Ôn thi vào 10 môn Văn: ĐOẠN TRÍCH “CHỊ EM THUÝ KIỀU” (“TRUYỆN KIỀU” – NGUYỄN DU) – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội
Ôn thi vào 10 môn Văn: ĐOẠN TRÍCH “CHỊ EM THUÝ KIỀU” (“TRUYỆN KIỀU” – NGUYỄN DU) – Trường THCS Đào Duy Từ Hà Nội
Chuyên đề 3: CHỊ EM THÚY KIỀU
(Trích Truyện Kiều)
Nguyễn Du
I. Tìm hiểu chung
1. Vị trí đoạn trích
Nằm ở phần đầu Truyện Kiều, giới thiệu gia cảnh nhà Vương viên ngoại. Sau 4 câu thơ nói về gia đình họ Vương “Có nhà viên ngoại họ Vương/ Gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung/ Một trai con rốt thứ lòng/ Vương quan là chữ nối dòng nho gia” (bậc trung lưu, con trai út là Vương Quan), tác giả dành 24 câu thơ để tập trung nói về tài sắc của Thúy Kiều, Thúy Vân. (Câu 15 đến câu 38)
2. Bố cục đoạn trích
– 4 câu đầu : Giới thiệu khái quát hai chị em Thúy Kiều.
– 4 câu tiếp theo : Gợi tả vẻ đẹp Thúy Vân.
– 12 câu tiếp theo : Gợi tả vẻ đẹp Thúy Kiều .
– 4 câu cuối : Cuộc sống của 2 chị em.
–> Bố cục hợp lí : Tác giả tập trung miêu tả kĩ nhân vật Thúy Kiều vì vậy đây là nhân vật chính của truyện, nhân vật Thúy Vân chỉ làm nền cho Thúy Kiều.
II. Tìm hiểu chi tiết văn bản
1.Giới thiệu vẻ đẹp của 2 chị em
– Nội dung
+ Tố nga: người con gái đẹp.
+ Mai cốt cách tuyết tinh thần: hai chị em có cốt cách thanh cao duyên dáng như mai, tâm hồn trong trắng như tuyết.
+ Vẻ đẹp mỗi người một khác : “Mỗi người một vẻ” nhưng hoàn hảo “ mười phân vẹn mười”.
– Nghệ thuật :
+ Bút pháp ước lệ gợi tả vẻ đẹp chung và riêng
+ Giới thiệu ngắn gọn nhưng nổi bật đặc điểm 2 chị em Thúy Kiều.
(Khi viết nên đan xen giữa nội dung và nghệ thuật).
2. Vẻ đẹp Thúy Vân
– Câu thơ đầu khái quát: “trạng trọng”: vẻ đẹp cao sang quý phái.
– Vẻ đẹp này được so sánh với hình ảnh thiên nhiên: trăng, hoa, ngọc, mây, tuyết.
– Nghệ thuật: ước lệ
+ Liệt kê: khuôn mặt, đôi mày, mái tóc, làn da, nụ cười, giọng nói.
+ Sử dụng từ ngữ làm nổi bật vẻ đẹp: đầy đặn, nở nang, đoan trang.
+ So sánh, ẩn dụ: khuôn mặt đầy đặn tròn trịa như trăng; đôi lông mày đậm sắc như con ngài, nụ cười tươi như hoa; giọng nói trong như ngọc, nói lời hay ý đẹp, mái tóc bồng bềnh nhẹ hơn mây, nước da trắng như tuyết.
–> Vẻ đẹp tạo sự hòa hợp, êm đềm với xung quanh “mây thua”, “tuyết nhường” dự báo cuộc đời bình lặng suôn sẻ.
3. Vẻ đẹp Thúy Kiều
*Giống như lúc tả Vân :
– Câu thơ đầu khái quát đặc điểm nhân vật : Kiều sắc sảo về trí tuệ và mặn mà về tâm hồn
– Gợi tả vẻ đẹp của Kiều bằng biện pháp ước lệ : “thu thủy” ( nước mùa thu ), “xuân sơn” ( núi mùa xuân ), hoa, liễu.
– Đồng thời tác giả đã sử dụng nghệ thuật so sánh để gợi tả vẻ đẹp của một giai nhân tuyệt thế.
* Khác :
– Tả vân rất nhiều chi tiết về ngoại hình còn tả Kiều tác giả tập trung gợi tả vẻ đẹp của đôi mắt :
+ Làn thu thủy : làn nước mùa thu dợn sóng gợi lên sống động vẻ đẹp của đôi mắt trong sáng, long lanh , linh hoạt…
+ Nét xuân sơn – nét núi mùa xuân lại gợi lên đôi lông mày thanh tú, trên gương mặt trẻ trung.
– Khi tả Vân tác giả chỉ tập trung gợi tả nhan sắc mà không thể hiện cái tài, cái tình của người. Khi tả Kiều nhà thơ tả sắc một phần còn hai phần để tả tài năng : cầm, kì, thi , họa… Trong đó tài đàn đã là sở trường, năng khiếu (nghề riêng) vượt lên trên mọi người.
– Vẻ đẹp của Kiều là sự kết hợp của cả sắc – tài – tình : “Nghiêng nước nghiêng thành”. Tác giả dùng câu thành ngữ cổ để khẳng định nhan sắc của nàng là vô địch, là đệ nhất thế gian này.
–> Chân dung Thúy Kiều cũng là chân dung mang tính cách số phận. Vẻ đẹp của Kiều làm cho tạo hóa phải ghen ghét, các vẻ đẹp khác phải đố kị – “hoa ghen”, “liễu hơn” – nên số phận nàng sẽ éo le, đau khổ.
* Chân dung Thúy Vân được miêu tả trước để làm nổi bật lên chân dung của Thúy Kiều ( thủ pháp nghệ thuật đòn bảy). Nguyễn Du chỉ dành 4 câu để gợi tả Vân, dành tới 12 câu thơ để cực tả vẻ đẹp của Kiều. Vẻ đẹp của Vân chủ yếu là ở ngoại hình còn ở vẻ đẹp Kiều là cả nhan sắc, tài năng, tâm hồn.
4. Nếp sống thường ngày của chị em Kiều
– Phong lưu: cuộc sống trong một gia đình gia giáo.
– Cập kê: đang trong độ tuổi lập gia đình.
– Thành ngữ “trướng rủ màn che”: nói về cuộc sống kín đáo của con nhà gia giáo, sống trong 4 bức tường khép kín để học nữ công, nữ tắc.
– Ong bướm: là hình ảnh ẩn dụ nói về những kẻ tán tỉnh chị em phụ nữ.
– “mặc ai” :
+Không quan tâm không để ý.
+Đồng thời nêu lên vấn đề với tính cách và vẻ đẹp của Vân – Kiều thì bên ngoài tự nhiên có “mặc kệ” mãi được không.
III. Tổng kếtGhi nhớ Sgk-T83
1. Cảm hứng nhân đạo của Nguyễn Du.
– Đề cao giá trị con người, nhân phẩm, tài năng, khát vọng, ý thức về thân phận cá nhân.
– Nguyễn Du trân trọng cái đẹp đồng thời lo lắng cho số phận của những con người tài hoa nhan săc, thể hiện tấm lòng nhân đạo bao la của đại thi hào Nguyễn Du.
2. Nghệ thuật
– Bút pháp ước lệ, ẩn dụ , so sánh.
– Tả khái quát tả chi tiết, cụ thể về nhân vật.
– Bút pháp : phương pháp đòn bẩy. Có sự kết hợp giữa yếu tố tự sự + miêu tả.