đỡ, giáo dục trẻ phát triển một cách toàn diện cả về tâm lý lẫn sinh lý.

Trước tiên các bậc phụ huynh cần phải thừa nhận một điều là việc nuôi dạy một đứa trẻ ở lứa tuổi vị thành niên là rất khó, nhất là giai đoạn trẻ mới bước vào độ tuổi này. Sự mệt mỏi về công việc, quỹ thời gian hạn hẹp cùng với sự mâu thuẫn trong việc tìm ra hướng đi chung khiến cho các bậc phụ huynh không thể làm tốt được nhiệm vụ của mình trong việc giáo dục trẻ vị thành niên.

Biết là khó nhưng đối với những đứa trẻ ở lứa tuổi này thì để có thể phát triển theo đúng hướng thì cha mẹ lại là những người đóng vai trò hết sức quan trọng. Chính vì vậy mà đừng vì bất cứ một lý do nào đó mà quên mất nhiệm vụ trọng đại này.

Hãy dành một ít thời gian tìm hiểu về thế giới của trẻ vị thành niên, khi đó cha mẹ sẽ hiểu rõ được những đứa con của mình và từ đó sẽ tìm ra được phương pháp dạy con tốt nhất. Tất nhiên ở giai đoạn này thì phụ huynh đừng nên cho rằng mình là tất cả, quan tâm con cái bằng cách can thiệp quá sâu vào mọi việc làm, hành động của con mà hãy làm một người bạn đúng nghĩa với con của mình.

Cụ thể phụ huynh hãy luôn quan tâm, chú ý đến các em ở trong cũng như ngoài phạm vi trường học. Tuy nhiên sự quan tâm này cũng phải hết sức đặc biệt chứ không phải là sự kiểm soát khắt khe vì nó sẽ làm phản tác dụng ngay tức khắc. Cho các em biết được cha mẹ luôn ở bên cạnh, lắng nghe, chia sẻ và giúp đỡ các em bất cứ việc gì, tạo cho con em một cảm giác an toàn và tình yêu thương vô điều kiện.

Nên dành nhiều thời gian tâm sự với các em một cách cởi mở, gần gũi, lắng nghe chia sẻ một cách chân thành, đừng vội vàng phán xét, la mắng khi trẻ gặp phải một vấn đề nào đó. Đặc biệt là đối với vấn đề tình cảm, sự xử lý thông minh của bố mẹ sẽ là chìa khóa để con cái có được một đời sống tâm lý tình cảm trong sáng, lành mạnh ở lứa tuổi này.

Cha mẹ không nên phản ứng gay gắt, cấm đoán khi trẻ có những biểu hiện tình cảm với bạn khác giới, hãy trò chuyện cùng trẻ, cho trẻ biết đâu là nhiệm vụ quan trọng của trẻ lúc này, hãy luôn theo sát những biểu hiện của trẻ để giúp trẻ vượt qua những khó khăn tình cảm đầu đời.

Bên cạnh đó một điều hết sức quan trọng nữa đó là phụ huynh cũng cần ý thức được vai trò của mình trong việc giáo dục con em. Việc giáo dục trẻ vị thành niên sẽ có sự tiến triển tốt nhất nếu như phụ huynh và thầy cô có sự gắn kết chặt chẽ với nhau. Các cuộc nghiên cứu đã cho thấy khi phụ huynh được cung cấp đầy đủ tin tức về việc học tập của con mình, những hoạt động của nhà trường và đời sống của các em trong nhà trường thì thành tích của các em sẽ có sự tiến bộ rõ rệt.

Phụ huynh cũng nên chủ động liên hệ với thầy cô, nhà trường để trao đổi về tình hình học tập cũng như những vấn đề nảy sinh ở con em mình để từ đó có thể cũng nhau tìm ra cách giúp đỡ trẻ phù hợp.

Là một người cha, người mẹ thì ai cũng mong muốn con của mình có thể phát triển toàn diện cả về tâm sinh lý để trở thành một người trưởng thành toàn diện. Tuy nhiên để đạt được điều đó thì vai trò của cha mẹ không phải đơn giản, nhất là khi trẻ bước vào độ tuổi vị thành niên với những thay đổi vượt bậc về tâm sinh lý này. Vì vậy cha mẹ phải biết cách tự trang bị cho mình những kiến thức bổ ích về việc giáo dục con đúng cách. Hy vọng với những thông tin bổ ích về tâm sinh lý tuổi vị thành niên trên đây sẽ giúp các bậc cha mẹ hiểu thêm về con cái của mình và biết được mình cần phải làm gì để giúp đỡ các con một cách tốt nhất.