CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MỚI: SẼ KHÔNG GIÁO DỤC MỘT CÁCH CÀO BẰNG - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội
CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MỚI: SẼ KHÔNG GIÁO DỤC MỘT CÁCH CÀO BẰNG - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPT) mới nhấn mạnh, chương trình mới sẽ không thực hiện lối giáo dục cào bằng mà thực hiện cách giáo dục có sự quan tâm tới từng đối tượng nhằm tránh thui chột tiềm năng của học sinh.
Tại tọa đàm “Chương trình giáo dục phổ thông mới, có gì mới?” diễn ra ngày 15/9, GS. Nguyễn Minh Thuyết cho hay, với trọng tâm hình thành, bồi dưỡng phẩm chất và năng lực dạy học, chương trình GDPT mới sẽ không thực hiện “giáo dục cào bằng”.
Lý giải về nguyên tắc này, GS. Thuyết nói: “Chúng ta biết rằng năng lực là sự kết hợp từ những tố chất sẵn có và quá trình rèn luyện, học tập. Mỗi người có tố chất khác nhau. Nếu việc học tập trung được vào sự riêng biệt đó sẽ giúp phát triển những tố chất sẵn có, họ sẽ trở thành người có năng lực. Nhưng nếu chúng ta áp dụng nền giáo dục dùng chung cho tất cả mọi người thì có khi chúng ta sẽ làm thui chột tiềm năng của nhiều học sinh”.
Ông lấy ví dụ về GS Ngô Bảo Châu và nhà thơ Trần Đăng Khoa. “Chúng ta không thể bắt Trần Đăng Khoa làm toán từ bé để giống như GS Ngô Bảo Châu. Ngược lại, chúng ta bắt GS Ngô Bảo Châu làm thơ để nổi tiếng từ bé như Trần Đăng Khoa thì sẽ làm thui chột tài năng toán học của Ngô Bảo Châu và chắc sẽ không có một GS Ngô Bảo Châu như hiện tại”.
GS. Thuyết cho biết thêm, mặc dù ban soạn thảo chưa có cơ sở pháp lý để đưa ra chương trình giáo dục tại địa phương, chương trình nhà trường nhưng đã có nội dung giáo dục cụ thể. Các nội dung này, ở tiểu học được tích hợp với các kiến thức truyền đạt của giáo viên chủ nhiệm, từ lớp 6 trở lên thì có 35 tiết/năm, khoảng 245 tiết/7 năm.
Nội dung giáo dục sẽ được UBND các địa phương tự quyết định, chỉ đạo các Sở thực hiện. Ví dụ, T.P Hồ Chí Minh có chương trình dạy về đô thị thông minh, hoặc ở Hà Nội thì giáo dục về luật an toàn giao thông, văn hóa Tràng An; vùng Tây Nguyên ngoài văn hóa cồng chiêng có thể dạy thêm học sinh kỹ về cây công nghiệp… Theo đó, các nội dung cụ thể theo đặc thù này sẽ đóng góp một phần quan trọng để các địa phương đánh giá quá trình, đào tạo được công dân cho đất nước.
Mặc khác, sự không cào bằng trong chương trình GDPT mới còn thể hiện ở việc chú trọng đặc thù của miền núi – đồng bằng, nông thôn – thành thị. GS. Thuyết nhấn mạnh, chương trình mới muốn khắc phục “khoảng cách số” giữa các vùng miền. Theo ông, hiện nay với sự phát triển của công nghệ thông tin và internet, thế giới đã phẳng. Tuy nhiên, nhận thức về thông tin của người vùng núi vẫn khác xa đô thị. Do vậy, chương trình GDPT mới thiết kế chương trình Tin học bắt buộc từ lớp 3 (thay vì là môn tự chọn như hiện tại). Ông nhấn mạnh, đây là con đường ngắn nhất, rẻ nhất để vùng cao rút ngắn khoảng cách với đô thị.
GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh, chương trình mới tập trung phát triển 5 phẩm chất của học sinh gồm “Yêu nước – Nhân ái – Chăm chỉ – Trung thực – Trách nhiệm”, và năng lực cốt lõi cho học sinh là: năng lực chung (bao gồm: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo) và năng lực đặc biệt thông qua nhiều phương pháp giáo dục khác nhau như dạy học phân hóa, dạy học tích hợp, dạy học thông qua hoạt đông.
Trong đó, dạy học phân hóa giúp phát triển khả năng của từng học sinh, dạy học tích hợp giúp các em có tư duy tổng thể và dạy học thông qua hoạt động giúp các em được thực hành, thông qua hoạt động mà rèn luyện, phát triển năng lực cá nhân. Mục tiêu cuối cùng là giúp các học sinh sau khi học, tốt nghiệp thì có thể làm việc được, thay vì chỉ học để biết như trước đây.
“Thực hiện chương trình: Khó nhất là lòng dân!”
Đề cập tới các khó khăn khi thực hiện chương trình GDPT mới, GS. Nguyễn Minh Thuyết nhận định: “Khó nhất là lòng dân! Nếu có sự đồng thuận xã hội chắc chắn chúng ta sẽ thực hiện thành công, còn ngược lại rất khó có thể thực hiện được”.
Cái khó thứ hai là về giáo viên. Thụ động không phải là bản chất của giáo viên mà do cách quản lý làm giáo viên “co lại, thụ động”.
Do vậy, chương trình GDPT mới, phải chú trọng giao quyền tự chủ cho giáo viên đứng lớp. Quan trọng nhất là chương trình, giáo viên phải dạy đúng chương trình, sách giáo khoa phải viết đúng chương trình. Còn giáo viên dạy bài này, bài kia là quyền của họ. Giáo viên dạy phương pháp nào cũng được, miễn đến khi đánh giá, học sinh đạt được yêu cầu là quan trọng nhất.
Bộ GD&ĐT cũng sẽ tổ chức tập huấn chương trình cho giáo viên cả 3 cấp, đảm bảo giáo viên không chỉ biết về sách giáo khoa mà còn về chương trình mới thông qua hai hình thức trực tiếp và trực tuyến, giúp giáo viên tiếp cận được tài liệu gốc. Bên cạnh đó, Bộ giao cho 8 trường đào tạo trọng điểm chuẩn bị chương trình đào tạo đội ngũ giáo viên chỉ chờ chương trình được ban hành sẽ tiến hành triển khai thực hiện.
Về cơ sở vật chất để đáp ứng cho chương trình mới, GS. Thuyết cho biết: “Trong 2 năm gần đây, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các địa phương rà soát về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất và báo cáo với Bộ để có kế hoạch về đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thường các địa phương báo cáo lên độ chính xác cũng không cao. Vì vậy, Bộ cũng giao một số cơ quan chức năng xem xét lại các dữ liệu trên”.
Tổng chủ biên chương trình GDPT mới cho biết, lộ trình triển khai chương trình mới sẽ được áp dụng từng cấp, tạo điều kiện để các địa phương có đủ thời gian đổi mới về cơ sở vật chất.
Lệ Thu