CUỘC THI VẺ ĐẸP 'TÂM-TẦM-TÀI' CỦA NGƯỜI THẦY THẾ KỶ XXI - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội
CUỘC THI VẺ ĐẸP 'TÂM-TẦM-TÀI' CỦA NGƯỜI THẦY THẾ KỶ XXI - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội
Vẻ đẹp “TÂM – TẦM – TÀI của người thầy thế kỉ XXI chính là chủ đề của hội thi “Tài năng sư phạm” chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 của trường THPT Đào Duy Từ, THPT Bắc Hà.
Hội thi “Tài năng sư phạm” trường THPT Đào Duy Từ, THPT Bắc Hà
Ý tưởng tổ chức hội thi của chủ tịch Hội đồng quản trị hai trường xuất phát từ mong muốn tôn vinh vẻ đẹp, tài năng của các thầy, cô giáo trong hội đồng sư phạm nhà trường đồng thời tạo môi trường để thầy, cô rèn luyện, trau dồi những phẩm chất – năng lực của người thầy theo xu hướng giáo dục hiện đại – năng động – sáng tạo hiện nay.
Hội thi diễn ra với 4 phần thi: Chào hỏi, Xử lí tình huống sư phạm, hùng biện, văn nghệ với các tổ bộ môn và khối văn phòng. Mỗi đội thi có một phong cách thể hiện khác nhau: hào hùng, đông đảo như tổ Toán; sáng tạo, cuốn hút như tổ Ngữ văn; duyên dáng, tinh tế như tổ Vật lý; hài hước, ấn tượng như tổ Hoá học, khoa học, lô gic như khối Văn phòng Đào Duy Từ; chuyên nghiệp, xúc động như khối Văn phòng Bắc Hà … Dù theo phong cách nào thì các thầy, cô đã thể hiện tốt sự đoàn kết, những năng lực nổi trội, đặc trưng của tổ mình.
Cô giáo Lê Mai Phương – tổ Ngữ văn – với bài hùng biện xúc động về người thầy thế kỉ XXI
Chương trình diễn ra trong gần 5 tiếng nhưng đọng lại thông điệp: người thầy thế kỉ XXI cần hội tụ vẻ đẹp ba chữ “TÂM –TÀI – TẦM”.
Sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 khiến nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng trong đó nghề giáo không phải là ngoại lệ. Nhưng chúng ta tin tưởng rằng nếu người thầy giảng dạy với chữ “Tâm” – sự nhiệt thành, bao dung, lắng nghe, thấu hiểu – thì rô bốt nào có thể thay thế được! Nếu người thầy giỏi chuyên môn chuyên ngành cũng như liên môn tích hợp – chữ“Tài”thì bài giảng không đơn thuần là tri thức khoa học thuần tuý.
“Tâm”, “Tài” thôi chưa đủ, người thầy cần phải có chữ “Tầm”. Đó là tư duy nhìn xa trông rộng; là khả năng nắm bắt xu hướng thời đại để hội nhập. Người thầy hãy “vũ trang”cho mình vốn kiến thức Tiếng Anh, kỹ năng giảng dạy sáng tạo, các kỹ năng mềm để có thể vươn ra thế giới.
Có thể nói, trong các ngành nghề mà chúng ta biết dường như chỉ có người làm ngành y và ngành giáo dục được tôn xưng là “thầy”– thầy giáo, thầy thuốc. Cách gọi này vừa phản ánh thái độ tôn kính của nhân dân vừa cho thấy những yêu cầu của xã hội đối với người làm nghề y hay nghề giáo.
Nguồn: dantri.vn
Nhật Hồng