CON ĐƯỜNG THIÊN LÝ TÔI ĐI – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

CON ĐƯỜNG THIÊN LÝ TÔI ĐI – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

ITIT
Tháng tư 11, 2017 - 10:07
Tháng tư 14, 2024 - 19:06
 0  28
CON ĐƯỜNG THIÊN LÝ TÔI ĐI – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

Bài viết của GS.TS Hà Huy Bằng nhân kỉ niệm 10 năm thành lập THPT Đào Duy Từ – Thái Nguyên

Gần nửa đêm, tiếng nhạc của hàng xóm dìu dặt gần xa vọng lại giọng ca ngọt ngào của Quang Lê với giai điệu bài hát “Nhớ người yêu”:

“Thức trọn đêm này để nhớ thương em .

Anh nghe tình yêu nhắc nhở êm đềm…”

Một mình tôi trong căn gác nhỏ tầng hai, đang ngồi viết lại mối thâm tình của mình với Đào Duy Từ Thái Nguyên.

Thực ra, tôi đã định chợp mắt một lúc rồi dậy viết những dòng này.

Đã nằm, nhắm mắt. Sao không ngủ được?

Ngồi dậy. Bao kỉ niệm lại ùa về, lúc nhẹ nhàng êm đềm, khi trào dâng mãnh liệt…

Nhớ những ngày chạy như cờ lông công lo thủ tục ra đời của ngôi trường này. Lần đầu lên Sở Giáo dục Thái Nguyên nộp hồ sơ thành lập trường. Phấp phỏng xen lẫn háo hức. Ngồi chờ gặp thầy Vỵ – Giám đốc Sở, ngắm hàng cây phượng đỏ ối một góc sân, thấy mấy học sinh lên liên hệ gì đó cứ tưởng tượng họ sắp xin học ở trường mình. Buồn cười không? Trường vẫn chưa ra đời mà!

Thế rồi trường cũng có quyết định thành lập, chạy đôn chạy đáo tìm giáo viên. May quá! Các giáo viên trường Chuyên Thái Nguyên rất nhiệt tình sang giúp, các giáo viên Hà Nội bắt ô tô từ 4h30’ sáng cho kịp tiết dạy đầu. Đội ngũ cơ hữu cũng hình thành, dần thành bộ khung.

Lễ khai giảng đầu tiên thành công đến bất ngờ như qua lời phát biểu của thầy Vỵ: “Đã hơn 30 năm dự khai giảng nhưng chưa bao giờ tôi được dự một lễ khai giảng nào hoành tráng đến vậy”. Góp phần làm nên lễ khai giảng huyền thoại là các bước nhảy thuần thục đến điêu luyện, các điệu múa uyển chuyển đến lạ thường. Không biết các bạn có suy nghĩ giống tôi không? Mỗi khi xem lại các tiết mục văn nghệ của học sinh trường ta, tôi thấy xốn xang lắm, nhiều lúc thấy gai lạnh nơi sống lưng. Tự hào thật sự!

Trường Đào Duy Từ chúng ta sinh ra trên hai chốn địa linh: thủ đô Hà Nội ngàn năm anh hùng và thủ đô của cuộc kháng chiến 9 năm thần kỳ, với truyền thống văn hóa lẫy lừng. Kể từ lúc manh nha thành hình, rồi chập chững những bước đi đầu tiên cho đến nay, thầy và trò trường ta đã luôn phải phấn đấu đến mức quyết liệt để tìm ra chỗ đứng và truyền thống cho chính mình. Niềm tự hào riêng mà chúng ta có được hôm nay đã xuất phát từ khát vọng cháy bỏng chiếm lĩnh những đỉnh cao tri thức của “làng” giáo dục phổ thông Việt Nam. Tiếp theo phải kể đến những định hướng và cách làm khác biệt, để rồi, có những thành công phi thường. Có thể nói “quả bom tấn” của giáo dục Việt Nam đã phát nổ với sự kiện Trần Anh Vũ – học sinh Đào Duy Từ Hà Nội đứng trên bục nhận Huy chương Đồng Olympic Vật lý quốc tế lần thứ 39 năm 2008. Cho đến nay, chưa có một trường không chuyên nào đạt được thành tích kỳ vĩ đến vậy. Phải chăng đây là tín hiệu may mắn và là tiền đề cho một loạt các huy chương, giải thưởng quốc tế sau này của học sinh chúng ta. Tự hào quá đi mất khi mà chỉ riêng năm 2016, học sinh của Đào Duy Từ Thái Nguyên và Hà Nội đã mang về 4 huy chương vàng, 3 huy chương bạc, 1 huy chương đồng trong các cuộc thi sáng chế và phát minh quốc tế ở Rumani và Đài Loan. Đó là chưa kể đến giải thưởng danh dự cho kỳ thi ở Thái Lan năm 2016.

Cảm giác bồi hồi đến lạ chợt đến khi nghĩ về con đường mà tôi sẽ lại đi ngày mai, con đường thiên lý Hà Nội – Thái Nguyên. Có cây đào nào đẹp hơn cây đào nở sớm cuối đông bên đường tôi đã qua trên con đường thiên lý? Có tiếng ve nào thiết tha và dìu dặt hơn tiếng ve của rừng phách Việt Bắc tôi đã nghe qua khung cửa vào một sớm mai mùa hạ? Con đường đã thành chứng nhân cho bao ký ức không phai nhòa trong tôi. Nhớ hôm ô tô phải dừng lại vì cơn mưa chợt đến trắng tung đất trời. Lại nhớ lần nước ngập tận cửa xe khi ô tô qua phố Phạm Văn Đồng, Hà Nội trong trận lụt lịch sử 2008. Những náo nức, mong chờ son trẻ tưởng chừng như đã vùi sâu trong tiềm thức lại có dịp sống dậy trên đường tôi đi tới các học sinh trở về từ các cuộc thi sáng chế và phát minh ở Thái Lan, Đài Loan, Mỹ…Có thể nói bao vị mặn, ngọt, bùi, chua, cay, đắng, chát tôi đã từng nếm trải trên những cung đường. Theo nghĩa đen thì là vì các thầy (đặc biệt là các cô) đi cùng xe hay mang theo ô mai, kẹo, bánh, khế, lạc vừng…thưởng thức cho quên bớt nỗi nhọc đường xa. Hiểu theo nghĩa bóng cũng đúng nốt. Trên con đường này, con tim tôi đã đập mạnh khi đón tin vui về giải Nhất trong kì thi học sinh giỏi môn Địa lý tỉnh Thái Nguyên của em Ngân lớp 11 khóa 3, hay tin rất vui về giải Nhì (không có giải Nhất) của lĩnh vực Vật lý và Thiên văn của em Kiên (khóa 7) và em Hải (khóa 9) trong Cuộc thi “Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia”. Vui có nhưng buồn cũng có. Nhớ những lần lòng mình chuếnh choáng khi nghe học sinh của trường phải dừng bước ở vòng thi cuối cùng của kì thi quốc gia. Cũng có khi là những điều thoạt tiên là buồn nhưng lại thành vui. Vào một buổi trưa hè nóng như trút lửa, khi gần đến Thái Nguyên tôi hoảng hồn khi nhận được một tin nhắn rất lạ từ em T. khóa 1: “Em buồn quá muốn chết. Chào thầy, em đi đây. Em yêu thầy!” Tôi gọi lại thì chỉ nghe tiếng tút tút vang dài. Vừa xuống xe, tôi đã vội cung cấp tin nhắn để mọi người biết và xử lý cùng. Những nét đăm chiêu hằn lên khuôn mặt của nhiều người. Riêng bác trưởng ban phụ huynh (bố em L.) thì lại cười và nói: “Không sao đâu thầy ạ, vẫn còn nói yêu thầy thì sẽ không sao đâu!”. Cuối cùng không sao thật! Em T. ngỡ trượt tốt nghiệp vì không làm được bài, sợ bố (vốn dữ đòn) nên đi trốn, hai hôm sau thì nhận được kết quả là…đỗ.

Lại có lúc (cách đây vài tháng thôi) vừa qua địa phận Hà Nội, tôi nghe điện thoại từ cô Hoa báo hai hoc sinh Hà Nội là em Trang, em Hải trình bày rất tốt đề tài khoa học của mình, chắc là sẽ đạt giải nhất nhì cuộc thi. Tốt đến nỗi, bạn học sinh trường chuyên trình bày sau đó mất bình tĩnh vì như lời em đó: “Các bạn Đào Duy Từ nói hoàn hảo quá”. Nhì lĩnh vực Hệ thống nhúng. Vui quá phải không? Hạnh phúc thật! Xe vào thành phố Thái Nguyên rồi này! Nối máy với cô Hòa để nghe tiếp thông tin vui. Tôi giật mình khi biết một thông tin rất buồn: Khuyến khích toàn cuộc, lọt vào 25 đề tài cuối cùng nhưng không được chọn trong 18 đề tài đi thi quốc gia (nghĩa là nằm trong 7 đề tài xấu số!). Dù sau đó, đề tài của ta vẫn được chọn bổ sung và được giải ba trong kỳ thi cấp quốc gia nhưng tôi vẫn còn nhớ như in thời gian khó khăn liên quan. Còn nữa, trên con đường Hà Nội – Thái Nguyên, tôi có những trải nghiệm khó quên trong lần đi cùng hoa hậu Ngọc Hân và ca sĩ Ngô Kiến Huy lên Thái Nguyên dự Hội thi Học sinh Thanh lịch 2011. Nhớ nhất là khi xuống xe, các học sinh ùa đến xin chữ kí của những con người nổi tiếng. Tâm trạng thật vui khi nghĩ mình đã mang thêm niềm vui đến cho các em.

Lại nhớ ngày Bế giảng năm học 2013 – 2014, đi cùng tỷ phú thứ 28 thế giới người Mỹ – ngài Joshua Keethman. Trên xe, tôi và ngài tỉ phú đều nói nhiều, trao đổi nhiều. Tôi đã rất chăm chú nghe câu chuyện về quãng đời học sinh của ngài. Nhớ nhất là chi tiết khi thấy cậu học sinh Keethman học sút (dù chỉ là từ mức A++ sang A), nhưng thầy trợ giảng vẫn xin phép cha cậu để được đi cùng trong 1 ngày dã ngoại, tâm sự và tìm hiểu nguyên nhân. Từ chuyện học của ngài tỷ phú, tôi đã di đến quyết định dứt khoát rằng từ này phải quan tâm đến tất cả các học sinh, dù là học yếu nhất.

Thế đấy các bạn! Tôi yêu con đường thiên lý Hà Nội – Thái Nguyên vì những điều trên. Chưa hết đâu, đã bao lần vì mệt và thiếu ngủ, tôi thiếp đi khi ô tô lăn bánh trên con đường. Có lúc tôi đã mơ. Trong mơ, con đường như đẹp hơn, như rộng hơn, dài hơn và xa mãi…Các hình ảnh quá khứ lại hiện về trong lung linh, hư ảo. Lúc thì là hình ảnh ngôi trường to, đẹp, đầy những hàng cây, lúc lại là hình ảnh các em học sinh khóa 3 với những giọt nước mắt lăn dài trên má trong buổi chia tay không quên ở Nhà hàng Asean…

Và con đường của tôi ơi, nhiều lần tôi đã nhói đau nơi con tim khi nghĩ về một thời khắc rất sớm của thứ sáu ngày 1/11/2013, tôi đã không thể đi trên con đường này như đã định, bố tôi đã…

Tôi nhớ một lần nào đó cách đây khoảng 6 năm, thầy Thịnh cùng tôi đi Thái Nguyên, trên ô tô vang lên bài hát: “Nếu chỉ còn một ngày để sống” của tác giả Nguyễn Hồng Ân. Bài hát thật hay và nhiều xúc cảm. Nhưng tôi chợt nảy ra ý nghĩ rằng: “Sao không xét vấn đề rộng hơn: nếu còn một cuộc đời nữa để sống”. Có lẽ câu trả lời cũng rất khác nhau tùy theo suy nghĩ của mỗi người. Riêng tôi, câu trả lời sẽ là: “Tôi vẫn muốn sống cuộc đời đã và đang trải qua, vẫn muốn có những người thân của cuộc đời này bên cạnh và muốn thấy lại con đường thiên lý tôi đã đi suốt 10 năm ”. Tôi yêu Đào Duy Từ Thái Nguyên và mảnh đất, con người nơi đây – nơi đã cho tôi những cảm xúc khác lạ như lời bài hát Shang hai tan (Bến Thượng Hải): “Dù hạnh phúc, dù đau buồn, dù bao oan trái vẫn muôn đời có nhau…”.

Thức trọn đêm nay để sống lại với những kỉ niệm cùng đất và người Thái Nguyên qua ngôi trường Đào Duy Từ. Con người, sự vật, kí ức vụn lại ùa về, như rõ ràng, như mênh mang, hư ảo…Duyên tiền định đã đưa tôi đến với Đào Duy Từ Thái Nguyên và có thể rằng một lúc nào đó tôi sẽ phải rời xa nó, ủy thác lại cho những con người nơi đây tiếp tục công việc của mình…Dù như thế, ở một nơi có thể là xa lắm, cuối con đường vạn lý tôi sẽ đặt tay lên ngực mình mà nói: “Không có ai, không có gì trong quá khứ còn lại bên tôi nhưng tôi vẫn luôn có Đào Duy Từ Thái Nguyên ở trong trái tim này”.

Các thầy cô và các em học sinh các khóa Đào Duy Từ Thái Nguyên ơi! Những con người từng gắn bó với Đào Duy Từ Thái Nguyên ơi! Một ngày lịch sử với Đào Duy Từ Thái Nguyên đang tới rất gần!…

Trời hửng sáng, tôi chợp mắt một lúc đây. Ô tô lại sắp đưa tôi lên Thái Nguyên rồi!

5h5’, ngày 14 tháng 3 năm 2017