Mức thu học phí các trường cấp 2 THCS: Phụ huynh giảm mối lo học phí cho con

Tại kỳ họp thứ 15 - kỳ họp chuyên đề (diễn ra ngày 29/3), HĐND thành phố Hà Nội vừa thông qua quy định mức thu học phí, trong đó đều giảm so với chính sách hiện hành, áp dụng từ năm học 2023-2024.

ITIT
Tháng 5 2, 2022 - 16:29
Tháng 9 17, 2024 - 14:25
 0  21
Mức thu học phí các trường cấp 2 THCS: Phụ huynh giảm mối lo học phí cho con
Giờ học thực hành của trường THCS Thống Nhất (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: HẢI NAM

Không ảnh hưởng chất lượng dạy và học

Cụ thể, mức học phí được chia theo ba vùng (thành thị, nông thôn và miền núi) với từng cấp học. Trong đó mức thu cao nhất được áp dụng ở khu vực thành thị đối với trẻ nhà trẻ, mẫu giáo (không bao gồm trẻ 5 tuổi), học sinh THPT và học viên giáo dục thường xuyên cấp THPT là 217.000 đồng/học sinh/tháng (hiện nay là 300.000 đồng). Mức thu thấp nhất được áp dụng ở khu vực miền núi với học sinh THCS và học sinh giáo dục thường xuyên cấp THCS là 19.000 đồng/học sinh/tháng (hiện nay là 50.000 đồng).

Anh Nguyễn Văn Hậu có con đang học tại Trường THCS Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, từ đầu năm học 2023-2024 đến nay, gia đình đóng học phí cho con ở mức 200.000 đồng/tháng. Theo mức học phí mới thì gia đình chỉ phải đóng 95.000 đồng/tháng. “Việc giảm học phí của thành phố khiến nhiều phụ huynh như chúng tôi giảm bớt gánh nặng chi phí. Hiện vợ chồng tôi làm lao động tự do, thu nhập rất bấp bênh”, anh Hậu bày tỏ.

Chị Lê Thị Hòa, phụ huynh học sinh Trường THPT Minh Quang (huyện Ba Vì) cho biết: “Với mức học phí được giảm, gia đình tôi rất mừng. Gia đình tôi có hai cháu đang học lớp 10 và 12. Trường THPT Minh Quang đóng trên địa bàn xã miền núi, mức đóng học phí hiện nay là 100.000 đồng/tháng/cháu, còn mức mới vừa được thành phố thông qua chỉ còn 24.000 đồng/tháng/cháu. Học phí giảm, tôi có điều kiện hơn để dành tiền mua sắm dụng cụ học tập và sách vở cho các con”.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, đối tượng áp dụng mức học phí theo Nghị quyết do HĐND thành phố vừa thông qua bao gồm học sinh đang theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập; không áp dụng với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao. Trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh, học sinh chuyển sang hình thức học trực tuyến, mức đóng học phí bằng 75% mức thu học phí theo hình thức học trực tiếp. Tổng thời gian thu học phí bảo đảm nguyên tắc tổng số tháng thu học phí không vượt quá 9 tháng/năm.

Thời điểm này, hầu hết học sinh đã cơ bản hoàn thành việc đóng học phí 9 tháng của năm học 2023-2024. Như vậy, với việc giảm mức thu học phí theo quy định mới, học sinh sẽ được hoàn trả hoặc giảm trừ vào kỳ thu tiếp theo. Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, Sở sẽ phối hợp với Sở Tài chính thống nhất phương án hoàn trả hoặc giảm trừ vào kỳ thu tiếp theo để xin ý kiến UBND thành phố quyết định thực hiện, trên tinh thần bảo đảm thuận lợi cho gia đình học sinh.

Trước băn khoăn của nhiều phụ huynh về việc giảm mức thu học phí có ảnh hưởng đến chất lượng dạy học hay không, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khẳng định, trong mọi hoàn cảnh, thành phố luôn ưu tiên đầu tư cho sự nghiệp giáo dục, bảo đảm học sinh được tạo điều kiện tốt nhất để học tập. Tổng số thu học phí theo mức thu vừa ban hành là hơn 1.500 tỷ đồng, giảm hơn 1.200 tỷ đồng so với mức thu đang thực hiện. Để bảo đảm kinh phí hoạt động cho các nhà trường, ngân sách thành phố sẽ cấp bù phần tương ứng khoảng gần 1.300 tỷ đồng. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ tăng cường triển khai các giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học, không để xảy ra việc lạm thu và dạy thêm, học thêm không đúng quy định.

Không để xảy ra quá tải trường, lớp

UBND thành phố Hà Nội vừa có Văn bản số 670/UBND-KGVX về việc tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh mầm non, lớp 1, lớp 6 và lớp 10 THPT năm học 2024-2025. Để bảo đảm các điều kiện tổ chức công tác tuyển sinh mầm non, lớp 1, lớp 6 và lớp 10 năm học 2024-2025 nghiêm túc, chính xác, công bằng, khách quan, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tham mưu UBND thành phố phê duyệt kế hoạch tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2024-2025.

Thành phố yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức quán triệt, chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo tại quy chế tuyển sinh THCS và THPT; quy chế thi tốt nghiệp THPT, trong đó tập trung vào các nội dung: Chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch tuyển sinh mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2024-2025 linh hoạt, bảo đảm quyền lợi học sinh; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức thi, tuyển sinh; tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; nâng cao vai trò, hiệu quả của chuyển đổi số trong công tác thi, tuyển sinh, đặc biệt là tuyển sinh trực tuyến.

UBND thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trong quá trình tổ chức tuyển sinh tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, cha mẹ học sinh; tăng quy mô tuyển sinh, tăng chất lượng công tác tuyển sinh, tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục, giảm số học sinh trái tuyến, giảm số học sinh/lớp, tăng số học sinh được học hai buổi/ngày...

Các đơn vị phấn đấu huy động ít nhất 53% số trẻ em độ tuổi nhà trẻ, 99% số trẻ em độ tuổi mẫu giáo đi học; ít nhất 80% số trẻ khuyết tật ở thể nhẹ trong độ tuổi mầm non được học hòa nhập; 100% số trẻ 6 tuổi đủ sức khỏe vào học lớp 1; 100% học sinh đã tốt nghiệp THCS có nhu cầu được tiếp tục đi học tại các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

UBND các quận, huyện, thị xã được yêu cầu rà soát điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ, chuẩn bị tốt các điều kiện cho năm học 2024-2025; bảo đảm đáp ứng đầy đủ chỗ học cho học sinh, không để xảy ra hiện tượng quá tải ở các trường học; thực hiện nghiêm việc công khai cam kết chất lượng giáo dục; tổ chức tuyển sinh đúng quy chế, bảo đảm chính xác, công bằng, khách quan, hướng dẫn tuyển sinh đầy đủ, rõ ràng, công khai, tạo thuận lợi cho cha mẹ học sinh; không tổ chức thi vào lớp 1.

Các quận, huyện, thị xã huy động cả hệ thống chính trị tham gia lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác thi, tuyển sinh năm 2024; tuyệt đối không để tình trạng có cơ sở giáo dục tuyển sinh vượt chỉ tiêu do tuyển sinh trái tuyến; không để tình trạng xếp hàng, chen lấn xô đẩy tại các trường học gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Phấn đấu có thêm 141 trường đạt chuẩn quốc gia

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, căn cứ kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở các quận, huyện, thị xã, Sở đã rà soát, tổng hợp kế hoạch, báo cáo thành phố giao chỉ tiêu kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia của toàn thành phố năm 2024 là 114 trường. Trong đó có 43 trường mầm non, 44 trường tiểu học, 24 trường THCS và 3 trường THPT.

Tuy nhiên, mới đây, theo báo cáo của các quận, huyện, thị xã, các đơn vị đăng ký xây dựng tăng 27 trường so với chỉ tiêu giao, nâng tổng số trường đăng ký công nhận mới lên 141 trường. Trong số này có 55 trường mầm non, 52 trường tiểu học, 29 trường THCS và 5 trường THPT.

Đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, đến nay, công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia trong kế hoạch năm 2024 đang được các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai. Theo đó, có bốn trường đang được thực hiện đánh giá ngoài.

Sở Giáo dục và Đào tạo nhận định, công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn thành phố vẫn gặp nhiều thách thức. Việc quy hoạch mạng lưới trường học bảo đảm đạt chuẩn quốc gia tại các quận nội thành gặp nhiều khó khăn do thiếu quỹ đất xây dựng trường mới, thiếu quỹ đất để mở rộng diện tích trường học. Bên cạnh đó, công tác đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia chưa kịp thời. Việc đầu tư cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang cần nguồn đầu tư lớn cho cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ, giáo viên... cũng đòi hỏi nguồn vốn không nhỏ của các ban, ngành thành phố.

Để bảo đảm hoàn thành kế hoạch đặt ra, Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã ưu tiên đầu tư các nguồn lực để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; giữ vững và nâng cao các tiêu chí của trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng kiến nghị UBND thành phố tổ chức giao ban thường xuyên để chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Ngoài ra bạn có thể tham khảo thêm học phí Trường THCS Đào Duy Từ - Hà Nội, dưới đây nhé.