Dạy học phát triển năng lực: VIẾT MỤC TIÊU BÀI HỌC THEO NGUYÊN TẮC SMART – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

Dạy học phát triển năng lực: VIẾT MỤC TIÊU BÀI HỌC THEO NGUYÊN TẮC SMART – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

ITIT
Tháng sáu 29, 2020 - 23:32
Tháng tư 15, 2024 - 10:53
 0  323
Dạy học phát triển năng lực: VIẾT MỤC TIÊU BÀI HỌC THEO NGUYÊN TẮC SMART – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

Trong dạy học phát triển năng lực, các mục tiêu học tập/ mục tiêu bài học cần được xác định rõ ràng, có thể đo lường, lượng hóa được để trao quyền chủ động học tập cho người học. Chính vì vậy, các mục tiêu bài học cần có sự thay đổi theo hướng lấy người học làm trung tâm. Để làm được điều đó, các mục tiêu bài học/ mục tiêu học tập cần phải đảm bảo nguyên tắc SMART.

Việc viết mục tiêu bài học theo nguyên tắc SMART không chỉ giúp quá trình học tập được minh bạch mà còn giúp giáo viên thúc đẩy sự suy ngẫm về hiệu quả của các phương pháp giảng dạy cũng như tính phù hợp của chương trình:

S – Specific (chi tiết và cụ thể)–Khi viết mục tiêu bài học, cần sử dụng ngôn ngữ rõ ràng và trực tiếp. Điều này làm cho việc giao tiếp với người học trở nên dễ dàng hơn và cho học sinh biết chính xác những học sinh cần phải làm. Nó cũng cho học sinh biết chính xác kết quả đầu ra sau khi học xong bài học. Để viết được các mục tiêu chi tiết và cụ thể, giáo viên có thể tham khảo các động từ mô tả các cấp độ nhận thức theo thang phân loại của Bloom.

MMeasurable (Đo được) – Khi viết các mục tiêu học tập, phải xác định xem người học có thể đáp ứng, thực hiện được các mục tiêu đó không. Điều này chỉ có thể làm được nếu mục tiêu có thể đo lường được. Tiêu chí đo lường được, có thể thể hiện qua số lượng, tần suất, độ dài, số câu,… Ví dụ, kết thúc tiết học, học sinh có thể trình bày được 3 chi tiết, học sinh có thể viết được đoạn văn dài 15 câu, có thể đưa ra ít nhất là 3 giải pháp,…

A – Attainable (có thể đạt được) Điều này muốn nhấn mạnh vào tính phù hợp/ tính phân hóa khi viết mục tiêu học tập. Rõ ràng trong lớp có bao nhiêu học sinh thì có bấy nhiên năng lực và trình độ, vì vậy thay vì viết mục tiêu bài học cho 100% học sinh, giáo viên có thể viết các mục tiêu học tập phù hợp, đảm bảo học sinh có thể đạt được. Ví dụ: 100% học sinh có thể viết đoạn văn trong 15 dòng, 30% học sinh có thể viết được đoạn văn 25 dòng trong đó có câu mở đầu và kết thúc,…

R – Result Oriented (hướng đến sản phẩm/ kết quả) Các kết quả đầu ra trong mục tiêu bài học cần được thể hiện dưới dạng một sản phẩm cụ thể thay vì những cách diễn đạt chung chung như “nắm được” “hiểu được” “Có thái độ tích cực” “Có tình yêu thương”… Dạng sản phẩm cụ thể có thể là bài thuyết trình, poster, đoạn văn, bài tranh biện, bài giải toán, thí nghiệm,… Ví dụ: Học sinh thể hiện được trách nhiệm bảo vệ môi trường thông qua bài luận hoặc một poster.

T – Time-bound (giới hạn thời gian) – Mục tiêu bài học cần chỉ rõ thời gian để học sinh hoàn thành nhiệm vụ hoặc đạt được các yêu cầu. Đó có thể là kết thúc tiết học hoặc kết thúc hoạt động đọc văn bản hay kết thúc việc thực hành thí nghiệm. Việc đặt giới hạn thời gian trong mục tiêu học tập giúp học sinh và giáo viên có trách nhiệm hơn trong quá trình học tâp đồng thời là công cụ để phân hóa học sinh.

Việc viết các mục tiêu bài học theo nguyên tắc SMART là điều đặc biệt cần thiết khi chuyển sang mô hình dạy học phát triển năng lực. Tuy nhiên, hiện nay việc đặt mục tiêu theo nguyên tắc này vẫn còn khá nhiều hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu đến từ áp lực của chương trình nặng về kiến thức (khiến cho học sinh không thể tự làm chủ được quá trình học tập) sự phân định quá rạch ròi giữa mục tiêu kiến thức, kĩ năng và thái độ. Chỉ khi nào giáo viên đảm bảo các mục tiêu bài học được viết theo nguyên tắc SMART và học sinh thực sự làm chủ được các mục tiêu của bài học thì khi đó, việc dạy học mới có thể chuyển đổi được từ mô hình dạy học truyền thống sang dạy học phát triển năng lực.

Táo Giáo Dục