PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP HIỆU QUẢ – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội
PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP HIỆU QUẢ – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội
Tìm kiếm phương pháp học tập hiệu quả là mối quan tâm hàng đầu của các bạn trẻ để gặt hái thành công trên con đường học tập và cho tương lai sau này. Sự phân tâm hoặc không chuẩn bị trước về phương pháp học có thể khiến các bạn học sinh gặp nhiều khó khăn khi học hỏi, thậm chí, còn trượt dài ở những thời điểm quan trọng sau đó.
Đặt mục tiêu phấn đấu cụ thể, rõ ràng
Bước đầu tiên và là nền tảng cho con đường học vấn của các bạn trẻ chính làthiết lập mục tiêu rõ ràng.Sự chuẩn bị trước cũng chính là yếu tố phân biệt những ai có tiềm năng thành công hơn những người còn lại. Để thành công, hay ít nhất là có một học bạ đẹp, bạn cần phải biết mình muốn gì, mình có thể theo đuổi điều gì và rõ ràng nhất là cần thiết lập mục tiêu cụ thể thế nào cho đích đến của bản thân. Qua việc thiết lập mục tiêu, bạn sẽ nhìn nhận rằng điều gì phù hợp với mình, điều gì không để thay thế bằng một phương pháp khác.
Trong khi đó, nếu không thiết lập sẵn mục tiêu, bạn có thể hoang mang với điểm xuất phát của mình, hoặc phát hiện ra bản thân đã quá muộn để làm điều này, điều kia. Mục tiêu rõ ràng cũng bao gồm thời gian để hoàn thành chúng, giúp bạn trẻ kiểm soát tốt lộ trình phấn đấu của mình.
Những mục tiêu sẽ là động lực to lớn để các bạn thúc đẩy bản thân phấn đấu hơn trong khi những bạn trẻ khác có thể sao nhãng với việc học. Cứ mỗi lần bước qua một nấc thang mà mình đã đặt ra, bạn sẽ thấy rằng những gì mình làm được là trân quý và sẽ càng có nhiều động lực và niềm vui để bước đi trên con đường phía trước.
Quản lý và tận dụng thời gian
Những người trưởng thành có thể cho rằng “giới trẻ là tỷ phú thời gian” – Nhận định này liệu có đúng hay không? Thời gian quý giá đối với bất kỳ ai, nó có thể cho bạn mọi thứ, hoặc không thứ gì, tùy theo các bạn sử dụng chúng. Chính vì vậy, kỹ năng quản lý thời gian thông minh vô cùng quan trọng, mà không phải ai, thậm chí người từng trải có thể thực hiện tốt điều này.
Khi học tập, điều quan trọng nhất không phải là bạn dành thời gian quá nhiều cho việc học hoặc công việc bên ngoài mà hãy biết cân bằng học tập với vui chơi, giải trí và những mối quan hệ mà bạn có. Nếu không quản lý tốt thời gian, bạn có thể sẽ gục ngã trước áp lực mà mình tạo ra, hoặc chán nản với việc học tập của mình, hoặc lúc nào cũng trong trạng thái vội vã.
Cái khó của quản lý thời gian không nằm ở cách thiết lập, mà ở việc bạn có ý chí, mức độ cam kết thế nào đối với kế hoạch đã thiết lập sẵn. Có những người cả đời chỉ chạy theo những câu như “Để mai rồi tính” hay “Mình sẽ làm việc đó khi có thời gian” cũng chỉ bởi họ không thể nào giữ bản thân theo đúng lộ trình đã vạch ra. Người quản lý thời gian tốt mới có thể thành công.
Phương pháp tổng hợp thông tin
Với sự phát triển của mạng lưới thông tin toàn cầu, hầu hết giới trẻ được tiếp xúc với Internet từ rất sớm. Cơ hội tiếp cận này vừa là kho báu, vừa là mối nguy hiểm đối với học tập của các em. Nếu như Internet có thể giúp con người tìm kiếm thông tin nhanh chóng, dễ dàng hơn cùng với góc nhìn đa chiều, thì cũng có thể nhấn chìm họ trước biển lớn tri thức. Tổng hợp thông tin là một kỹ năng phát triển bản thân vô cùng căn bản mà chúng ta cần phải rèn luyện trong một quá trình học tập.
Tổng hợp thông tin thông minh là khi, từ một bài báo, một đoạn văn hay bài nghiên cứu của một học giả nào đó, sinh viên có khả năng đọc lướt và tìm ra cốt lõi của vấn đề, các luận điểm, luận cứ chứng minh chúng. Nói cách khác, từ thông tin, bạn phải biết cách hiểu chúng, hơn là cố gắng copy – paste thật nhiều ra word rồi cố nhét hết từng từ vào trong não bộ.
Tìm ra các từ khóa, tóm tắt bài viết theo ngôn ngữ của chính mình ra giấy, vẽ sơ đồ tư duy hoặc đánh dấu những đoạn ngắn bằng bút nhớ sẽ giúp bạn lọc thông tin và ôn kiến thức nhẹ nhàng hơn học sinh khác.
Phân chia thời gian học hiệu quả
Chia thời gian học hiệu quả cũng tương tự như sự quản lý thời gian, là một phương pháp học tập hiệu quả nếu như bạn biết cách thực hiện, nhưng tập trung nhiều hơn vào khía cạnh, bạn phân bổ việc học tập của mình thế nào với một lượng thời gian được dành ra trước. Thông thường có hai cách để bạn sắp xếp thời gian:
Đầu tiên, bạn không nên học liên tục suốt nhiều giờ đồng hồ. Hãy chia thời gian học theo cách: cứ sau khi học mỗi 40 phút, hãy nghỉ năm phút rồi sau đó mới tiếp tục quá trình học không ngừng trong 40 phút nữa. Sự đan xen học 40 phút, nghỉ 5 phút này sẽ giúp bạn thực sự tập trung vào công việc của mình mà không mệt mỏi hay cảm thấy đau mắt. Trong quá trình nghỉ ngơi, bạn có thể xem mọi thứ mình muốn: nhắn tin với bạn bè, lướt mạng, … nhưng sau năm phút đó, cần tắt các thiết bị điện tử để tập trung vào sự học.
Hoặc nếu bạn có thể học liên tiếp trong một tiếng, hãy tăng thời gian nghỉ giữa hai ca học thành mười phút. Não bộ chỉ có thể tiếp thu hiệu quả trong thời gian ngắn, nên kết hợp hợp lý giữa học và nghỉ sẽ giúp cân bằng hoạt động não bộ, giúp nó hoạt động tốt hơn. Một tip khác cho việc học tập chính là có thể di chuyển địa điểm trong quá trình học nếu như bạn thực sự phải tập trung thời gian dài cho công việc của mình. Sự thay đổi địa điểm này làm bạn cảm thấy thoải mái và duy trì trạng thái tích cực để không bỏ dở giữa chừng.
Song song với phân chia ca học, chính là sắp xếp môn học. Thông thường, nếu không phải việc gấp gáp, đừng cố học mỗi ngày một môn học mà học trong bốn tiếng đồng hồ liên tiếp. Hãy có sự linh hoạt, phân chia các môn hài hòa trong một ngày, mỗi môn học trong một tiếng để không cảm thấy mệt mỏi.
Ứng dụng kiến thức để thực hành
“Học phải đi đôi với hành”, đó chẳng phải là lời Hồ chủ tịch đã nói hay sao? INDEC tin rằng, cho dù ở thời điểm nào, thực hành vẫn là một phương pháp học tập vô cùng hiệu quả cho học sinh, sinh viên. Bạn sẽ thấy, rất hiếm khi những thông tin nào có trong sách giáo khoa sẽ nằm hoàn toàn trong bài thi. Để kiểm tra sự hiểu biết, linh hoạt của học sinh, giáo viên thường sẽ ra đề có tính chất toàn diện hơn, đòi hỏi khả năng tổng hợp thông tin và hiểu sâu vấn đề, còn chưa kể phải liên hệ thực tiễn ở ngoài đời. Ngược lại, học vẹt sẽ khiến học sinh mất điểm trong mắt giáo viên và nhận về những điểm kém.
Để đạt kết quả cao trong các bài kiểm tra, các bạn trẻ cần tích cực thực hành và tìm hiểu, tự rút ra những chiêm nghiệm sau mỗi lần trải nghiệm. Sau quá trình luyện tập, bạn sẽ biết cách đặt ra thêm nhiều câu hỏi mới để tự trả lời, làm quen với các dạng câu hỏi.
Làm việc nhóm
Đáng buồn là việc học nhóm đối với các bạn học sinh, sinh viên ngày nay không được quá hưởng ứng vì nhiều người cho rằng, sự xuất hiện của quá nhiều người cùng thái độ không nghiêm túc có thể làm các bạn sao nhãng trong quá trình học và tốn thời gian của chính họ. Tuy nhiên, nếu duy trì một nhóm bạn từ bốn, năm người cùng chí hướng và có trách nhiệm, bạn có thể gặt hái rất nhiều trong việc học tập của chính mình.
Thông thường, bất kỳ cá nhân nào cũng có điểm mạnh, điểm yếu. Có người giỏi môn này, có người có thế mạnh về môn kia. Vì không có ai là hoàn hảo, vì mỗi người là một cá thể độc nhất nên chúng ta mới cần phải bù đắp cho nhau. Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa, hãy đi cùng nhau. Học nhóm sẽ sinh ra sự trao đổi, nơi bạn có thể nhìn ra sự thiếu sót của bản thân mình và học hỏi thói quen tốt từ đối phương. Ngoài ra, học nhóm cũng là giải pháp tốt để các bạn ghi nhớ kiến thức qua mỗi lần tranh luận qua lại giữa các thành viên trong nhóm, hoặc nhiều lần giảng bài cho người khác.
Đặt câu hỏi và phản biện
Đặt câu hỏi phản biện vô cùng quan trọng trong quá trình học. Bởi sự chủ động học hỏi không chỉ giúp bạn giải đáp những thắc mắc cá nhân để hoàn thiện mình khi giáo viên hoặc người thuyết trình không đưa ra câu trả lời như bạn mong muốn, mà còn là một thái độ tốt để chúng ta rèn luyện sự tự tin và mài giũa tư duy phản biện sắc bén.
Đặt câu hỏi cũng đồng nghĩa với việc bạn phải có khả năng lập luận, bảo vệ quan điểm của mình. Khi đó, bạn sẽ có cơ hội rà soát lại kiến thức của bản thân và tiếp tục ghi nhớ kho tàng tri thức của mình lâu hơn, thay vì chỉ tiếp nhận một chiều. Nếu chưa có thói quen đặt câu hỏi và nêu ý kiến phản biện, hãy sớm áp dụng phương pháp học tập hiệu quả này bạn nhé.
Không nên làm quá nhiều việc cùng một lúc
“Multi-tasking” là một khái niệm chỉ hành động thực hiện nhiều công việc trong một lúc để tiết kiệm thời gian và rèn luyện não bộ linh hoạt. Ngày nay, không ít các bạn trẻ đã làm công việc này trong chính việc học tập của mình, nhưng với một hướng đi hoàn toàn sai lệch. Nghiên cứu về multi-tasking cho thấy, sự chuyển đổi giữa nhiều nhiệm vụ sẽ mất thời gian hơn khi những nhiệm vụ càng nhiều và phức tạp, đồng thời, người thực hiện sẽ làm các công việc kém hiệu quả hơn là tập trung vào một cái.
Để lấy ví dụ, hãy tưởng tượng bạn đang làm bài luận trong mười lăm phút, nhưng bạn phải đi trả lời tin nhắn giải đáp thắc mắc của bạn bè trong môn khác, rồi quay lại lướt mạng để nghỉ ngơi. Điều này chắc chắn khiến việc học của bạn kém hiệu quả đi rất nhiều, còn chưa kể sẽ mắc nhiều lỗi. Vì vậy, phương pháp học tập hiệu quả chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây chính là hãy tập trung vào công việc của mình, thay vì tham gia quá nhiều việc khác nhau trong cùng thời điểm.
Tránh sự phiền nhiễu
Cùng với phương pháp không làm nhiều việc cùng lúc, khả năng bỏ qua sự cám dỗ của môi trường bên ngoài cũng là một phương pháp học tập hiệu quả mà bạn cần thực hiện. Sự phiền nhiễu có thể đến từ khắp mọi nơi, như tiếng chuông báo tin nhắn của bạn bè, tiếng xe cộ đi lại, tiếng nhạc rất lớn từ hàng xóm, tiếng nói chuyện của bạn bè. Bạn cần nhận biết được điều gì khiến bạn phân tâm và tìm cách khắc phục.
Thông thường khi học, hãy tắt âm thanh điện thoại di động đi (có thể để chế độ rung khi có cuộc gọi đến) và đảm bảo rằng, thiết bị điện tử không nằm trong tầm mắt của bạn. Vì rất có thể, bạn sẽ bị cuốn hút bởi một hình ảnh nào đó, và rồi lại mất thời gian bởi chúng. Bạn có thể tránh xa bạn bè, nếu như họ là nhân tố khiến việc học của bản thân không hiệu quả. Có thể tìm kiếm một quán cafe, co-working yên tĩnh để tránh những tiếng ồn khác.
Trên đây là những phương pháp học tập hiệu quả hy vọng rằng thông qua bài viết này, bạn sẽ tìm thấy cách tiếp cận phù hợp nhất với bản thân và đạt được hiệu quả nhất định.
ST