NHỮNG CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ MẸ – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

NHỮNG CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ MẸ – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

ITIT
Tháng tư 28, 2017 - 13:46
Tháng tư 14, 2024 - 13:11
 0  699
NHỮNG CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ MẸ – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

Mẹ được chuyển ngay vào Khoa cấp cứu của bệnh viện. Tôi chỉ được bố giải thích là mẹ bị ốm nhẹ, mẹ phải xa tôi một thời gian.

Câu chuyện thứ nhất

Đây là câu chuyện chân thật về gia đình nghèo khổ, khi đứa con vừa bắt đầu đi học thì người cha qua đời, hai mẹ con cùng dìu dắt nhau đi và dùng đống đất đỏ nhè nhẹ phủ lên để tiễn biệt người cha.

Người mẹ không đi thêm bước nữa mà ở vậy nuôi dưỡng con thơ. Lúc đó trong thôn chưa có điện, mỗi tối thằng bé thắp ngọn đèn dầu bé tí đọc sách, vẽ tranh. Người mẹ thì từng mũi kim sợi chỉ may vá đan áo cho con. Ngày tiếp ngày, năm kế năm những tấm bằng khen cứ đắp lên vách tường đất loang lổ của họ. Đứa con cứ như ngọn trúc xanh của mùa xuân vụt lên phơi phới, nhìn đứa con cao nhanh hẳn thì đuôi mắt mẹ cũng xuất hiện nhiều nếp nhăn mỗi lần cười khi nhìn thấy con nhận phần thưởng.

Nhưng dường như trời không thương mẹ con họ, khi đứa con vừa thi vào trường trung học của huyện thì mẹ bị bệnh phong thấp nặng. Việc đồng áng làm không nổi, có khi cơm ngày hai bữa cũng không đủ ăn. Lúc đó học sinh ở trường trung học mỗi tháng phải nộp 30kg gạo. Đứa con biết mẹ không có khả năng nên nói với mẹ: “Mẹ, con sẽ nghỉ học để giúp mẹ làm ruộng”. Mẹ vò đầu con, âu yếm nói: “Con có lòng thương mẹ như vậy, mẹ rất vui, nhưng không đi học không thể được, yên tâm. Mẹ sanh con mẹ sẽ có cách nuôi con. Con đến trường ghi danh đi, mẹ sẽ mang gạo lên sau. Đứa con ngang bướng cãi lại, không chịu lên trường, người mẹ bực mình tát mạnh lên mặt con, đó là lần đầu tiên 16 tuổi trong đời bị mẹ đánh như vậy.

Đứa con cuối cùng cũng cắp sách đến trường, nhìn sau lưng con cứ xa xa dần theo con đường mòn, người mẹ vò trán suy nghĩ. Không lâu, bếp của trường cũng nhận được gạo của người mẹ bệnh tật mang đến. Bà khập khễnh bước vào cổng, với hơi thở hổn hểnh từ trên vai thả xuống một bao gạo nặng trĩu. Người phụ trách nhà bếp mở gạo ra xem, hốt một vóc lên xem lập tức cột chặt miệng bao lại nói: “Bậc phụ huynh các người thích làm những việc có lợi cho mình. Bà xem gạo nè, có thóc có sạn có hạt cỏ… làm sao mà ăn”. Người mẹ ngượng ngùng đỏ cả mặt, nói lời xin lỗi. Người phụ trách nhà bếp không nói gì thêm mang gạo vào nhà. Người mẹ lại móc trong túi gỡ ra mấy lớp lấy ra 5 tệ nói với người phụ trách: “Đây là tiền phí sinh hoạt của con tôi tháng này làm phiền ông chuyển đến dùm. Ông đùa nói: “Thế nào bà nhặt được trên đường đó à”, bà mắc cỡ đỏ mặt nói cám ơn rồi quay lưng đi.

Rồi lại đến một tháng, bà nhọc nhằn vác bao gạo đến nhà bếp, người phụ trách nhà bếp vừa nhìn gạo xong thì cột chặt lại, cũng là thứ gạo đủ màu sắc. Ông nghĩ, có lẽ lần trước do không dặn người này rõ ràng, ông nhẹ nhàng từng chữ nói với bà: “Bất cứ thứ gạo gì chúng tôi đều nhận, nhưng làm ơn để riêng ra, cho dù thế nào cũng không được để chung, như vậy chúng tôi không thể nào nấu được, nấu ra thì cơm sẽ bị sượng. Nếu lần sau còn như vậy tôi sẽ không nhận”. Bà hốt hoảng thành khẩn nói: “Thưa ông! Gạo nhà tôi đều như vậy cả, phải làm thế nào?” Người phụ trách đùng đùng nói: “Một sào ruộng nhà bà mà có thể trồng được cả trăm giống lúa như vậy à? Thật buồn cười”. Bị la như thế bà không dám nói năng gì, lặng lẻ cúi đầu, người phụ trách cũng làm lơ để bà đi.

Đến tháng thứ ba, bà lại vất vả vác đến một bao gạo, vừa nhìn thấy người đàn ông la bà lần trước, trên mặt bà lại hiện lên nụ cười còn tội hơn là khóc. Ông ta vừa nhìn thấy gạo bỗng giận dữ quát lớn nói: “Tôi nói vậy mà bà vẫn cứ như vậy không đổi. Sao mà ngoan cố, cũng thứ gạo tạp nham này, bà xem đi. Lần này mang đến thế nào thì mang về vậy!”.

Hình như bà đã dự đoán trước được điều đó, bà liền quỳ xuống trước mặt người phụ trách, hai dòng lệ trào ra trên khóe mắt, buồn bã nói: “Tôi nói thật với ông, gạo này là… tôi đi xin đấy”, ông giật bắn người, hai mắt tròn xoe nói không nên lời.

Bà ngồi phịch xuống đất, lộ ra đôi chân biến dạng, sưng húp… rơi lệ nói: “Tôi bị bệnh phong thấp đi lại rất khó, không thể làm ruộng được. Con tôi đòi bỏ học giúp tôi, bị tôi đánh nên trở lại trường học”.

Bà cầu xin người phụ trách làm thế nào vừa giấu bà con hàng xóm lại càng sợ đứa con biết được sẽ tổn thương lòng tự trọng của nó. Mỗi ngày trời còn chưa sáng bà len lén cầm cái bao chống gậy đi cách thôn khoảng 10 dặm để van xin lòng thưong của những người khác, rồi đợi trời thật tối bà một mình âm thầm về. Gạo bà xin được đều để chung vào. Tháng kế tiếp vừa mang gạo đến trường bà nhìn người phụ trách, chưa nói mà nước mắt lưng tròng. Ông đỡ bà dậy nói: “Thật là ngừơi mẹ tốt, tôi sẽ lập tức đi trình với hiệu trưởng, để trường miễn học phí cho con bà”. Bà vừa nghe xong hốt hoảng lắc đầu nói: “Đừng…đừng…nếu con tôi mà biết tôi đi xin để nuôi nó đi học sẽ làm nó tổn thương và như thế ảnh hưởng đến sự học của nó. Ông hiểu ý bà nói: “À, thì ra bà muốn tôi giấu kín điều này, được rồi, tôi nhớ”. Bà khập khễnh như người què quay lưng đi.

Cuối cùng thì hiệu trưởng cũng biết được sự việc với nét mặt hiền hoà nói: “Vì gia đình bà quá nghèo, trường sẽ miễn học phí và tiền sinh hoạt 3 năm. Ba năm sau, đứa con đã thi đậu vào trường đại học Thanh Hoa. Ngày tốt nghiệp, chiêng trống vang trời, hiệu trưởng đặc biệt chú ý người học sinh có hoàn cảnh khó khăn này và mời cậu ta lên lễ đài. Cậu ta khó chịu nói: “Thi đạt điểm cao có rất nhiều, vì sao bảo em lên lễ đài? Lại càng làm mọi người ngạc nhiên hơn là trên lễ đài đổ liên tiếp ba hồi trống vang dội. Lúc đó người phụ trách nhà bếp cầm ba cái bao đựng gạo của người mẹ lên lễ đài kể câu chuyện Người mẹ đi xin gạo để nuôi con ăn học. Dưới lễ đài mọi người im bặt, Hiệu trưởng nhìn ba cái bao giọng hùng hồn nói: “Đây là câu chuyện ba cái bao gạo của người mẹ đi xin, trên đời này đem vàng cũng không mua được những hạt gạo này, sau đây tôi sẽ mời người mẹ vĩ đại đó lên lễ đài”.

Đứa con trong lòng nghi nghi, nhìn lại phía sau xem, thấy người phụ trách dìu mẹ từng bước từng bước tiến lên lễ đài. Hai mẹ con nhìn nhau, từ ánh mắt lấp lánh tình yêu thương của người mẹ, vài sợi tóc trắng bay bay trước trán. Đứa con bước đến trước, ôm chầm lấy mẹ và bật khóc, “Mẹ… Mẹ của con…”.

Trải qua bao nhiêu năm tháng câu chuyện của mẹ vẫn còn sáng mãi trong truyền thuyết.

Câu chuyện thứ 2

Bên mẹ!

Hoài niệm về những ngày bên mẹ…

Chung quanh tôi, có ngàn vạn con người.

Nhưng trong tôi, chỉ có một người thôi.

Người ấy đã trao cho tôi cuộc sống này, và hơn thế, đã cho tôi hiểu vẻ đẹp của cuộc sống, ý nghĩa của cuộc sống.

Tôi gọi Người là Mẹ.

Mẹ tôi là một cô gái trồng hoa nết na thuỳ mị, được hàng xóm láng giềng yêu mến, và tất nhiên, được rất nhiều chàng trai theo đuổi. Cuối cùng mẹ đã chọn bố tôi – một viên chức quèn thấu hiểu tâm hồn mẹ. Bố không thể cho mẹ nhiều thứ, tuần trăng mật: không, váy cưới: không, nhẫn cưới: cũng không. Nhưng theo lời mẹ thì bố tôi đã tặng cho mẹ hai món quà tuyệt vời nhất: một vườn hoa xinh xắn ở sau nhà, và tôi, tài sản lớn nhất của mẹ.

Mùa xuân, tôi chập chững theo mẹ ra vườn thăm những bông hoa vừa hé nụ. Mẹ bảo rằng nàng tiên mùa Xuân đã đánh thức cả vườn hoa, và mỗi bông hoa tươi là một nụ cười của cuộc sống. Bàn tay mẹ chăm sóc nâng niu cho muôn nụ cười nở rộ, đưa hương thơm náo nức khắp vườn. Mẹ còn dạy tôi ghi nhớ từng mùi hương riêng biệt trong vườn, vì hương thơm chính là linh hồn của cỏ hoa. Tôi chẳng thể nào phân biệt giỏi như mẹ và mọi loài hoa trong mắt tôi, tôi đều gọi chung là “hoa mẹ”.

Có lần, hai mẹ con ra vườn chơi từ lúc mặt trời còn chưa dậy. Mẹ ôm tôi vào lòng, hát những lời ru ngọt ngào như sữa, thủ thỉ các cậu chuyện cổ tích về cô công chúa Hoa, chàng hoàng tử Lá… và nói với tôi đôi lời vu vơ:

– Con có thấy hạt sương đang run rẩy trên cánh hồng kia không? – mẹ hỏi – Nó đang khóc đấy. Vì chỉ chút nữa thôi khi mặt trời lên, nó sẽ tan biến khỏi cõi đời này, sẽ không được ở bên hoa nữa. Hạnh phúc nhiều khi đơn giản lắm, con hiểu không?

Tôi không hiểu lắm những điều mẹ nói. Được sống bên cha mẹ như thế này, tôi cũng thấy hạnh phúc lắm rồi. Và hạnh phúc lớn nhất của tôi là hàng đêm được ngủ vùi trong mái tóc dài mượt mà thơm ngát của mẹ. Mái tóc mẹ có một hương thơm kỳ lạ: vừa nồng nàn đắm say, vừa nhẹ nhàng thanh khiết, có khi quấn quít không rời, lúc lại dịu dàng lan toả… Tưởng như tất cả các hương hoa trong vườn đã lưu lại trên tóc mẹ vậy.

Mùa hạ ùa đến với những tia nắng rát bỏng xen lẫn những cơn mưa dữ dội. Cảnh vật khô héo đi dưới sức nóng của mặt trời. Tôi ghét mùa hạ! Mùa hạ làm hoa lá ủ rũ và làm mẹ tôi mệt mỏi. Mẹ thường xuyên bị chóng mặt và ho dữ dội, có lần mẹ còn bị ngất khi đang cùng tôi tưới hoa. Tôi chỉ biết ngồi khóc cho đến khi mẹ tỉnh dậy. Vậy mà mẹ lại dặn tôi rằng không được kể cho bố, rằng mẹ chỉ thiếp đi một chút thôi, và mẹ sẽ tự dậy được ngay.

Nhưng đến lần thứ hai, mẹ đã không tự dậy được.

Mẹ được chuyển ngay vào Khoa cấp cứu của bệnh viện. Tôi chỉ được bố giải thích là mẹ bị ốm nhẹ, mẹ phải xa tôi một thời gian. Nhưng tôi chẳng tin đâu vì nếu bị ốm nhẹ thì mẹ tôi đâu phải nằm Bệnh viện, và bố tôi đâu phải lo lắng đến rộc cả người thế kia.

Ngày nào tôi cũng được bố đèo vào Bệnh viện thăm mẹ. Dù mệt mỏi nhưng mẹ vẫn tự tay vắt cam, pha sữa cho tôi uống. Mẹ cười rất tươi khi biết tôi vẫn chăm sóc cẩn thận cho những bông hoa ở nhà. Mẹ còn xin phép ông bác sĩ già được tặng vài giống hoa đẹp cho khu vườn của Bệnh viện. Thấy mẹ như vậy, tôi cũng an tâm phần nào. Tôi sà vào lòng mẹ và hỏi:

– Mẹ ơi, mẹ có mệt lắm không? Mẹ phải nhanh khỏi ốm đấy nhé!

Mẹ âu yếm thơm tôi và trả lời:

– Ừ, được rồi, mẹ sẽ nhanh khỏi ốm để đưa con trai mẹ ra vườn chơi.

Thế nhưng lúc về, tôi thấy hình như mắt mẹ đẫm lệ.

Thấm thoát thu qua đông tới, thời gian trôi ngày một nhanh hơn và mẹ tôi ngày một yếu hơn. Vào thăm mẹ, tôi giật mình khi thấy mẹ xanh quá và tóc mẹ rụng từng mảng. Tôi cứ mếu máo ăn vạ mãi nên mọi người đành phải cho tôi ở hẳn Bệnh viện với mẹ. Một lần, trong giấc ngủ mơ màng, tôi loáng thoáng nghe tiếng mẹ thổn thức:

– Anh ơi, em sắp phải đi rồi… Em chẳng tiếc gì đâu, em chỉ tiếc con em thôi… Giá mà em được nhìn thấy con lớn lên, được đưa con đến trường, rồi con mình lấy vợ… Ước gì em sống thêm được vài năm, không, chỉ vài tháng, hay mấy tuần nữa thôi cũng được. Sắp đến Tết rồi, anh nhỉ? Em sẽ dắt con ra chợ mua lá dong về gói bánh chưng, sẽ mua cho con bộ quần áo mới…

Bệnh của mẹ tôi đã vào giai đoạn cuối. Tuy mẹ cố kìm những tiếng rên rỉ nhưng nhìn vẻ mặt mẹ, tôi biết mẹ đang đau đớn đến cùng cực. Tôi nghe trộm được ông bác sĩ già nói với bố:

– Tôi không hiểu vì sao cô ấy có thể trụ vững lâu đến như vậy. Thứ giữ cô ấy sống đến bây giờ không phải là thuốc men nữa rồi. Mà có lẽ… có lẽ là tình yêu thương…

Vì mẹ tôi yếu quá rồi nên mọi người không cho tôi được ở với mẹ nữa. Tôi một mình lầm lũi trở về khu vườn thân quen. Những cơn gió lạnh buốt sục sạo khắp nơi như muốn tiêu diệt nốt các mầm sống còn sót lại. Những bông “hoa mẹ” úa tàn đổ gục xuống, những cánh hoa héo hắt và giập nát phủ dày trên mặt đất, chốc chốc lại bị gió thổi tung lên, bay lả tả. Nhưng kìa, ở giữa khu vườn vẫn còn trơ trụi một bông hoa xinh đẹp, dẫu cành lá đã xiêu vẹo hẳn đi nhưng vẫn bất chấp giá lạnh mà kiên cường sống. Tôi chạy vội tới, dùng cả hai lòng bàn tay che chở cho nụ cười cuối cùng của cuộc đời. Một cơn gió sắc như dao lướt tới, bông hoa xinh khẽ run rẩy rồi gục xuống, trong bàn tay tôi chỉ còn những cánh hoa rời rụng. Tôi oà lên khóc. Mẹ ơi! Mẹ về đi! Con nhớ mẹ quá… Con chẳng thích bánh chưng đâu. Con chẳng thích quần áo mới đâu. Con chỉ cần mẹ thôi…

Một buổi tối, bỗng nhiên mẹ yêu cầu bác sĩ cho tôi được ngủ cùng mẹ. Buổi tối ấy, suốt đời tôi không quên được. Mẹ tôi lại xinh đẹp như ngày xưa, da mẹ hồng hào, mắt mẹ sáng long lanh. Trên khuôn mặt mẹ không còn những nét đau đớn nữa. Mẹ không nói gì cả, mẹ chỉ cười tươi như hoa và ôm tôi vào lòng, thật chặt. Tôi sung sướng áp đầu vào mái tóc thơm ngát của mẹ và ngủ thiếp đi.

Sáng hôm sau, tôi bị đánh thức bởi tiếng gào thét và tiếng chân người chạy cuống cuồng. Tôi mở choàng mắt ra. Mẹ tôi vẫn nằm yên trên giường, miệng thoáng một nụ cười mãn nguyện. Bố tôi quì phục bên mẹ, thân hình cứng đờ như tượng đá. Tôi gào lên gọi mẹ, rồi gọi bố. Nhưng không ai trả lời… Cô y tá vội bế thốc tôi ra khỏi phòng nhưng trước đó, tôi vẫn kịp nhìn thấy vị bác sĩ già lôi từ hàm răng xô lệch của mẹ một chiếc khăn tay rỉ máu:

– Tội nghiệp! Cô ấy muốn thằng bé ngủ yên…

***

Nàng tiên mùa Xuân lại quay về đánh thức cả khu vườn. Những cánh bướm rập rờn nô đùa quanh hàng trăm bông hoa mơn mởn sắc hương. Chăm sóc cho cả vườn hoa ấy bây giờ chỉ còn bố và tôi, còn mẹ tôi lặng lẽ ngụ ở một góc vườn ngắm nhìn hai bố con. Tôi đứng trước những que hương vừa thắp trên mộ mẹ mà lòng chợt thấy bâng khuâng. Được sống mãi trong khu vườn này bên những người thân yêu, đó là tâm nguyện của mẹ. Bố khẽ thở dài và vỗ nhẹ lên vai tôi:

– Đừng buồn nữa con… Mẹ đã bay lên trời rồi nhưng mẹ vẫn yêu thương chúng ta như chúng ta yêu thương mẹ. Vì bố, mẹ và con mãi mãi là một gia đình, phải không?

Tôi im lặng. Một luồng hương ấm áp và thân quen bất chợt toả ra, ôm ấp lấy hai bố con. Mùi hương nhang khói ư, hay hương thơm của cỏ hoa? Hình như không phải… Đây là một hương thơm kỳ lạ: vừa nồng nàn đắm say, vừa nhẹ nhàng thanh khiết, có khi quấn quýt không rời, lúc lại dịu dàng lan toả…

Câu chuyện thứ 3

Ở 1 miền quê hẻo lánh, nơi đó có ng phụ nữ sống 1 mình dù bụng mang dạ chửa.

Vào 1 đêm giông bão chị ta đau bụng dữ dội và hiểu mình sắp sanh. Cô ta quyết định đi xuống thành phố ở khá xa. Để đến thành phố cô ta phải đi qua 1 chiếc cầu nhỏ. Khi đi tới giữa cầu cô ấy đau đến mức ko thể đi nữa. Và cô ấy quyết định luồn xuống gầm cầu và cô ta hạ sinh con mình ở đó. Sáng hôm sau 1 người phu nữ khác đang chạy xe qua cầu thì xe bỗng dưng chết máy, khi xuống xe kiểm tra thì cô nghe tiếng khóc nhỏ vang lên đâu đó. Cô ta xuống dưới chân cầu và phát hiện 1 đứa bé được quấn trong những lớp quần áo dày của người mẹ đã chết vì lạnh và ko có 1 mảnh áo che thân.

Người phụ nữ tốt bụng ấy đem đứa bé về nuôi. Sau này vào sinh nhật lần thứ 10 của nó cô đã kể cho đứa bé câu chuyện đó. Những tưởng đứa bé sẽ khóc sướt mướt nhưng ko, đứa bé chỉ yêu cầu cô dẫn nó tới mộ người mẹ quá cố. Dù trời đang vào mùa đông lạnh giá cô vẫn chở đứa bé đi.

Đến nơi đứa bé bảo cô để đứa bé được ở bên mộ mẹ 1 mình. Cô liền đi ra xa nhưng cô vẫn để mắt tới đứa bé. Đứa bé đứng trước mộ mẹ nó, lần lượt cởi từng lớp áo khoác của mình ra. Cô nghĩ: “Chắc nó ko cởi hết đâu trời đang lạnh thế này mà”. Thế nhưng cậu bé cởi hết quần áo trên người ra đến khi không còn mặc gì nữa. Cô hốt hoảng chạy đến ôm nó, đứa bé vùng ra bật khóc nức nở và ôm mộ mẹ nó mà hỏi: “Mẹ ơi! Bây giờ con có lạnh như mẹ lúc đó không?”…