Bài viết của GS.TS Hà Huy Bằng: GIẤC MƠ LẠ... - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

Bài viết của GS.TS Hà Huy Bằng: GIẤC MƠ LẠ... - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

ITIT
Tháng 11 22, 2018 - 23:24
Tháng tư 22, 2024 - 09:27
 0  14
Bài viết của GS.TS Hà Huy Bằng: GIẤC MƠ LẠ... - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

Thu muộn. Đông chưa tới. Đêm nay Hà Nội lại mưa. Qua khung cửa sổ tầng 2 của căn gác nhỏ tôi ngồi ngắm mưa rơi. Có cảm tưởng như dòng mưa đổ hoài xuống trước hiên nhà giống như dòng thời gian đến với ta từ một nơi xa lắm, ta thấy đấy nhưng rồi xa đấy.

Thời gian đưa ta trôi dạt theo những số phận với những mối lương duyên bất định. Nhưng may thay có những giá trị trường tồn, những giấc mơ giúp ta sự an yên để trụ lại trong cuộc đời vốn đầy bất trắc này. Tôi vẫn luôn có niềm tin bất diệt vào hai chữ “duyên phận”, bởi có nó ta mới giải thích được những điều thật khó hiểu xảy ra trong cuộc sống, chẳng hạn sợi dây ràng buộc vô hình giữa đời tôi với tuổi học trò hoa mộng.

GS.TS Hà Huy Bằng – CT Hội đồng quản trị nhà trường

Văng vẳng đâu đây trong bản sô-nát mùa thu do những giọt thu gõ nhịp trong đêm thu thanh vắng là những lời thơ như thứ tơ tình mong manh gợi về một thuở thu xa tựu trường.

“Em mười lăm áo đã tím hoa cà

Đường tới lớp bất ngờ anh biết nhớ”

15 tuổi, với tóc đuôi gà và tà áo tím như mơ em tới trường. 15 năm cho ngôi trường Đào Duy Từ với lễ kỷ niệm gần kề… Hồi ức đưa tôi về với con phố cũ có ngôi nhà với cành phượng vĩ sà vào ban công tầng 2, với một cậu trai tuổi 15 mang nặng một nỗi buồn man mác ngắm cành phượng rơi cùng bóng đèn đường chao nghiêng trước những cơn gió giao mùa lạnh thấu xương. Và nhiều khi với bài toán còn dang dở, trong giấc ngủ chợt đến, cậu đã mơ… mơ nhiều lắm. Có lúc cậu mơ sẽ được vinh quy bái tổ như Trạng nguyên trong bức tranh treo ở phòng khách. Nhiều lúc cậu thấy mình đang dự kỳ thi Toán quốc tế như anh mình. Lúc khác trong mơ cậu thấy mình đã là một nhà toán học vĩ đại như Ơ-le…. Và rồi cậu trai (là tôi đó) lớn dần lên cùng những giấc mơ xa, giấc mơ lạ. Nhưng đến một ngã rẽ của cuộc đời, cậu chợt hiểu về giới hạn của những giấc mơ.

Bỏ đi dự định xa xôi về toán học, mong muốn trở thành một nhà vật lý vì lý do đơn giản là cậu không muốn trở thành cái bóng của anh trai, và vì cuốn sách “Chân trời bí ẩn của các nhà vật lý” nói rằng các nhà vật lý thật hài hước và cao thượng…

Cuốn theo giấc mơ mới, bước trên con đường dài hun hút của học vấn và danh vọng, tôi đã vô tình quen với việc thiếu vắng những giấc mơ gắn với thầy cô, bạn bè, mái trường tuổi học trò. Nhưng không hiểu sao, lúc thì le lói, lúc bùng lên mãnh liệt, mọi ký ức tuổi thơ vẫn còn nguyên vẹn. Và dù có tưởng tượng phong phú đến thế nào, tôi không thể ngờ lại có một bước ngoặt của số phận đưa tôi đến với những tuổi thơ. Sau khi đã bảo vệ luận án Tiến sĩ, vào một buổi sáng định mệnh tôi bỡ ngỡ làm quen với khối chuyên Lý của Đại học Tổng hợp. Văn phòng tầng 2 được che bằng cót ép sống chung với mấy bộ bàn ghế ọp ẹp, tầng một là thư viện chứa toàn sách mối mọt. Thất vọng và… thất vọng. Vậy mà tôi vẫn quyết định ở lại vì nơi đây ấm tình người, và cũng có thể là vì tôi tìm thấy lại một phần hình ảnh của mình trong những cô, cậu học trò.

Nếu coi đời người là một giấc mộng thì nhiều người bằng lòng với một giấc mộng bình dị, miễn là nó đừng biến thành ác mộng. Riêng tôi thì không. Tôi muốn có những giấc mơ phiêu linh, những giấc mơ lạ, dù cho đôi khi ta chỉ đạt được một phần chúng trong hiện thực. Hạnh phúc lớn cho tôi là trong giai đoạn mình lãnh đạo, khối chuyên Lý đã trở thành một chàng khổng lồ thức dậy sau giấc ngủ dài 7 năm, với những thành tích ngoạn mục và phi thường, luôn đứng đầu toàn quốc về thành tích đào tạo tài năng trong 13 năm liền và chiếm đến 70% số Huy chương trong các kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế của Việt Nam.

Thời gian là hiện hữu của sự thực, đôi khi là phũ phàng. Nó làm tan vỡ những giấc mơ còn dang dở. Khi cánh buồm chuyên Lý no gió, đang băng băng trên con đường tiến tới vinh quang thì cũng là lúc tôi phải chia tay sau hai nhiệm kỳ liên tiếp làm Chủ nhiệm (luật quy định mà!). Ngày đó, nắng tháng sáu chói chang mà hoang lạnh. Đành gửi lại tâm sự phút cuối cho hàng xà cừ trước sân nhà C3…

Trò đùa của số phận chăng hay duyên nghiệp của tôi với tuổi học trò còn chưa dứt?. Không biết nữa!. Nhưng một giai đoạn mới của cuộc đời tôi lại mở ra với cái tên Đào Duy Từ. Giai đoạn đầu gắn bó với trường Đào Duy Từ kỳ lạ thật!. Có hạnh phúc và đắng cay, có kỳ vọng và thất vọng. Thôi thì đủ cả hỉ, nộ, ái, ố. Hạnh phúc vì sự chấp nhận của rất nhiều học sinh và phụ huynh cho cương vị mới của mình. Bất ngờ vì vào một chiều nọ có hai cô phóng viên gặp mình hỏi về mô hình cận chuyên mà trường Đào Duy Từ đưa ra trong tờ quảng cáo. Họ khen nhiều lắm, nhưng lại có những câu hỏi kì kì, chẳng hạn có sách giáo khoa riêng cho hệ cận chuyên không?, liệu phụ huynh có nhầm là được vào hệ chuyên Lý không?!…

Kinh ngạc và thất vọng!, sao người ta lại có thể đặt ra những câu hỏi này, và nghĩ về nhau như vậy được nhỉ?

Lùm xùm mất một thời gian. Nhưng may mắn là trong gian khó ta lại có những người bạn giúp đỡ, động viên như thầy Nguyễn Đăng Điệp (Trước là người cầm phấn dạy tiết đầu tiên cho trường, nay là GS.TS, Viện trưởng Viện Văn học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), có an ủi tôi bằng một câu nói mà tôi nhớ mãi: “Sự ra đời của một chàng khổng lồ cũng phải ầm ĩ chứ”.Hay cố thầy giáo Bùi Bằng Đoàn thì chỉ mặt tôi nói: “Cậu có một tội rất lớn”. Rồi nói tiếp “Treo đầu dê, bán thịt dê xịn”.

Cuối cùng thì mọi việc cũng ổn. Hung đã biến thành kiết. Mặc cho những lời ác ý, dèm pha, học sinh và phụ huynh vẫn tin tưởng đi theo. Rất nhiều học sinh đủ điểm đỗ vào các hệ chuyên hoặc thiếu 0,5 điểm hay 1,0 điểm nhập học. Một buổi tối, tôi nhận được một cú điện thoại của học sinh tên Thắng từ Hải Dương hỏi kỹ về mô hình trường . Bẵng đi vài tuần, tưởng thôi rồi thì lại thấy hỏi tiếp qua điện thoại, và sau đó 3 ngày thì nhập học.

Vì là khóa đầu nên lo nhiều, nghĩ nhiều và từ đó dạy nhiều, học nhiều. Năm kia (2016) dịp 20/11 các em học sinh khóa đầu tiên khi quay lại trường có nhắc tôi về một câu chuyện và nói rằng tôi đã giữ đúng lời hứa. Chuyện là, trong một lần trên lớp học, học sinh khóa đầu có hỏi tôi là: “Thầy ơi trường mình sẽ đi về đâu” và tôi đã trả lời (sau thì nghĩ là hơi liều): “3 năm có giải quốc gia, 5 năm có giải quốc tế”. Liều mà đúng thật! Thế mới… siêu chứ. Năm 2005, em Vũ Thị Hà Bắc đã đạt được giải Ba trong kỳ thi Học sinh giỏi Quốc gia môn Vật lý (thiếu 0,25 điểm thì được giải Nhì) và nằm trong 32 bạn được thi 4 vòng tiếp tục chọn đội tuyển đi thi Olympic Vật lý quốc tế. Và các bạn có biết ai là tài xế xe ôm cho Bắc trong tất cả các ngày thi Học sinh giỏi không? Là tôi đấy. Không biết tài nghệ làm xe ôm của tôi giỏi đến đâu nhưng có điều được Bắc tín nhiệm đến độ sau khi đưa em ấy đi dự thi Học sinh giỏi Quốc gia rồi, thì sang 4 vòng chọn Học sinh giỏi thi Quốc tế em vẫn ngập ngừng đánh tiếng qua cô H. nhờ tôi làm xe ôm tiếp vì ngồi xe thầy lái may lắm!. Với trường hợp em Trần Anh Vũ thì là cả một hiện tượng, một siêu kỷ lục đến mức nằm ngoài tưởng tượng của tôi và mọi người, một quả bom tấn phát nổ trong làng giáo dục Việt Nam, được đăng đậmở hơn 30 tờ báo. Từ trước đến nay, chưa có một trường nào không những là ngoài công lập mà cả phi chuyên lại có học sinh đạt giải quốc tế như vậy. Siêu tưởng đến mức, người báo tin cho tôi đầu tiên lại là thầy Quang (Tổ trưởng Vật lý trường Amsterdam). Hôm đó, tôi đang đi xe máy về đến cầu vượt đường Lê Văn Lương giao với đường Láng thì bất ngờ nhận được một cú điện thoại: “Thầy cứ giấu em…”. Tôi không bao giờ quên được cảm giác lúc ấy, bất ngờ đến gai lạnh cả sống lưng, tôi hiểu và đoán ra điều gì đã xảy ra: “Vũ đã nằm trong số 5 học sinh được chọn vào đội tuyển thi Olympic Vật lý Quốc tế của Việt Nam”. Sau này thì tôi được biết, điều này cũng bất ngờ với cả các giáo viên đi chấm thi và sau khi ghép phách họ đã xem lại bài, thấy chính xác. Truy lại các bài thi Học sinh giỏi Quốc gia thì biết Vũ thiếu 0,25 điểm nữa là được chọn dự thi Olympic Vật lý Châu Á (chọn chỉ dựa vào kết quả thi Học sinh giỏi Quốc gia). Ngay trong việc tốt đẹp như vậy vẫn có điều làm ta bực mình. Gọi là bực mình nhưng thực ra là bực… người. Chuyện là thế này. Đứng trước thành tích phi thường của trường Đào Duy Từ, có một người nổi tiếng trong làng giáo dục nói rằng: “Sao dư luận lại khen ngợi ầm ĩ đến thế nhỉ, học sinh Đào Duy Từ là học sinh cận chuyên nên việc đạt được giải quốc tế cũng là bình thường, có bột mới gột nên hồ nên có gì đặc biệt đâu!”. Ừ, nhưng mà khối trường (kể cả nhiều trường chuyên) có bột mà đâu có gột nên hồ, và theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì đến nay cũng chỉ có 34 trường trong 63 tỉnh thành toàn quốc có học sinh đạt giải Olympic Quốc tế.

Vạn sự khởi đầu nan và đầu xuôi đuôi lọt. Tiếp theo môn Vật lý, chúng ta lại có các giải Nhì quốc gia môn Tiếng Anh cho lớp 12 (của em Nguyễn Thu Thủy lúc đó đang học lớp 11), giải khuyến khích và giải Nhì môn Ngữ văn của em Trịnh Ngọc Sinh và em Nguyễn Minh Hiền (đặc biệt em Hiền đạt giải nhì quốc gia cũng là giải cao nhất của Hà Nội về môn Ngữ văn năm học 2016 – 2017). Việc trường Đào Duy Từ có truyền thống đạt được giải quốc gia đã trở thành bình thường. Tôi nhớ có lần đọc danh sách đội tuyển Hà Nội dự thi Học sinh giỏi Quốc gia, tôi phải bụm miệng cười khi thầy Phó phòng phổ thông lại đọc tên học sinh trường mình ở lớp 12T (thành 12 Toán, kiểu như trường mình là trường chuyên vậy). Mà có vẻ tự nhiên là như vậy, khi mà chính 1 trong 2 cô phóng viên thuở nọ chất vấn mình về từ “cận chuyên” dùng trong quảng cáo thì nay lại có một bài dài viết trên một tờ báo lớn và đã phong cho trường mình là trường chuyên dân lập. Quả thực thời thế đã đổi thay đến chóng mặt khi ta làm tốt. Tên tuổi của trường ta ngày càng nổi như cồn bởi một thành tích nữa, đó là liên tục lọt vào top 200 trường phổ thông có kết quả thi vào đại học cao nhất nước trong 9 năm liền. Nghe có vẻ không đặc sắc lắm nhưng thực ra là một kỳ tích vì không phải các học sinh vào trường ta đều có kết quả học tập cao. Hơn nữa để đạt được kết quả này các thầy cô đã phải quên mình kèm cặp tối, ngày cho các học sinh còn yếu (thay cho việc bắt buộc chuyển trường). Rồi thì bao biện pháp tâm lý được áp dụng cho các học sinh nảy nòi trốn tiết, hay chán học đại loại thế, để lôi các em lại với tập thể lớp. Làm giáo viên cần kiêm thêm cả bác sĩ tâm lý có phải không?

HS Nguyễn Minh Hiền đạt giải Nhì Quốc gia môn Ngữ Văn năm học 2016 – 2017

Một trụ cột thứ ba làm nên thương hiệu của trường ta là định hướng quốc tế hóa. Vấn đề này cần bàn luận xa hơn một chút. Cho đến nay, tôi và các anh, chị em trong gia đình vẫn thỉnh thoảng (giấu mẹ) trích dẫn lại một câu nói của mẹ tôi “thích nhất là được tiễn con đi nước ngoài”. Lạ không! Mẹ gì lại thích xa con? Nhưng không phải vậy. Nếu không tạo điều kiện cho con được phấn đấu, tự lực trong cuộc sống và tu nghiệp ở môi trường khoa học, giáo dục tiên tiến thì làm sao con có thể thành công lớn về học vấn và nên sự nghiệp được! Từ vấn đề của mình và gia đình, tôi quyết tâm tạo kênh cho các em xuất ngoại. Nhớ chuyến đi nước ngoài đầu tiên sang Singapore để gặp gỡ các nhà bác học được giải thưởng Nobel toàn cầu của 3 học sinh và 1 giáo viên trường ta. Thật vinh dự vì Bộ Giáo dục Singapore chỉ mời tối đa 2 trường ứng với mỗi quốc gia được cử học sinh tham dự. Vậy mà từ giới thiệu của giáo sư Jean Trần Thanh Vân, trường ta được đại diện cho Việt Nam trong hoạt động này. Xin chân thành cảm ơn GS. Vân.

Tiếp theo là những chuyến đi trại hè ở Malaysia, trại hè khoa học ở Nhật Bản, Ấn Độ, Israel… Đặc biệt các chuyến đi trao đổi văn hóa, trau dồi kiến thức tiếng Anh ở Mỹ, New Zealand… nở rộ và liên tục diễn ra trong 4 năm gần đây sau những bản hợp tác được ký kết giữa trường ta và các trường Đại học danh tiếng trên thế giới. Thật khó tả xiết sự phấn khích của cô, trò khi khoe những bức hình đẹp chụp ở cổng và thư viện trường Harvard. Tôi cảm nhận được hạnh phúc đang lan tỏa sang mình nhiều lắm. Những chuyến đi này, và các Huy chương vàng, bạc, đồng trong các kỳ thi sáng chế, phát minh khoa học kỹ thuật quốc tế cùng với khả năng tiếng Anh vượt trội được trau dồi sau các chuyến đi đã giúp cho nhiều học sinh trường ta đạt được các học bổng cao từ 80% đến 100% ở các trường Đại học top đầu của thế giới. Tôi không còn trẻ để mơ mộng và đếm thời gian qua những chuyến đi xa. May làm sao đã có các học trò ruột kéo dài những giấc mơ muộn của mình. Nếu coi hợp tác quốc tế là một giấc mơ xa thì nó cũng đi kèm với những giấc mơ lạ cùng với các trung tâm luyện IELTS, SAT, A-level về tiếng Anh, được mở ra tháng trước tại trường ta đang phát triển nhanh chóng.

Ngẫm lại thì thấy cuộc đời này kể cũng lạ, có những tình cảm đơn thuần của tuổi học trò như nỗi lòng vấn vương với một tà áo trắng sân trường, hay chút bối rối trong ánh mắt bất chợt gặp nhau thuở tới lớp… Rồi thương, rồi nhớ, rồi đeo đẳng suốt cuộc đời. Tôi không bao giờ quên phút chia tay với đời học sinh, tôi đã lặng nhìn lên bầu trời: trời xanh, mây trắng ngừng trôi. Nhưng rồi mây cứ lại trôi và chúng tôi chia tay theo đường đời trăm ngả. May mắn thay, nhân duyên lại kéo tôi gần với tuổi học trò của các học sinh mà có lúc tôi tưởng rằng ba chữ “tuổi học trò” đã bị rời xa vĩnh viễn.

Và các chàng trai, cô gái bé bỏng của tôi ơi!. Chúng ta đã xa nhau hoặc rồi sẽ xa nhau nhưng cuộc sống các em luôn may mắn, tôi tin là thế, bởi chúng ta đã có những tháng ngày tuyệt vời và xứng đáng bên nhau. Dù đường đời còn nhiều trắc trở và thậm chí tưởng như không vượt qua nổi, nhưng qua những ngày giông bão sẽ là những ngày bình yên, nắng gắt chói chang của hạ sẽ nhường chỗ cho sắc dịu dàng, man mác của thu.

Miên man với những suy tưởng, tôi lại trở về với thực tại. Trời đã ngớt mưa, có thể là sắp ngừng hẳn. Vậy mà chỉ gần 3 tiếng trước ta có cảm tưởng mưa sẽ không bao giờ dứt. Có lẽ cuộc sống cũng vậy, nó cuốn ta và những người thân mà ta nghĩ sẽ ở mãi quanh ta theo những ngã rẽ vô định, nhiều khi không chung lối. Có những đêm như hôm nay, tôi nhớ đến nao lòng những bóng hình thân quen từng gắn bó với ngôi trường, giờ đã chỉ còn trong hoài niệm, hay thành một chút dư âm còn sót lại. Trôi theo tháng năm, thật tàn nhẫn khi ta vô tình quen với việc thiếu đi một người nào đó, một sự việc gì đó. Dù sao tiếng tí tách của những giọt thu đầy luyến thương ngoài cửa sổ đã vô tình chuộc lỗi cho ta…

Mưa đã tạnh. Vừng đông đã rạng. Lại sang một ngày mới. Bất chợt ở phía chân trời hiện ra cây cầu, đâu như là cầu Ô Thước. Mà lạ chưa, tôi thấy rõ khuôn mặt rạng ngời của bố tôi đứng vẫy tay chào ở giữa cây cầu, bên cạnh là con số 16. Phải rồi bố ạ, ngày 16 tháng này, trong năm học thứ 16, có một ngày kỷ niệm trọng đại mà con và mọi người trong trường đang mong chờ, đang hướng tới. Và ai đó ơi, dù còn đây hay đã xa muôn trùng, hãy về tái ngộ để lại một lần bên nhau trên cây cầu Ô Thước của tình yêu Đào Duy Từ mà chúng ta đã đi chung, đã cùng nhau qua bao chớp bể mưa nguồn, và cũng vì mình đâu đã nói lời ly biệt… Ta hãy hẹn gặp nhau trên cây cầu số phận để hoàn thành những ước nguyện còn dang dở và mơ tiếp những giấc mơ xa.

GS.TS Hà Huy Bằng