HS KHỐI 9 ĐÀO DUY TỪ GẶP GỠ VÀ GIAO LƯU VỚI TÁC GIẢ BÀI THƠ “NÓI VỚI CON” – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

HS KHỐI 9 ĐÀO DUY TỪ GẶP GỠ VÀ GIAO LƯU VỚI TÁC GIẢ BÀI THƠ “NÓI VỚI CON” – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

ITIT
Tháng 11 17, 2019 - 22:06
Tháng tư 17, 2024 - 10:32
 0  21
HS KHỐI 9 ĐÀO DUY TỪ GẶP GỠ VÀ GIAO LƯU VỚI TÁC GIẢ BÀI THƠ “NÓI VỚI CON” – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

Sáng ngày 14/11/2019, học sinh Khối 9 Đào Duy Từ đã có một trải nghiệm khó quên với tác giả bài thơ “Nói với con” trong chương trình Ngữ văn 9.

Nhà thơ Y Phương tên thật là Hứa Vĩnh Sước. Ông sinh ngày 24 tháng 12 năm 1948 tại Trùng Khánh, Cao Bằng. Hiện ông đang công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam. Bắt đầu sự nghiệp văn chương của mình khi còn là một chiến sĩ bộ đội đặc công, sau khi chuyển ngành, ông từng theo học và tốt nghiệp Trường Sân khấu Điện ảnh Việt Nam và Trường Viết văn Nguyễn Du. Ông ghi dấu tên mình vào đời sống văn học Việt Nam từ bài thơ Tiếng hát tháng Giêng – Giải A cuộc thi thơ tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1984. Và cũng từ ấy, cuộc đời ông gắn với thơ như duyên nghiệp và lẽ sống. Hơn hai mươi năm qua, ông sáng tác và công bố 6 tập thơ:Tiếng hát tháng Giêng(1986);Lời chúc(1987);Đàn then(1996);Chín tháng(trường ca, 1998),Thơ Y Phương(2000);Thất tàng lồm(Ngược gió, song ngữ Tày-Việt, 2006). Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.

Y Phương quan niệm: “Văn chương là một việc làm trả ơn những người sinh thành và nuôi dưỡng mình”. Trên thực tế, ông đã không chỉ làm được việc trả ơn cho cha mẹ, cho dân tộc đã sinh ra và nuôi dưỡng mình, mà bằng tài năng và quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc, ông đã thực sự làm rạng danh cho thơ Tày, và góp một giọng điệu lạ cho thơ Việt thế kỷ XX.

Bài thơ Nói với con Y Phươnglà một sáng tác chứa chan tình yêu thương. Đó là tiếng nói chân thành gần gũi và cũng chính là phong cách sáng tác đặc trưng của ông. Đọc bài thơ này ta cảm nhận được một thứ tình cảm vô cùng gần gũi và thiêng liêng: Đó chính là tình cha con. Và chính nhữn vần thơ mà ông viết lên ta có thể cảm nhận được tâm sự người cha dành cho con của mình. Và cũng chính là điều mà người cha muốn chuyển tải cho con, để con thêm thấu hiểu về cuộc sống.

Một không khí chăm chú, xúc động của văn chương và những câu chuyện ký ức bao trùm lấy hội trường.

Dường như chưa bao giờ hội trường lại yên lặng đến thế, những đôi tay ghi chép lại bận bịu đến thế và những câu hỏi lại thú vị và sâu sắc như vậy và thỉnh thoảng xen lẫn những tràng cười thú vị vì những chi tiết bất ngờ qua câu chuyện dí dỏm của nhà thơ.

Thầy Đào Văn Hải – Phó CTHĐQT Nhà trường tặng hoa cho nhà thơ Y Phương

Chỉ với vài tiếng đồng hồ trò chuyện với nhà thơ, các bạn đã cùng hiểu thêm về vùng văn hóa Tày, giải mã ngôn từ và những tầng ngữ nghĩa,… Cùng sống lại một thời kháng chiến chống Mĩ hào hùng, gian khổ và lãng mạn mà nhà thơ đã dự phần trong đó…

HS Khối 9 chụp ảnh lưu niệm với nhà thơ

Một buổi sáng trò chuyện với nhà thơ đã để lại trong lòng các bạn học sinh những dư âm sâu xa về một thông điệp mà nhà thơ đã nói với con, nói với chính mình: “Lên đường, không bao giờ nhỏ bé được, nghe con!”

Giáo viên Ngữ văn chụp ảnh lưu niệm với nhà thơ

Những chia sẻ của nhà thơ Y Phương về bài thơ “NÓI VỚI CON”

Tôi viết bài thơ“Nói với con”vào những năm 80 của thế kỷ trước. Vào những năm đó, một bức tranh toàn cảnh nghèo khó,túng thiếu kể cả tinh thầnlẫnvật chất bao trùm lên toàn miền Bắc và miền NamViệt Nam, bởi toàn quân và dân ta vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh chống Mĩcứu nước ác liệt kéo dài suốt mấy thập kỉ ròng rã. Những hisinh về con người, mất mát về của cải vật chất vô cùng to lớn. Không thể nào tính đếm kể xiết.

Hậu chiến. Các tầng lớp nhân dân ta, đâu đâu cũng lâm vào cảnh khó khăn trong đời sống thường nhật. Buộc lòng người ta ai ai phải tìm cách bươn trải cho cuộc mưu sinh. Mà vùng rốn nghèo đói nhất lại dồn về khu vực người dân tộc thiểu số.

Quê tôi là một trong những tỉnh nghèo nhất nước. Một hiện thực bần hàn diễn ra từng ngày. Cảnh công nhân viên chức chờ lĩnh đồng lương còm cõi, xếp hàng dài để mua được những lon gạo mốc, vài mớ rau héo, con cá khô thối thiu… Cảnh những người nông dân rách rưới lên rừng đào củ mài, hái củi. Cảnh những đứa trẻ người dân tộc thiểu số bỏ học, rủ nhau lên nương rẫy mót từng mẩu sắn thâm, lội xuống suối xúc tép,bắtcua. Cảnh các mẹ các bà đầu tắt mặt tối lo từng bữa ăn. Và từng ngày, mọi người dân buộc lòng phải đương đầu chống lại cái nghèo đói. Họ đã chống lại cái đói bằng nhiều cách, để có miếng cơm manh áo cho con cái, kể cả các kiểu làm ăn chụp giật,thật đúng là“đói ăn vụng,túng làm liều”.

Hiện thực đời sống xã hội dội đến đã tạo điều kiện để văn nghệ sĩcho ra đời những tác phẩm MÙA XUÂN đất nước. Có thể gọi đó là những “Tiếng ca mùa xuân cay đắng”. Nói như một nhà thơ, đây là thời kỳ văn chương “ngứa tấy” lên “da non”. Cho đến ngày nay, các thế hệ người thưởng thức văn chương nghệ thuật chân chính, làm sao quên được những gam màu tối xám về những đứa con tinh thần của họ. Đó là: “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao. “Mùa xuân bên cửa sổ” của Xuân Hồng. “Tướng về hưu” của Nguyễn Huy Thiệp. Và đặc biệt là “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh…

Bài thơ “Nói với con” trong tập thơ “Tiếng Hát Tháng Giêng” của tôi xuất bản năm 1986.Tập thơ này được giải thưởng Hội Nhà văn năm 1987, giải thưởng Nhà nước năm 2007.

Khi viết bài thơ này, con gái tôi vừa tròn1tuổi. Con tôi sinh đúng vào những ngày vừa xảy ra chiến tranh biên giới phía Bắc. Bọn bành trướng xua quân đánh chiếm làng quê chúng tôi. Máu chảy đầu rơi ngay trên mảnh đất Cao Bằng,Lạng Sơn,Hà Giang…–Nơi một thời là chiếc nôi, là căn cứ địa cách mạng của cả nước. Người dân quê tôi vốn cả đời sống hiền lành thật thà chất phác cả tin, đâu có ngờ “anh bạn vàng” thọc ngay mũi dao nhọn vào trúng ngực mình. Khi chiến tranh bùng phát, những người nông dân không kịp trở tay. Họ mất hết nhà cửa trâu bò… Làng xóm tan hoang như vừa vừa trải qua cơn nạn hồng thủy.

Khó khăn chồng chất đè lên những tấm lưng xác xơ,gầy còm. Đây là cơ hội người tốt kẻ xấu lộ diện. Là lúc “lửa thử vàng,gian nan thử sức”. Người ngay kẻ gian dần dần bộc lộ, phân biệt rõ ràng tối–sáng,trắng–đen. Niềm tin trong con người đâu đó bắt đầu lung lay. Nhiều văn nghệ sĩđã lên tiếng về hai mảng sáng tối này.

Khi đó tôi viết bài thơNói với conlà nói với chính mình. Dặn lòng không được sa ngã, dù lâm vàobất cứ hoàn cảnh nào. Cha mẹ từng dạy tôi rằng: “Nẳng chinh bấu lao ngầu pay”(tức là ngồi ngay ngắn thì không sợ ngã), khi tất cả trời đất mù mờ hỗn độn, thì ta phải ngồi ngay ngắn, sẽ không bị lệch bóng mình. Nước dù có đục ngầu, nhưng nhờ có lối sống sạch, lòng ta luôn luôn trắng trong. Nghĩa là hãy đặt niềm tin vào truyền thống thống đạo đức văn hóa của dân tộc.

Văn hóa – Đấy là cái cuối cùng còn lại sau khi “vật đổi saodời”. Tiền bạc, của cải có thể mất mát, có thể bị tiêu hủy. Nhưng tình người không được để hao hụt méo mó. Cha ông người Tày chúng tôi dạy rằng: “Tiền bạc như đất cỏ, mặt mũi tựa ngàn vàng”. Tiền của nếu mất mát có thể lấy lại bất cứ lúc nào. Nhưng đạo lý con người, niềm tin con người, tình cảm con người… phải mất vài trăm năm mới tìm lại được.

Văn hóa chưa bao giờ là súng ống đạndược. Nói đến súng đạn là nơi bắn giết. Ngược lại, văn hóa là nơi tin yêu, là nơi ta sinh nở, là nơi ta trưởng thành,lớn khôn, là nơi ta cư xử đạo lý làm người. Nói cho cùng, văn hóa làm cho con người sống đàng hoàng với tầm vóc cao lớn. “Con Người”làhai chữ được viết hoa. Mà xét cho cùng, cái gốc của văn hóa là giáo dục. Không có giáo dục là không có gì cả…Chúng ta đừng viện cớ thiếu thốn khó khăn mà đánh mất đạo đức, văn hóa. Tôi thấy, dường như giờ đây, nhiều con em các dân tộc không mấy mặn mà với văn hóa truyền thống. Và họ đang tự nguyện nhập ngoại, lai căng một cách dễ dãi. Tôi ủng hộ hòa nhập nhưng không thể hòa tan. Văn hóa dân tộc là tài sản lớn. Giữ cho mình và giữ cho con cháu mình. Tôi là người dân tộc Tày. Chúng tôi sinh hoạt như những người Tày ngay giữa lòng Thủ đô. Không phải do tôi sợ đánh mất bản bản sắc riêng mà là niềm tự hào chính đáng về văn hóa dân tộc của mình. Tôi tự hào vì tôi là người Tày.

Bài thơ mà mọi người hay băn khoăn thắc mắc nhất là hai câu:“Chân phải bước tới cha/ Chân trái bước tới mẹ”nghĩa là sao? Tôi bật cười, cái đó thì quá đơn giản. Có gì đâu, đứa con sinh ra thì phải có cha có mẹ. Đó là khởi điểm của một con người. Một điều nữa “vách nhà ken câu hát”là yếu tố văn hóa phi vật thể. Người con trai ngồi ngoài vách. Người con gái ở bên trong vách. Họ hát cho nhau nghe. Hát tràn đêm đến sáng bạch. Bởi thế, bức vách ở đây không chỉ là một bức vách cụ thể bằng đất bằng đá nữa. Nó đã trở thành một chủ thể văn hóa. Văn hóa ăn nhau ở sự khác biệt chứ không nói sự hơn kém.

Tôi tập trungxây dựng hình tượng nghệ thuật trên cứ liệu hiện thực. Từ tình cảm gia đình chồng vợ cha con, nói rộng ra quê hương đất nước. Từ nếp sinh hoạt đời thường đến phong tục tập quán ổn định đời đời.

Về nghệ thuật, tôi sử dụng hình thứcthơ tự do. Đây là thể thơ mà tôi thường dùng.

Tự do – đó là yêu cầu tự thân. Tự do – tôi viết theo mạch cảm xúc. Tự do- tôi không bị gò bó bất cứ niêm luật khắt khe nào. Tự do – đó là hơi thở của tôi. Tự do – đó là đánh bóng không cần lưới, mà vẫn không bị phạm luật đặc trưng của nghệ thuật thi ca.

Tôi rất bất ngờ khi biết “Nói với con” được đưa vào SGK. Tuy nhiên tôi không biết đích xác đưa vào năm nào. Quan trọng là tác phẩm của tôi đã được đông đảo các em học sinh đón nhận. Với những tác phẩm trong SGK, việc cải cách liên tục như hiện nay thì một tác phẩm nay “để”, mai “bóc” chuyện bình thường. Vì thế phần thưởng lớn nhất dành cho tôi là được mọi người biết đến, nhớ đến tác phẩm của mình.