NHỮNG GIAI THOẠI HUYỀN BÍ LẠ LÙNG VỀ HOÀNG ĐỀ QUANG TRUNG - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

NHỮNG GIAI THOẠI HUYỀN BÍ LẠ LÙNG VỀ HOÀNG ĐỀ QUANG TRUNG - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

ITIT
Tháng sáu 28, 2017 - 10:30
Tháng tư 21, 2024 - 20:02
 0  26
NHỮNG GIAI THOẠI HUYỀN BÍ LẠ LÙNG VỀ HOÀNG ĐỀ QUANG TRUNG - Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

Cũng giống như các vị “thiên tử” khác, xung quanh vị hoàng đế Quang Trung có khá nhiều giai thoại huyền ảo, lạ lùng.

Tranh minh họa hoàng đế Quang Trung.

Khi nói về Hoàng đế Quang Trung, người ta thường nghĩ đến một vị vua bách chiến bách thắng, mưu trí dũng lược vô song với những chiến công oai hùng, với nghệ thuật quân sự thần tốc… Tuy nhiên, cũng giống như các vị “thiên tử” khác, xung quanh vị hoàng đế này có nhiều giai thoại huyền ảo, lạ lùng.

Chuyện lạ về rồng bơi theo trên sông

Vua Quang Trung là vị vua có nhiều tên gọi nhất, hồi nhỏ ông có tên là Hồ Thơm, khi trưởng thành đổi họ Hồ sang họ Nguyễn và lấy tên là Nguyễn Văn Thơm, sau đó được thầy học đổi tên là Nguyễn Huệ. Ngoài ra ông còn có tên khác là Nguyễn Văn Huệ, Nguyễn Quang Bình, Nguyễn Văn Bình; trong số các tên đó thì Nguyễn Huệ là tên được sử dụng phổ biến nhất và được mọi người biết đến nhiều nhất.

Vì theo cách gọi thứ bậc ở miền trong nên khi bé, vị hoàng đế nổi danh triều Tây Sơn này được gọi thân mật là Ba Thơm. Tương truyền Ba Thơm thông minh nhưng rất hiếu động, thường dẫn đầu đám trẻ con chăn trâu bày các trò tinh nghịch.

Chuyện kể rằng một lần cậu bé Thơm cùng các bạn trong thôn thả trâu ăn cỏ ven đường, sau đó kéo nhau lên rừng hái ổi, bắt chim rồi rủ nhau xuống Vực Muồng bơi lội, tắm táp.

Tương truyền rằng khi Hồ Thơm xuống nước, cả đám trẻ rất kinh ngạc thấy mỗi lần Thơm vẫy vùng trong làn nước và bơi ra xa thì có con rồng nước từ đáy vực nổi lên bơi theo như bảo vệ. Đến lúc Thơm bơi vào bờ thì con rồng nước lại lặn biến vào đáy vực sâu.

Tượng Hoàng đế Quang Trung ở Bình Định. (Ảnh: Wikimedia)

Được trời ban cho ấn vàng, gươm bạc

Theo truyền ngôn ở vùng An Khê (nay thuộc thị xã An Khê, tỉnh Bình Định), xưa kia ở thượng nguồn sông Côn thuộc địa bàn sinh sống của người Bana có một thanh gươm thần cắm sâu vào tảng đá lớn, đã nhiều đời nhưng không ai đủ sức mạnh để rút được thanh gươm đó. Người dân tin rằng thanh gươm đó được trời ban xuống nhưng phải là người hiền tài, oai dũng mới có thể lấy được thanh gươm ra.

Một hôm, Nguyễn Huệ trên đường đi tìm chiêu mộ hào kiệt để cùng mưu việc lớn tình cờ đi qua vùng này. Thấy người khách phương xa tướng mạo xuất chúng, ăn nói dễ chịu, có sức thu phục cuốn hút lạ kỳ nên ai cũng đem lòng kính mến.

Khi được người dân dẫn đến chỗ thanh gươm, Nguyễn Huệ ướm bàn tay vạm vỡ vào chuôi gươm rồi rút mạnh, tảng đã bỗng chốc vỡ tan còn thanh gươm xuất hiện sáng lòa. Mọi người vô cùng kinh ngạc trước sức mạnh phi thường của người tráng sĩ, họ đồng lòng quỳ lạy tỏ ý tôn phục.

Sau đó Nguyễn Huệ được rước về buôn làng, người dân mở tiệc khoản đãi, họ quyết định bắt con gà trống lớn để làm thịt mừng khách quý. Theo người dân, con gà này có cái cổ lớn khác thường, nó sống đã trên trăm năm.

Lúc mổ gà, người ta tìm thấy trong bụng nó một cái ấn lớn bằng vàng, cho rằng đây là điềm tốt bèn mang dâng lên cho Nguyễn Huệ. Trước buôn làng, cầm gươm ấn trong tay, Nguyễn Huệ nói rằng: “Nếu gươm, ấn là do trời ban thì ta quyết không phụ lượng cao dầy của trời đất và sự chờ mong của trăm họ”.

Vua Quang Trung đã “thần tốc” kéo quân ra Bắc diệt quân xâm lược Mãn Thanh, bảo vệ độc lập dân tộc.

Rắn lớn đón đường dâng đao quý

Trong “Tây Sơn thập thần vũ khí” (tức mười vũ khí lợi hại của Tây Sơn) không thể không nhắc đến cây thần đao của Nguyễn Huệ. Cây đao này gọi là Ô Long đao, cùng với Huỳnh Long đao của tướng Trần Quang Diệu và Xích Long đao của tướng Lê Sĩ Hoàng được gọi là “Tây Sơn tam thần đao”.

Cây Ô Long đao của Quang Trung đã theo ông trên các trận chiến đánh Đông dẹp Bắc, diệt nội phản, đánh đuổi quân xâm lược Xiêm La và Mãn Thanh. Cây đao này có cán bằng gỗ mun đen nhánh, lưỡi đao được rèn bằng kim khí màu đen, sắc bén vô cùng; khi rút đao ra khỏi vỏ thì khí lạnh tỏa ra. Đao có trọng lượng rất nặng, phải 2 đến 3 người mới vác nổi.

Truyền rằng Nguyễn Huệ có được cây đao này rất kỳ lạ, một hôm ông đi đến khu vực đèo An Khê, bỗng trong rừng xuất hiện hai con rắn mun to lớn, mắt bằng quả dừa có màu xanh ngọc trườn ra đón đường dâng lên thanh đao quý, sau đó cúi đầu từ tạ trở lại rừng.

Có thuyết nói mỗi con rắn ngậm một vật, đó là kiếm vàng và ấn ngọc dâng lên Nguyễn Huệ, ông tin rằng đó là hai sứ giả của Thiên đình vâng lệnh Ngọc hoàng thượng đế ban cho vật báu nên nâng cả hai bảo vật lên ngang trán cung kính cảm tạ trời đất.

Để ghi nhớ sự kiện ấy, sau đó Nguyễn Huệ cho lập một ngôi miếu thờ đôi rắn kia, người dân thường gọi là miếu Xà; còn con đường đôi rắn từ núi bò ra là một đoạn dốc giữa đèo An Khê được gọi là dốc Ông Dài (Ông Dài là từ địa phương chỉ con trăn hoặc rắn lớn).

Chân dung Hoàng đế Quang Trung.

Chữ hiện trên lá cây làm điềm báo

Thời anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ mới khởi nghĩa, bỗng người dân khắp vùng đất Tây Sơn khi vào rừng kiếm củi, săn bắt thì thấy một chuyện lạ, trên các lá cây rừng lớn xuất hiện nhiều chữ. Những người có học đọc được thành câu: “Nguyễn Nhạc vi vương, Nguyễn Huệ vi tướng” (Nghĩa là: Nguyễn Nhạc làm vua, Nguyễn Huệ làm tướng), ai cũng cho là điềm lạ trời báo sự xuất hiện chân chúa cứu đời.

Chuyện lạ đó nhanh chóng được lan truyền, dân chúng khắp vùng Tây Sơn thượng đạo, Tây Sơn hạ đạo cho đến các nơi khác rủ nhau nô nức đi theo anh em họ Nguyễn.

Thực ra đây là một mẹo của Nguyễn Huệ, để thu hút quần chúng và lấy uy tín dựa trên những điềm báo thần kỳ mà người đương thời tin tưởng, ông đã lập kế học theo cách của vua Lê Thái Tổ khi xưa, bí mật sai người dùng mỡ viết chữ lên lá rừng, kiến ăn mỡ đục lá thành điềm trời báo để quần chúng kính phục. Chính vì thế ngày nay ở vùng Tây Sơn, Bình Định vẫn lưu truyền câu ca:

“Nguyễn Nhạc vi vương,

Nguyễn Huệ vi tướng”

Kiến trổ lá rừng

Trời trưng gươm báu…”.

Hoàng đế Quang Trung là thiên tài trong cả quân sự và ngoại giao.

Đây là một cách thu phục lòng dân rất đặc biệt, lá được kiến đục trổ thành chữ khi rụng xuống, theo dòng suối chảy về xuôi làm điềm trời báo cho dân. Nguyễn Huệ còn cho người thân tín dùng dao vạt các thân cây cổ thụ rồi khắc trên đó 8 chữ này cũng như để làm điềm trời báo về thiên mệnh đế vương của anh em nhà Tây Sơn vì thế cũng có câu rằng:

“Ai vô rừng cấm

Thấy tấm biển đề:

“Nguyễn Nhạc vi vương,

Nguyễn Huệ vi tướng”

Đồn đại bốn phương

Tây Sơn dấy nghĩa”.

Trên đây chỉ là một vài giai thoại về một vị vua triều Tây Sơn, những chuyện kỳ lạ này cũng giống như những câu chuyện ly kỳ khác về các vị vua trong lịch sử Việt Nam, nó tô điểm thêm những nét huyền bí về các bậc đế vương được tôn xưng là “thiên tử” (con trời), nhất là đối với Nguyễn Huệ, những sáng tác dân gian về ông chính là cách thể hiện tình cảm tin yêu, kính trọng người anh hùng áo vải cờ đào đã “giúp dân xây dựng xiết bao công trình” (Ai tư vãn).

Theo Lê Thái Dũng (Kiến Thức)