THỰC HIỆN THAY SGK VÀO NĂM 2019? – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội
THỰC HIỆN THAY SGK VÀO NĂM 2019? – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội
Theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình SGK giáo dục phổ thông mới, chương trình môn học sẽ được công bố trong thời gian tới. Còn việc có thực hiện thay sách vào năm 2019 hay không thì phụ thuộc vào quyết định của Bộ GD&ĐT.
Tại cuộc tọa đàm về chuyên đề “Chương trình giáo dục phổ thông mới: Có gì mới?” do Viện nghiên cứu chính sách và phát triển Truyền thông (IPS) tổ chức hôm 15/9, GS. Nguyễn Minh Thuyết cho biết hiện nay đã có 20/25 hội đồng thẩm định của các môn học thông qua. Ban soạn thảo đang tổ chức khâu cuối cùng là biên tập kỹ thuật. Sau đó chuyển sang bộ phận pháp chế của Bộ GD&ĐT để xem xét. Cũng mất thời gian một chút vì hàng nghìn trang phải đọc. Hy vọng tháng 9, 10 sẽ ban hành được chương trình môn học.
GS. Thuyết cho biết, từ ngày 19/1 khi Bộ GD&ĐT công bố dự thảo môn học lên cổng thông tin của Bộ, thì các nhà xuất bản cũng đã rất nhạy bén, họ đã bắt tay vào viết SGK. Khi nào Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký ban hành chương trình chính thức, họ sẽ đối chiếu và sửa theo chương trình chuẩn.“Thực ra khi làm việc lớn thế này thì không thể chờ xong mới làm được. Đến nay cũng đã 8 tháng rồi”, GS. Thuyết nói. Ông cũng cho hay, lớp 1 chỉ có 6 môn phải viết SGK nên cũng không khó khăn về thời gian. Nhưng có chắc làm được vào năm 2019 hay không thì phải phụ thuộc vào quyết định của Bộ GD&ĐT.
GS. Nguyễn Minh Thuyết cho hay từ năm 1956 chúng ta đã nhiều bộ SGK, GS. Nguyễn Lân cũng viết SGK của riêng mình và được đưa vào nhà trường giảng dạy cùng nhiều tác giả khác. Từ những năm 1970 mới thu gọn lại không còn SGK tư nhân nên miền Bắc chỉ có 1 bộ SGK. Đến năm 2005, mới có hai bộ SGK ở bậc THPT là bộ ban cơ bản và bộ ban nâng cao. Còn ở miền Nam đến trước ngày thống nhất vẫn dùng nhiều bộ SGK.
“Vừa qua có thông tin xem xét lại chủ trương một chương trình nhiều SGK khiến tôi ngạc nhiên. Vì tại sao Nghị quyết quốc hội đã ban hành rồi mà vẫn còn ý kiến phân vân như vậy. Về mặt thẩm quyền, Quốc hội hoàn toàn có thể sửa Nghị quyết 88. Nhưng quy trình để ban hành một Nghị quyết mới sẽ rất lâu. Thứ hai, tất cả mọi người trong xã hội đều phải tuân thủ pháp luật. Nghị quyết 88 Quốc hội ngang với Luật và đã được ban hành rồi. Không ai nói là Quốc hội không ra được Nghị quyết mới. Nhưng phải trao đổi với Bộ trước, chứ không mọi người sẽ hoang mang”, GS. Thuyết nói.
Mặt khác, theo ông, xu thế của thế giới là 1 chương trình nhiều SGK, mình đổi mới mà vẫn giữ cái 1 chương trình 1 Bộ SGK là không ổn. Nghị quyết 88 ra đời là tạo điều kiện để huy động trí lực của xã hội. GS. Nguyễn Minh Thuyết cũng cho biết, ở Mỹ, giáo viên có quyền được viết SGK.“Ở ta, ở trên lại sợ ở dưới làm không đúng, ở dưới lại sợ dưới nữa làm không đúng nên cầm tay chỉ việc, hạn chế sáng tạo”,ông Thuyết chia sẻ.
GS. Nguyễn Minh Thuyết trình bày tại buổi sinh hoạt chuyên đề sáng 15/9
AI ĐƯỢC QUYỀN CHỌN SGK?
Nói về vấn đề kinh phí để đổi mới chương trình SGK, GS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng nguồn kinh phí vay của ngân hàng thế giới để làm nên họ quản lý tài chính chặt.“Cũng có ý kiến cho rằng các ông chỉ nghĩ dự án để ăn tiền, nhưng tôi phải tâm sự thật, có phải 80 triệu đô la chui vào túi mấy ông làm chương trình đâu. Ngân hàng thế giới họ làm chặt lắm, họ đề nghị trả lương cho những người làm chương trình. Còn ông muốn làm như thế nào để làm ra được chương trình tốt thì làm”– GS. Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ thêm.
Theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, tổng số tiền cho chương trình đổi mới SGK là 144 tỷ, tưởng nhiều nhưng thực ra chỉ bằng 180m đường Kim Liên – Ô Chợ Dừa và chỉ bằng 600m đường cao tốc Bắc Nam.
Theo kenh14.vn