NHỮNG MÔN HỌC KHÁC LẠ Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

NHỮNG MÔN HỌC KHÁC LẠ Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

ITIT
Tháng mười hai 14, 2019 - 23:43
Tháng tư 17, 2024 - 10:51
 0  19
NHỮNG MÔN HỌC KHÁC LẠ Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội

Tranh luận, trí tuệ nhân tạo, yoga, đạo đức… là những môn học tại một số quốc gia giúp trẻ em hiểu rõ bản thân và nắm bắt cuộc sống xung quanh.

TrangBright Sideliệt kê 10 môn học thú vị, khác lạ được dạy tại một số quốc gia trên thế giới như Đức, Anh, Mỹ, Việt Nam.

1. Đức: Hạnh phúc

Thông qua môn Hạnh phúc, trẻ em Đức sẽ học cách sống hòa hợp với bản thân, con người và thiên nhiên. Môn học này được đưa vào chương trình học tại hơn 100 trường phổ thông. Đặc biệt tại thành phố Heidelberg, hiệu trưởng các trường sẽ trực tiếp đứng lớp dạy môn này.

Tại môn học Hạnh phúc, học sinh không phải làm bài kiểm tra nhưng đều cố gắng biến dự án trao gửi lòng tốt thành hiện thực. Ví dụ, các em sẽ tham gia hoặc trở thành tình nguyện viên tại các câu lạc bộ, tổ chức hoặc sự kiện từ thiện.

Hiện nay, không chỉ Đức, khóa học Hạnh phúc được đưa vào dạy ở nhiều quốc gia như Bhutan, Crete và Australia.

Ảnh:East News.

2. Mỹ: Khám phá

Môn Khám phá không được giảng dạy tại các trường phổ thông, thay vào đó học sinh sẽ đi thực tế tại địa phương. Môn học này được dạy mỗi tuần một lần với thời gian năm tiếng. Trong thời gian học, học sinh sẽ tham quan, quan sát những công ty, tổ chức hoạt động tại địa phương bao gồm trang trại, siêu thị, nhà hàng, nhà máy xử lý chất thải.

Sau mỗi chuyến đi, giáo viên và học sinh sẽ cùng nhau thảo luận những bài học rút ra. Ví dụ, nếu chủ đề ngày hôm đó là thực phẩm, học sinh sẽ đến thăm trang trại, tìm hiểu thực phẩm được trồng ở đâu, như thế nào và giá trên thị trường của từng loại. Khi đã nắm rõ thông tin, học sinh có thể tự đi mua thực phẩm, chế biến món ăn và thưởng thức tại lớp.

3. Tây Ban Nha: Trao đổi

Đây là môn học bắt buộc dành cho học sinh từ 3 tuổi đến hết trung học, nằm trong chương trình giáo dục phổ thông tại Tây Ban Nha. Các bài học được xây dựng trên tinh thần thoải mái, ấm áp. Học sinh sẽ cùng nhau xem phim và thảo luận về các tình huống như cách giao tiếp, cách giải quyết vấn đề. Ngoài ra, học sinh sẽ được học cách kiểm soát cảm xúc, lắng nghe mọi người xung quanh và tổ chức thảo luận một đề tài nóng mỗi tuần.

Môn học này cũng được giảng dạy tại Israel. Đầu tiên học sinh sẽ chia sẻ những điều quan tâm, lo lắng, sau đó cả lớp sẽ cùng nhau thảo luận tìm ra giải pháp cho vấn đề cá nhân.

4. Thuỵ Điển: Chăm sóc gia đình và Nhập vai khách hàng

Trẻ em Thuỵ Điển được đối xử như những người trưởng thành, cả nam và nữ đều phải học về cách chăm lo và quản lý gia đình bao gồm may vá, sửa chữa đồ đạc trong nhà, nấu ăn. Các em cũng sẽ học về giá trị dinh dưỡng, thói quen ăn uống lành mạnh, tính toán chất dinh dưỡng cần có trong một bữa cơm và lập ngân sách chi tiêu trong gia đình.

Trong môn học này, học sinh sẽ được học cách tiết kiệm và tự lập. Cùng với kỹ năng quản lý gia đình, học sinh sẽ thử đóng vai khách hàng tham gia vào tất cả hoạt động, dịch vụ ngoài xã hội. Từ đó, các em sẽ nắm rõ quyền lợi riêng của bản thân và cách đấu tranh bảo vệ quyền lợi khi mua sắm hoặc dịch vụ công.

5. Anh: Khóa học trong rừng

Quy tắc sinh tồn trong rừng là điều rất quan trọng mà học sinh Vương quốc Anh phải nắm rõ từ khi còn nhỏ. Tham gia khóa học trong rừng, học sinh sẽ học cách định hướng, đốt lửa, dựng trại, phân biệt thực vật có hại hoặc không. Thông thường các trường học Anh sẽ được xây dựng cách khu rừng gần nhất 10 phút đi bộ để học sinh có thể thường xuyên tham gia các khóa học này.

6. Hà Lan, Israel: Tranh luận

Tại Hà Lan, khóa học tranh luận sẽ được tổ chức trong các môn học về ngôn ngữ. Học sinh một lớp sẽ chia thành hai đội, cùng nhau tranh luận, bày tỏ quan điểm về một chủ đề được giáo viên định sẵn. Các đội sẽ luân phiên đổi vị trí cho nhau để học sinh đưa ra ý kiến.

Trong cuộc tranh luận, giáo viên sẽ quan sát và can thiệp ngay lập tức nếu học sinh có hành động vượt quá quy định để bảo vệ luận điểm của mình. Từ đó, các em sẽ học cách nhìn nhận vấn đề theo hai mặt, học cách khoan dung và chấp nhận những ý kiến trái chiều.

Môn học này cũng được dạy ở Israel. Học sinh sẽ thảo luận về kỹ thuật, nội dung, ngôn ngữ cơ thể và cảm xúc khi bày tỏ quan điểm trong cuộc tranh luận.

7. Trung Quốc: Trí tuệ nhân tạo

Trí tuệ nhân tạo (AI) được dạy tại các trường tiểu học và trung học Trung Quốc. Đây là môn học mới, được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông tại quốc gia này bắt đầu từ năm 2019. Sách giáo khoa AI gồm 10 cuốn, học sinh sẽ học về lịch sử phát triển của AI và cách sử dụng AI bao gồm thiết bị nhận dạng khuôn mặt, lái xe tự động, sản phẩm thông minh trong gia đình. Ngoài lý thuyết, trẻ em sẽ học chế tạo robot hoặc viết code.

8. Anh, Australia, Mỹ: Yoga

Với tình trạng căng thẳng gia tăng trong học sinh, khóa học Yoga ngày càng trở nên quan trọng tại Anh, Australia và Mỹ. Môn Yoga được dạy 2 lần một tuần, mỗi giờ học kéo dài 40 phút. Để giảng dạy bộ môn này, giáo viên phải trải qua chương trình đào tạo trong sáu tuần.

Trẻ em sẽ ngồi thiền trong vài phút để bình tĩnh và rèn luyện tính kiên nhẫn. Thanh thiếu niên học cách đối phó với xung đột, xích mích trong nhóm, khả năng diễn đạt bằng cảm xúc và giữ bình tĩnh để giải quyết vấn đề.

Ảnh:East News.

9. Thổ Nhĩ Kỳ: Khoa học sự sống

Trong ba năm học đầu tiên, trẻ em Thổ Nhĩ Kỳ sẽ học bốn môn chính bao gồm ngôn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ, Toán học, Ngoại ngữ và Hayat Bilgisi, hay còn gọi là Khoa học sự sống. Trong bộ môn này, học sinh sẽ tìm hiểu về thế giới bao gồm chăm sóc sức khỏe, thiên nhiên, tôn trọng mọi người xung quanh, những sự kiện đang diễn ra trong và ngoài nước.

Giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh các nghi thức xã giao và quy tắc khi đến thăm nhà người khác. Đến năm học thứ tư, môn học này được thay thế bằng các môn nghiên cứu khoa học và xã hội.

10. Việt Nam: Đạo đức

Khi bắt đầu đi học vào năm 6 tuổi, trẻ em Việt Nam sẽ được dạy về các khái niệm đạo đức, tốt – xấu trong xã hội. Mục đích của môn học là giáo dục cho trẻ về ý thức, hành vi, thái độ, tình cảm đối với bản thân và mọi người xung quanh. Giáo viên vừa chỉ ra các hành vi, thái độ đúng đắn, vừa giải thích từng vấn đề để học sinh có thể tiếp thu, nhận ra giá trị tích cực và thực hiện theo.

Tú Anh(TheoBright Side)