LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ ĐƯỢC GIỜ DẠY CHẤT LƯỢNG VÀ ĐẠT KẾT QUẢ TỐT CHO HỌC SINH? – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ ĐƯỢC GIỜ DẠY CHẤT LƯỢNG VÀ ĐẠT KẾT QUẢ TỐT CHO HỌC SINH? – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

ITIT
Tháng mười hai 10, 2018 - 21:38
Tháng tư 12, 2024 - 20:11
 0  10
LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ ĐƯỢC GIỜ DẠY CHẤT LƯỢNG VÀ ĐẠT KẾT QUẢ TỐT CHO HỌC SINH? – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

x

HS lớp 8T trong chương trình giáo dục STEM

Tiết dạy tốt phải là tiết dạy dễ hiểu, rõ ràng, rành mạch, có trật tự, làm cho học sinh hứng thú, chăm chú nghe giảng một cách tập trung. Dạy xong, HS nắm vững nội dung bài giảng, khắc sâu được kiến thức trọng tâm, ứng dụng làm được bài tập, nếu là môn khoa học tự nhiên. Với các môn Khoa học xã hội: Văn, Sử… ngoài việc hiểu bài, cảm nhận đầy đủ, sâu sắc nội dung, các em còn lắng đọng suy tư về những ý tưởng, về các sự kiện, về những tình cảm cao đẹp của các hình tượng, nhân vật trong bài học mà GV đã truyền đạt. Do đó, để dạy được tốt, GV phải đối mặt với nhiều yêu cầu và đòi hỏi về nhiều mặt, không chỉ một tiết dạy mà cả một đời dạy học,. Muốn vậy, người thầy phải hội đủ sáu điều kiện trọng tâm sau:

1. GV phải có một vốn kiến thức sâu rộng về bộ môn mình đảm trách, để có thể “lớn hơn HS một cái đầu” và “để biết mười mà dạy một”.

2. Nắm vững các phương pháp. Dạy hóa học không thể mô tả chung chung mà phải làm thí nghiệm phản ứng hóa học. Dạy Địa lý phải hướng dẫn trên bản đồ. Dạy Sinh học phải có giáo cụ trực quan, để các em được quan sát…

3. Phân phối thời gian hợp lý. Xác định cho được đâu là nội dung trọng tâm của bài, để dành thời gian. Có như vậy mới tránh được miên man sa đà vào những phần “râu ria”.

4. Phải quan tâm đến đối tượng HS mà ta giảng dạy. Cùng một lớp là có một trình độ phổ thông như nhau, nhưng lại khác biệt về mặt tâm sinh lý. Có em hay lơ đãng, thiếu tập trung, có em tiếp thu chậm. Vì vậy, với một người thầy, GV vẫn phải có trách nhiệm quan tâm đến tất cả các em, dù chỉ dạy một tiết, dù không phải GV chủ nhiệm. Có thể bằng nhiều cách:

+ GV phải có một sự phân công hợp lí trong những hoạt động học tập, giao phiếu bài tập có những câu cơ bản đến nâng cao để kiểm tra mức độ tiếp nhận trong giờ giảng

+ Bất chợt hỏi một câu để “đánh thức” một em đang lơ đãng, hay đặt câu hỏi để kiểm tra em tiếp thu chậm, hoặc hỏi cả lớp xem có nội dung nào chưa hiểu để giảng lại kỹ hơn…

Giờ học Toán bằng sơ đồ tư duy tại THCS Đào Duy Từ

5. Cần chuẩn bị kỹ, để có thể sẵn sàng giải đáp được các câu hỏi của HS đặt ra: có thể có những câu hỏi thật thông minh, cũng có thể có những câu hỏi mà ta chưa lường hết được

6. Đặc biệt hơn cả là thay đổi “khẩu vị” bài giảng – Truyền cảm hứng

Người thầy giáo có thể say mê giảng bài suốt 45 phút của một tiết học mà không có cảm giác mệt mỏi. Nhưng với học sinh việc tập trung nghe thầy giảng bài suốt 45 phút trong một buổi học thường có từ 4 – 5 tiết học lại không phải là điều dễ dàng. Hiện tượng uể oải, ngáp vặt, ngủ gục, nói chuyện riêng trong lớp diễn ra khá phổ biến.

Để một tiết học diễn ra nhẹ nhàng, sinh động, GV cần lưu ý những điểm sau đây:

+ Bao quát tốt lớp học để nhận biết đối tượng học sinh thiếu tập trung do tác động của hoàn cảnh khách quan, từ đó lường được thái độ nóng giận ảnh hưởng chung tới sinh khí của cả tập thể

+ Không rập khuôn theo một trình tự mà học sinh đã quá quen thuộc

+ Linh hoạt thay đổi khẩu khí, thay đổi cách thức hỏi, giảng giải đối với học sinh

+ Tăng tính trực quan sinh động bằng trình chiếu hình ảnh, minh họa đúng lúc, đúng chỗ.

Giờ học kỹ năng sống tại THCS Đào Duy Từ

Thực tế cho thấy, không một phương tiện máy móc hiện đại nào có thể thay thế được vai trò của nhà giáo trong việc truyền cảm hứng học tập cho HS. Một phong cách mô phạm, một giọng nói gợi cảm, một nét chữ, nét vẽ hoa mỹ, một lối diễn đạt tinh tế… tất cả đều không chỉ cho hiệu quả tức thời trong một giờ lên lớp mà còn tạo dấu ấn tốt đẹp, có giá trị giáo dục với học sinh. GV phải làm thế nào để thể hiện được sự năng động và sáng tạo trong từng tiết dạy của mình. Hay nói đúng hơn phải có những “chiêu thức” khác nhau để tạo niềm hứng khởi đối với HS ở môn học mình phụ trách.

Tóm lại: Để dạy tốt một tiết hay dạy tốt cả đời, GV cần phải học, và tiếp tục học hoài để tích lũy kiến thức. GV phải có một quá trình chuẩn bị đầy đủ, chu đáo cho một tiết dạy, không được hời hợt chủ quan. Tất nhiên là phải bám vào nội dung chính của sách giáo khoa. Song không quá câu nệ và lệ thuộc vào sách mà phải tìm tòi chuẩn bị thêm một số kiến thức, một vài ví dụ để mở rộng, để minh họa, làm phong phú thêm cho bài giảng.

Chúng ta đừng quan niệm rằng HS chỉ là một người học mà phải xem các em là một “đối tác” trong các hoạt động giáo dục. Cũng như trong kinh doanh, trong giáo dục cũng thế, người thầy phải làm thế nào để cho “đối tác” thấy được lợi ích của mình thì sẽ thành công.