Ôn thi vào 10 môn Toán: 4 DẠNG TOÁN QUAN TRỌNG Ở HKII LIÊN QUAN ĐẾN KỲ THI VÀO 10 – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội
Ôn thi vào 10 môn Toán: 4 DẠNG TOÁN QUAN TRỌNG Ở HKII LIÊN QUAN ĐẾN KỲ THI VÀO 10 – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội
Học sinh cần đặc biệt chú ý 4 dạng toán là giải bài toán bằng cách lập phương trình, hệ phương trình; tam thức bậc 2 và đồ thị hàm số; góc trong đường tròn và tứ giác nội tiếp; hình học không gian.“Những phần này rất quan trọng vì thường chiếm 6 – 6,5 điểm trên tổng điểm 10, tương đương với 60 – 65% trọng số điểm của cả bài thi. Nhưng qua đó cũng cho thấy nếu ở học kì I các em học chưa chắc kiến thức thì vẫn có thể cải thiện và kéo điểm nhờ việc tập trung học chắc ở học kì này.”.
Dạng 1: Giải bài toán bằng cách lập phương trình, hệ phương trình
Trong đề thi học kì II cũng như đề thi vào 10, giải bài toán bằng cách lập phương trình và hệ phương trình sẽ chiếm 2 điểm. Muốn làm tốt dạng toán này học sinh cần đảm bảo thực hiện được các bước sau:
– Tóm tắt được bài toán, xác định được mối quan hệ của 3 đại lượng (thường là quãng đường – vận tốc – thời gian; tổng sản phẩm – năng suất – thời gian;…). Trong 3 đại lượng sẽ có 2 mối quan hệ tỉ lệ thuận và 1 mối quan hệ tỉ lệ nghịch.
– Xác định được trạng thái của bài toán (đi và về; xuôi và ngược; dự định và thực tế;…).
Bài toán nào thuộc dạng này cũng có thể áp dụng nguyên tắc trên để làm. Nên lập bảng bao gồm mối quan hệ giữa 3 đại lượng (tỉ lệ nghịch, tỉ lệ thuận), trạng thái bài toán, qua đó sẽ tìm được hướng giải.
Tiếp theo là kỹ năng giải phương trình và hệ phương trình, ở học kì I học sinh đã được học rồi. Vì vậy cần chủ động ôn luyện lại để nắm được kỹ năng làm bài.
Một số lỗi học sinh cần tránh khi làm dạng bài này như gọi ẩn thì phải có đơn vị, tìm điều kiện cho ẩn; các biểu thức phải quy đổi về chung 1 đơn vị; đối chiếu kết quả với điều kiện của ẩn, điều kiện của đề bài xem có thỏa mãn hay không; cuối cùng là kết luận. “Dạng bài này kết luận chiếm khoảng 0,25 điểm nên quên kết luận là mất điểm!”.
Dạng 2: Tam thức bậc 2 và đồ thị hàm số
Tam thức bậc 2 và đồ thị hàm bậc 2 có mối quan hệ xuyên suốt và gắn bó với nhau, thường chiếm 1 – 1,5 điểm trong bài thi.
Đối với tam thức bậc 2 (ax^2+bx+c=0), khi làm bài cần xác định được điều kiện có nghiệm của tam thức bậc 2 là gì; công thức nghiệm là gì; nếu a.c trái dấu thì suy luôn ra được phương trình có 2 nghiệm phân biệt. Đặc biệt cần biết cách áp dụng định lí Vi-et vào tính giá trị biểu thức hoặc biểu diễn giá trị biểu thức của 2 nghiệm x1, x2 theo m.
Với đồ thị hàm bậc 2 (đồ thị parabol), cần vẽđược đúng và chính xác đồ thị hàm số; dựa vào đồ thị đó đọc được tọa độ giao điểm của đường thẳng và parobol; tính được diện tích tam giác, chu vi tam giác,…Lưu ý phần đặt điều kiện và vẽ parabol cho đúng.
Dạng 3: Góc trong đường tròn và tứ giác nội tiếp
Nhiều học sinh rất lúng túng khi làm dạng bài này trong khi đây là phần rất dễ để trình bày và lấy điểm. Muốn đạt tối đa 3 điểm phần hình này, học sinh cần phải:
– Nắm được các định nghĩa cơ bản.
– Hiểu được định lí: Từ đâu mà suy ra được định lí đó, gắn kết các định lí với nhau để vận dụng vào làm bài, qua đó linh hoạt áp dụng nó vào giải các bài toán tương tự.
– Tích lũy bổ đề: Bổ đề giống như những “biển báo đi đường”. Tích lũy được càng nhiều bổ đề thì làm bài càng nhanh, càng chính xác. Tuy nhiên cần kết nối được các bổ đề lại với nhau, phân chia theo từng dạng để dễ dàng vận dụng vào quá trình làm bài.
“Cố gắng gắn kết, xâu chuỗi các kiến thức với nhau thì khi làm bài sẽ tư duy rất nhanh, vận dụng kiến thức nhanh kể cả gặp bài toán khó. Vì bản chất của bài toán khó là sự xâu chuỗi của 2-3 bài toán dễ. Không có một bài toán khó nào tự nhiên sinh ra mà đều có nền tảng xuất phát từ những bài toán dễ đi lên.
Với những bạn còn gặp khó khăn trong học hình thì hãy chịu khó làm các bài tập cơ bản, nhất là những bài mang ý nghĩa bổ đề như bài toán phân tích, bài toán liên quan đến đường cao, trực tâm,…“
Dạng 4: Hình học không gian
Xu hướng ra đề thi vào 10những năm gần đầy là ra đề toán thực tế liên quan đến hình học không gian. “Năm trước chưa có thì năm nay vẫn cần học vì không loại trừ khả năng sẽ ra những bài toán liên quan đến dạng này.Bài học xương máu mà rất nhiều anh chị khóa trước đã gặp phải là gặp một bài toán rất cơ bản, có đầy đủ dữ kiện nhưng không làm được vì không biết công thức“.
Để tránh bỏ sót kiến thức, học sinh nên bổ sung phần toán thực tế và hình học không gian vào nội dung ôn luyện. Học từ những kiến thức cơ bản, trong đó phải nắm được các công thức tính diện tích, thể tích các hình khối – nón – trụ – cầu.
1 câu toán thực tế liên quan đến hình không gian(đề tuyển sinh lớp 10 TP. HCM năm 2019)
Tăng tốc luyện đề – Bứt phá điểm thi vào 10
Bên cạnh việc học chắc kiến thức các chuyên đề trên ở học kì II, học sinh cũng cần kết hợp với việc luyện đề. Có thể tham khảo và luyện đề học kì II, đề thi vào lớp 10 của tỉnh/thành mình trong 1-2 năm trở lại đây. Tuy nhiên xu hướng ra đề hiện nay là bổ sung các câu mới, dạng mới vì vậy các đề đó có thể không phản ánh hết được những nội dung sẽ có trong đề thi, ví dụ như toán thực tế và hình không gian. Cho nên học sinh cần chủ động bổ sung kiến thức mới cho mình.
Trong quá trình luyện đề, học sinh chú ý phải rèn kỹ năng trình bày, làm đến đâu chắc đến đó. Ví dụ quên điều kiện, quên kết luận – đó là những lỗi sai cơ bản không bao giờ được phép lặp lại lần hai. Tiếp đó làxác định được kiến thức mình bị hổng là gì. Trong đề mình không làm được câu nào thì phải xem lại đáp án, học lại, làm lại đến khi nào luyện đề đó được 9 – 10 điểm thì thôi.
Để biết thêm thông tin chi tiết về trường THCS Đào Duy Từ quý vị phụ huynh liên hệ theo số điện thoạivăn phòng THCS Đào Duy Từ: (024)35545231
Thông tin tuyển sinh xem tại:Tuyển sinh
Link đăng kí tuyển sinh Online:ĐĂNG KÍ TUYỂN SINH
Thông tin giới thiệu về nhà trường xem tại:THCS ĐÀO DUY TỪ