HÀ NỘI SẼ CÔNG BỐ ĐỀ MINH HOẠ BÀI THI TỔ HỢP LỚP 10 VÀO THÁNG 9 – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội
HÀ NỘI SẼ CÔNG BỐ ĐỀ MINH HOẠ BÀI THI TỔ HỢP LỚP 10 VÀO THÁNG 9 – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội
Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, dự kiến tháng 9/2018, thời điểm bắt đầu vào năm học mới 2019-2020 sẽ công bố các đề minh họa cho bài thi tổ hợp vào lớp 10 THPT – điểm mới trong tuyển sinh từ năm 2019.
Thông tin này được đưa ra tại hội nghị thông tin về công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2018-2019 và dự kiến phương án tuyển sinh năm học 2019-2020 do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức chiều ngày 10/4.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại việc có thêm bài thi tổ hợp nhiều môn khiến học sinh chịu thêm nhiều áp lực khi ôn thi nhiều môn gây áp lực. “Hiện mới chỉ thi 2 môn Toán và Văn, hằng năm thí sinh và phụ huynh đã kêu quá tải. Giờ thi nhiều môn sẽ ra sao?” một ý kiến bày tỏ.
Trước những lo lắng của các thí sinh, phụ huynh có con chỉ 1, 2 năm tới đứng trước kỳ thi vào lớp 10 kiểu mới, ông Phạm Quốc Toản, Phó Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho hay:
“Có thể thấy như kỳ thi THPT quốc gia đã áp dụng hình thức này một vài năm nay và đã diễn ra thành công với các bài thi tổ hợp. Bài thi tổ hợp Sở GD-ĐT Hà Nội không do thí sinh chọn như THPT quốc gia. Bởi thi THPT quốc gia ngoài xét tốt nghiệp THPT còn xét tuyển ĐH, CĐ, tức học sinh còn đào tạo ngành nghề theo sở thích của mình. Còn bài thi tổ hợp của Sở vẫn nhằm mục đích chủ yếu nhằm kiểm tra đánh giá năng lực học sinh ở bậc THCS và với mục tiêu giáo dục học sinh toàn diện. Khi đưa ra các phương án này chúng tôi cũng đã dự kiến việc lúc nào công bố đề thi minh họa, hướng dấn các đơn vị về công tác dạy học sao cho phù hợp”
Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, thí sinh và phụ huynh có thể yên tâm khi Sở sẽ công bố cho thí sinh biết trước dạng thức đề thi của bài thi tổ hợp.
Cụ thể, tháng 9 năm 2018, thời điểm bắt đầu vào năm học mới Sở sẽ có đề minh họa bài thi tổ hợp vào lớp 10 THPT để học sinh được biết và làm quen.
Trước băn khoăn liệu phương pháp dạy học hiện nay có phù hợp với việc đổi mới thi hay không, ông Toản cho hay: “Khi Bộ có bài thi THPT quốc gia thì Sở cũng đưa các bài thi trắc nghiệp các môn vào để các trường làm quen. Chúng ta có thể yên tâm khi các trường đã cho học sinh làm quen với hình thức bài thi trắc nghiệm, tổ hợp”.
Nói về cơ sở để lựa chọn môn thi trong bài thi tổ hợp và trả lời câu hỏi có mâu thuẫn hay không khi tuyển đầu vào học sinh toàn diện cho việc dạy học phân hóa ở cấp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Về cơ sở để lựa chọn môn thi trong bài thi tổ hợp, ông Toản nói: “Cả 2 bài thi tổ hợp đều có môn thi Ngoại ngữ nhằm mục đích nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh Thủ đô. Trong mỗi bài thi tổ hợp có cả môn thi tự nhiên lồng ghép môn thi xã hội nhằm đảm bảo sự khách quan, công bằng. Sở quyết định hướng này bởi học sinh THCS thực tế chưa có định hướng rõ ràng về ngành nghề và khi lên bậc THPT các em sẽ định hướng rõ ràng hơn”.
Ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: “Bài thi tổ hợp có thể riêng từng môn nhưng cũng có thể có những phần, những câu hỏi tích hợp liên môn, chứ không chỉ cộng ghép một cách cơ học.
Tuy nhiên, ông Quang khẳng định, toàn bộ nội dung kiến thức đề thi sẽ nằm trong chương trình học.Ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: “Bài thi tổ hợp có thể riêng từng môn nhưng cũng có thể có những phần, những câu hỏi tích hợp liên môn, chứ không chỉ cộng ghép một cách cơ học.
Theo ông Quang, phụ huynh và thí sinh không nên quá áp lực chuyện dạy thêm- học thêm: “Các học sinh và phụ huynh nghe đến bài thi tổ hợp có cảm giác đề nhiều môn thì học nhiều. Cảm giác thế thôi nhưng Sở GD-ĐT cam kết đề thi sẽ đánh giá học sinh một cách toàn diện, đề thi sẽ được ra một cách cơ bản nhất. Học sinh và phụ huynh không nên có suy nghĩ sẽ phải học thêm tất cả các môn, bởi cần nhận thức rằng liệu biết sẽ thi môn nào mà học thêm”.
Cùng đó, để chống việc có thể bùng phát việc dạy thêm – học thêm, Sở GD-ĐT sẽ xây dựng nên ma trận đề thi với hệ thống câu hỏi lớn.
Thanh Hùng