Căng thẳng cuộc đua vào đầu cấp THCS ở Hà Nội

Hà Nội đang vào cao điểm tuyển sinh lớp 6. Sức nóng của kỳ thi từ vòng sơ tuyển, xét hồ sơ cho đến bài thi đánh giá năng lực. Cho dù Hà Nội đang tiến tới mỗi một quận (huyện) đều có các trường THCS chất lượng cao nhưng phụ huynh vẫn luôn mong mỏi các cơ sở giáo dục của Thủ đô đều được nâng cao chất lượng hơn nữa. Có như vậy, mới phần nào hạ nhiệt được các kỳ thi tuyển sinh đầu cấp.

ITIT
Tháng 5 2, 2022 - 15:50
Tháng 5 2, 2024 - 15:55
 0  16
Căng thẳng cuộc đua vào đầu cấp THCS ở Hà Nội

Phụ huynh và học sinh tham khảo đề thi vào Trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh. Ảnh: HẢI NAM

Cần chọn trường phù hợp

Chị Phạm Mai Anh, nhà ở phố Trương Định (quận Hoàng Mai) có con chuẩn bị vào lớp 6 chia sẻ, biết Trường THCS Hoàng Mai được xây mới cách đây hai năm lại theo hướng chất lượng cao (CLC) nên năm học này sẽ nộp hồ sơ xét tuyển cho con. Chị cho biết, trường đã chọn lọc các giáo viên dạy giỏi trên toàn quận về, cơ sở vật chất được xây mới, khang trang nên phụ huynh nào cũng mong con được theo học. “Toàn cấp tiểu học, con tôi đều đạt học sinh xuất sắc nên tôi có nguyện vọng con được học môi trường chú trọng phát triển năng lực, các con được phát triển toàn diện, chương trình học nâng cao, thầy cô giáo có chuyên môn tốt. Đặc biệt, trường lại gần nhà, gia đình không phải vất vả đưa con đi học các trường tốt nhưng ở xa. Chọn trường Hoàng Mai là phù hợp nhất với gia đình tôi”.

Còn anh Hoàng Xuân Phú, trú tại Đông Anh (Hà Nội) lại cất công đến nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển cho con vào hệ THCS Trường chuyên Hà Nội- Amsterdam. Anh Phú cho biết: “Con tôi đạt giải nhất thành phố môn Toán lớp 5 nên tôi muốn con theo học trường CLC nơi có nhiều giáo viên giỏi”. Hay chị Vũ Thanh Hương, trú tại Cầu Giấy đã cho con dự kỳ kiểm tra đánh giá năng lực vào Trường THCS Ngoại ngữ sáng 28/5 vừa qua. “Được biết, trường chú trọng giảng dạy CLC môn ngoại ngữ, học sinh lại được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, học thêm nhiều kỹ năng nên tôi rất mong muốn con gái mình được theo học tại ngôi trường này”, chị nói.

Nguyện vọng trên là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, hằng năm, mỗi kỳ tuyển sinh vào lớp 6 lại như một cuộc đua, làm vất vả không ít phụ huynh, học sinh. Đặc biệt, năm 2023, Hà Nội tăng gần 39 nghìn học sinh ở độ tuổi vào lớp 6 so năm học trước nên dự kiến, số học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 6 các trường CLC cũng tăng lên.

Hà Nội hiện có sáu trường THCS công lập CLC là Hà Nội-Amsterdam, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Lê Lợi (Hà Đông), Chu Văn An (Long Biên). Bên cạnh đó là các trường THCS trực thuộc đại học (THCS Ngoại ngữ, THCS & THPT Nguyễn Tất Thành). Ngoài ra, hệ thống các trường THCS dân lập như Ngôi Sao, Đoàn Thị Điểm, Archimedes, Nguyễn Siêu… đều tổ chức thi tuyển gắt gao với tỷ lệ chọi cao.

Để giảm bớt áp lực này, nhiều chuyên gia giáo dục khuyên rằng, ngôi trường tốt nhất là ngôi trường “phù hợp nhất” với con và gia đình. Gia đình hãy vạch rõ ra các tiêu chí của một ngôi trường phù hợp: học phí, khoảng cách di chuyển, văn hóa học tập, truyền thống, thành tích, bạn bè của con, định hướng gia đình... Càng nhiều tiêu chí rõ ràng thì càng dễ bù trừ, cân đối và có nhiều lựa chọn. Trên hết là hãy giảm bớt kỳ vọng chủ quan của gia đình khi chọn trường cho con thì mới dễ lựa chọn được ngôi trường ưng ý.

Học sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào Trường Hà Nội-Amsterdam. Ảnh: SONG ANH

Cuộc đua chất lượng

Trường THCS Hoàng Mai mới thành lập từ năm 2021 và được quận định hướng trở thành trường CLC. Ngay từ năm học đầu tiên, về giáo dục đại trà, 100% học sinh lớp 9 của trường đã thi đỗ vào các trường THPT công lập của thành phố với điểm xét tuyển trung bình 43,09 điểm. Khẳng định ngay vị trí của mình trên một địa bàn đông dân, còn thiếu nhiều trường học, nhà giáo Chu Thị Xuân Hường - danh hiệu Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “So các trường THCS CLC khác, THCS Hoàng Mai chưa được tuyển sinh đầu vào, chất lượng học sinh chưa được đồng đều, vì vậy, đội ngũ giáo viên THCS Hoàng Mai càng phải đi nhanh hơn về chất lượng. Chúng tôi cùng quyết tâm nhanh chóng khẳng định thương hiệu, để phụ huynh, học sinh tin tưởng lựa chọn mình chứ không chờ đợi đến khi được gắn biển CLC rồi mới phấn đấu”.

Nhà giáo Ưu tú Vũ Thị Thanh Bình, giáo viên phụ trách đội tuyển học sinh giỏi Toán khối 6 trường Hoàng Mai chia sẻ niềm vui: Kết quả khảo sát cuối năm học vừa qua, 100% các em học sinh đều có chung nhận xét: “Giờ học Toán của cô vui lắm, chúng con rất thích học môn Toán!”. Cô Bình tâm sự: “Thời gian đầu mới về trường, tôi thường soạn giáo án đến 1 giờ sáng để có hệ thống bài tập từ dễ đến khó. Vì THCS Hoàng Mai chưa được tuyển học sinh đầu vào tốt nên cũng sẽ có những học sinh lực học vừa phải, bên cạnh đó sẽ có những em học sinh xuất sắc. Phải có hệ thống bài tập phù hợp trình độ để mọi học sinh đều có thể hiểu được bài, nắm được kiến thức cơ bản và không tự ti. Còn những học sinh giỏi sẽ được làm những bài khó, qua đó, các em được phát triển trí tuệ, là cơ hội để giáo viên phát hiện tài năng. Từ đó sẽ bồi dưỡng mũi nhọn”.

Hai năm còn quá ngắn, nhưng bảng thành tích về giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn tại ngôi trường THCS non trẻ này ngày một dài. Đáng chú ý, năm 2023, vòng chung kết quốc tế cuộc thi Toán học TIMO và chung kết cuộc thi Tìm kiếm tài năng toán học quốc tế đều tổ chức tại Thailand, đội tuyển học sinh giỏi Toán của trường đã đoạt hai Huy chương vàng. Cô Hiệu trưởng Chu Thị Xuân Hường chia sẻ: “Địa bàn quận Hoàng Mai còn thiếu nhiều trường công lập do dân số tăng nhanh. Hy vọng, chính quyền sẽ dành thêm quỹ đất để xây thêm nhiều trường học mới. Việc định hướng THCS Hoàng Mai trở thành trường CLC nhằm góp phần giảm bớt áp lực tuyển sinh đầu cấp trên toàn thành phố”.

Với Trường THCS Ngoại ngữ, dù mới thành lập từ năm 2019 nhưng số lượng thí sinh đăng ký tuyển sinh ngày một đông. Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 6 của trường năm 2023-2024 có hơn 2.400 thí sinh đăng ký dự thi và đã tăng chỉ tiêu tuyển sinh từ 100 lên 150 so các năm trước.

Hiệu trưởng - nhà giáo Nguyễn Huyền Trang cho biết, phát huy vị thế của một trường phổ thông trực thuộc đại học, là cơ sở thực hành sư phạm áp dụng các phương pháp giảng dạy tiên tiến, trường sẽ thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo. Ngay từ năm học 2022-2023, chương trình học đã có sự điều chỉnh, với các dự án như tăng cường năng lực khảo thí của giáo viên, dự án “bệ phóng tương lai” cho học sinh lớp 9 ôn thi vào 10, các hoạt động trải nghiệm trong và ngoài nước… Năm học 2023-2024, nhà trường sẽ tiếp tục chú trọng vào việc áp dụng các phương pháp giảng dạy mới, công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 một cách toàn diện.

Nhà giáo Lê Kim Anh, Hiệu trưởng Trường THCS CLC Cầu Giấy nhận định, hệ thống các trường CLC có nhiều ưu việt: đáp ứng nhu cầu học sinh được học hai buổi/ngày, học phí ở mức vừa phải 2,8 triệu đồng/học sinh/tháng. Bên cạnh chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường CLC đều xây dựng chương trình CLC riêng của trường mình theo hướng có nâng cao, tăng cường ở các bộ môn: Toán-Văn-Anh, các bộ môn khoa học: Lý-Hóa-Sinh-Ngoại ngữ-Văn hóa-Kỹ năng-Thể thao-STEM và trải nghiệm thực tế. Đáng chú ý, các trường CLC đều có cơ sở mới và đặc biệt đội ngũ giáo viên được tuyển chọn, có chuyên môn, tâm huyết, yêu thương học sinh… “Chính vì những ưu việt như vậy, vào mỗi kỳ tuyển sinh đầu cấp, các trường CLC của Hà Nội đều thu hút rất đông sự quan tâm của phụ huynh, học sinh. Cá nhân tôi cho rằng, mỗi quận, huyện cần ít nhất có một trường THCS CLC để đáp ứng nhu cầu học sinh được học tập ở môi trường chất lượng và toàn diện”, nhà giáo Lê Kim Anh đóng góp.

Theo một giáo viên có uy tín tại Hà Nội, tình trạng thiếu trường, lớp ở nhiều quận, huyện Hà Nội là một trong những nguyên nhân khiến cuộc đua vào đầu cấp thêm căng thẳng, khốc liệt. Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân duy nhất. Bản chất của cuộc chạy đua là phụ huynh luôn muốn đưa con vào học ở ngôi trường có chất lượng tốt. “Thực tế là hiện nay, việc xét tuyển vào cấp tiểu học, THCS ở các trường dân lập có thương hiệu, uy tín còn căng thẳng hơn nhiều so trường công lập. Điều đó càng cho thấy, phụ huynh học sinh đều hướng tới môi trường học tập toàn diện, chất lượng giảng dạy tốt và con họ được học đầy đủ kỹ năng”, vị giáo viên nhấn mạnh. Từ vấn đề này, để giảm bớt căng thẳng cho các kỳ thi “chọn trường”, ngành giáo dục cần cải thiện chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất và văn hóa trường học, cả ở khối công lập và khối dân lập để tạo ra nhiều trường tốt hơn cho phụ huynh được đa dạng lựa chọn.