4 BƯỚC ĐỂ HỌC TỐT MÔN HOÁ HỌC LỚP 8 NGAY TỪ HÈ – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội
4 BƯỚC ĐỂ HỌC TỐT MÔN HOÁ HỌC LỚP 8 NGAY TỪ HÈ – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội
Môn Hóa học là môn học mới mà đến năm lớp 8 học sinh được tiếp xúc trong năm học tới đây. Để giúp học sinh lớp 8 học tốt môn học này, cô Phạm Thị Thúy Ngọc sẽ chia sẻ một vài bí quyết và phương pháp học môn Hóa hiệu quả nhất.
Một số lưu ý chuẩn bị trước khi bắt đầu môn học
Sự chuẩn bị trước khi bước vào năm học mới luôn là điều học sinh thường làm. Nhất là cho môn học mới – Hóa học, thì việc chuẩn bị trước ngay từ hè sẽ giúp học sinh làm quen với kiến thức mới, khái niệm mới tốt hơn và sẽ là bàn đạp để học sinh bứt phá trong năm học mới.
Theo cô Ngọc chia sẻ: “Hóa là một môn học không hề khó, ngược lại rất thú vị và sẽ giúp học sinh hiểu thêm nhiều điều về cuộc sống, do đó hãy tiếp cận môn Hóa với tâm trạng thoải mái nhất, ham mê và tìm hiểu nó sẽ khiến các em thích thú với môn học này hơn, từ đó giờ học Hóasẽ không còn là nỗi lo lắng hay sợ hãi với các em nữa”
Để bắt đầu với môn học mới này, trước hết học sinh phải có đủ tài liệu cần thiết cho môn học, phụ huynh và học sinh nên chủ động chuẩn bị trước Sách giáo khoa môn hóa lớp 8 để xem trước bài học. Đồng thời, học sinh cũng có thể chuẩn bị thêm một số tài liệu tham khảo như: Bài tập Hóa học nâng cao, 400 bài tập Hóa học chọn lọc… để thực hành làm thêm nhiều bài tập môn học này.
Ngoài ra, để việc học tập hiệu quả hơn, học sinh cũng nên lên kế hoạch học tập và ôn tập ngay trong hè để vào năm học mới các em sẽ không bị bỡ ngỡ đồng thời sẽ học tập nhanh hơn và hiểu bài hơn.
Phương pháp 4 bước để học tốt môn Hóa học
Để học tập môn Hóa học hiệu quả, các em cần có một phương pháp học tập tốt và phù hợp. Dưới đây sẽ là gợi ý của cô Ngọc về 4 bước để các em tiếp thu kiến thức môn học này tốt nhất.
Bước đầu tiên, học sinh nên đọc kĩ nội dung bài học trong Sách giáo khoa trước khi học: Các em cần định hình xem mình học bài gì và học nội dung nào? Không chỉ với các môn khoa học xã hội, đối với môn Hóa, các em cũng nên đọc và soạn trước bài học để dễ nhớ bài hơn khi vào năm học mới.
Bước 2, học sinh nên học và ghi nhớ có chọn lọc về chất với những tính chất cụ thể. Mỗi một chất có những tính chất, phản ứng và đặc điểm khác nhau, nếu chọn lọc được tính chất đặc thù của chất đó, các em sẽ nhớ bài nhanh hơn.
Bước 3, các em cần tìm hiểu các chất đó có trong thực tế như thế nào, nhớ kĩ về đặc điểm mà mình quan sát được hoặc tìm hiểu được sự biến đổi chất. Việc gắn kiến thức với thực tế giúp các em nhớ lâu hơn và thích thú với môn Hóa hơn. Nếu chú ý quan sát, các em sẽ thấy các chất hóa học ở mọi nơi xung quanh ta, như Ca(OH)2 là vôi tôi, CaCO3 là đá vôi, NaCl là muối ăn, Fe là sắt thường dùng làm vật dụng trong nhà,…
Bước cuối cùng, để tránh loạn kiến thức các em có thể hệ thống lại các kiến thức nền tảng về môn Hóa học lớp 8 theo gợi ý của cô Ngọc như sau:
Cô Ngọc hệ thống lại kiến thức nền tảng của môn Hóa học lớp 8
- Các khái niệm cơ bản về chất, nguyên tử, phân tử, đơn chất, hợp chất, mol, phản ứng hóa học, định luật bảo toàn khối lượng, oxit,axit, bazo,muối,…
- Các công thức hóa học để tính n(số mol), m(khối lượng), V(thể tích),…
- Và cuối cùng là các chất cụ thể như oxi, hidro,nước… và quan trong học sinh cần học được cách điều chế, nhận biết cũng như ứng dụng của các chất này.
Việc đưa kiến thức Hóa học vào sơ đồ tư duy giúp các em dễ dàng nắm bắt kiến thức, dễ hiểu nội dung đồng thời vận dụng vào các dạng bài tập trong môn học dễ hơn.