BỐN VẤN ĐỀ THEN CHỐT CỦA PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC TRƯỚC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0/THỜI ĐẠI TRI THỨC – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

BỐN VẤN ĐỀ THEN CHỐT CỦA PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC TRƯỚC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0/THỜI ĐẠI TRI THỨC – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

ITIT
Tháng 11 16, 2017 - 21:37
Tháng tư 10, 2024 - 17:14
 0  10
BỐN VẤN ĐỀ THEN CHỐT CỦA PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC TRƯỚC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0/THỜI ĐẠI TRI THỨC – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

Cách mạng công nghiệp 4.0 là một cách gọi cho xu hướng tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất. Nó bao gồm các hệ thống thực ảo (Cyber – Phisical Systems CPS) mạng lưới Internet vạn vật (Internet of things – IOT), điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo… Nói tới Cách mạng công nghiệp 4.0 là nói tới Thời đại tri thức của các nhà quản lý.

Bốn vấn đề then chốt của phát triển giáo dục trước động thái Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0/thời đại tri thức

Bốn vấn đề ấy bao gồm:

– Vấn đề kiến tạo nhà trường.

– Vấn đề xây dựng hệ thống giáo dục

– Vấn đề xác định hệ giá trị và tổ chức thế hệ trẻ rèn luyện hệ giá trị này

– Vấn đề đào tạo, bồi dưỡng hiệu trưởng nhà trường.

Kiến tạo “Nhà trường 4 – 6 – 10”

Sinh thời, GS Nguyễn Cảnh Toàn đề cập việc kiến tạo “Nhà trường 4 – 6 – 10” như sau:

* “Số 4” hướng đến hoạt động của người thầy:

Người thầy biết phân hóa đối tượng giáo dục để dạy theo “bốn sức”: “Sức chứa, sức hút, sức thấm, sức chế biến”. Cần lưu ý có học sinh ở lĩnh vực này sức chứa là bình thường, song ở lĩnh vực khác sức chứa lại rất đáng nể trọng. Người thầy vô luận làm việc ở loại trường nào cũng phải thực hiện 3 nhiệm vụ: người truyền đạo, người thụ nghiệp, người hóa giải các thắc mắc cho trò.

Người thầy trong nhà trường của CMCN 4.0 phải đóng được cả 4 vai:

Người thầy phải là người cố vấn giúp học trò khám phá sáng tạo

Người chỉ huy, người thiết kế, người dẫn dắt, người cố vấn giúp học trò khám phá sáng tạo.

* “Số 6” hướng đến việc học của trò – người học:

Học mọi nơi, mọi lúc, mọi vấn đề (trong đó xác định lĩnh vực trọng tâm cho khởi nghiệp bản thân), học mọi người, học bằng mọi cách, học trong mọi hoàn cảnh.

Người học trong cuộc sống đang diễn ra phải học bằng sự “trách nhiệm”, theo phong cách 3C:

C1/Collecting – Tích lũy nhiều

C2/Caculating – Xử lý tinh

C3/Communication – Giao lưu rộng.

* “Số 10” hướng đến sự hợp tác của thầy trò phát triển 10 vấn đề tư duy gồm:Tư duy logic,tư duy hình tượng,tư duy biện chứng,tư duy ngôn ngữ,tư duy quy trình – tư duy Angôrit,tư duy khoa học chứng nghiệm,tư duy kỹ thuật – công nghệ,tư duy kinh tế,tư duy chính trị,tư duy quản lý.

Trong cuộc đổi mới đang diễn ra, vô luận việc thiết kế chương trình môn, mặt hoạt động giáo dục… theo kiểu nào thì cốt lõi của nó phải bao quát 10 loại tư duy trên.

Xây dựng hệ thống giáo dục

Xây dựng hệ thống giáo dục quốc dân đảm bảo cho công dân được “Giáo dục thường xuyên – Đào tạo liên tục – Học tập suốt đời” theo tinh thần “thực học – thực nghiệp”

Theo minh triết của nền giáo dục cách mạng, đất nước đã xây dựng được hệ thống giáo dục quốc dân theo các tiêu chí Dân tộc – Khoa học – Đại chúng. Ngày nay theo động thái CMCN 4.0/Thời đại tri thức, hệ thống này đòi hỏi phải quán triệt tinh thần dân chủ, đảm bảo cho mọi công dân đều được đi học, học được, được phát triển phẩm chất – năng lực một cách toàn vẹn. Tinh thần “Thực học – thực nghiệp” phải được thấm vào tiến trình đào tạo của mọi loại hình nhà trường trong hệ thống này.

Hệ thống giáo dục quốc dân ở nước ta hiện nay phải chú ý sự phát triển đồng bộ cả 3 loại hình:

– Giáo dục trường quy chính quy (Formal Education/FE).

– Giáo dục trường quy phi chính quy (NonFormal Education/ NFE).

– Giáo dục phi trường quy (Informal Education/ IFE).

“FE” và “NFE” đã có sự chú ý nhất định và đang có những thành tựu đáng trân trọng. “IFE” còn chưa có sự đầu tư công phu mặc dù đây là “binh chủng” có tác động mạnh vào phương châm xây dựng xã hội học tập để mọi công dân được “Giáo dục thường xuyên – Đào tạo liên tục – Học tập suốt đời”.

70 năm trước đây, (tháng 3/1947), Bác Hồ về công tác tại Thanh Hóa đã chỉ thị cho tỉnh này xây dựng: Mỗi gia đình là một nhà trường (Bác dùng cụm từ “Gia đình học hiệu”), mỗi người dân đều là một “Tiểu giáo viên”.

Những điều Bác Hồ nêu hoàn toàn trùng khớp với quan điểm của UNESCO đang quảng bá trong bối cảnh hiện đại.

Xác định hệ giá trị và tổ chức thế hệ trẻ rèn luyện hệ giá trị này

Xác định hệ giá trị phù hợp với biến đổi của thời đại, bảo toàn văn hóa dân tộc và rèn luyện thế hệ trẻ thực hiện: Tu thân đúng, xử thế sáng khôn, dưỡng sinh tích cực theo chân – thiện – mỹ & tình nghĩa.

Cái đích của nhà trường và hệ thống giáo dục hướng tới là nhân cách của thế hệ trẻ. Từng có nhiều lời bàn cho mô hình nhân cách mà nhà trường và nền giáo dục phải hướng tới.

Tiếp cận theo con người quan hệ, con người bổn phận có mô hình nhân cách: Yêu quý tự trọng bản thân, yêu gia đình – yêu tổ quốc, yêu lao động, yêu hòa bình, yêu quý, bảo vệ thiên nhiên, môi trường.

Tiếp cận con người đạo đức có mô hình nhân cách:

Lễ – Nghĩa – Liêm – Sỉ (Quản Trọng)

Cần – Kiệm – Liêm – Chính (Hồ Chí Minh)

Chương trình tổng thể của Bộ GD&ĐT (văn bản ngày 14/03/2017) đề xuất các giá trị: Yêu nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, bản lĩnh.

Tiếp cận con người tư duy, có mô hình nhân cách: Tư duy nguyên tắc, tư duy tổng hợp, tư duy sáng tạo, tư duy tôn trọng, tư duy đạo đức.

Nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện (1913 – 1997), có nêu lên ba việc mà nhà trường phải giáo dục và rèn luyện cho thế hệ trẻ bao gồm: Tu thân đúng, xử thế sáng khôn, dưỡng sinh tích cực.

Đó là tiếp cận con người hành động, bao quát cả ba tiếp cận đã có: con người bổn phận, con người đạo đức, con người tư duy.

Lý luận giá trị học ở nước ta khẳng định: Tình người, tính người – hai giá trị cội nguồn của đạo làm người là tấm lòng và trách nhiệm. Hai nhân tố này không tồn tại vu vơ mà phải quyện vào nhau, gắn với đời sống thực tiễn của cộng đồng, xã hội, là giá đỡ cho “nhân cách”, giá đỡ cho con người tu thân đúng, xử thế sáng khôn, dưỡng sinh tích cực.

Đào tạo, bồi dưỡng Hiệu trưởng các nhà trường có phong cách quản lý của nhạc trưởng

Từ năm 1976, ở nước ta ra đời hệ thống đào tạo và bồi dưỡng hiệu trưởng với nhận thức: Họ là các “sĩ quan” của ngành.

Ngày nay trong cuộc đổi mới, họ phấn đấu không chỉ là người lãnh đạo bao quát, quản lý cụ thể mà còn là người quản trị tỉ mỉ đối với quá trình giáo dục.

John Vũ (tác giả chuyên khảo của Giáo dục trong thời đại tri thức) có nói, Hiệu trưởng trong CMCN 4.0/Thời đại tri thức phải là “Nhạc trưởng”. Ông chia sẻ cảm nghĩ: “Dàn nhạc có một nhạc trưởng và nhiều nhạc công. Nhạc trưởng là người lãnh đạo và nhạc công là người quản lý, họ quản lý nhạc cụ riêng để chơi nhạc. Trường học có một hiệu trưởng và nhiều giáo viên. Hiệu trưởng là người lãnh đạo và giáo viên là người quản lý lớp học riêng của họ. Lãnh đạo và quản lý không như nhau nhưng lại được liên kết và bổ sung cho nhau. Việc của nhạc công là trình diễn năng lực nghệ sĩ tốt nhất của họ, giáo viên cần tổ chức lớp theo khả năng chuyên môn tốt nhất của họ. Việc của nhạc trưởng là truyền cảm hứng và động viên. Việc của hiệu trưởng cũng là truyền cảm hứng và động viên… Hiệu trưởng có nhiệm vụ phát triển, cung cấp viễn kiến cho trường học. Hiệu trưởng giống như nhạc trưởng” (Sđd, tr 251).

Trước John Vũ, Peter Drucker – nhà quản lý thực tiễn tài ba có nói đến ba phong cách quản lý trong bối cảnh hiện đại:

– Phong cách nhạc trưởng

– Phong cách chỉ huy quân đội

– Phong cách huấn luyện viên bóng đá.

Tiếp thu lời khuyên của Peter Drucker, một hiệu trưởng trường đại học có nhiều thành công đã thuật lại kinh nghiệm của bản thân:

– Điều hành giảng viên dùng phong cách nhạc trưởng.

– Điều hành sinh viên dùng phong cách chỉ huy quân đội.

– Điều hành cán bộ phòng ban dùng phong cách huấn luyện viên bóng đá.

Người Hiệu trưởng ngày nay bất kể lãnh đạo nhà trường loại hình nào cũng phải hài hòa ba năng lực:

– Năng lực công việc: Chọn việc đúng mà làm, làm khéo việc đã chọn.

– Năng lực quan hệ với con người: Đưa đối thủ thành đối tác, đưa đối tác thành đồng minh, đưa đồng minh thành đồng chí, đưa đồng chí thành tri âm.

– Năng lực tư duy phản biện.

“Vượt gộp” trong đổi mới để giáo dục thành công trong CMCN 4.0/ Thời đại tri thức

Trong tiến trình phát triển, giáo dục Việt Nam luôn đi tìm sự canh tân để nhập bước với thời đại. “Vượt gộp” được đặt ra như một yêu cầu trong mỗi lần canh tân.

“Vượt gộp” có nghĩa là tiếp thu cái mới nhưng đổi mới được nó trên cơ sở một cái cũ cũng đã được đổi mới cho thích hợp với hoàn cảnh mới. Nó có nghĩa là bảo vệ được cái cũ lẫn cái mới sao cho thích hợp với sự đổi mới cần phải tiến hành. Như vậy “vượt gộp” không phải là nhắm mắt chạy theo cái mới, vứt bỏ cái cũ, cũng không phải là khư khư giữ lấy cái cũ, từ bỏ cái mới”. (Phan Ngọc, sách “Bản sắc văn hóa Việt Nam” – NXB Văn học H.2002, tr 31).

Trong thế kỷ XX, giáo dục đất nước đã có 3 lần “vượt gộp” để lại kết quả ấn tượng

  • Đông Kinh Nghĩa Thục (1907) là sự vượt gộp “Nhà trường bút sắt” buổi sơ khai du nhập vào Việt Nam với “Nhà trường bút lông” đã có từ ngàn năm tạo nên mô hình giáo dục thực học, thực nghiệp.
  • Nhà trường Việt Nam theo chương trình Hoàng Xuân Hãn, từ năm 1945 cho đến thập niên 50 của thế kỷ XX là sự vượt gộp “Nhà trường duy lý” của phương Tây với “Nhà trường đại chúng” có từ phong trào truyền bá Quốc ngữ (1938) tạo nên nền giáo dục có triết lý phát triển: Dân tộc/ Khoa học/ Đại chúng hoặc Dân tộc/Nhân văn/Khai phóng.
  • Mô hình trường Bắc Lý (từ 1960 nối tiếp đến cải cách giáo dục lần thứ ba 1979) là sự vượt gộp nhà trường lao động của Marx với nhà trường Việt Nam thời kháng chiến tạo nên nhà trường phổ thông lao động kỹ thuật tổng hợp, đào tạo thế hệ trẻ có nhân cách đóng góp xứng đáng vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngày nay trong tiến trình thực hiện đổi mới giáo dục theo tinh thần NQ 29/TW khóa XI tại các địa phương, các nhà trường vẫn âm thầm diễn ra sự “vượt gộp” với tinh thần Tam hóa:

– Hiện đại hóa tinh hoa giáo dục của tiền nhân.

– Việt Nam hóa giá trị giáo dục tiên tiến của thời đại:

Giá trị giáo dục ASEAN

Giá trị giáo dục từ các nước phát triển

Giá trị giáo dục từ UNESCO

– Lành mạnh hóa đời sống giáo dục để:

Trường ra trường – Lớp ra lớp

Thầy ra thầy – Trò ra trò

Dạy ra dạy – Học ra học

Mười năm trước đây (năm 2007), Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người mà GS Phạm Minh Hạc tôn vinh: Nhà giáo – tướng quân rồi vị tướng làm giáo dục, trong một luận văn tâm huyết cho đổi mới giáo dục đã nêu lên sự kỳ vọng các nhà trường Việt Nam đào tạo lớp người có: “Tư duy độc lập, có phương pháp tư duy hệ thống và cái nhìn toàn thể, có năng lực sáng tạo và tinh thần đổi mới, có khả năng thích ứng với sự thay đổi thường xuyên, đa dạng, phức tạp đầy biến động bất ngờ và bất định, có năng lực hành động hiệu quả và tinh thần hợp tác trong một môi trường đa văn hóa của một thế giới toàn cầu hóa” (Nhiều tác giả, “Những vấn đề giáo dục hiện nay: quan điểm và giải pháp”, NXB Tri thức H.2007).

Giáo dục Việt Nam chỉ thành công trong CMCN 4.0/ Thời đại tri thức khi quán triệt điều di huấn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tác giả: PGS.TS Đặng Quốc Bảo và Ths Lê Thanh Huyền Nguồn tin: Theo Tạp chí Giáo dục Thủ đô