Ý NGHĨA LỊCH SỬ NGÀY TẾT ĐỘC LẬP 2/9
Sáng sớm ngày mùng 2/9/1945
Nhắc đến lễ Quốc Khánh ngày mùng 2/9 là trong trái tim mỗi người dân Việt Nam lại bùng lên một cảm xúc thiêng liêng và xúc động khó lòng tả nổi. Nhân dịp ngày lễ Quốc khánh 2/9, chúng ta hãy cùng nhau ôn lại kỉ niệm, ý nghĩa của ngày lễ trọng đại này.
Nguồn gốc của ngày Quốc Khánh
Sau khi Hà Nội và miền Bắc khởi nghĩa thắng lợi, ngày 25 tháng 8, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu trở về ngoại thành Hà Nội. Chiều hôm sau, Đoàn Trung ương đón Người về ở căn gác 2, nhà số 48, phố Hàng Ngang, Hà Nội để trực tiếp chỉ đạo phong trào. Người đã chủ tọa phiên họp của Thường vụ Trung ương Đảng bàn về công tác đối nội, đối ngoại, và đưa ra quyết định về việc khẩn trương tổ chức lễ ra mắt chính phủ lâm thời.
Từ sáng sớm lễ Quốc khánh ngày mùng 2/9, hàng chục vạn người hàng ngũ chỉnh tề, cờ hoa khoe sắc, áo quần tươi màu đỏ thắm đã dồn về quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Những biểu ngữ nền đỏ chữ vàng bằng các thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, Hoa, Nga chăng ngang đường phố.
Hào hứng ý chí của nhân dân được biểu lộ trên các dòng chữ: “Nước Việt Nam là của người Việt Nam”, “Độc lập hay là chết”, “ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Lễ đài bằng gỗ đơn sơ được dựng lên giữa quảng trường Ba Đình uy nghiêm, đội tự vệ vũ trang cùng đơn vị Quân Giải phóng đầu đội mũ ca lô, quân phục nghiêm trang, chỉnh tề, hàng ngũ thẳng tắp đứng trước lễ đài.
Những chiến sĩ cách mạng đã từng anh dũng chiến đấu ở Bắc Sơn, Vũ Nhai, lập nên các chiến công Nà Ngần, Phai Khắt, giờ đây vẫn nắm chắc tay súng, một lòng hướng tâm bảo vệ nền Độc lập mới ra đời. Hơn 50 vạn người đại diện cho mọi tầng lớp xã hội trong nhân dân, ai ai cũng nét mặt hân hoan phấn khởi chờ đón giờ khai sinh của chế độ mới- chế độ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Cũng cung giờ này, thì nhiều cuộc mít tinh lớn đã được tổ chức tại Huế, Sài Gòn và nhiều thành phố khác. Muôn triệu trái tim đang hồi hộp hướng về Hà Nội, đợi chờ giây phút thiêng liêng nhất.
Đúng 14 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị lãnh đạo trong Chính phủ lâm thời bước ra lễ đài. Bản nhạc Tiến quân ca hùng tráng vang lên, mọi ánh mắt đều hướng về lá cờ đỏ sao vàng rựa rỡ đang từ từ được kéo lên theo nhịp điều của bài hát. Hàng chục vạn tay nắm chặt tay giơ lên ngang tai, thể hiện lòng quyết tâm và ý chí sắt đá, kiên cường, kính chào lá cờ vinh quang của Tổ quốc.
Ý nghĩa của ngày Quốc Khánh
Theo Hiến pháp của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, chương 1, điều 13, mục 4 đã khẳng định: “Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là ngày Tuyên ngôn độc lập mùng 2 tháng 9 năm 1945 ra đời”.
Lễ Quốc khánh ngày mùng 2/9 của Việt Nam được tổ chức sau ngày lễ 30/4-1/5 giải phóng toàn dân, đây là ngày lễ lớn vô cùng trọng đại của người dân Việt Nam, được diễn ra vào mùng 2/9 hằng năm, đây là ngày kỷ niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội.
Sau 72 năm kể từ ngày khai sinh ra nước Việt Nam ,đến nay, đất nước Việt Nam vẫn không ngừng nỗ lực vươn lên mạnh mẽ. Với lịch sử gần 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn. Sức mạnh tổng hợp của quốc gia được tăng lên đáng kể.
Việt Nam được bạn bè năm châu mến phục, biểu tượng cho sự ổn định xã hội, tinh thần chiến thắng đói nghèo, đề cao nhân nghĩa con người trong thế kỷ XXI. Với những thành tựu to lớn đã đạt được từ ngày thành lập nước đến nay, dân tộc ta đã chứng tỏ được phần nào sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và toàn thể dân tộc Việt Nam.
72 năm qua là một quá trình phấn đấu hy sinh không gì có thể so sánh bằng của cả dân tộc nhằm bảo vệ và xây dựng nên Tổ quốc Việt Nam hôm nay. Ngày nay đất nước ta đã lớn mạnh hơn gấp nhiều lần; Việt Nam đã trở thành một quốc gia có uy tín trên trường quốc tế. Mỗi lần đến ngày kỉ kiệm, thì người Việt Nam dù đang ở bất kỳ nơi đâu, ngay trong lòng đất mẹ hoặc ở xa Tổ quốc, cũng không khỏi xúc động bồi hồi, khi nhớ lại khí thế đầy hào hùng, sôi sục và náo nức của những ngày chiến đấu cách mạng gian khổ, đặc biệt là ngày Quốc khánh 2-9-1945 lịch sử.
Đây chính là dịp để bất cứ người dân Việt Nam nào, đồng bào cả nước cũng như bào kiều ở nước ngoài cùng hướng về tổ quốc. Cùng nhau tưởng nhớ những người anh hùng đã hy sinh vì Tổ quốc, cùng tưởng nhớ và biết ơn tới vị vĩ nhân Hồ Chí Minh- người anh hùng dân tộc.
Đồng thời cũng là dịp mà các thế hệ sau cùng nhau nhìn lại chặng đường gian khổ và hào hùng của dân tộc, trau dồi lòng yêu nước và cống hiến sức mình cho tương lai sau này.
Với ý nghĩa và tầm vóc vô cùng lớn lao đó, dịp lễ Quốc khánh ngày mùng 2/9 đã trở thành một trong những ngày hội lớn nhất của dân tộc, ngày Quốc khánh của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.