CHA MẸ LÀM SAO ĐỂ HIỂU CON? – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

CHA MẸ LÀM SAO ĐỂ HIỂU CON? – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

ITIT
Tháng mười hai 23, 2019 - 23:29
Tháng tư 17, 2024 - 16:16
 0  36
CHA MẸ LÀM SAO ĐỂ HIỂU CON? – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

Hiểu được con là phải hiểu được những diễn biến tâm lý bên trong con, hiểu được các mối quan hệ, khát vọng, cảm xúc, suy nghĩ, nguyện vọng, mong muốn, sở thích, lo lắng, niềm vui, nỗi buồn…, những gì con cái nói ra, và cả những điều chúng không nói.

Để có thể làm được điều này, không cách nào khác hơn là các bậc cha mẹ phải tạo được sự gần gũi, thân mật, tin tưởng ở trẻ; để chúng có thể dễ dàng chia sẻ những tâm tư, tình cảm của chúng.

Vì vậy mà cha mẹ phải không ngừng học hỏi, tìm hiểu những kiến thức về dạy dỗ và giáo dục con cái. Không khi nào là đủ cho việc tìm hiểu và giáo dục con cái. Bởi con bạn luôn biến đổi không ngừng, và cuộc sống lại muôn hình vạn trạng. Tâm sinh lý con trẻ liên tục biến đổi, và nhiệm vụ của các bậc cha mẹ là phải thấu hiểu con để giáo dục chúng theo đường lối đúng đắn.

Mục đích nuôi dạy con?

Bố mẹ nào cũng muốn con nên người, thành đạt, nhưng lại lúng túng không biết phải làm gì ngoài việc nuôi nấng và lo cho con ăn học, học sao cho giỏi, học cho đến nơi đến chốn, vậy là ổn. Nhưng “trồng người” đâu chỉ đơn giản như vậy.

Các bậc cha mẹ cần có một cái nhìn trọn vẹn và một tầm nhìn xa. Mục đích cuối cùng của việc dạy dỗ và giáo dục con cái đó là giúp chúng đứng vững trong cuộc sống, đương đầu với những khó khăn, thích nghi tốt với mọi hoàn cảnh của cuộc sống, giúp con cái phát triển đúng với con người của chúng: về năng khiếu, tiềm năng, sở trường…

Cha mẹ không thể sống giúp, sống thay cho con mình được. Vì vậy, điều quan trọng là phải tạo cho con một nền tảng vững chắc để chúng có khả năng độc lập, tự chủ, không phụ thuộc.

Nhiều phụ huynh muốn con em mình đạt được những mục đích mà bản thân họ mong muốn chứ không phải của bản thân chúng. Vì danh dự của mình mà họ chỉ nhìn thấy những mục đích trước mắt, mục đích ngắn hạn, để rồi nhồi nhét cho con những thứ không cần thiết, chẳng cần biết con mình có thích hay không, có đúng thời điểm, hay có thật sự cần thiết cho nhân cách hay cuộc đời của chúng hay không. Nào là đàn, hát, múa, vẽ, vi tính, bóng rổ, bơi lội, ngoại ngữ…, để rồi đứa trẻ rơi vào tình trạng stress thật đáng thương. Trong khi cái cần thiết và quan trọng nhất là nhân cách trẻ thì lại không được quan tâm đúng mức.

Các bậc phụ huynh nên ý thức về mục đích giáo dục con cái, đó là giúp cho chúng phát triển thành một con người độc lập, con người trưởng thành thật sự – không chỉ về mặt sinh học mà quan trọng là mặt nhân cách. “Di sản quí nhất bố mẹ để lại cho con cái không phải là của cải, tài sản; mà là niềm tin vào bản thân, sức mạnh để đứng vững trong đời sống với tình thương vô bờ bến”.

Phương pháp nuôi dạy con nên người

Giáo dục con cái là một vấn đề hết sức quan trọng. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ phần lớn lại chưa trải qua bất cứ một trường lớp nào cả, mà chỉ lượm lặt những kinh nghiệm của người đi trước.

Có được những kinh nghiệm thì tốt, nhưng đôi khi kinh nghiệm của người đi trước không thể áp dụng đúng được nơi những con người khác nhau, trong những thời điểm và hoàn cảnh khác nhau.

Dễ thấy là trong các gia đình truyền thống – gia đình đa thế hệ, không ít mâu thuẫn giữa ông bà – cha mẹ, cha mẹ – con cái, ông bà – con cháu… Phần lớn, cha mẹ dạy dỗ, giáo dục con cái không theo một phương pháp nào cả, chỉ dựa trên kinh nghiệm và cảm tính. Dẫn đến là cha mẹ để cảm xúc dẫn dắt, không đủ sáng suốt, không đủ bình tĩnh để xử lý và giải quyết vấn đề; để rồi con cái phải gánh chịu những lời la mắng, đòn roi, hình phạt với sự ấm ức và thất vọng vì cha mẹ không chịu hiểu cho chúng.

Cha mẹ thường chỉ biết la mắng, phạt con khi chúng bị điểm thấp, cho rằng chúng lười biếng, không chịu cố gắng…, mà không thử tìm hiểu xem nguyên nhân thật sự là gì. Có thể vì đó là môn học không hợp với sở trường của chúng, có khi vì chúng không thích thầy/cô giáo dạy môn ấy, cũng có thể chúng đang mắc kẹt một vấn đề nào đó về sức khỏe…

Vì vậy, bố mẹ hãy là bạn của con, hãy tìm hiểu, tạo điều kiện gần gũi để con cái tâm sự, lắng nghe con để thấu hiểu con. Lấy con làm trọng tâm trong quá trình dạy dỗ, giáo dục. Cuộc sống ngày nay có quá nhiều cạm bẫy, quá nhiều điều tiêu cực. Bố mẹ phải là người dẫn đường sáng suốt, giúp cho trẻ lựa chọn cho mình những hướng đi đúng đắn. Đừng quá bao bọc trẻ để rồi chúng không thể đứng vững khi không có bàn tay dìu dắt của cha mẹ.

Bố mẹ nào cũng muốn những điều tốt đẹp cho con. Trước những nguy cơ xấu, bố mẹ thường cấm đoán , ngăn cản con. Lúc nhỏ, có thể trẻ chưa hiểu, nhưng khi trẻ lớn lên, bố mẹ phải giải thích nguyên nhân vì sao họ muốn chúng phải làm điều này, không được làm điều kia, để chúng hiểu rằng, tất cả là vì lợi ích của chúng. Làm như vậy, cha mẹ trao lại quyền quyết định cuộc đời của trẻ cho chúng. Chúng sẽ thấy biết ơn cha mẹ, và quan trọng là trẻ không hề cảm thấy bị bắt buộc hay bị áp lực một cách vô lý.

Một điều thật sự quan trọng đó là, cha mẹ phải làm gương cho con cái. Cha mẹ muốn con cái mình thế nào thì trước hết hãy sống như vậy. Trẻ có xu hướng không nghe những gì cha mẹ nói, nhưng nhìn vào những việc cha mẹ chúng làm. Vì vậy mà đòi hỏi cha mẹ phải thật sự gương mẫu.

Phần lớn các bậc cha mẹ thường nặng tư tưởng: con thì phải nghe theo lời cha mẹ. Cha mẹ chỉ quen đưa ra mệnh lệnh mà không biết rằng, khi bắt ép con làm điều gì đó trong khi bản thân mình không làm gương thì lời nói của cha mẹ không thuyết phục, không mang lại hiệu quả và sức ảnh hưởng.

Một điều khó khăn nữa cho cha mẹ, đó là lòng kiên nhẫn. Giáo dục con cái rất cần một sự kiên nhẫn và lòng vị tha. Nóng vội, mất bình tĩnh sẽ không thể dạy con cái mà còn đem lại những hậu quả khó sửa lại được. Một khi tâm hồn trẻ bị tổn thương thì vết sẹo nơi đó chẳng mất đi được.

Vì vậy, rất cần ở cha mẹ một tình thương bao la, vô bờ bến để mãi kiên trì bên con, uốn nắn và hướng dẫn từng bước đi. Phải có niềm tin vào một tương lai tốt đẹp của đứa con yêu của mình, để trên chặng đường cùng con bước đi, những lúc khó khăn cha mẹ không nản chí và buông xuôi. Đừng để quan niệm “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính” làm nhụt chí khi đối diện với những thách thức trong nuôi dạy con.

Con trẻ cần gì ở cha mẹ?

Câu trả lời có vẻ mông lung nhưng cũng không đến nỗi bí ẩn lắm đâu: cha mẹ cần gì cho mình – cho bản thân cha mẹ – thì trẻ cũng cần cho bản thân y như vậy! Thế những điều cơ bản nhất mà một người luôn muốn có được để cảm thấy yêu mến gắn bó với nơi mình đang sống là gì?

– Tôn trọng: chắc chắn rồi! Không ai muốn bị coi thường, con cũng vậy. Khổ nỗi cha mẹ hay phiên dịch ý tưởng này thành ra tôn thờ mới ‘ác’ chớ: muốn xe phân khối lớn, có ngay. Muốn tiền tiêu vặt, khỏi phải xin, 500 ngàn 1 ngày. Muốn MP3, điện thoại đời mới, laptop xịn, vô tư. Xin thưa: đó là ‘thờ”, không phải ‘trọng’! ‘Trọng’ là khi con thực sự cảm nhận được sự rằng ‘mình quan trọng, không có mình trong gia đình là không được’. Đằng này, cung phụng như thế đó nhưng ‘đang lo cho nó đi nước ngoài học, hy vọng nó sẽ biết thương cha mẹ hơn’, nghĩa là dạy không được nên ‘đẩy’ đi chỗ khác, hy vọng ở những nơi khác sẽ có cách giáo dục hiệu quả hơn để uốn nắn con mình!

– Công bằng: Đương nhiên! Điều này thì toàn xã hội mong muốn chứ chẳng riêng cá nhân nào.

– Yêu thương: chứ sao nữa! Đây là nhu cầu cao nhất về tinh thần của con người mà. Nhưng xin đính chính rõ đó phải là một tình yêu vô điều kiện mới được. Chớ thương mà đặt ra điều kiện “con phải thế này, thế kia, thế nọ thì ba mẹ mới thương” hoặc “con mà như thế thì mẹ không thương con nữa” thì ớn lắm, ai mà thèm. Con trẻ không thích và cũng không cần loại yêu thương đó, vì nó mang tính ‘tiền trao cháo múc’, sòng phẳng quá!

– Vui vẻ: Còn phải nói! Sống trong một không gian thiếu vui vẻ thì. . . ngán ngược tới đỉnh đầu luôn! Và sự ngán ngẩm đó sẽ như một động cơ phản lực thúc đẩy con mau mau đi tìm chỗ khác vui hơn.