Góc chuyên gia: HÃY HỌC TIẾNG ANH NHƯ DANH HOẠ LEONARDO DA VINCI HỌC VẼ TRỨNG - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội
Góc chuyên gia: HÃY HỌC TIẾNG ANH NHƯ DANH HOẠ LEONARDO DA VINCI HỌC VẼ TRỨNG - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội
Chắc hẳn chúng ta đều đã nghe danh người họa sỹ thiên tài Leonardo da Vinci, nhưng không phải ai cũng biết đến câu chuyện ông học vẽ trứng. Câu chuyện đó có liên quan như thế nào đến việc học tiếng Anh? Điều đó sẽ được giải đáp qua sự chia sẻ của cô giáo Đỗ Thúy Hằng – chuyên gia luyện thi, thuộc top 1% thế giới về điểm TOEFL iBT.
Giai thoại kể rằng, năm 14 tuổi, cậu bé Leonardo da Vinci được cha mình đưa tới học thầy Andrea del Verrocchio, một họa sỹ và nhà điêu khắc nổi tiếng ở Florence lúc bấy giờ. Bài học đầu tiên là bài học vẽ trứng. Ban đầu, cậu rất hứng thú với việc này, nhưng sau một thời gian cứ phải vẽ đi vẽ lại một quả trứng, cậu bắt đầu thấy nản và đến than phiền với thầy. Thầy Verrocchio đã trả lởi rằng: “Vẽ trứng không phải là việc đơn giản. Ngay cả với cùng một quả trứng, nếu con thay đổi góc nhìn, ánh sáng cũng sẽ thay đổi theo, và con sẽ thấy hình thù khác của quả trứng đó”.
Leonardo hiểu ra và tiếp tục kiên trì vẽ trứng ngày này qua ngày khác. Mỗi lần vẽ cậu lại nhìn quả trứng dưới một góc độ khác nhau, nhờ vậy mà kỹ năng vẽ của cậu ngày càng điêu luyện, đồng thời khả năng quan sát, cảm nhận cũng trở nên vô cùng tinh tế.
Sức mạnh của việc lặp đi lặp lại
Việc lặp đi lặp lại một hoạt động cho đến khi thành thục chính là bí quyết vàng, là yếu tố quan trọng giúp người học làm chủ tri thức, hoàn thiện kỹ năng. Điều này đặc biệt đúng với việc học và luyện tập kỹ năng tiếng Anh. Khi học từ mới hoặc cấu trúc ngữ pháp mới, việc nghe đi nghe lại cách phát âm chuẩn của từ, hay xem đi xem lại các chủ điểm ngữ pháp đều giúp ích cho việc tiếp nhận và ghi nhớ thông tin một cách chuẩn xác và lâu dài.
Điều này có thể được giải thích một cách khoa học khi xét đến khái niệm trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn. Khi ta bắt đầu học một từ mới, thông tin về từ được lưu trữ ở vùng trí nhớ ngắn hạn. Trí nhớ ngắn hạn có khả năng lưu trữ lượng thông tin nhỏ, có hạn trong một khoảng thời gian ngắn. Trong khi đó, trí nhớ dài hạn có khả năng lưu trữ lượng thông tin lớn hơn rất nhiều lần trong khoảng thời gian không giới hạn.
Bởi vậy, để những thông tin mới tiếp nhận không biến mất theo thời gian, ta phải chuyển thông tin đó từ trí nhớ ngắn hạn sang trí nhớ dài hạn. Và cách tốt nhất để làm được điều này chính là lặp đi lặp lại thông tin đó nhiều lần.
Bản thân tôi rất chú trọng và thực hiện việc ôn tập những kiến thức đã học một cách vô cùng nghiêm túc. Có những bài nghe tôi đã nghe cả chục lần cho đến khi hiểu rõ từng từ một, có những từ mới được tôi xem đi xem lại đến mức có khi còn thuộc cả số trang. Vì thế mà cuốn từ điển Oxford yêu quý của tôi không chỉ quăn queo, cũ nát mà còn long cả gáy. Nhưng bù lại, tôi nhớ từ vựng như in trong đầu và dùng rất thành thạo, có thể “bật ra” từ vựng phù hợp với bất cứ ngữ cảnh nào. Cho dù bạn đã đạt đến trình độ rất cao thì việc học là không bao giờ có điểm dừng, và sự ôn tập những kiến thức đã học cũng vậy.
Trong quá trình dạy học, tôi thường nghe học sinh của mình hỏi những câu như mỗi ngày em nên học bao nhiêu từ, hay em học hết danh sách từ vựng 4000 từ thì có thể đạt điểm cao trong kỳ thi TOEFL iBT hay không… Tôi luôn nhấn mạnh với các em rằng: việc học cần chất hơn cần lượng. Các em học bao nhiêu từ mỗi ngày không quan trọng bằng có bao nhiêu từ đọng lại trong tâm trí các em; và danh sách từ vựng 400 hay 4000 từ không phải là yếu tố quyết định mà vấn đề là các em hiểu từ đến mức độ nào, ghi nhớ ra sao và vận dụng như thế nào vào bài thi TOEFL iBT cũng như trong công việc và cuộc sống.
Bởi vậy, tôi đánh giá cao việc học sinh của mình lặp đi lặp lại mỗi từ trong vòng tối thiểu 21 ngày hơn là việc các em học tối thiểu 21 từ mỗi ngày. Con số 21 này xuất phát từ số ngày tối thiểu để chúng ta hình thành thói quen mới theo nhận định của Maxwell Maltz, một bác sỹ phẫu thuật thẩm mỹ có tiếng, đồng thời là tác giả của cuốn sách bán chạy mang tên Psycho-Cybernetics. Đây là con số tối thiểu và mang tính tương đối, vì trong thực tế, cần bao nhiêu ngày để một thói quen được hình thành còn tùy từng trường hợp cụ thể.
Chúng ta đều biết rằng, cách tốt nhất để đánh giá hiệu quả của một phương pháp là nhìn vào kết quả mà nó mang lại. Đối với tôi, những thành tích rất đáng tự hào trong kỳ thi năng lực tiếng Anh chuẩn hóa quốc tế TOEFL iBT của các em học sinh là minh chứng rõ ràng nhất cho tính hiệu quả và sự cần thiết của việc ôn tập kiến thức đã học song song với việc tiếp thu bài học mới.
Làm chủ tri thức, kiến tạo tương lai
“Knowledge is power” (Francis Bacon) – Tri thức là sức mạnh. Điều này luôn đúng, và trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, vấn đề không phải là làm sao để tiếp cận được kiến thức mà là cách ta tiếp nhận, ghi nhớ và vận dụng chúng như thế nào. Bằng phương pháp học tập, ôn luyện đúng đắn, ta có thể biến kiến thức được nhân loại đúc kết trong sách vở thành tri thức của bản thân, từ đó phát huy tối đa những tiềm năng sẵn có và đạt được những thành công rực rỡ trong sự nghiệp của mình.
Trở lại với đại danh họa lẫy lừng người Ý Leonardo da Vinci, chúng ta đều biết bức họa nổi tiếng nhất, thu hút nhiều sự chú ý của ông chính là bức “Nàng Mona Lisa”. Nụ cười bí ẩn của nàng đã quyến rũ cả thế giới, khiến mỗi năm có 8 triệu người đến bảo tàng Louvre để được tận mắt chiêm ngưỡng và không ngừng bàn luận về nụ cười mỉm hư ảo của nàng.
Để làm được điều đó, các nhà nghiên cứu cho rằng Leonardo da Vinci đã sử dụng thủ thuật Sfumato. Đây là một thủ thuật pha trộn màu sắc rất tinh vi, cho phép người họa sỹ khai thác tầm nhìn ngoại vi của người xem, khiến hình dạng miệng của nhân vật trong tranh thay đổi tùy theo điểm nhìn. Leonardo da Vinci là bậc thầy trong việc sử dụng thủ thuật này, và không một nghệ sỹ nào có thể làm được một cách chuyên nghiệp cũng như đạt hiệu ứng thị giác cao như ông đã làm.
Bức tranh “Nàng Mona Lisa”
Dường như có sự liên quan mang tính nguyên nhân – kết quả giữa câu chuyện về bài học vẽ trứng từ nhiều góc độ khác nhau của cậu bé 14 tuổi Leonardo với câu chuyện về khả năng tạo ảo ảnh thị giác điêu luyện của đại danh họa Leonardo da Vinci. Nếu ngày ấy cậu bé Leonardo thấy chán nản với việc vẽ đi vẽ lại một quả trứng và từ bỏ việc học theo phương pháp đúng đắn của thầy Verrocchio thì chưa chắc chúng ta đã có cơ hội chiêm ngưỡng những kiệt tác hội họa như bức chân dung “Nàng Mona Lisa” vô giá được bảo vệ bằng kính chống đạn trong bảo tàng Louvre.
Có thể khẳng định rằng, việc học mang ý nghĩa quyết định đối với sự thành công của một con người. Nếu thiếu đi tính liên tục, sự kiên trì, kiến thức sẽ mãi nằm lại trong sách vở và chuyện lãng quên chỉ là vấn đề thời gian. Ngược lại, với sự bền bỉ, lặp đi lặp lại việc học kiến thức cho đến khi sự ghi nhớ trở nên tự nhiên, không cần nỗ lực, người học đã đưa kiến thức đó vào tiềm thức của chính mình, và kiến thức từ bước khó nhớ sẽ trở thành rất khó quên.
Người làm chủ được tri thức sẽ có đủ khả năng, sức mạnh và nội lực để kiến tạo tương lai. Với danh họa Leonardo da Vinci, một sự nghiệp hội họa vang danh muôn đời đã bắt đầu từ bài học vẽ trứng trong xưởng vẽ của thầy Verrocchio như vậy.